1

Mất thị lực sau đột quỵ: Nguyên nhân và các biện pháp điều trị

Những người bị đột quỵ có thể bị thay đổi thị lực hoặc mất thị lực. Thị lực có sự thay đổi do đột quỵ làm tổn thương một phần não hoặc ảnh hưởng đến các dây thần kinh và cơ xung quanh mắt. Cho dù không có triệu chứng của vấn đề về thị lực thì cũng nên khám mắt sau đột quỵ.
Mất thị lực sau đột quỵ: Nguyên nhân và các biện pháp điều trị Mất thị lực sau đột quỵ: Nguyên nhân và các biện pháp điều trị

Các vấn đề về thị lực xảy ra khá phổ biến ở những người từng bị đột quỵ. Trên thực tế, khoảng 65% người sống sót sau đột quỵ có sự thay đổi về thị lực hoặc mất thị lực. (1) Ở một số người, thị lực tự khôi phục dần sau một thời gian nhưng cũng có những người cần phải điều trị và đôi khi, thị lực vĩnh viễn không thể khôi phục trở lại như trước

Đột quỵ ảnh hưởng đến thị lực như thế nào?

Ảnh hưởng của cơn đột quỵ đến mắt và thị lực tùy thuộc vào vùng não bị gián đoạn cung cấp máu trong cơn đột quỵ.

Các loại mất thị lực phổ biến nhất gồm có:

  • Bán manh cùng bên: Mất thị lực ở nửa bên phải hoặc nửa bên trái của thị trường ở mỗi mắt (thị trường là khoảng không gian mắt quan sát được khi nhìn cố định vào một điểm).
  • Mất thị lực ở một phần tư thị trường: Điều này có thể xảy ra ở một phần tư bên trên hoặc phần tư bên dưới của thị trường ở mỗi mắt.
  • Ám điểm: Xuất hiện điểm mù tại một vị trí trong thị trường.

Các vấn đề về thị lực khác có thể xảy ra sau đột quỵ còn có:

  • Mất nhận thức không gian: xảy ra khi não không xử lý thông tin thị giác ở bên bị ảnh hưởng bởi đột quỵ. Nếu đột quỵ xảy ra ở bán cầu não phải, tình trạng mất nhận thức không gian sẽ xảy ra ở bên trái của thị trường và ngược lại.
  • Rối loạn chuyển động mắt: Các dây thần kinh và cơ xung quanh mắt cũng có thể bị ảnh hưởng bởi cơn đột quỵ. Điều này có thể dẫn đến suy giảm chức năng mắt.
    • Rung giật nhãn cầu (mắt chuyển động nhanh sang hai bên, lên xuống, …)
    • Mắt lác (mắt lệch trục và không đồng thời nhìn về cùng một điểm)
    • Song thị (nhìn một vật thành hai)
    • Rối loạn chức năng vận nhãn (giảm khả năng theo dõi vật chuyển động,khả năng nhìn về cùng một điểm, liệt dây thần kinh sọ,…)
    • Giảm khả năng giữ thăng bằng, phối hợp động tác hoặc nhận thức chiều sâu
  • Mắt khô và nhạy cảm với ánh sáng: Khi gặp vấn đề về khả năng chớp mắt hoặc nhắm mắt, mắt sẽ bị khô. Mắt khô sẽ bị kích ứng, đau, nóng rát, cộm và mờ mắt. Người còn gặp tình trạng mắt trở nên nhạy cảm với ánh sáng mạnh hoặc mất phương hướng trong điều kiện ánh sáng yếu.

Phần nào của não điều khiển thị lực?

Đột quỵ có thể ảnh hưởng đến nhiều vùng khác nhau của não. Nếu đột quỵ ảnh hưởng đến thùy chẩm hoặc thân não, người bệnh sẽ có nguy cơ cao gặp phải các vấn đề về thị lực.

Thùy chẩm

Thùy chẩm nằm ở phía sau não, là nơi diễn ra quá trình xử lý hình ảnh. Điều này có nghĩa là thùy chẩm tiếp nhận thông tin từ mắt và xử lý thông tin đó. Mặc dù tất cả các thùy não đều có thể tiếp nhận thông tin hình ảnh nhưng thùy chẩm được coi là “trung tâm thị giác”.

Thân não

Thân não là vùng não kiểm soát chuyển động của mắt, khả năng giữ thăng bằng, ổn định và khả năng nhận thức các vật thể trong thế giới xung quanh.

Điều trị mất thị lực do đột quỵ

Sau khi chẩn đoán, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị vấn đề về thị lực. Các phương pháp điều trị gồm có liệu pháp thị lực, sử dụng kính và các dụng cụ khác để hỗ trợ mắt.

Liệu pháp thị lực

Có nhiều bài tập khác nhau có thể giúp khắc phục các vấn đề về thị lực. Những bài tập này có thể giúp người bệnh lấy lại những chức năng bị mất hoặc tập luyện mắt để nhìn rõ hơn. Các bài tập cần được điều chỉnh dựa trên vấn đề cụ thể mà người bệnh gặp phải và mức độ nghiêm trọng.

Ví dụ, quét mắt (scanning) là một phương pháp điều trị rất hiệu quả cho những người bị mất một phần thị trường sau đột quỵ. Trong phương pháp quét mắt, người bệnh sẽ phải thực hiện các bài tập cho mắt để có nhận thức thị lực tốt hơn về phía điểm mù và tránh xa điểm mù.

Lăng kính và các thiết bị khác

Trong trường hợp bị song thị do liệt dây thần kinh hoặc các tình trạng khác, người bệnh có thể sẽ phải đeo kính có gắn lăng kính. Lăng kính bẻ cong ánh sáng để giúp người bệnh nhìn các vật thể một cách chính xác chứ không phải nhìn một vật thành hai. Lăng kính có thể được gắn vào mắt kính mà người bệnh hiện đang đeo (gần giống như miếng dán) hoặc lắp vào kính mới.

Đeo miếng che mắt cũng là một giải pháp cho vấn đề song thị. Miếng che mắt sẽ giúp ích khi người bệnh đọc sách báo, xem điện thoại, tivi hoặc làm những công việc đòi hỏi phải nhìn chăm chú khác.

Vật lý trị liệu, hoạt động trị liệu và các liệu pháp khác

Vật lý trị liệu và hoạt động trị liệu giúp cải thiện khả năng giữ thăng bằng, phối hợp động tác và nhận thức về không gian. Ngoài ra còn có một số liệu pháp khác giúp người bệnh thích nghi với những thay đổi về thị lực và tác động của chúng đến cuộc sống hàng ngày.

Các phương pháp điều trị khác

Bác sĩ có thể sẽ hướng dẫn cho người bệnh các biện pháp thư giãn, chẳng hạn như hít thở sâu, để làm giảm căng thẳng, lo âu do vấn đề về thị lực gây ra.

Tiên lượng của người bị mất thị lực sau đột quỵ

Theo các chuyên gia, một số vấn đề về thị lực có thể cải thiện trong vòng 6 tháng sau đột quỵ. Tuy nhiên, nên đi khám ngay khi nhận thấy bất kỳ sự thay đổi nào về thị lực hoặc bị mất thị lực.

Vấn đề càng được phát hiện và điều trị sớm thì khả năng khôi phục thị lực sẽ càng cao.

Theo một thống kê, trong số những người bị mất thị lực sau đột quỵ:

  • Khoảng 15% khôi phục thị lực hoàn toàn.
  • 30% khôi phục thị lực một phần.
  • Khoảng 50% bị mất thị lực vĩnh viễn.

Nghiên cứu còn chỉ ra rằng nguy cơ gặp phải vấn đề về thị lực sau đột quỵ tỷ lệ thuận với tuổi tác của người bệnh, có nghĩa là tuổi càng lớn thì nguy cơ gặp phải các vấn đề về thị lực kéo dài sau đột quỵ sẽ cao hơn. (2)

Tiên lượng của những người bị mất thị lực sau đột quỵ là khác nhau vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chẳng hạn như vùng não bị tổn thương, thời điểm phát hiện đột quỵ, các vấn đề về thị lực đã có từ trước và phương pháp điều trị.

Câu hỏi thường gặp về mất thị lực sau đột quỵ

Cần làm gì nếu bị mất thị lực đột ngột?

Hãy đi khám ngay nếu bạn đột nhiên bị mất thị lực. Đó có thể là dấu hiệu của tắc động mạch võng mạc hay đột quỵ mắt, tình trạng động mạch của võng mạc bị tắc nghẽn, làm gián đoạn sự cung cấp máu đến võng mạc. Mắt có thể bị mờ hoặc tối trước khi mất thị lực. Các yếu tố nguy cơ gây tắc động mạch võng mạc cũng tương tự như các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ.

Tôi có thể tìm bác sĩ nhãn khoa thần kinh ở đâu ?

Các bác sĩ chuyên khoa mắt này xử lý mối liên hệ giữa não và mắt. Một bác sĩ gia đình có thể giới thiệu người bệnh đến một bác sĩ gần người bệnh. Nếu không, hãy thử tìm kiếm trong danh bạ của Hiệp hội Phục hồi chức năng Thần kinh - Nhãn khoa.

Nếu không có triệu chứng bất thường về mắt sau đột quỵ thì có cần đi khám mắt không?

Cho dù không có thay đổi bất thường về thị lực sau đột quỵ thì vẫn nên đi khám mắt. Không phải khi nào các vấn đề về thị lực do đột quỵ cũng có triệu chứng. Nếu không được điều trị kịp thời, những vấn đề này có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng hơn.

Tóm tắt bài viết

Mất thị lực và các vấn đề về thị lực khác là biến chứng khá phổ biến của đột quỵ. Điều này là do cơn đột quỵ ảnh hưởng đến vùng nãó xử lý thông tin thị giác hoặc dây thần kinh và cơ quanh mắt. Một số vấn đề về thị lực có thể tự cải thiện dần trong vòng vài tháng sau đột quỵ nhưng một số vấn đề kéo dài dai dẳng và thậm chí có thể tồn tại vĩnh viễn. Các phương pháp điều trị vấn đề về thị lực do đột quỵ gồm có liệu pháp thị lực và sử dụng kính. Ngoài ra còn có các phương pháp giúp người bệnh thích nghi với những thay đổi và cải thiện khả năng vận động, gồm vật lý trị liệu và hoạt động trị liệu.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Sốc tim: Dấu hiệu, nguyên nhân và biến chứng
Sốc tim: Dấu hiệu, nguyên nhân và biến chứng

Sốc tim là một tình trạng đe dọa tính mạng, xảy ra khi tim đột nhiên không thể bơm đủ máu để đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Tình trạng này thường là do cơn nhồi máu cơ tim nghiêm trọng gây ra nhưng không phải ai bị nhồi máu cơ tim cũng bị sốc tim. Sốc tim rất hiếm gặp nhưng có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Đột quỵ mắt: Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị
Đột quỵ mắt: Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị

Đột quỵ mắt xảy ra khi sự lưu thông máu đến võng mạc bị gián đoạn. Việc điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân gây gián đoạn lưu thông máu và mức độ nghiêm trọng của tình trạng tổn thương. Càng điều trị sớm thì tiên lượng càng khả năng.

Nguyên nhân gây đau cánh tay sau đột quỵ và cách điều trị
Nguyên nhân gây đau cánh tay sau đột quỵ và cách điều trị

Đột quỵ có thể dẫn đến đau, tê, yếu cơ và giảm phạm vi chuyển động ở cánh tay và vai. Tình trạng đau cánh tay và vai thường có thể kiểm soát bằng các phương pháp điều trị như dùng thuốc giảm đau và vật lý trị liệu.

Đột quỵ do thiếu máu cục bộ: Dấu hiệu nhận biết, cách điều trị và tiên lượng
Đột quỵ do thiếu máu cục bộ: Dấu hiệu nhận biết, cách điều trị và tiên lượng

Đột quỵ do thiếu máu cục bộ là một vấn đề rất nghiêm trọng xảy ra do tắc nghẽn ở một mạch máu mang máu đến não. Một số triệu chứng gồm có xệ hoặc liệt nửa mặt, yếu cơ chân tay ở một bên và nói ngọng.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây