Đột quỵ cầu não: Triệu chứng, nguyên nhân và tiên lượng
Đột quỵ xảy ra khi một mạch máu cấp máu cho não bị tắc nghẽn hoặc một mạch máu trong não bị vỡ, dẫn đến gián đoạn dòng máu đến một phần não.
Đột quỵ cầu não xảy ra ở các mạch máu bên trong cầu não - một cấu trúc ở thân não. Cầu não kiểm soát nhiều chức năng quan trọng như nhịp thở và khả năng giữ thăng bằng.
Đột quỵ cầu não có thể gây ra nhiều triệu chứng, chẳng hạn như liệt và mất phối hợp động tác. Các triệu chứng có thể cải thiện theo thời gian nhưng điều này còn tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của cơn đột quỵ và thời gian mà người bệnh được cứu chữa.
Triệu chứng của đột quỵ cầu não
Mặc dù đột quỵ cầu não là một loại đột quỵ phổ biến nhưng thường xảy ra cùng với đột quỵ ở các phần khác của não. Các dấu hiệu ban đầu của cơn đột quỵ gồm có:
- Tê hoặc yếu cơ ở mặt và chân tay, thường chỉ xảy ra ở một bên
- Lú lẫn
- Nhìn mờ
- Đi lại khó khăn
- Đau đầu
Các triệu chứng của đột quỵ cầu não
Các triệu chứng sẽ phụ thuộc vào phần nào của cầu não bị ảnh hưởng. Một số triệu chứng thường gặp gồm có:
Đột quỵ cầu não bụng - đuôi
Đột quỵ cầu não bụng – đuôi thường gây ra các triệu chứng gồm:
- Tê một phần hoặc toàn bộ ở nửa người bên kia
- Yếu cơ ở nửa người đối diện
- Giảm cảm giác đau và cảm nhận nhiệt độ ở nửa người bên kia
- Mắt hướng vào trong (liệt dây thần kinh số 6) ở cùng bên
- Liệt mặt ở cùng bên
Đột quỵ giữa cầu não
Đột quỵ giữa cầu não gây ra các triệu chứng gồm:
- Mất khả năng phối hợp động tác ở cùng bên
- Yếu cơ và mất cảm giác ở nửa mặt ở cùng bên
- Liệt ở nửa người bên kia
Hội chứng chỏm cầu não
Hội chứng chỏm cầu não có thể gây ra các triệu chứng gồm:
- Mất cảm giác ở nửa mặt cùng bên
- Liệt các cơ ở cùng bên
- Giảm khả năng chớp mắt ở cùng bên
- Mất phối hợp động tác ở cùng bên
- Mất cảm giác ở nửa người bên kia
Đột quỵ đa cầu não
Đột quỵ đa cầu não có thể gây ra chứng liệt giả hành, là tình trạng không thể kiểm soát các cơ ở mặt. Loại đột quỵ này còn có thể gây ra các triệu chứng khác như:
- Rối loạn kiểm soát cảm xúc, ví dụ như đột nhiên cười hoặc khóc
- Co thắt dây thanh quản
- Khó nuốt
- Nói chậm hoặc nói không rõ ràng
Đột quỵ cầu não hai bên
Nếu tình trạng tắc nghẽn xảy ra ở động mạch nền chạy dọc giữa cầu não, người bệnh có thể có các triệu chứng ở cả hai bên cơ thể. Tắc nghẽn nghiêm trọng có thể gây ra:
- Liệt cả hai tay và chân
- Liệt cả hai bên mặt
- Giảm chức năng của các cơ kiểm soát việc nuốt và nhịp thở
- Khó nói
Hãy gọi cấp cứu hoặc nhờ ai đó đưa đến bệnh viện gần nhất khi nhận thấy các dấu hiệu đột quỵ, chẳng hạn như:
- Tê hoặc yếu cơ
- Xệ mặt
- Lú lẫn, khó nói hoặc khó hiểu lời nói của người khác
- Thay đổi thị lực
- Đi lại không vững
- Chóng mặt
Nguyên nhân gây đột quỵ cầu não
Đột quỵ cầu não xảy ra do tắc nghẽn hoặc vỡ mạch máu ở cầu não. Tắc nghẽn có thể là do cục máu đông hoặc các vật khác di chuyển qua mạch máu và bị mắc kẹt lại.
Đột quỵ cầu não chiếm khoảng 10% số ca đột quỵ. Đây là loại đột quỵ phổ biến nhất ở phần sau não.
Khoảng 10 – 33% số trường hợp đột quỵ cầu não xảy ra ở cả hai bên.
Ai có nguy cơ bị đột quỵ cầu não?
Nguy cơ đột quỵ cầu não tăng theo tuổi tác và phổ biến nhất ở người lớn trên 65 tuổi có tiền sử:
- tăng huyết áp
- bệnh tiểu đường
- rối loạn lipid máu
- bệnh tim
Bệnh tiểu đường dường như phổ biến hơn ở những người bị đột quỵ cầu não so với đột quỵ ở phần trước của não. Trong một nghiên cứu vào năm 2022, các nhà nghiên cứu tìm thấy bằng chứng cho thấy rằng tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường ở những người bị đột quỵ cầu não cao hơn so với những người bị đột quỵ ở các phần khác của não sau.
Biến chứng của đột quỵ cầu não
Đột quỵ có thể đe dọa đến tính mạng. Những người sống sót thường gặp phải biến chứng tạm thời hoặc vĩnh viễn, chẳng hạn như:
- Sưng não
- Viêm phổi
- Co giật
- Trầm cảm
- Liệt
- Vận động khó khan
Chẩn đoán đột quỵ cầu não
Bác sĩ thường sử dụng các công nghệ chẩn đoán hình ảnh như chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) để xác định vị trí bị tắc nghẽn mạch máu hoặc chảy máu trong não. Để loại trừ các vấn đề khác cũng có triệu chứng tương tự như đột quỵ, bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện thêm các phương pháp chẩn đoán khác như:
- Xét nghiệm máu
- Điện tâm đồ
- Siêu âm động mạch cảnh
- Chụp động mạch não
Điều trị đột quỵ cầu não
Tất cả các trường hợp đột quỵ đều cần được điều trị khẩn cấp để giảm nguy cơ tử vong và biến chứng nghiêm trọng. Mục tiêu của giai đoạn điều trị khẩn cấp là ngăn chảy máu hoặc tái thông mạch máu để khôi phục lưu thông máu đến não hoặc ngăn ngừa.
Trong trường hợp đột quỵ là do cục máu đông làm tắc nghẽn mạch máu, bác sĩ sẽ tiến hành thủ thuật lấy huyết khối cơ học nhằm loại bỏ cục máu đông. Người bệnh cũng có thể được cho dùng thuốc để phá vỡ cục máu đông. Loại thuốc được sử dụng phổ biến nhất là altepase tiêm tĩnh mạch. Loại thuốc này cần được dùng trong vòng 4,5 giờ kể từ khi xuất hiện triệu chứng.
Sau giai đoạn điều trị khẩn cấp, người bệnh sẽ bước vào giai đoạn phục hồi chức năng, gồm các liệu pháp như:
- Vật lý trị liệu
- Ngôn ngữ trị liệu
- Hoạt động trị liệu
Phục hồi và tiên lượng sau đột quỵ cầu não
Trong một nghiên cứu vào năm 2018, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng kích thước của vùng não bị ảnh hưởng trong cơn đột quỵ là yếu tố có ảnh hưởng lớn nhất đến khả năng sống sót của người bị đột quỵ cầu não. Theo một tổng quan nghiên cứu vào năm 2018, tỷ lệ tử vong trong 30 ngày sau đột quỵ là 48,1%.
Trong một nghiên cứu vào năm 2022, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng tỷ lệ tái phát đột quỵ cầu não là 4,1% sau 1 tháng, 6,3% sau 6 tháng và 7,8% sau 1 năm.
Phòng ngừa đột quỵ cầu não
Có nhiều cách để phòng ngừa đột quỵ nói chung:
- Kiểm soát huyết áp ổn định nếu bị tăng huyết áp
- Ăn uống cân bằng, lành mạnh
- Duy trì cân nặng hợp lý
- Tập thể dục thường xuyên
- Không hút thuốc
- Hạn chế uống rượu
- Kiểm soát các bệnh lý có thể dẫn đến đột quỵ, ví dụ như bệnh tiểu đường
- Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ
Trao đổi với bác sĩ về việc dùng aspirin cho trẻ em hoặc thuốc hạ mỡ máu như statin. Những loại thuốc này có thể giúp giảm nguy cơ đột quỵ.
Những người có tiền sử bị cục máu đông hoặc mắc các bệnh lý làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông có thể cần dùng thuốc làm loãng máu để ngăn ngừa cục máu đông – nguyên nhân dẫn đến đột quỵ do thiếu máu cục bộ.
Những câu hỏi thường gặp về đột quỵ cầu não
Tổn thương cầu não có những triệu chứng nào?
Tổn thương cầu não có thể gây ra nhiều triệu chứng, gồm có khó nói hoặc khó nuốt, liệt hoặc mất khả năng phối hợp động tác.
Tỷ lệ sống sót sau đột quỵ cầu não là bao nhiêu?
Một tổng quan nghiên cứu vào năm 2018 đã báo cáo tỷ lệ tử vong trong vòng khoảng 30 ngày sau đột quỵ cầu não là 48,1%.
Người bị đột quỵ cầu não có thể phục hồi hoàn toàn được không?
Một số người có thể phục hồi hoàn toàn sau đột quỵ cầu não nhưng một số người lại gặp phải các biến chứng về thể chất hoặc nhận thức vĩnh viễn. Các triệu chứng và biến chứng có thể tiếp tục cải thiện trong vòng nhiều năm sau cơn đột quỵ.
Đột quỵ cầu não ảnh hưởng đến những chức năng nào?
Suy giảm chức năng là một biến chứng lâu dài của đột quỵ. Sau đột quỵ cầu não, một số người bị giảm khả năng vận động hoặc cảm giác.
Tóm tắt bài viết
Những người bị đột quỵ cầu não có thể gặp phải các triệu chứng như liệt, mất cảm giác và mất khả năng phối hợp động tác. Giống như các loại đột quỵ khác, đột quỵ cầu não cũng cần được điều trị kịp thời để giảm nguy cơ tử vong và các biến chứng lâu dài.
Đột quỵ mắt xảy ra khi sự lưu thông máu đến võng mạc bị gián đoạn. Việc điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân gây gián đoạn lưu thông máu và mức độ nghiêm trọng của tình trạng tổn thương. Càng điều trị sớm thì tiên lượng càng khả năng.
Đột quỵ tiểu não xảy ra khi sự lưu thông máu đến tiểu não ở phía sau não bị gián đoạn. Điều này gây ra các triệu chứng ảnh hưởng đến chuyển động và có thể đe dọa đến tính mạng.
Đột quỵ xuất huyết não xảy ra khi mạch máu bị vỡ, làm gián đoạn sự lưu thông máu đến một phần não. Đây là tình trạng rất nguy hiểm cần được điều trị khẩn cấp. Nhận biết được các dấu hiệu của đột quỵ và hành động kịp thời khi có dấu hiệu bất thường có thể giúp cải thiện tiên lượng cho người bệnh.
Đột quỵ thân não là một tình trạng rất nguy hiểm, có thể đe dọa đến tính mạng. Lý do là bởi thân não kiểm soát một số chức năng quan trọng như hít thở và nhịp tim. Tuy nhiên, nếu được phát hiện và điều trị kịp thời, người bị đột quỵ thân não có thể đuọc cứu sống và phục hồi.
Sốc tim là một tình trạng đe dọa tính mạng, xảy ra khi tim đột nhiên không thể bơm đủ máu để đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Tình trạng này thường là do cơn nhồi máu cơ tim nghiêm trọng gây ra nhưng không phải ai bị nhồi máu cơ tim cũng bị sốc tim. Sốc tim rất hiếm gặp nhưng có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.