1

Đột quỵ thân não: Triệu chứng và tiên lượng

Đột quỵ thân não là một tình trạng rất nguy hiểm, có thể đe dọa đến tính mạng. Lý do là bởi thân não kiểm soát một số chức năng quan trọng như hít thở và nhịp tim. Tuy nhiên, nếu được phát hiện và điều trị kịp thời, người bị đột quỵ thân não có thể đuọc cứu sống và phục hồi.
DQ than nao Đột quỵ thân não: Triệu chứng và tiên lượng

Đột quỵ xảy ra khi có sự gián đoạn lưu thông máu đến một phần não. Tác động và mức độ nghiêm trọng của cơn đột quỵ phụ thuộc vào phần não nào bị tổn thương và tổn thương ở mức độ nào.

Thân não nằm ngay phía trên tủy sống, có chức năng kiểm soát hô hấp, nhịp tim và huyết áp. Thân não còn tham gia kiểm soát khả năng ngôn ngữ, nuốt, thính giác và chuyển động của mắt. Các xung thần kinh được gửi bởi các phần khác của não đi qua thân não và đến các bộ phận khác nhau của cơ thể.

Đột quỵ thân não ảnh hưởng đến các chức năng quan trọng của cơ thể và gây nguy hiểm cho tính mạng.

Các bộ phận của thân não

Thân não gồm có ba phần, mỗi phần đảm nhận chức năng khác nhau:

  • Não giữa: điều khiển các chức năng thị giác, thính giác và chuyển động
  • Cầu não: kiểm soát cảm giác, chu kỳ ngủ - thức và hô hấp
  • Hành tủy: kiểm soát các chức năng quan trọng như nhịp tim, hô hấp và huyết áp

Tác động của đột quỵ thân não tùy thuộc vào phần nào của thân não bị ảnh hưởng. Trong hầu hết các trường hợp, đột quỵ xảy ra ở cầu não.

Nguyên nhân gây đột quỵ thân não

Hầu hết các trường hợp đột quỵ thân não là đột quỵ do thiếu máu cục bộ. Điều này xảy ra khi mạch máu bị tắc nghẽn làm gián đoạn sự lưu thông máu đến thân não. Các nguyên nhân có thể gây tắc nghẽn mạch máu gồm có:

  • Xơ vữa động mạch – tình trạng tích tụ cholesterol và các chất khác ở thành động mạch, khiến cho lòng động mạch thu hẹp lại
  • Cục máu đông hình thành trong động mạch cấp máu cho não hoặc hình thành ở nơi khác và di chuyển đến não
  • Bóc tách động mạch hay rách động mạch
  • Thoái hóa mỡ kính - tình trạng tích tụ các chất ở thành động mạch
  • Khối u
  • Chấn thương

Một loại đột quỵ nữa là đột quỵ xuất huyết não, xảy ra khi một mạch máu bị vỡ, khiến máu tích tụ và chèn ép lên mô não.

Tỷ lệ sống sót khi bị đột quỵ thân não

Đột quỵ thân não là loại đột quỵ nguy hiểm nhất vì thân não kiểm soát nhiều chức năng cơ bản cần thiết cho sự sống.

Rất khó để xác định tỷ lệ sống sót khi bị đột quỵ thân não vì tiên lượng còn phụ thuộc vào nguyên nhân gây đột quỵ, vị trí xảy ra đột quỵ ở thân não và mức độ ảnh hưởng đến thân não.

Trong một nghiên cứu vào năm 2019 về đột quỵ xuất huyết não, 69% số người bị đột quỵ thân não đã tử vong trong vòng 12 tháng sau đột quỵ. Chỉ có 20 - 30% số người bị đột quỵ thân não do xuất huyết được dự đoán là sống sót qua 30 ngày.

Nhưng đột quỵ thân não do thiếu máu cục bộ phổ biến hơn và thường có tiên lượng tốt hơn. Tỷ lệ sống sót có thể lên tới 90,1% nếu được điều trị kịp thời.

Triệu chứng của đột quỵ thân não

Các triệu chứng của đột quỵ phụ thuộc vào vùng não bị ảnh hưởng.

Đột quỵ thân não có thể ảnh hưởng đến các chức năng quan trọng như hô hấp và sự co bóp của tim. Đột quỵ thân não có thể ảnh hưởng đến các chức năng vẫn diễn ra một cách tự động trong cơ thể như chuyển động của mắt và nuốt. Đột quỵ thân não còn có thể làm giảm khả năng nói chuyện, thính giác và khả năng giữ thăng bằng.

Các triệu chứng của đột quỵ thân não gồm có:

  • Yếu cơ
  • Giảm giác quan, đặc biệt là cảm giác đau, cảm nhận nhiệt độ, vị giác và thính giác
  • Giảm sự phối hợp cơ
  • Sụp mí mắt
  • Rối loạn chức năng tự chủ, gồm có khó thở
  • Khó nuốt
  • Nói năng khó khăn
  • Thay đổi giọng nói
  • Chóng mặt
  • Co giật
  • Run tay
  • Chuyển động mắt không đều và song thị
  • Mệt mỏi, không có sức lực

Biến chứng của đột quỵ thân não

Một số triệu chứng của đột quỵ thân não kéo dài dai dẳng. Ví dụ, người bị đột quỵ thân não có thể bị mất khứu giác và vị giác.

Các biến chứng hiếm gặp và nghiêm trọng khác gồm có:

  • Hôn mê
  • Não úng thủy
  • Viêm phổi hít

Ai có nguy cơ bị đột quỵ thân não?

Bất kỳ ai cũng có thể bị đột quỵ nhưng người cao tuổi có nguy cơ cao hơn. Tuy nhiên, độ tuổi trung bình của những trường hợp đột quỵ xuất huyết não dường như thấp hơn so với các loại đột quỵ khác (47 tuổi).

Tiền sử gia đình bị đột quỵ hoặc cơn thiếu máu não thoáng qua sẽ làm tăng nguy cơ đột quỵ.

Một số nhóm dân số có nguy cơ đột quỵ cao hơn, gồm có người da đen, người bản địa Alaska, người Mỹ bản địa và người gốc Tây Ban Nha/Latinh. Tỷ lệ bị đột quỵ ở phụ nữ cao hơn nam giới nhưng nam giới lại có nguy cơ bị đột quỵ xuất huyết não cao hơn đáng kể.

Cao huyết áp (tăng huyết áp) là một trong những yếu tố nguy cơ chính gây đột quỵ thân não, bao gồm cả đột quỵ do thiếu máu cục bộ và đột quỵ do xuất huyết. Các yếu tố khác làm tăng nguy cơ đột quỵ thân não còn có:

  • Cholesterol cao
  • Bệnh tiểu đường
  • Bệnh tim mạch
  • Rung nhĩ
  • Hút thuốc
  • Dùng thuốc làm loãng máu

Chẩn đoán đột quỵ thân não

Đột quỵ thân não là một tình trạng rất nguy hiểm, có thể đe dọa đến tính mạng.

Nếu nghi ngờ đột quỵ, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện các phương pháp chẩn đoán hình ảnh gồm:

  • Chup cộng hưởng từ (MRI)
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT)
  • Chụp mạch máu

Những phương pháp này giúp xác định nguyên nhân và vị trí của cơn đột quỵ cũng như đánh giá sự lưu thông máu trong não.

Ngoài ra có thể cần thực hiện thêm các phương pháp chẩn đoán khác như:

  • Điện tâm đồ
  • Siêu âm tim
  • Xét nghiệm máu
  • Xét nghiệm chức năng thận và gan

Điều trị đột quỵ thân não

Trong trường hợp đột quỵ do thiếu máu cục bộ, phương pháp điều trị cần thực hiện đầu tiên là làm tan hoặc loại bỏ cục máu đông. Nếu cơn đột quỵ được phát hiện sớm thì có thể dùng thuốc làm tan cục máu đông. Nếu cơn đột quỵ được phát hiện vòng 24 giờ kể từ khi bắt đầu có triệu chứng, người bệnh có thể cần phải phẫu thuật để loại bỏ cục máu đông.

Bác sĩ có thể sẽ chỉ định nong mạch và đặt stent để mở rộng động mạch và ngăn động mạch thu hẹp.

Đối với đột quỵ xuất huyết não, bước đầu tiên là phải ngăn chặn tình trạng chảy máu trong não. Các phương pháp để ngăn chảy máu gồm có kẹp túi phình động mạch, nút mạch máu hoặc dùng thuốc.

Trong khi người bệnh được điều trị, nhân viên y tế sẽ đồng thời thực hiện các biện pháp để duy trì hoạt động của tim và phổi.

Phục hồi sau đột quỵ thân não

Khả năng phục hồi sau bất kỳ loại đột quỵ nào phụ thuộc vào mức độ tổn thương và tốc độ điều trị.

Đột quỵ thân não có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng về lâu dài. Người bệnh có thể cần phải duy trì dùng thuốc và các liệu pháp trong thời gian dài, gồm có:

  • Vật lý trị liệu để khôi phục các kỹ năng vận động
  • Hoạt động trị liệu để cải thiện khả năng thực hiệ các hoạt động hàng ngày
  • Liệu pháp ngôn ngữ để cải thiện khả năng nói và nuốt

Một số người sống sót sau đột quỵ thân não bị tàn tật nghiêm trọng.

Trong một nghiên cứu vào năm 2018 về những người bị đột quỵ thân não do thiếu máu cục bộ, 70% không còn bị tàn tật sau 1 năm.

Phòng ngừa đột quỵ thân não

Nguy cơ bị đột quỵ tái phát sau đột quỵ thân não là 10% đến 15%. Mặc dù có những yếu tố nguy cơ không thể thay đổi được như tuổi tác và tiền sử gia đình nhưng có thể điều chỉnh lối sống để giảm nguy cơ bị đột quỵ một lần nữa, ví dụ người bệnh nên:

  • Ăn ít chất béo và ít muối
  • Ăn nhiều trái cây, rau củ và cá
  • Tập thể dục thường xuyên
  • Không hút thuốc
  • Không uống rượu và dùng chất kích thích

Nếu đang mắc một bệnh lý làm tăng nguy cơ đột quỵ, chẳng hạn như cao huyết áp hoặc tiểu đường, kiểm soát tốt tình trạng bệnh là điều rất quan trọng để ngăn ngừa đột quỵ.

Tóm tắt bài viết

Đột quỵ thân não có thể gây tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Các triệu chứng gồm có khó thở, suy giảm thính lực và thị lực, yếu cơ.

Chẩn đoán và điều trị kịp thời là điều cần thiết để giảm thiểu tổn thương thân não. Các phương pháp điều trị khẩn cấp gồm có dùng thuốc và phẫu thuật. Quá trình phục hồi sau đột quỵ có thể mất nhiều tháng, thậm chí nhiều năm và người bệnh sẽ cần kết hợp nhiều liệu pháp phục hồi chức năng khác nhau.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Hội chứng suy nút xoang: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Hội chứng suy nút xoang: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Hội chứng suy nút xoang là tình trạng nút xoang (bộ phận điều hòa nhịp đập của tim) không thể tạo ra nhịp tim phù hợp với nhu cầu của cơ thể. Tình trạng này dẫn đến rối loạn nhịp tim (nhịp tim bất thường). Hội chứng suy nút xoang còn được gọi là rối loạn chức năng nút xoang hay bệnh nút xoang.

Đột quỵ mắt: Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị
Đột quỵ mắt: Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị

Đột quỵ mắt xảy ra khi sự lưu thông máu đến võng mạc bị gián đoạn. Việc điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân gây gián đoạn lưu thông máu và mức độ nghiêm trọng của tình trạng tổn thương. Càng điều trị sớm thì tiên lượng càng khả năng.

Đột quỵ do thiếu máu cục bộ: Dấu hiệu nhận biết, cách điều trị và tiên lượng
Đột quỵ do thiếu máu cục bộ: Dấu hiệu nhận biết, cách điều trị và tiên lượng

Đột quỵ do thiếu máu cục bộ là một vấn đề rất nghiêm trọng xảy ra do tắc nghẽn ở một mạch máu mang máu đến não. Một số triệu chứng gồm có xệ hoặc liệt nửa mặt, yếu cơ chân tay ở một bên và nói ngọng.

Phân biệt triệu chứng đau nửa đầu và đột quỵ
Phân biệt triệu chứng đau nửa đầu và đột quỵ

Chứng đau nửa đầu và đột quỵ có một số triệu chứng giống nhau như đau đầu và chóng mặt. Tuy nhiên, đột quỵ còn có những triệu chứng khác mà chứng đau nửa đầu không có, ví dụ như xệ một bên mặt và yếu cơ ở tay chân.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây