Sốc tim: Dấu hiệu, nguyên nhân và biến chứng
Dấu hiệu sốc tim
Các dấu hiệu của sốc tim gồm có:
- Thở gấp
- Khó thở trầm trọng
- Tim đập nhanh đột ngột (nhịp tim nhanh)
- Mất ý thức
- Mạch yếu
- Tụt huyết áp
- Đổ mồ hôi
- Da nhợt nhạt
- Tay chân lạnh
- Đi tiểu ít hơn bình thường hoặc hoàn toàn không đi tiểu
Các dấu hiệu nhồi máu cơ tim
Sốc tim thường xảy ra ở những người đang bị nhồi máu cơ tim nghiêm trọng. Các dấu hiệu thường gặp của cơn nhồi máu cơ tim gồm có:
- Đau hoặc cảm giác như ngực bị chèn ép, bóp chặt, xảy ra ở vùng giữa ngực và kéo dài dai dẳng không đỡ
- Đau lan đến vai, một hoặc cả hai cánh tay, lưng hoặc răng và hàm
- Tần suất đau ngực ngày càng tăng
- Khó thở
- Đổ mồ hôi
- Chóng mặt, hoa mắt đột ngột
- Buồn nôn và nôn
Gọi cấp cứu ngay lập tức khi nhận thấy những dấu hiệu này để giảm nguy cơ sốc tim. Không được tự lái xe đến bệnh viện để tránh xảy ra tai nạn trên đường đi.
Điều trị kịp thời cơn nhồi máu cơ tim giúp tăng cơ hội sống sót và giảm thiểu tổn thương tim.
Nguyên nhân gây sốc tim
Tình trạng thiếu oxy đến tim, thường là do nhồi máu cơ tim, làm hỏng tâm thất trái - buồng bơm máu chính của tim. Khi không được cung cấp máu giàu oxy, cơ tim sẽ trở nên suy yếu và chuyển sang trạng thái sốc tim.
Đôi khi, nguyên nhân dẫn đến sốc tim là do tổn thương tâm thất phải của tim – buồng tim có chức năng đưa máu đến phổi để lấy oxy.
Các nguyên nhân khác có thể gây sốc tim còn có:
- Viêm cơ tim
- Nhiễm trùng van tim (viêm nội tâm mạc nhiễm trùng)
- Suy tim
- Dùng thuốc quá liều hoặc ngộ độc các chất gây ảnh hưởng đến khả năng bơm máu của tim
Ai có nguy cơ bị sốc tim?
Bất cứ ai bị nhồi máu cơ tim đều có thể bị sốc tim nhưng nguy cơ cao hơn ở những người:
- Cao tuổi
- Có tiền sử suy tim hoặc nhồi máu cơ tim
- Mắc bệnh mạch vành - tắc nghẽn ở các động mạch chính của tim
- Bị bệnh tiểu đường hoặc cao huyết áp
- Là phụ nữ
Biến chứng của sốc tim
Nếu không được điều trị kịp thời, sốc tim có thể dẫn đến tử vong. Một biến chứng nghiêm trọng khác của sốc tim là tổn thương gan, thận hoặc các cơ quan khác do thiếu oxy và các cơ quan này có thể bị hỏng vĩnh viễn.
Phòng ngừa sốc tim
Cách tốt nhất để phòng ngừa sốc tim là duy trì lối sống lành mạnh, điều độ để bảo vệ sức khỏe tim mạch và ổn định huyết áp:
- Không hút thuốc và tránh khói thuốc lá: Đối với những người hút thuốc lá, cách tốt nhất để giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim và sốc tim là cai thuốc. Ngoài ra cần tránh hút thuốc lá thụ động.
- Duy trì cân nặng hợp lý: Thừa cân góp phần làm tăng các yếu tố nguy cơ khác gây nhồi máu cơ tim và sốc tim, chẳng hạn như cao huyết áp, bệnh tim mạch và tiểu đường. Chỉ cần giảm 4 - 5kg là đủ để làm giảm huyết áp và cải thiện cholesterol trong máu.
- Ăn ít cholesterol và chất béo bão hòa: Hạn chế những thành phần này trong chế độ ăn uống, đặc biệt là chất béo bão hòa, có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Ngoài ra cần hạn chế ăn chất béo chuyển hóa.
- Ăn ít muối: Ăn quá nhiều muối (natri) dẫn đến tích tụ chất lỏng trong cơ thể và điều này khiến tim phải làm việc nhiều hơn. Mỗi ngày không nên ăn quá 2.300mg natri. Muối có trong nhiều loại thực phẩm đóng gói nên cần đọc bảng giá trị dinh dưỡng để biết lượng muối có trong sản phẩm trước khi sử dụng.
- Giảm lượng đường: Ăn nhiều đường sẽ dẫn đến tăng cân. Các sản phẩm nhiều đường thường chứa calo rỗng, có nghĩa là nhiều calo nhưng nghèo dinh dưỡng. Cắt giảm lượng đường trong chế độ ăn sẽ giúp giảm cân và duy trì cân nặng hợp lý.
- Hạn chế rượu bia: Uống rượu bia một cách vừa phải. Phụ nữ và nam giới trên 65 tuổi không nên uống quá 1 đơn vị cồn (10g cồn nguyên chất) mỗi ngày và nam giới dưới 65 tuổi không nên uống quá hai đơn vị cồn mỗi ngày.
- Tập thể dục đều đặn: Tập thể dục có thể làm giảm huyết áp và cải thiện sức khỏe tim mạch tổng thể. Dành ít nhất 150 phút tập luyện cường độ vừa phải hoặc 75 phút tập cường độ cao mỗi tuần hoặc kết hợp cả các bài tập cường độ vừa và cường độ cao. Nên tập xen kẽ và chia đều thời lượng tập vào các ngày trong tuần.
Khi bị nhồi máu cơ tim, can thiệp nhanh chóng sẽ có thể ngăn ngừa sốc tim. Gọi cấp cứu ngay nếu nhận thấy bản thân hoặc một ai có có dấu hiệu nhồi máu cơ tim.
Chẩn đoán sốc tim
Do đa phần xảy ra do nhồi máu cơ tim nên sốc tim thường được chẩn đoán trong những trường hợp khẩn cấp. Bác sĩ sẽ kiểm tra các dấu hiệu của sốc tim và sau đó thực hiện các phương pháp dưới đây để tìm nguyên nhân:
- Đo huyết áp: Người bị sốc tim có huyết áp rất thấp.
- Điện tâm đồ (ECG hoặc EKG): Một kỹ thuật không xâm lấn ghi lại hoạt động điện của tim bằng cách gắn các điện cực ngoài da ở vùng ngực hoặc những vị trí khác trên cơ thể. Khi cơ tim bị tổn thương hoặc chất lỏng tích tụ xung quanh tim, tim sẽ không truyền tín hiệu điện một cách bình thường và điều này sẽ được phát hiện trên kết quả điện tâm đồ.
- Chụp X-quang lồng ngực: Chụp X-quang lồng ngực cho biết kích thước và hình dạng của tim và giúp phát hiện tình trạng tích tụ chất lỏng trong phổi.
- Xét nghiệm máu: Người bệnh được lấy mẫu máu để làm xét nghiệm kiểm tra các dấu hiệu tổn thương nội tạng, nhiễm trùng và nhồi máu cơ tim. Bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm khí máu động mạch để đo lượng oxy trong máu.
- Siêu âm tim: Sử dụng sóng âm để tạo ra hình ảnh của tim. Kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh này giúp phát hiện tổn thương tim do nhồi máu cơ tim.
- Thông tim (chụp mạch vành): Phương pháp này giúp phát hiện các động mạch bị tắc nghẽn hoặc thu hẹp. Bác sĩ luồn ống thông qua động mạch ở chân hoặc cổ tay và dẫn ống thông đến tim của người bệnh. Thuốc cản quang được bơm qua ống thông và làm cho các động mạch nổi rõ trên ảnh chụp X-quang.
Điều trị sốc tim
Mục đích của việc điều trị sốc tim là giảm thiểu mức độ tổn thương cơ tim và các cơ quan khác do thiếu oxy.
Điều trị cấp cứu
Hầu hết những người bị sốc tim đều phải được cung cấp thêm oxy. Nếu cần thiết, bệnh nhân sẽ phải thở máy, đồng thời được truyền dịch và thuốc qua tĩnh mạch.
Điều trị bằng thuốc
Dịch và huyết tương được truyền qua tĩnh mạch ở cánh tay người bệnh. Các loại thuốc được dùng trong điều trị sốc tim có tác dụng làm tăng khả năng bơm máu của tim và giảm nguy cơ hình thành cục máu đông. Một số loại thuốc thường được sử dụng gồm có:
- Thuốc vận mạch: Những loại thuốc này được sử dụng để điều trị huyết áp thấp. Một số thuốc trong nhóm này gồm có dopamine, epinephrine, norepinephrine...
- Các loại thuốc làm tăng co cơ tim: Nhóm thuốc này giúp cải thiện chức năng bơm máu của tim, có thể được dùng cho đến khi các phương pháp điều trị khác bắt đầu có hiệu quả. Một số thuốc trong nhóm này gồm có dobutamine, dopamine và milrinone.
- Aspirin: Aspirin thường được sử dụng ngay lập tức để giảm đông máu và giữ cho máu lưu thông qua động mạch bị hẹp. Bệnh nhân có thể tự uống aspirin trong khi chờ nhân viên cấp cứu đến nếu như đã được bác sĩ hướng dẫn trước đó.
- Thuốc chống kết tập tiểu cầu: Nhóm thuốc này được sử dụng khi bệnh nhân đến phòng cấp cứu, có tác dụng ngăn ngừa hình thành cục máu đông mới. Một số loại thuốc chống kết tập tiểu cầu là clopidogrel, tirofiban và eptifibatide.
- Các loại thuốc chống đông máu khác: Bác sĩ có thể sử dụng cả các loại thuốc khác, chẳng hạn như heparin, để giảm hình thành cục máu đông. Heparin là một loại thuốc tiêm tĩnh mạch, thường được tiêm trong vài ngày đầu sau cơn nhồi máu cơ tim.
Các thủ thuật và phẫu thuật
Các thủ thuật để điều trị sốc tim thường nhằm mục đích khôi phục lưu lượng máu qua tim:
- Nong mạch và đặt stent: Nếu phát hiện tắc nghẽn động mạch trong quá trình thông tim, bác sĩ sẽ đưa ống thông qua động mạch, thường là động mạch ở chân, đến động mạch bị tắc ở tim. Khi vào đúng vị trí, quả bóng gắn ở đầu ống thông được làm phồng trong một thời gian ngắn để mở rộng đoạn mạch máu bị hẹp tắc. Sau đó, một ống lưới nhỏ bằng kim loại (stent) được đặt vào đoạn động mạch vừa mở rộng để giữ cho động mạch không bị hẹp trở lại. Một số loại stent được phủ thuốc giải phóng chậm để ngăn tái hẹp mạch máu.
- Bơm bóng: Một quả bóng dài được đưa vào động mạch chính của tim (động mạch chủ). Sau đó, quả bóng được bơm phồng và làm xẹp bên trong động mạch chủ để giúp máu lưu thông và làm giảm bớt khối lượng công việc mà tim phải thực hiện.
- Trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể (ECMO): Phương pháp này giúp cải thiện lưu thông máu và cung cấp oxy cho cơ thể. Máu được đưa ra bên ngoài cơ thể vào trong một thiết bị (phổi nhân tạo) để loại bỏ carbon dioxide và bổ sung oxy, sau đó máu giàu oxy được đưa trở lại vào trong cơ thể.
Nếu đã điều trị bằng thuốc và các thủ thuật khác mà không hiệu quả, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật:
- Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành: Sử dụng một đoạn mạch máu khỏe mạnh ở chân, cánh tay hoặc ngực của người bệnh để tạo ra một đường dẫn mới đưa máu chảy vòng qua đoạn động mạch bị hẹp tắc. Phương pháp này có thể được thực hiện khi tim đã hồi phục sau cơn nhồi máu cơ tim nhưng đôi khi, phẫu thuật bắc cầu động mạch vành được sử dụng làm phương pháp điều trị cấp cứu.
- Phẫu thuật chữa trị tổn thương ở tim: Đôi khi, sốc tim xảy ra do tổn thương trong cấu trúc của tim, chẳng hạn như vết rách ở một trong các buồng tim hoặc van tim bị hỏng. Trong những trường hợp này, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật sửa chữa tổn thương để điều trị sốc tim.
- Thiết bị hỗ trợ tâm thất (VAD): Đây là một thiết bị cơ học được cấy vào trong cơ thể và gắn vào tim để giúp tim bơm máu. Thiết bị hỗ trợ tâm thất giúp kéo dài tuổi thọ và cải thiện chất lượng cuộc sống cho những người bị suy tim giai đoạn cuối, người đang chờ phẫu thuật ghép tim hoặc không thể ghép tim.
- Phẫu thuật ghép tim: Nếu tim đã bị tổn thương nghiêm trọng đến mức không thể phục hồi được thì giải pháp cuối cùng là phẫu thuật ghép tim.
Những người bị đột quỵ có thể bị thay đổi thị lực hoặc mất thị lực. Thị lực có sự thay đổi do đột quỵ làm tổn thương một phần não hoặc ảnh hưởng đến các dây thần kinh và cơ xung quanh mắt. Cho dù không có triệu chứng của vấn đề về thị lực thì cũng nên khám mắt sau đột quỵ.
Đột quỵ xuất huyết não xảy ra khi mạch máu bị vỡ, làm gián đoạn sự lưu thông máu đến một phần não. Đây là tình trạng rất nguy hiểm cần được điều trị khẩn cấp. Nhận biết được các dấu hiệu của đột quỵ và hành động kịp thời khi có dấu hiệu bất thường có thể giúp cải thiện tiên lượng cho người bệnh.
Đột quỵ xảy ra khi sự lưu thông máu đến não bị gián đoạn do cục máu đông hoặc mạch máu bị vỡ. Mọi người thường cho rằng đột quỵ chỉ xảy ra ở người lớn tuổi nhưng trên thực tế, đột quỵ có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, bao gồm cả trẻ em.
Đột quỵ cầu não là đột quỵ xảy ra ở các mạch máu cung cấp máu cho cầu não, một cấu trúc ở thân não kiểm soát các chức năng vô thức như chu kỳ ngủ - thức và phối hợp các chuyển động.