Hội chứng suy nút xoang: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Nút xoang là một nhóm tế bào chuyên biệt nằm ở buồng trên bên phải của tim (tâm nhĩ phải), có chức năng kiểm soát nhịp tim. Bình thường, nút xoang tạo ra nhịp độ xung điện ổn định. Nhịp độ thay đổi tùy thuộc vào mức độ vận động, cảm xúc, nghỉ ngơi và các yếu tố khác.
Khi bị hội chứng suy nút xoang, các tín hiệu điện có nhịp độ bất thường. Nhịp tim có thể trở nên quá nhanh, quá chậm, bị gián đoạn bởi những khoảng ngừng dài hoặc những vấn đề này xảy ra xen kẽ. Hội chứng suy nút xoang không phải vấn đề phổ biến nhưng nguy cơ mắc sẽ tăng dần theo tuổi tác.
Nhiều người mắc hội chứng suy nút xoang phải cấy máy tạo nhịp tim để giữ cho tim hoạt động nhịp nhàng.
Triệu chứng hội chứng suy nút xoang
Hầu hết những người mắc hội chứng suy nút xoang đều có rất ít hoặc không có triệu chứng. Nếu có, các triệu chứng cũng thường chỉ nhẹ hoặc xuất hiện thoáng qua rồi tự biến mất nên người bệnh không để ý.
Các dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng suy nút xoang gồm có:
- Mệt mỏi
- Chóng mặt, choáng váng
- Ngất hoặc có cảm giác nhu sắp ngất
- Khó thở
- Đau hoặc khó chịu ở vùng ngực
- Đầu óc mơ hồ, không minh mẫn
- Nhịp tim chậm
- Tim đập nhanh hơn bình thường, mạnh trong lồng ngực (đánh trống ngực)
Khi nào cần đi khám?
Đi khám nếu nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào của hội chứng suy nút xoang. Những triệu chứng này có thể là do nhiều tình trạng bệnh lý gây ra nên phải chẩn đoán chính xác nguyên nhân và điều trị kịp thời.
Nếu bị đau ngực hay có các dấu hiệu khác nghi là nhồi máu cơ tim thì phải gọi cấu cứu ngay lập tức.
Nguyên nhân gây hội chứng suy nút xoang
Tim gồm có bốn ngăn - hai ngăn trên (tâm nhĩ) và hai ngăn dưới (tâm thất). Nhịp tim bình thường được kiểm soát bởi nút xoang - một nhóm tế bào chuyên biệt nằm ở tâm nhĩ phải.
Nút xoang tạo ra các tín hiệu điện làm cho tim đập. Từ nút xoang, các tín hiệu điện đi qua tâm nhĩ đến tâm thất, làm cho tâm thất co bóp và bơm máu đến phổi và phần còn lại của cơ thể.
Ở những người bị hội chứng suy nút xoang, nút xoang không hoạt động bình thường, khiến tim đập quá chậm (nhịp tim chậm), quá nhanh (nhịp tim nhanh) hoặc không đều.
Các vấn đề về nút xoang gồm có:
- Nhịp xoang chậm: Nút xoang tạo ra tín hiệu điện với tốc độ chậm hơn bình thường.
- Ngừng xoang: Các tín hiệu điện từ nút xoang tạm dừng, dẫn đến tim đập bỏ nhịp.
- Block đường ra xoang nhĩ: Tín hiệu điện đến các buồng tim phía trên bị chậm lại hoặc bị chặn, gây ra hiện tượng tim tạm ngừng đập hoặc đập bỏ nhịp.
- Mất khả năng tăng nhịp tim: Nhịp tim không tăng khi hoạt động thể chất.
- Nhịp tim thất thường: Nhịp tim lúc quá chậm lúc lại quá nhanh và thường có khoảng dừng dài (vô tâm thu) giữa các nhịp tim.
Nguyên nhân gây ra vấn đề về nút xoang
Các vấn đề về nút xoang có thể là do
những nguyên nhân sau:- Lão hóa mô tim
- Bệnh tim mạch
- Các bệnh lý viêm ảnh hưởng đến tim mạch
- Tổn thương nút xoang hoặc sẹo do phẫu thuật tim
- Thuốc điều trị cao huyết áp, gồm có thuốc chẹn kênh canxi và thuốc chẹn beta
- Thuốc điều trị rối loạn nhịp tim
- Một số loại thuốc điều trị bệnh Alzheimer
- Các bệnh thần kinh cơ, chẳng hạn như chứng loạn dưỡng cơ
- Ngưng thở khi ngủ
- Đột biến gen hiếm gặp
Ai có nguy cơ bị hội chứng suy nút xoang?
Hội chứng suy nút xoang có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến nhất ở những người từ 70 tuổi trở lên. Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch cũng làm tăng nguy cơ mắc hội chứng suy nút xoang, chẳng hạn như:
- Cao huyết áp
- Cholesterol cao
- Thừa cân
- Lối sống ít vận động
Biến chứng của hội chứng suy nút xoang
Khi nút xoang có vấn đề, tim sẽ không thể hoạt động tốt như bình thường và điều này có thể dẫn đến:
- Rung nhĩ – tình trạng tim đập rất nhanh và có thể dẫn đến hình thành cục máu đông
- Suy tim
- Đột quỵ
- Ngừng tim
Chẩn đoán hội chứng suy nút xoang
Bác sĩ sẽ khám lâm sàng và hỏi về các triệu chứng cũng như tiền sử bệnh.
Các triệu chứng của hội chứng suy nút xoang, chẳng hạn như chóng mặt, khó thở và ngất chỉ xảy ra khi tim đập bất thường. Các triệu chứng này có thể sẽ không xuất hiện khi đi khám.
Để xác định xem các triệu chứng có liên quan đến vấn đề về nút xoang và chức năng tim hay không, bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp chẩn đoán sau:
- Điện tâm đồ (ECG): Các cảm biến (điện cực) được gắn ở ngực và chân của bệnh nhân để đo và ghi lại các tín hiệu điện truyền qua tim. Phương pháp này giúp phát hiện những bất thường về nhịp tim – dấu hiệu chỉ ra hội chứng suy nút xoang, chẳng hạn như nhịp tim nhanh, nhịp tim chậm hoặc nhịp tim tạm ngừng sau nhịp tim nhanh.
- Máy Holter điện tâm đồ: Máy Holter là một thiết bị đo điện tim di động được bệnh nhân mang trong túi hoặc đeo trên người. Thiết bị này tự động ghi lại hoạt động của tim trong 24 đến 72 giờ, giúp bác sĩ đánh giá chính xác nhịp tim của bệnh nhân.
- Máy ghi biến cố: Cũng là một loại thiết bị đo điện tim di động nhưng được đeo lên đến một tháng, giúp bác sĩ xác định các triệu chứng và nhịp tim của bệnh nhân. Khi nhận thấy các triệu chứng, bệnh nhân nhấn nút trên thiết bị và thiết bị sẽ lưu lại một bản ghi điện tim ngắn.
- Các thiết bị đo điện tim khác: Một số thiết bị cá nhân, chẳng hạn như đồng hồ thông minh, có tính năng theo dõi điện tâm đồ.
- Cấy máy theo dõi nhịp tim dài hạn: Một thiết bị nhỏ theo dõi điện tâm đồ được cấy ngay dưới da ở vùng ngực và sẽ liên tục theo dõi hoạt động điện của tim trong thời gian dài. Thiết bị này đặc biệt phù hợp cho những trường hợp mà các triệu chứng không thường xuyên xuất hiện.
Thăm dò điện sinh lý tim
Phương pháp này hiếm khi được sử dụng để tầm soát hội chứng suy nút xoang nhưng trong một số trường hợp, thăm dò điện sinh lý tim giúp kiểm tra chức năng của nút xoang cũng như hoạt động điện của tim.
Trong quá trình thăm dò điện sinh lý tim, ống thông có gắn điện cực được luồn qua mạch máu đến các điểm khác nhau dọc theo đường truyền dẫn điện trong tim. Khi vào đúng vị trí, các điện cực sẽ lập bản đồ chính xác cho thấy sự truyền dẫn xung điện trong mỗi nhịp đập của tim và giúp xác định nguồn gốc của các vấn đề về nhịp tim.
Điều trị hội chứng suy nút xoang
Mục đích chính của việc điều trị là làm giảm hoặc chấm dứt các triệu chứng và kiểm soá các bệnh lý góp phần gây ra hội chứng suy nút xoang.
Nếu không có triệu chứng, người bệnh có thể chưa cần điều trị mà chỉ cần tái khám định kỳ theo lịch để theo dõi tình trạng bệnh. Đối với những trường hợp có triệu chứng, phương pháp điều trị thường là cấy máy tạo nhịp tim. Nếu chỉ có triệu chứng nhẹ hoặc triệu chứng không xuất hiện thường xuyên, quyết định có sử dụng máy tạo nhịp tim hay không sẽ phụ thuộc vào kết quả điện tâm đồ, tình trạng sức khỏe tổng thể của bệnh nhân và nguy cơ mắc các bệnh nghiêm trọng hơn.
Đổi thuốc
Bác sĩ sẽ kiểm tra các loại thuốc mà bệnh nhân hiện đang dùng để xem có loại thuốc nào ảnh hưởng đến chức năng của nút xoang hay không, chẳng hạn như một số loại thuốc điều trị cao huyết áp hoặc bệnh tim mạch. Nếu có, bác sĩ sẽ yêu cầu đổi thuốc hoặc điều chỉnh liều lượng thuốc.
Cấy máy tạo nhịp tim
Hầu hết những người mắc hội chứng suy nút xoang đều phải cấy máy tạo nhịp tim vĩnh viễn để duy trì nhịp tim bình thường. Máy tạo nhịp tim là một thiết bị điện tử nhỏ, chạy bằng pin và được cấy dưới da gần xương đòn. Máy tạo nhịp tim tạo ra xung điện kích thích cơ tim để giữ cho tim đập bình thường.
Loại máy tạo nhịp tim cần sử dụng tùy thuộc vào loại rối loạn nhịp tim mà bệnh nhân mắc phải. Một số loại rối loạn nhịp tim có thể điều trị bằng máy tạo nhịp tim một buồng, chỉ sử dụng một dây dẫn trong tâm nhĩ phải để điều hòa nhịp tim. Tuy nhiên, hầu hết những người bị hội chứng suy nút xoang đều nên cấy máy tạo nhịp tim hai buồng. Một dây dẫn được đặt trong tâm nhĩ phải để kích thích các buồng trên của tim và một dây dẫn được đặt trong trong tâm thất phải để kích thích các buồng dưới củ tim.
Bệnh nhân có thể hoạt động bình thường hoặc gần như bình thường khi đã hồi phục hoàn toàn sau ca phẫu thuật cấy máy tạo nhịp tim. Mặc dù có thể xảy ra một số vấn đề không mong muốn sau khi phẫu thuật cấy máy tạo nhịp tim, chẳng hạn như sưng tấy hoặc nhiễm trùng ở khu vực cấy máy tạo nhịp tim nhưng nguy cơ xảy ra những vấn đề này là rất thấp.
Điều trị nhịp tim nhanh
Nếu hội chứng suy nút xoang gây nhịp tim nhanh, bệnh nhân sẽ cần thêm các phương pháp điều trị khác để điều hòa nhịp tim:
- Dùng thuốc: Nếu đã cấy máy tạo nhịp tim và nhịp tim vẫn quá nhanh, bác sĩ sẽ kê thuốc để ngăn chặn hoặc làm chậm nhịp tim nhanh. Những người bị rung nhĩ hoặc các dạng rối loạn nhịp tim khác làm tăng nguy cơ đột quỵ sẽ phải dùng thuốc chống đông máu, chẳng hạn như warfarin, dabigatran hoặc các loại thuốc tương tự.
- Triệt đốt nút nhĩ thất: Thủ thuật này giúp kiểm soát nhịp tim nhanh ở những người đã cấy máy tạo nhịp tim. Triệt đốt nút nhĩ thất sử dụng năng lượng sóng radiofrequency truyền qua một ống thông để phá hủy mô xung quanh nút nhĩ thất (nút AV) nằm giữa tâm nhĩ và tâm thất. Điều này giúp ngăn tín hiệu điện bất thường đến tâm thất và gây ra các vấn đề.
- Triệt đốt qua ống thông để điều trị rung nhĩ: Thủ thuật này cũng tương tự như triệt đốt nút nhĩ thất nhưng khác ở chỗ là phá hủy các mô tim gây rung nhĩ. Điều này giúp khắc phục tình trạng rung nhĩ thay vì chỉ ngăn tín hiệu điện bất thường đến tâm thất.
Phòng ngừa hội chứng suy nút xoang
Không có cách nào phòng ngừa hội chứng suy nút xoang nhưng có thể thực hiện những điều sau đây để bảo vệ sức khỏe tim mạch và giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch nói chung:
- Tập thể dục thường xuyên và ăn uống lành mạnh: Hãy duy trì một lối sống có lợi cho tim mạch bằng cách tập thể dục thường xuyên và ăn các loại thực phẩm lành mạnh như rau củ không chứa tinh bột, trái cây tươi, ngũ cốc nguyên hạt, cá, thịt nạc và sữa.
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh: Nếu thừa cân thì cần phải giảm cân bằng cách kết hợp tập luyện và điều chỉnh chế độ ăn uống vì thừa cân làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
- Kiểm soát huyết áp và mức cholesterol: Thay đổi lối sống, chế độ ăn uống và dùng thuốc theo chỉ định để ổn định huyết áp nếu bị cao huyết áp và giảm cholesterol trong máu.
- Không hút thuốc: Hút thuốc là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu của bệnh tim mạch nên nếu hút thì cần phải bỏ càng sớm càng tốt.
- Uống rượu vừa phải: Lạm dụng rượu bia làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Mỗi ngày chỉ nên uống một lượng rượu bia nhỏ hoặc kiêng hoàn toàn nếu như đang mắc một số vấn đề sức khỏe.
- Không sử dụng ma túy
- Hạn chế căng thẳng: Căng thẳng kéo dài sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch
- Khám sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh từ sớm và đi khám ngay khi nhận thấy các dấu hiệu bất thường.
Ngừng tim đột ngột là tình trạng mất chức năng tim, nhịp thở và ý thức đột ngột. Tình trạng này thường xảy ra do hệ thống điện của tim có vấn đề, làm gián đoạn hoạt động bơm máu của tim và dẫn đến ngừng lưu thông máu trong cơ thể.
Sốc tim là một tình trạng đe dọa tính mạng, xảy ra khi tim đột nhiên không thể bơm đủ máu để đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Tình trạng này thường là do cơn nhồi máu cơ tim nghiêm trọng gây ra nhưng không phải ai bị nhồi máu cơ tim cũng bị sốc tim. Sốc tim rất hiếm gặp nhưng có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Xuất huyết não là một loại đột quỵ và là vấn đề có thể để lại di chứng vĩnh viễn nếu không được can thiệp kịp thời.
Bệnh Behcet, hay còn được gọi là hội chứng Behcet, là một chứng rối loạn hiếm gặp có đặc trưng là viêm mạch máu ở khắp cơ thể.