1

Bệnh Behcet là bệnh gì? Điều trị bằng cách nào?

Bệnh Behcet, hay còn được gọi là hội chứng Behcet, là một chứng rối loạn hiếm gặp có đặc trưng là viêm mạch máu ở khắp cơ thể.
Behcet Bệnh Behcet là bệnh gì? Điều trị bằng cách nào?

Bệnh Behcet có nhiều dấu hiệu và triệu chứng khác nhau. Những dấu hiệu ban đầu thường có vẻ không liên quan đến mạch máu, chẳng hạn như loét miệng, viêm mắt, phát ban hoặc tổn thương da và loét ở bộ phận sinh dục. Người mắc bệnh Behcet cần điều trị bằng thuốc để làm giảm các triệu chứng và ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như mù lòa.

Triệu chứng của bệnh Behcet

Bệnh Behcet gây ra nhiều triệu chứng khác nhau, tùy thuộc vào bộ phận bị ảnh hưởng trên cơ thể. Các triệu chứng có thể chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn rồi biến mất hoặc giảm nhẹ dần theo thời gian.

Bệnh Behcet thường ảnh hưởng đến các bộ phận của cơ thể như:

  • Miệng: Loét miệng là dấu hiệu phổ biến nhất của bệnh Behcet. Vết loét ban đầu có dạng những tổn thương tròn, hơi gồ lên bên trong miệng và nhanh chóng trở thành vết loét hở gây đau đớn. Các vết loét thường lành lại sau 1 đến 3 tuần nhưng đa phần sẽ tái phát.
  • Da: Một số người mắc bệnh Behcet nổi những sẩn nhỏ giống như mụn trứng cá trên cơ thể trong khi một số người lại có triệu chứng là các nốt đỏ, nhô cao và đau khi chạm trên da, đặc biệt là ở cẳng chân.
  • Bộ phận sinh dục: Bệnh Behcet có thể gây ra những vết loét đỏ trên bìu ở nam giới hoặc âm hộ ở nữ giới. Vết loét gây đau đớn và có thể để lại sẹo.
  • Mắt: Khi bệnh Behcet xảy ra ở mắt, người bệnh có thể bị viêm màng bồ đào với các triệu chứng là mắt đỏ, đau và mờ, thường xảy ra ở cả hai mắt. Những triệu chứng này thường biến mất sau một thời gian.
  • Khớp: Người bị bệnh Behcet có thể bị sưng đau khớp. Triệu chứng này thường xảy ra ở khớp gối nhưng cũng có thể xảy ra ở cả mắt cá chân, khuỷu tay hoặc cổ tay. Các triệu chứng có thể kéo dài từ 1 đến 3 tuần và sau đó tự biến mất.
  • Mạch máu: Tình trạng viêm ở tĩnh mạch và động mạch có thể gây hình thành cục máu đông, dẫn đến đỏ, đau và sưng phù ở tay hoặc chân. Tình trạng viêm ở các động mạch lớn có thể dẫn đến các biến chứng, chẳng hạn như phình động mạch hoặc hẹp tắc động mạch.
  • Hệ tiêu hóa: Bệnh Behcet đôi khi gây ra các triệu chứng về tiêu hóa như đau bụng, tiêu chảy và đại tiện ra máu.
  • Não: Tình trạng viêm trong não và hệ thần kinh gây nhức đầu, sốt, mơ hồ, thăng bằng kém hoặc đột quỵ.

Nguyên nhân gây bệnh Behcet

Bệnh Behcet có thể là một bệnh tự miễn, có nghĩa là hệ miễn dịch tấn công nhầm một số tế bào khỏe mạnh của cơ thể. Ngoài ra, yếu tố di truyền và môi trường cũng có thể góp phần gây ra căn bệnh này.

Các triệu chứng của bệnh Behcet là do tình trạng viêm mạch máu. Tình trạng này có thể xảy ra ở bất kỳ động mạch hay tĩnh mạch nào trên khắp cơ thể và gây tổn hại đến các mạch máu.

Một số gen đã được phát hiện là có liên quan đến bệnh Behcet. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng vi-rút hoặc vi khuẩn có thể gây ra bệnh Behcet ở những người mang một số gen nhất định. Những gen này khiến cơ thể nhạy cảm với bệnh Behcet.

Ai có nguy cơ mắc bệnh Behcet?

Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh Behcet gồm có:

  • Tuổi tác: Bệnh Behcet thường xảy ra ở nam giới và phụ nữ trong độ tuổi 20 đến 30, mặc dù trẻ nhỏ và người lớn tuổi cũng có thể mắc căn bệnh này.
  • Vị trí địa lý: Theo các nghiên cứu, người dân ở các quốc gia khu vực Trung Đông và Đông Á như Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Nhật Bản và Trung Quốc có nguy cơ mắc bệnh Behcet cao hơn so với các quốc gia khác.
  • Giới tính: Mặc dù bệnh Behcet có thể xảy ra ở cả nam và nữ nhưng bệnh thường nghiêm trọng hơn ở nam giới.
  • Gen: Một số gen nhất định làm tăng nguy cơ mắc bệnh Behcet.

Biến chứng của bệnh Behcet

Các biến chứng của bệnh Behcet phụ thuộc vào triệu chứng. Ví dụ, viêm màng bồ đào không được điều trị có thể dẫn đến suy giảm thị lực hoặc mù lòa. Những người có các triệu chứng về mắt do bệnh Behcet cần đi khám mắt thường xuyên vì việc điều trị kịp thời và đúng cách có thể giúp ngăn ngừa các biến chứng này.

Chẩn đoán bệnh Behcet

Không có phương pháp nào có thể chẩn đoán chính xác bệnh Behcet nên bác sĩ chủ yếu dựa trên các dấu hiệu và triệu chứng. Vì gần như tất cả những người mắc bệnh Behcet đều bị loét miệng nên một trong những yếu tố để bác sĩ đưa ra chẩn đoán bệnh Behcet là bệnh nhân bị loét miệng tái phát ít nhất 3 lần trong vòng 12 tháng.

Người bệnh sẽ được chẩn đoán bệnh Behcet nếu như có thêm ít nhất 2 dấu hiệu khác của bệnh, chẳng hạn như:

  • Loét tái đi tái lại ở bộ phận sinh dục
  • Viêm mắt
  • Vết loét trên da

Các xét nghiệm có thể cần thực hiện để xác nhận chẩn đoán gồm có:

  • Xét nghiệm máu để loại trừ các bệnh lý khác.
  • Thử nghiệm Pathergy: Bác sĩ đâm một cây kim vô trùng vào da và kiểm tra vị trí đâm kim sau một đến hai ngày. Nếu có sẩn nhỏ màu đỏ hình thành dưới da thì đó là dấu hiệu cho thấy hệ miễn dịch đang phản ứng quá mức với vết thương nhỏ.

Điều trị bệnh Behcet

Không có cách nào chữa khỏi bệnh Behcet. Những người bị bệnh nhẹ sẽ được kê thuốc để giảm đau và kiểm soát tình trạng viêm mỗi khi bùng phát triệu chứng. Thường không cần dùng thuốc khi không có triệu chứng.

Nếu có triệu chứng nghiêm trọng, bác sĩ sẽ kê thuốc để kiểm soát tình trạng bệnh trên khắp cơ thể.

Các loại thuốc điều trị triệu chứng

Các loại thuốc thường được sử dụng để làm giảm triệu chứng mỗi khi bệnh Behcet bùng phát gồm có:

  • Corticoid tại chỗ: Bôi thuốc trực tiếp lên các vết loét trên da và bộ phận sinh dục để giảm viêm và đau.
  • Nước súc miệng: Các loại nước súc miệng có chứa corticoid và một số thành phần khác có thể làm giảm cảm giác đau đớn do loét miệng.
  • Thuốc nhỏ mắt: Thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid hoặc các loại thuốc chống viêm khác có thể làm giảm đau, nóng rát và đỏ mắt do viêm nhẹ.

Các loại thuốc điều trị toàn thân

Nếu các loại thuốc bôi ngoài da không hiệu quả, bác sĩ sẽ kê colchicine để điều trị loét miệng và bộ phận sinh dục. Thuốc này còn có tác dụng cải thiện triệu chứng sưng đau khớp.

Đối với những trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp điều trị khác để làm giảm tổn hại do bệnh Behcet gây ra giữa các đợt bùng phát. Các phương pháp thường được sử dụng để điều trị bệnh Behcet mức độ vừa đến nặng gồm có:

  • Corticoid để kiểm soát tình trạng viêm: Các loại thuốc corticoid, chẳng hạn như prednisone, có tác dụng giảm viêm do bệnh Behcet. Bác sĩ thường kê thuốc trong nhóm này với một loại thuốc khác để làm giảm hoạt động của hệ miễn dịch. Các tác dụng phụ của corticoid gồm có tăng cân, ợ chua kéo dài, tăng huyết áp và loãng xương.
  • Thuốc ức chế miễn dịch: Có thể làm giảm tình trạng viêm trong cơ thể bằng cách dùng các loại thuốc ngăn hệ miễn dịch tấn công tế bào khỏe mạnh, ví dụ như azathioprine, cyclosporine và cyclophosphamide. Tác dụng phụ của những loại thuốc này gồm có tăng nguy cơ nhiễm trùng, vấn đề về gan và thận, số lượng hồng cầu, bạch cầu hoặc tiểu cầu thấp và tăng huyết áp.
  • Thuốc làm thay đổi đáp ứng miễn dịch: Interferon alfa-2b là một loại thuốc có tác dụng điều chỉnh hoạt động của hệ miễn dịch để kiểm soát phản ứng viêm. Thuốc này có thể sử dụng một mình hoặc kết hợp với các loại thuốc khác để giảm tình trạng loét da, đau khớp và viêm mắt ở những người bị bệnh Behcet. Tác dụng phụ của Interferon alfa-2b thường giống như các triệu chứng cảm cúm, ví dụ như đau cơ và mệt mỏi.
  • Thuốc ức chế yếu tố hoại tử khối u (thuốc ức chế TNF) cũng có hiệu quả trong điều trị một số triệu chứng của bệnh Behcet, đặc biệt là trong những trường hợp có các triệu chứng nghiêm trọng hoặc kháng thuốc. Một số loại thuốc trong nhóm này là infliximab và adalimumab. Các tác dụng phụ gồm có nhức đầu, phát ban và tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đột quỵ được chẩn đoán bằng cách nào?
Đột quỵ được chẩn đoán bằng cách nào?

Phát hiện và cấp cứu đột quỵ kịp thời là điều rất quan trọng. Các phương pháp chẩn đoán đột quỵ gồm có các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh như chụp CT và MRI, xét nghiệm máu và điện tâm đồ. Những phương pháp này giúp xác định loại đột quỵ, vị trí đột quỵ và mức độ nghiêm trọng của cơn đột quỵ.

Ngừng tim đột ngột: Nguyên nhân và cách điều trị
Ngừng tim đột ngột: Nguyên nhân và cách điều trị

Ngừng tim đột ngột là tình trạng mất chức năng tim, nhịp thở và ý thức đột ngột. Tình trạng này thường xảy ra do hệ thống điện của tim có vấn đề, làm gián đoạn hoạt động bơm máu của tim và dẫn đến ngừng lưu thông máu trong cơ thể.

Hội chứng suy nút xoang: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Hội chứng suy nút xoang: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Hội chứng suy nút xoang là tình trạng nút xoang (bộ phận điều hòa nhịp đập của tim) không thể tạo ra nhịp tim phù hợp với nhu cầu của cơ thể. Tình trạng này dẫn đến rối loạn nhịp tim (nhịp tim bất thường). Hội chứng suy nút xoang còn được gọi là rối loạn chức năng nút xoang hay bệnh nút xoang.

Những điều cần biết về đột quỵ hạch nền
Những điều cần biết về đột quỵ hạch nền

Hạch nền là các tế bào thần kinh nằm sâu trong não, có vai trò then chốt đối với khả năng vận động, chức năng điều hành, hành vi và cảm xúc. Tế bào thần kinh là các tế bào não có vai trò giống như sứ giả truyền tín gửi tín hiệu đi khắp hệ thống thần kinh. Bất kỳ sự thương tổn nào ở các hạch nền đều có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng, lâu dài đến khả năng cử động, ngôn ngữ hoặc khả năng phán đoán.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây