1

Đột quỵ ở trẻ em: Nguyên nhân, triệu chứng và tiên lượng

Đột quỵ xảy ra khi sự lưu thông máu đến não bị gián đoạn do cục máu đông hoặc mạch máu bị vỡ. Mọi người thường cho rằng đột quỵ chỉ xảy ra ở người lớn tuổi nhưng trên thực tế, đột quỵ có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, bao gồm cả trẻ em.
Đột quỵ ở trẻ em: Nguyên nhân, triệu chứng và tiên lượng Đột quỵ ở trẻ em: Nguyên nhân, triệu chứng và tiên lượng

Đột quỵ ở trẻ em được chia thành hai loại:

  • Đột quỵ chu sinh: xảy ra trong vòng một tháng đầu sau sinh.
  • Đột quỵ ở trẻ nhỏ: xảy ra ở trẻ từ 1 tháng tuổi đến 18 tuổi.

Đột quỵ chu sinh phổ biến hơn đột quỵ ở trẻ nhỏ nhưng nhìn chung, đột quỵ hiếm khi xảy ra ở trẻ em. Theo ước tính, cứ 2.300 ca sinh nở thì có một ca bị đột quỵ chu sinh và cứ 100.000 trẻ em thì có 2 – 13 trẻ bị đột quỵ ở trẻ nhỏ. (1)

Bài viết dưới đây sẽ nêu ra các triệu chứng, nguyên nhân gây đột quỵ ở trẻ em, cách điều trị và tiên lượng của những trẻ bị đột quỵ.

Triệu chứng đột quỵ ở trẻ em

Theo Hiệp hội Đột quỵ Hoa Kỳ (the American Stroke Association), rất nhiều trường hợp đột quỵ ở trẻ em bị bỏ qua vì đa số mọi người cho rằng đột quỵ không xảy ra ở trẻ em.

Các triệu chứng đột quỵ thường xuất hiện đột ngột. Nếu thấy trẻ đột nhiên có những triệu chứng sau đây, hãy gọi cấp cứu hoặc đưa trẻ đến bệnh viện gần nhất ngay lập tức:

  • Đau đầu dữ dội
  • Tê hoặc yếu cơ ở một bên mặt hoặc một bên cơ thể
  • Chóng mặt
  • Vấn đề về thị lực
  • Khó khăn khi đi lại, giữ thăng bằng hoặc phối hợp động tác
  • Khó khăn khi nói hoặc hiểu lời nói của người
  • Lú lẫn
  • Co giật

Đột quỵ là một tình trạng vô cùng nguy hiểm và tiên lượng sẽ tốt hơn khi trẻ được điều trị sớm. Khi thấy trẻ có những biểu hiện bất thường, hãy gọi cấp cứu ngay, không được chờ cho các triệu chứng qua đi.

Nguyên nhân gây đột quỵ ở trẻ em

Đột quỵ được chia làm hai loại dựa trên nguyên nhân gây ra, đó là đột quỵ do thiếu máu cục bộ và đột quỵ xuất huyết não.

Đột quỵ do thiếu máu cục bộ xảy ra khi sự lưu thông máu đến một phần não bị gián đoạn mà thường là do cục máu đông. Ở trẻ em, đột quỵ do thiếu máu cục bộ có thể xảy ra do các yếu tố làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông.

Dưới đây là một số vấn đề về sức khỏe có thể làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông ở trẻ em:

  • Bệnh tim bẩm sinh, chẳng hạn như dị tật van tim
  • Bệnh hồng cầu hình liềm
  • Một số bệnh nhiễm trùng

Đột quỵ xuất huyết não xảy ra khi mạch máu trong não bị vỡ, dẫn đến chảy máu vào vùng mô não xung quanh. Có một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ chảy máu não ở trẻ em, ví dụ như dị dạng động tĩnh mạch. Đây là tình trạng động mạch và tĩnh mạch nối thông bất thường. Các mạch máu này thường yếu hơn và dễ vỡ hơn. Một yếu tố nữa cũng làm tăng nguy cơ chảy máu não ở trẻ em là bệnh máu khó đông hay rối loạn đông máu. Rối loạn đông máu sẽ làm tăng nguy cơ chảy máu và khó cầm máu khi bị thương.

Các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ ở trẻ em

Có nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ ở người lớn, gồm có các bệnh mạn tính như:

  • Cao huyết áp
  • Cholesterol cao
  • Bệnh tim
  • Bệnh tiểu đường

Tuy nhiên, những tình trạng này rất hiếm gặp ở trẻ em. Các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ ở trẻ em khác với người lớn.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ ở trẻ em gồm có:

  • Bệnh tim, đặc biệt là bệnh tim bẩm sinh
  • Vấn đề về máu, nhất là rối loạn đông máu
  • Dị dạng mạch máu trong não
  • Nhiễm trùng
  • Bệnh tự miễn
  • Ung thư
  • Bị chấn thương vùng đầu

Điều trị đột quỵ ở trẻ em

Dù xảy ra ở độ tuổi nào, đột quỵ cũng là tình trạng rất nguy hiểm. Phương pháp điều trị phụ thuộc vào loại đột quỵ.

Trong những trường hợp đột quỵ do thiếu máu cục bộ, phương pháp điều trị chính là thuốc tiêu sợi huyết để làm tan cục máu đông và thuốc làm loãng máu để ngăn ngừa hình thành cục máu đông mới. Những loại thuốc này sẽ giúp khôi phục sự lưu thông máu trong não. Một phương pháp điều trị nữa là thủ thuật lấy huyết khối để trực tiếp loại bỏ cục máu đông.

Những trường hợp đột quỵ xuất huyết não có thể cần phẫu thuật để sửa chữa mạch máu bị vỡ. Nếu máu tích tụ làm tăng áp lực trong hộp sọ thì sẽ phải tiến hành mở nắp sọ giải ép. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ sẽ mở một phần hộp sọ để làm giảm áp lực chèn ép lên não.

Ngoài ra cần kết hợp thêm các biện pháp điều trị bổ sung nhằm kiểm soát các yếu tố như huyết áp, thân nhiệt, lượng đường trong máu và co giật.

Đột quỵ ở trẻ em có gây tử vong không?

Giống như ở người lớn, đột quỵ ở trẻ em cũng có thể gây tử vong Nghiên cứu vào năm 2021 cho thấy tỷ lệ tử vong do đột quỵ ở trẻ em là từ 10% đến 25%. (2)

Đột quỵ xuất huyết não có tỷ lệ tử vong cao hơn đột quỵ do thiếu máu cục bộ. Một nghiên cứu được tiến hành tại Đài Loan vào năm 2018 về đột quỵ ở trẻ em đã báo cáo tỷ lệ tử vong của đột quỵ xuất huyết não và đột quỵ do thiếu máu cục bộ lần lượt là 27,6% và 10,2%. (3)

Biến chứng của đột quỵ ở trẻ em

Đột quỵ ở trẻ em có thể dẫn đến nhiều vấn đề về sức khỏe lâu dài. Một số nghiên cứu trong tổng quan tài liệu vào năm 2022 chỉ ra rằng 60 - 70% trẻ em từng trải qua đột quỵ bị tàn tật kéo dài. (4)

Một số biến chứng của đột quỵ ở trẻ em gồm có:

  • Các vấn đề về thể chất hoặc khả năng vận động, chẳng hạn như yếu cơ hoặc liệt nửa người
  • Kỹ năng ngôn ngữ kém
  • Vấn đề về nhận thức, chẳng hạn như khả năng suy nghĩ, trí nhớ hoặc tập trung kém
  • Động kinh

Đột quỵ ở trẻ em còn có thể dẫn đến:

  • Rối loạn thần kinh và cảm xúc: Trẻ từng bị đột quỵ có nguy cơ bị trầm cảm, rối loạn lo âu và rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD) cao hơn.
  • Tăng nguy cơ đột quỵ trong tương lai: Nghiên cứu vào năm 2018 cho thấy có tới 25% trẻ em bị đột quỵ tiếp tục bị đột quỵ sau này.
  • Tăng tỷ lệ tử vong trong tương lai. Điều này có thể kéo dài đến 20 năm sau đột quỵ.

Phục hồi và tiên lượng sau đột quỵ

Đột quỵ được phát hiện và điều trị càng sớm thì khả năng phục hồi sẽ càng cao. Nên bắt đầu quá trình phục hồi chức năng trong vòng vài ngày sau cơn đột quỵ. Có thể sẽ mất nhiều năm để lấy lại các kỹ năng bị mất.

Phục hồi chức năng sau đột quỵ ở trẻ em

Người sống sót sau đột quỵ cần trải qua quá trình phục hồi chức năng. Điều này đặc biệt quan trọng đối với những trẻ vẫn đang trong giai đoạn phát triển não bộ.

Nhìn chung, quá trình phục hồi chức năng sau đột quỵ ở trẻ em thường gồm có:

  • vật lý trị liệu
  • hoạt động trị liệu
  • ngôn ngữ trị liệu
  • theo dõi thần kinh và tâm lý

Một nghiên cứu vào năm 2020 được thực hiện trên 587 trẻ em bị đột quỵ cho thấy quá trình phục hồi “nói chung là thuận lợi”. Nghiên cứu này báo cáo rằng các vấn đề về thần kinh từ vừa đến nặng đã giảm sau hai năm xuất viện:

  • tỷ lệ trẻ sơ sinh có vấn đề về thần kinh từ vừa đến nặng tại thời điểm xuất viện là 9,4% và sau 2 năm, tỷ lệ này giảm còn 8%.
  • tỷ lệ trẻ nhỏ có vấn đề về thần kinh từ vừa đến nặng tại thời điểm xuất viện là 48,8% và sau 2 năm, tỷ lệ này giảm còn 24,7%.

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những trẻ có các yếu tố sau đây thường có tiên lượng kém hơn khi đột quỵ:

  • Đột quỵ xảy ra trong khoảng thời gian từ 28 ngày tuổi đến 1 tuổi
  • Mắc bệnh mạn tính
  • Đột quỵ xuất phát từ cả mạch máu lớn và mạch máu nhỏ

Tóm tắt bài viết

Đột quỵ không phải vấn đề của riêng người lớn mà có thể xảy ra ở cả trẻ em. Hầu hết các trường hợp đột quỵ ở trẻ em xảy ra ở trẻ dưới 1 tháng tuổi. Các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ ở trẻ em khác với yếu tố nguy cơ gây đột quỵ ở người lớn, gồm có dị dạng mạch máu trong não, bệnh tim bẩm sinh và rối loạn đông máu. Giống như ở người lớn, quá trình phục hồi sau đột quỵ ở trẻ em cũng mất nhiều thời gian. Sau đột quỵ, trẻ có thể gặp phải các biến chứng lâu dài hoặc vĩnh viễn. Tiên lượng sẽ phụ thuộc vào thời điểm trẻ được điều trị. Do đó, cha mẹ cần gọi cấp cứu hoặc đưa trẻ đến bệnh viện ngay lập tức khi thấy trẻ có những dấu hiệu đột quỵ.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đột quỵ tiểu não: Triệu chứng, cách điều trị và tiên lượng
Đột quỵ tiểu não: Triệu chứng, cách điều trị và tiên lượng

Đột quỵ tiểu não xảy ra khi sự lưu thông máu đến tiểu não ở phía sau não bị gián đoạn. Điều này gây ra các triệu chứng ảnh hưởng đến chuyển động và có thể đe dọa đến tính mạng.

Đột quỵ xuất huyết não: Nguyên nhân, dấu hiệu và tiên lượng
Đột quỵ xuất huyết não: Nguyên nhân, dấu hiệu và tiên lượng

Đột quỵ xuất huyết não xảy ra khi mạch máu bị vỡ, làm gián đoạn sự lưu thông máu đến một phần não. Đây là tình trạng rất nguy hiểm cần được điều trị khẩn cấp. Nhận biết được các dấu hiệu của đột quỵ và hành động kịp thời khi có dấu hiệu bất thường có thể giúp cải thiện tiên lượng cho người bệnh.

Đột quỵ thân não: Triệu chứng và tiên lượng
Đột quỵ thân não: Triệu chứng và tiên lượng

Đột quỵ thân não là một tình trạng rất nguy hiểm, có thể đe dọa đến tính mạng. Lý do là bởi thân não kiểm soát một số chức năng quan trọng như hít thở và nhịp tim. Tuy nhiên, nếu được phát hiện và điều trị kịp thời, người bị đột quỵ thân não có thể đuọc cứu sống và phục hồi.

Sốc tim: Dấu hiệu, nguyên nhân và biến chứng
Sốc tim: Dấu hiệu, nguyên nhân và biến chứng

Sốc tim là một tình trạng đe dọa tính mạng, xảy ra khi tim đột nhiên không thể bơm đủ máu để đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Tình trạng này thường là do cơn nhồi máu cơ tim nghiêm trọng gây ra nhưng không phải ai bị nhồi máu cơ tim cũng bị sốc tim. Sốc tim rất hiếm gặp nhưng có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Đột quỵ do thiếu máu cục bộ: Dấu hiệu nhận biết, cách điều trị và tiên lượng
Đột quỵ do thiếu máu cục bộ: Dấu hiệu nhận biết, cách điều trị và tiên lượng

Đột quỵ do thiếu máu cục bộ là một vấn đề rất nghiêm trọng xảy ra do tắc nghẽn ở một mạch máu mang máu đến não. Một số triệu chứng gồm có xệ hoặc liệt nửa mặt, yếu cơ chân tay ở một bên và nói ngọng.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây