Đột quỵ mắt: Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị
Mạch máu mang chất dinh dưỡng và oxy quan trọng đến mọi bộ phận của cơ thể. Khi các mạch máu bị thu hẹp hoặc bị tắc nghẽn bởi cục máu đông, sự lưu thông máu sẽ bị gián đoạn và dẫn đến đột quỵ.
Trong trường hợp đột quỵ mắt, sự gián đoạn lưu thông máu ảnh hưởng đến võng mạc. Võng mạc là lớp màng mỏng bao phủ bề mặt bên trong phía sau mắt. Tại võng mạc, ánh sáng được chuyển đổi thành các tín hiệu thần kinh và những tín hiệu này được gửi đến não để nhận dạng hình ảnh.
Khi các tĩnh mạch của võng mạc bị tắc nghẽn, chất lỏng sẽ rò rỉ vào võng mạc. Điều này gây phù võng mạc và ngăn cản oxy lưu thông, ảnh hưởng đến khả năng nhìn. Khi sự lưu thông máu đến võng mạc bị gián đoạn hoàn toàn, mắt có thể bị tổn thương nghiêm trọng.
Tình trạng tắc nghẽn trong tĩnh mạch võng mạc chính được gọi là tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc. Khi tình trạng tắc nghẽn xảy ra ở một trong các tĩnh mạch nhánh thì được gọi là tắc tĩnh mạch nhánh võng mạc. Nếu tình trạng tắc nghẽn xảy ra ở động mạch trung tâm của võng mạc thì được gọi là tắc động mạch trung tâm võng mạc. Trong số ba loại, tắc động mạch trung tâm võng mạc là nghiêm trọng nhất.
Triệu chứng đột quỵ mắt
Các triệu chứng của đột quỵ mắt có thể xuất hiện từ từ trong nhiều giờ đến nhiều ngày hoặc cũng có thể xuất hiện đột ngột, phụ thuộc vào mạch máu nào bị tắc nghẽn và tình trạng tắc nghẽn xảy ra ở tĩnh mạch trung tâm võng mạc, tĩnh mạch nhánh võng mạc hay động mạch trung tâm võng mạc.
Các triệu chứng của đột quỵ mắt thường chỉ xảy ra ở một mắt.
Mức độ nghiêm trọng của tình trạng mất thị lực và khu vực bị ảnh hưởng của tầm nhìn phụ thuộc vào vùng võng mạc bị gián đoạn lưu thông máu. Sự tắc nghẽn ở động mạch trung tâm võng mạc thường dẫn đến các triệu chứng nghiêm trọng hơn và có thể gây mất thị lực trung tâm.
Các triệu chứng của tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc và tắc tĩnh mạch nhánh võng mạc gồm có:
- Hiện tượng “ruồi bay trước mắt”: có những đốm, vệt hoặc sợi màu xám trước mắt.
- Nhìn mờ: tình trạng này có thể xảy ra ở một phần hoặc toàn bộ tầm nhìn.
- Mất thị lực: có thể xảy ra từ từ hoặc đột ngột, từ mất thị lực một phần cho đến mất thị lực hoàn toàn.
- Đau hoặc nhức mắt: Mặc dù đột quỵ mắt thường không gây đau đớn nhưng những trường hợp tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc nghiêm trọng có thể gây nhức cục bộ hoặc khó chịu trong mắt.
- Chảy máu: Võng mạc có thể bị đỏ hoặc xuất hiện đốm máu.
Triệu chứng thường gặp nhất của tắc động mạch trung tâm võng mạc là mất thị lực trung tâm một phần hoặc toàn bộ, giống như có một tấm màn đen chắn trước mắt. Võng mạc có thể trở nên nhợt nhạt và có đốm đỏ. Tắc động mạch trung tâm võng mạc cũng tương tự như đột quỵ do thiếu máu cục bộ.
Mức độ tổn hại phụ thuộc vào khoảng thời gian xảy ra tình trạng tắc nghẽn trong mạch máu. Sự lưu thông máu bị gián đoạn càng lâu thì mức độ tổn hại càng nặng và các triệu chứng sẽ càng nghiêm trọng.
Đột quỵ mắt là vấn đề nghiêm trọng cần được cấp cứu kịp thời. Nếu không được điều trị kịp thời, đột quỵ mắt có thể dẫn đến mất thị lực vĩnh viễn.
Đột quỵ mắt đôi khi là dấu hiệu của các biến cố mạch máu khác, gồm có đột quỵ do thiếu máu cục bộ và nhồi máu cơ tim.
Nguyên nhân gây đột quỵ mắt
Đột quỵ mắt xảy ra do sự gián đoạn lưu thông máu trong các động mạch hoặc tĩnh mạch của võng mạc. Sự gián đoạn lưu thông máu thường là do mạch máu bị thu hẹp do mảng xơ vữa hoặc cục máu đông.
Không phải trường hợp đột quỵ mắt nào cũng xác định được nguyên nhân nhưng một số vấn đề về sức khỏe nhất định, chẳng hạn như cao huyết áp và tiểu đường, có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ mắt.
Ai có nguy cơ bị đột quỵ mắt?
Bất cứ ai cũng có thể bị đột quỵ mắt nhưng nguy cơ sẽ cao hơn khi có một số yếu tố nhất định. Ví dụ, người lớn tuổi và nam giới có tỷ lệ bị đột quỵ mắt cao hơn.
Mắc một số bệnh lý cũng có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ mắt, ví dụ như:
- Bệnh tiểu đường
- Tăng nhãn áp
- Các vấn đề ảnh hưởng đến sự lưu thông máu, chẳng hạn như cao huyết áp và cholesterol cao
- Các vấn đề về tim mạch khác
- Hẹp động mạch cảnh hoặc động mạch cổ
- Các bệnh về máu hiếm gặp
Sử dụng thuốc lá cũng làm tăng nguy cơ đột quỵ, bao gồm cả đột quỵ mắt.
Chẩn đoán đột quỵ mắt
Trước tiên, bác sĩ sẽ kiểm tra mắt của người bệnh. Bác sĩ sẽ sử dụng kính soi đáy mắt để quan sát chi tiết bên trong mắt và hỏi người bệnh về các triệu chứng.
Các phương pháp chẩn đoán khác gồm có:
- Chụp cắt lớp võng mạc (OCT): một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh có thể phát hiện tình trạng phù võng mạc
- Chụp mạch huỳnh quang (chụp mạch máu võng mạc huỳnh quang): tiêm thuốc nhuộm huỳnh quang vào mạch máu ở cánh tay của người bệnh và sau đó chụp ảnh. Thuốc nhuộm huỳnh quang sẽ làm nổi bật các mạch máu trên hình ảnh.
Vì các triệu chứng về mắt có thể là do các bệnh lý khác gây ra nên bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra:
- bệnh tăng nhãn áp
- cao huyết áp
- bệnh tiểu đường
- bệnh tim mạch
Trong trường hợp người bệnh đang mắc một trong những bệnh lý này, bác sĩ sẽ cân nhắc điều này khi xác định phương pháp điều trị đột quỵ mắt.
Điều trị đột quỵ mắt
Việc điều trị sẽ phụ thuộc vào mức độ tổn hại do đột quỵ và tình trạng sức khỏe tổng thể của người bệnh. Một số phương pháp điều trị đột quỵ mắt gồm có:
- Mát-xa vùng mắt để giảm phù võng mạc
- Thuốc làm tan cục máu đông
- Tiêm thuốc ức chế VEGF (yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu) trực tiếp vào mắt
- Tiêm corticoid vào mắt để giảm viêm
- Quang đông võng mạc nếu mạch máu mới hình thành sau đột quỵ mắt
- Điều trị bằng laser
- Liệu pháp oxy cao áp
Bắt đầu điều trị đột quỵ mắt càng sớm thì khả năng bảo tồn thị lực càng cao. Nếu có các vấn đề khác gây hình thành cục máu đông thì cũng cần phải điều trị.
Biến chứng của đột quỵ mắt
Một số biến chứng của đột quỵ mắt gồm có:
- Phù hoàng điểm hoặc viêm hoàng điểm: Hoàng điểm là phần giữa của võng mạc giúp nhận biết màu sắc và nhìn được mọi vật một cách rõ nét. Phù hoàng điểm có thể gây mờ mắt hoặc mất thị lực.
- Tân mạch: Tình trạng hình thành các mạch máu mới bất thường ở võng mạc. Những mạch máu này có thể rò rỉ máu vào thủy tinh thể (một loại thấu kính trong suốt với hai mặt lồi, nằm phía sau mống mắt) và gây ra hiện tượng “ruồi bay trước mắt”. Trong trường hợp nghiêm trọng, võng mạc có thể bị bong hoàn toàn.
- Tăng nhãn áp tân mạch: Tình trạng áp suất trong nhãn cầu tăng cao do sự hình thành các mạch máu mới.
- Mù: Đột quỵ mắt nghiêm trọng có thể dẫn đến mất thị lực hoàn toàn và vĩnh viễn, đặc biệt là khi đột quỵ mắt không được điều trị kịp thời.
Tiên lượng của người bị đột quỵ mắt
Vì đột quỵ mắt có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng nên người bệnh cần khám mắt định kỳ trong vòng một năm hoặc lâu hơn sau đột quỵ. Nếu xuất hiện triệu chứng mới hoặc triệu chứng kéo dài dai dẳng thì cần phải đi khám ngay.
Người bệnh cũng cần theo dõi các vấn đề sức khỏe khác có thể ảnh hưởng đến mắt. Nếu mắc bệnh tim mạch hoặc tiểu đường thì tuân thủ điều trị để kiểm soát tốt tình trạng bệnh. Người bệnh cũng nên ăn uống đủ chất, tập thể dục thường xuyên và duy trì cân nặng khỏe mạnh.
Thị lực sẽ khôi phục từ từ sau khi bị đột quỵ mắt nhưng không phải khi nào cũng có thể khôi phục hoàn toàn. Một số trường hợp đột quỵ mắt bị mất thị lực vĩnh viễn.
Tóm tắt bài viết
Đột quỵ mắt xảy ra do sự gián đoạn lưu thông máu đến võng mạc. Đột quỵ mắt chỉ xảy ra ở một mắt và có thể gây mờ mắt, hiện tượng ruồi bay, nhức mắt và mất thị lực.
Đột quỵ mắt cần được điều trị càng sớm càng tốt. Nếu không được điều trị kịp thời, đột quỵ mắt có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng, bao gồm cả mất thị lực vĩnh viễn.
Sốc tim là một tình trạng đe dọa tính mạng, xảy ra khi tim đột nhiên không thể bơm đủ máu để đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Tình trạng này thường là do cơn nhồi máu cơ tim nghiêm trọng gây ra nhưng không phải ai bị nhồi máu cơ tim cũng bị sốc tim. Sốc tim rất hiếm gặp nhưng có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Xuất huyết não là một loại đột quỵ và là vấn đề có thể để lại di chứng vĩnh viễn nếu không được can thiệp kịp thời.
Bệnh Behcet, hay còn được gọi là hội chứng Behcet, là một chứng rối loạn hiếm gặp có đặc trưng là viêm mạch máu ở khắp cơ thể.