Cơn thiếu máu não thoáng qua: Triệu chứng và cách xử lý

Cơn thiếu máu não thoáng qua: Triệu chứng và cách xử lý Cơn thiếu máu não thoáng qua: Triệu chứng và cách xử lý

Cơn thiếu máu não thoáng qua là gì?

Cơn thiếu máu não thoáng qua (transient ischemic attack - TIA) hay cơn đột quỵ nhẹ (mini stroke) là tình trạng xảy ra khi một phần của não không được cung cấp máu tạm thời. Điều này gây ra các triệu chứng giống như đột quỵ nhưng tự hết trong vòng 24 tiếng.

Không giống như đột quỵ xuất huyết hay đột quỵ thiếu máu não, bản thân các cơn đột quỵ nhẹ không gây ra biến chứng vĩnh viễn. Tuy nhiên, vì các triệu chứng của các tình trạng này gần như giống hệt nhau nên bạn không được coi thường mà cần gọi cấp cứu ngay lập tức.

Nhận biết được các dấu hiệu của cơn thiếu máu não thoáng qua sẽ giúp bạn được điều trị sớm. Đây là điều rất quan trọng vì cứ 3 ca bị thiếu máu não thoáng qua thì lại có 1 ca bị đột quỵ sau này.

Nguyên nhân gây thiếu máu não thoáng qua

Cục máu đông là nguyên nhân hàng đầu gây thiếu máu não thoáng qua và ngoài ra còn có các nguyên nhân khác gồm có:

  • Tăng huyết áp
  • Xơ vữa động mạch hoặc hẹp động mạch trong hoặc xung quanh não do sự tích tụ mảng bám
  • Bệnh động mạch cảnh, xảy ra khi động mạch cảnh trong hoặc ngoài não bị tắc nghẽn (thường là do xơ vữa động mạch)
  • Bệnh tiểu đường
  • Cholesterol cao

Các yếu tố nguy cơ

Cao huyết áp là một yếu tố nguy cơ chính của các loại đột quỵ. Bệnh lý này có thể làm tổn hại thành bên trong của các động mạch và dẫn đến xơ vữa động mạch – tình trạng tích tụ mảng bám trong lòng mạch máu. Các mảng bám này có thể vỡ ra, gây hình thành cục máu đông trong các động mạch và dẫn đến cơn thiếu máu não thoáng qua hoặc đột quỵ.

Nếu bạn được chẩn đoán bị cao huyết áp thì phải theo dõi huyết áp thường xuyên. Nên mua máy đo huyết áp để tự kiểm tra tại nhà và ghi chép lại để theo dõi.

Điều này sẽ giúp bác sĩ đánh giá chính xác hơn về tình trạng huyết áp của bạn và có thể điều chỉnh loại thuốc huyết áp cho phù hợp, hiệu quả.

Nên đo huyết áp ngay lập tức nếu có các hiện tượng sau đây:

  • Lâng lâng chóng mặt
  • Mất khả năng phối hợp các hoạt động
  • Dáng đi không bình thường

Nếu không có máy đo huyết áp tại nhà thì cần đến đo tại các hiệu thuốc, bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất.

Các yếu tố nguy cơ khác

Các yếu tố nguy cơ khác gây thiếu máu não thoáng qua và đột quỵ còn có:

  • Cholesterol cao
  • Bệnh tiểu đường
  • Hút thuốc
  • Béo phì
  • Rung nhĩ

Theo một nghiên cứu vào năm 2014 thì:

  • Nam giới có nguy cơ bị thiếu máu não thoáng qua cao hơn hơn phụ nữ
  • Người lớn tuổi có nguy cơ cao hơn người trẻ tuổi
  • Hiện tượng thiếu máu não thoáng qua có tỉ lệ xảy ra cao nhất vào thứ Hai

Các triệu chứng

Rất khó xác định cơn thiếu máu não thoáng qua nhưng vẫn có một vài dấu hiệu để nhận biết như:

  • Nói năng khó khăn, nói không rõ và những biểu hiện rối loạn ngôn ngữ khác
  • Thị lực bị thay đổi
  • Đầu óc không tỉnh táo
  • Mất thăng bằng
  • Cảm giác châm chích
  • Suy giảm nhận thức
  • Chóng mặt
  • Mất ý thức
  • Đau đầu dữ dội
  • Vị giác và khứu giác có vấn đề
  • Yếu hoặc mất cảm giác ở bên phải hoặc bên trái của khuôn mặt hoặc cơ thể, tùy thuộc vào vị trí của cục máu đông trong mạch máu não

Cần gọi cấp cứu hoặc nhờ người đưa đến bệnh viện ngay nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên.

Rối loạn ngôn ngữ

Những người bị thiếu máu não thoáng qua có thể tạm thời gặp khó khăn trong việc nói năng, diễn đạt hay không thể nhớ ra từ cần nói. Ngoài ra còn có những vấn đề khác như khó phát âm hoặc không hiểu lời người khác nói.

Tình trạng này được gọi là chứng rối loạn ngôn ngữ (dysphasia) và là biểu hiện cho thấy có sự tắc nghẽn hoặc cục máu đông ở bán cầu não ưu thế.

Mờ hoặc mù tạm thời ở một mắt

Đôi khi, cơn thiếu máu não thoáng qua được biểu hiện qua một hiện tượng rối loạn thị giác đặc biệt được gọi là mù thoáng qua (amaurosis fugax).

Khi bị chứng rối loạn thị giác này, một bên mắt đột nhiên bị mờ hoặc mù hoàn toàn, quang cảnh xung quanh chuyển sang màu xám, các đồ vật thể trở nên mờ và đôi khi còn không thể đọc được chữ trên giấy trắng. Hiện tượng này có thể kéo dài trong vài giây hoặc vài phút. Việc tiếp xúc với ánh sáng mạnh trong thời gian này có thể làm cho tình trạng thêm nặng hơn.

Cơn thiếu máu não thoáng qua kéo dài bao lâu?

Các cơn thiếu máu não thoáng qua thường chỉ xảy ra trong thời gian dưới 24 tiếng và thậm chí, các triệu chứng có thể chỉ diễn ra trong vòng một phút.

Thông thường, các triệu chứng biến mất trước khi kịp đến bệnh viện và khi bác sĩ thăm khám thì tình hình lại trở về bình thường nên bệnh nhân cần mô tả lại các triệu chứng cho bác sĩ.

Các triệu chứng khi bị thiếu máu não thoáng qua cũng giống như triệu chứng của nhồi máu não (đột quỵ do thiếu máu não cục bộ) - loại đột quỵ phổ biến nhất.

Chẩn đoán thiếu máu não thoáng qua

Các cơn thiếu máu não thoáng qua không gây tổn thương não vĩnh viễn nhưng bạn vẫn cần đến bệnh viện ngay nếu có các dấu hiệu bất thường bởi các triệu chứng của hiện tượng này cũng giống hệt với các triệu chứng của cơn đột quỵ thật sự. Do đó, bạn sẽ không thể biết được đó là vấn đề nào mà phải đến bệnh viện để bác sĩ kiểm tra.

Không giống như các triệu chứng của thiếu máu não thoáng qua, các triệu chứng đột quỵ sẽ kéo dài rất lâu và có thể gây tổn hại mô não vĩnh viễn. Hơn nữa, khi bị thiếu máu não thoáng qua, bạn sẽ có nguy cơ cao bị đột quỵ vì hai tình trạng này có cùng nguyên nhân gây ra.

Cách duy nhất để phân biệt cơn thiếu máu não thoáng qua và đột quỵ là đến bệnh viện để bác sĩ chụp cắt lớp vi tính hoặc chụp cộng hưởng từ.

Nếu bạn bị đột quỵ thì có khả năng phương pháp chụp cắt lớp vi tính cũng không phát hiện được sớm vì các dấu hiệu bất thường không xuất hiện trên ảnh trong 24 – 48 giờ đầu. Phương pháp chụp cộng hưởng từ MRI thường cho thấy các dấu hiệu đột quỵ sớm hơn.

Để xác định nguyên nhân gây thiếu máu não thoáng qua hoặc đột quỵ, bác sĩ thường sẽ dùng phương pháp siêu âm để kiểm tra các động mạch cảnh có bị tắc nghẽn hoặc hình thành mảng bám hay không. Ngoài ra, có thể còn cần siêu âm tim để tìm ra cục máu đông trong tim, đo điện tâm đồX-quang ngực.

Nên làm gì khi bị thiếu máu não thoáng qua?

Bạn có thể nhận biết các dấu hiệu phổ biến của cơn đột quỵ thật sự hay thiếu máu não thoáng qua nhờ quy tắc FAST như sau:

  • Face - Mặt: Nếu thấy miệng bị méo hoặc hai nửa mặt không cân thì đây là một dấu hiệu cảnh báo đột quỵ.
  • Arm - Cánh tay: Cánh tay bị tê yếu cũng là một dấu hiệu cảnh báo đột quỵ. Nếu không chắc chắn thì bạn có thể yêu cầu người đó giơ tay lên, nếu khó cử động hoặc cánh tay rơi xuống thì đó là triệu chứng đột quỵ.
  • Speech – nói chuyện: Có thể thử bằng cách nói một vài câu bất kỳ và yêu cầu người đó lặp lại. Nếu gặp khó khăn thì người đó đang bị đột quỵ.
  • Time - Thời gian: Phải can thiệp kịp thời nếu phát hiện có người gặp phải các triệu chứng nêu trên. Lúc này cần gọi cấp cứu hoặc đưa họ đến bệnh viện.

Phương pháp điều trị

Có nhiều phương pháp khác nhau để điều trị thiếu máu não thoáng qua. Tình trạng này không gây tổn thương mô não hoặc di chứng về lâu dài nhưng lại có thể là dấu hiệu cảnh báo sớm của đột quỵ. Phương pháp điều trị phổ biến thường là dùng các loại thuốc để cải thiện lưu thông máu đến não.

Ngoài ra, bác sĩ còn xác định và khắc phục những vấn đề bất thường bằng các biện pháp can thiệp xâm lấn để giảm nguy cơ bị đột quỵ hoặc tái phát thiếu máu não thoáng qua trong tương lai.

Và cuối cùng là thay đổi lối sống để giảm thiểu nguy cơ.

Dùng thuốc

Thuốc kháng kết tập tiểu cầu

Thuốc kháng kết tập tiểu cầu là những loại thuốc có tác dụng làm giảm khả năng dính lại với nhau của các tiểu cầu để ngăn ngừa hình thành cục máu đông. Những loại thuốc này gồm có:

  • aspirin
  • clopidogrel (Plavix)
  • prasugrel (Effient)
  • aspirin-dipyridamole (Aggrenox)

Thuốc chống đông máu

Những loại thuốc này có tác dụng ngăn ngừa cục máu đông bằng cách nhắm đến các protein gây đông máu. Các loại thuốc chống đông máu gồm có:

  • warfarin (Coumadin)
  • rivaroxaban (Xarelto)
  • apixaban (Eliquis)

Nếu bạn đang dùng warfarin thì sẽ cần làm xét nghiệm máu thường xuyên để đảm bảo vẫn đang dùng đúng liều. Còn nếu dùng các loại thuốc khác như rivaroxaban và apixaban thì không cần theo dõi.

Can thiệp động mạch cảnh xâm lấn tối thiểu

Đây là một quy trình phẫu thuật tiếp cận đến các động mạch cảnh bằng ống thông.

Ống thông được đưa qua động mạch đùi từ bẹn. Sau đó, bác sĩ sử dụng một thiết bị giống như quả bóng để nong rộng các động mạch bị tắc nghẽn. Cuối cùng là đặt stent – một ống dây kim loại nhỏ tại vị trí bị thu hẹp bên trong động mạch để tăng lưu thông máu đến não.

Cắt bỏ nội mạc động mạch cảnh

Bạn có thể cần phẫu thuật để ngăn ngừa đột quỵ sau này. Với những trường hợp bị hẹp động mạch cảnh nghiêm trọng ở cổ và không phù hợp với phương pháp nong động mạch và đặt stent thì bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật cắt bỏ nội mạc động mạch cảnh (carotid endarterectomy).

Trong quy trình phẫu thuật này, bác sĩ sẽ làm sạch mảng bám bên trong các động mạch cảnh. Phương pháp này giúp làm giảm nguy cơ tiếp tục bị thiếu máu não thoáng qua hoặc đột quỵ.

Thay đổi lối sống

Bên cạnh dùng thuốc và các biện pháp can thiệp nêu trên, điều chỉnh lối sống cũng là điều cần thiết để giảm nguy cơ bị đột quỵ trong tương lai.

Những điều chỉnh mà bạn nên áp dụng gồm có:

  • Tập thể dục
  • Giảm cân
  • Ăn nhiều trái cây và rau củ
  • Hạn chế ăn đồ chiên hoặc thực phẩm có đường
  • Ngủ đủ giấc
  • Giảm căng thẳng
  • Kiểm soát các vấn đề sức khỏe khác như tiểu đường, cao huyết áp và cholesterol cao

Ngăn ngừa thiếu máu não thoáng qua

Thiếu máu não thoáng qua và các loại đột quỵ khác đôi khi là vấn đề không thể tránh khỏi nhưng bạn hoàn toàn có thể thực hiện các biện pháp phòng ngừa sau để giảm thiểu phần nào rủi ro:

  • Không hút thuốc
  • Tránh xa khói thuốc
  • Theo một chế độ ăn uống cân bằng với nhiều trái cây và rau xanh.
  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh
  • Tập thể dục thường xuyên
  • Hạn chế uống rượu
  • Không sử dụng chất kích thích.
  • Kiểm soát bệnh tiểu đường (nếu bị)
  • Hạn chế hàm lượng cholesterol và chất béo, đặc biệt là chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa
  • Kiểm soát huyết áp ở mức bình thường
  • Cố gắng không bị căng thẳng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đột quỵ tiểu não: Triệu chứng, cách điều trị và tiên lượng
Đột quỵ tiểu não: Triệu chứng, cách điều trị và tiên lượng

Đột quỵ tiểu não xảy ra khi sự lưu thông máu đến tiểu não ở phía sau não bị gián đoạn. Điều này gây ra các triệu chứng ảnh hưởng đến chuyển động và có thể đe dọa đến tính mạng.

Phân biệt triệu chứng liệt dây thần kinh số 7 và đột quỵ
Phân biệt triệu chứng liệt dây thần kinh số 7 và đột quỵ

Cả liệt dây thần kinh số 7 (liệt mặt) và đột quỵ đều gây yếu cơ mặt nhưng các triệu chứng của đột quỵ xảy ra trên phạm vi rộng hơn. Liệt dây thần kinh số 7 có thể được điều trị từ từ nhưng đột quỵ cần được điều trị khẩn cấp.

Đột quỵ mắt: Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị
Đột quỵ mắt: Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị

Đột quỵ mắt xảy ra khi sự lưu thông máu đến võng mạc bị gián đoạn. Việc điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân gây gián đoạn lưu thông máu và mức độ nghiêm trọng của tình trạng tổn thương. Càng điều trị sớm thì tiên lượng càng khả năng.

Đột quỵ do thiếu máu cục bộ: Dấu hiệu nhận biết, cách điều trị và tiên lượng
Đột quỵ do thiếu máu cục bộ: Dấu hiệu nhận biết, cách điều trị và tiên lượng

Đột quỵ do thiếu máu cục bộ là một vấn đề rất nghiêm trọng xảy ra do tắc nghẽn ở một mạch máu mang máu đến não. Một số triệu chứng gồm có xệ hoặc liệt nửa mặt, yếu cơ chân tay ở một bên và nói ngọng.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây