Những điều cần biết về thủ thuật lấy huyết khối
Lấy huyết khối là thủ thuật loại bỏ cục máu đông khỏi động mạch hoặc tĩnh mạch. Cục máu đông gây cản trở sự lưu thông máu trong mạch máu. Cục máu đông thường nằm ở não, tim và phổi nhưng cũng có thể nằm ở các vị trí khác trong cơ thể như chân, tay và ruột.
Nếu cục máu đông không được xử lý kịp thời, sự gián đoạn lưu thông máu sẽ gây tổn thương vĩnh viễn cho các cơ quan quan trọng hoặc chân tay. Cục máu đông có thể được loại bỏ bằng thuốc nhưng nếu thuốc không hiệu quả thì sẽ cần tiến hành thủ thuật lấy huyết khối. Thủ thuật này thường được thực hiện khẩn cấp.
Bài viết này sẽ giới thiệu về các loại thủ thuật lấy huyết khối khác nhau, những trường hợp cần thực hiện, rủi ro và quá trình hồi phục sau thủ thuật.
Lấy huyết khối là gì?
Lấy huyết khối là thủ thuật loại bỏ cục máu đông khỏi tĩnh mạch hoặc động mạch. Bác sĩ sẽ mở tĩnh mạch hoặc động mạch và sau đó loại bỏ cục máu đông.
Có hai phương pháp lấy huyết khối là:
- Mổ mở lấy huyết khối: bác sĩ sẽ mở mạch máu và lấy cục máu đông ra bằng máy hút chân không hoặc ống thông.
- Lấy huyết khối qua da: bác sĩ sử dụng các công nghệ chẩn đoán hình ảnh như chụp X-quang liên tục để đưa thiết bị đến vị trí cục máu đông, sau đó dùng thiết bị để hút toàn bộ cục máu đông ra khỏi mạch máu hoặc phá vỡ cục máu đông thành mảnh nhỏ, sau đó hút ra ngoài.
Có nhiều kỹ thuật lấy huyết khối khác nhau. Quy trình thục hiện cụ thể sẽ tùy thuộc vào kích thước và vị trí cục máu đông, tình trạng sức khỏe tổng thể và tiền sử bị cục máu đông của người bệnh.
Chỉ định
Thủ thuật lấy huyết khối thường được thực hiện khẩn cấp khi các phương pháp loại bỏ cục máu đông khác không hiệu quả.
Không phải khi nào cục máu đông cũng cần loại bỏ bằng thủ thuật lấy huyết khối. Ban đầu bác sĩ có thể sử dụng thuốc làm loãng máu hoặc thuốc tiêu sợi huyết để phá vỡ cục máu đông. Nếu các loại thuốc này không có tác dụng thì mới cân nhắc tiến hành thủ thuật lấy huyết khối.
Thủ thuật lấy huyết khối thường được thực hiện trong những trường hợp có cục máu đông gây tắc nghẽn động mạch. Tình trạng này gây ra các triệu chứng như:
- Đau cơ, yếu cơ hoặc cả hai
- Cảm giác như có kim chân, tê (thường ở một chi)
- Cảm giác lạnh ở vùng bị gián đoạn cung cấp máu
- Khó thở
- Đột ngột thay đổi thị lực hoặc khả năng nói chuyện
Có những trường hợp mà thủ thuật lấy huyết khối không phải giải pháp phù hợp, gồm có:
- Cục máu đông nằm ở vị trí khó tiếp cận
- Cục máu đông nằm trong một mạch máu rất nhỏ
- Có thể điều trị cục máu đông hiệu quả bằng thuốc
- Người bệnh có vấn đề về máu
- Người bệnh bị chảy máu trong hoặc chảy máu não
- Người bệnh bị cao huyết áp
Các loại lấy huyết khối
Thủ thuật lấy huyết khối được thực hiện nhằm loại bỏ cục máu đông ở nhiều bộ phận khác nhau của cơ thể. Quy trình thực hiện thủ thuật và kết quả sẽ phụ thuộc vào vị trí của cục máu đông.
Não (đột quỵ)
Cục máu đông trong não có thể dẫn đến đột quỵ do thiếu máu cục bộ. Trong những trường hợp đột quỵ do cục máu đông làm tắc nghẽn mạch máu lớn, nếu tình trạng được phát hiện kịp thời, thủ thuật lấy huyết khối sẽ là giải pháp hiệu quả hơn thuốc tiêu sợi huyết trong việc giảm thiểu tổn thương vĩnh viễn.
Thủ thuật lấy huyết khối sẽ hiệu quả nhất khi được thực hiện trong vòng 6 giờ kể từ khi xuất hiện triệu chứng, mặc dù nghiên cứu mới đây cho thấy rằng thủ thuật này vẫn mang lại lợi ích khi được thực hiện sau 6 giờ.
Tim (nhồi máu cơ tim)
Nhồi máu cơ tim xảy ra khi sự lưu thông máu trong động mạch vành bị gián đoạn, khiến cho cơ tim không được cung cấp máu. Nong mạch vành là một thủ thuật ít xâm lấn có thể khôi phục sự lưu thông máu trong những trường hợp nhồi máu cơ tim.
Nếu cần thiết, bác sĩ sẽ tiến hành lấy huyết khối trong quá trình nong mạch vành để loại bỏ cục máu đông lớn đang gây tắc nghẽn mạch máu. Bác sĩ sẽ đưa ống thông vào động mạch vành và hút cục máu đông ra ngoài.
Thủ thuật lấy huyết khối hiện chưa được chứng minh là hiệu quả hơn thủ thuật nong mạch vành trong việc giảm tắc nghẽn động mạch vành. Thủ thuật lấy huyết khối thường chỉ được sử dụng trong những trường hợp không thể thực hiện thủ thuật nong mạch vành.
Phổi (thuyên tắc phổi)
Cục máu đông trong phổi thường đến từ các bộ phận khác của cơ thể. Cục máu đông di chuyển theo dòng máu và mắc kẹt trong các mạch máu của phổi. Tình trạng này gọi là thuyên tắc phổi.
Triệu chứng phổ biến nhất của thuyên tắc phổi là khó thở. Điều này có thể xảy ra đột ngột hoặc từ từ.
Thủ thuật lấy huyết khối chỉ được sử dụng để điều trị thuyên tắc phổi trong những trường hợp mà người bệnh có tình trạng sức khỏe không ổn định và có rủi ro cao, không thể điều trị được bằng cacs phương pháp khác như thuốc tiêu sợi huyết.
Huyết khối tĩnh mạch sâu
Huyết khối tĩnh mạch sâu là khi cục máu đông hình thành trong tĩnh mạch nằm ở sâu trong cơ thể. Tình trạng này thường xảy ra ở cẳng chân hoặc đùi nhưng cũng có thể xảy ra ở những nơi khác.
Huyết khối tĩnh mạch sâu có thể được điều trị bằng thủ thuật lấy huyết khối nếu cục máu đông không ổn định hoặc gây ra các triệu chứng nghiêm trọng. Thủ thuật lấy huyết khối cũng được thực hiện khi không thể sử dụng thuốc hoặc đã dùng thuốc mà không hiệu quả.
Thủ thuật lấy huyết khối đã được chứng minh là mang lại kết quả tốt hơn so với sử dụng thuốc tiêu sợi huyết đối với những người bị huyết khối tĩnh mạch sâu.
Bụng (thiếu máu cục bộ mạc treo cấp tính)
Thiếu máu cục bộ mạc treo cấp tính là tình trạng xảy ra khi cục máu đông xuất hiện đột ngột ở động mạch ruột chính làm gián đoạn sự lưu thông máu đến ruột non. Đây là một tình trạng nguy hiểm cần phải phẫu thuật ngay lập tức. Lấy huyết khối là một phương pháp điều trị tình trạng này.
Trong quá trình phẫu thuật, cục máu đông được hút ra ngoài qua một ống thông nhỏ.
Quy trình thực hiện thủ thuật
Các loại lấy huyết khối có quy trình thực hiện tương tự nhau, chỉ có một vài điểm khác biệt nhỏ. Vì thủ thuật lấy huyết khối thường được thực hiện khẩn cấp nên không có sự chuẩn bị trước.
Quy trình lấy huyết khối thường gồm có các bước sau:
- Đánh giá cục máu đông: Trước khi tiến hành lấy huyết khối, bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện các phương pháp chẩn đoán hình ảnh, gồm có chụp X-quang, chụp X-quang động mạch, chụp X-quang tĩnh mạch hoặc chụp cắt lớp vi tính CT để xác định vị trí và kích thước của cục máu đông.
- Truyền dịch và thuốc qua đường tĩnh mạch: Người bệnh sẽ được đặt ống truyền vào tĩnh mạch ở cánh tay để truyền dịch và thuốc, ví dụ như thuốc làm loãng máu.
- Gây mê: Thông thường, người bệnh sẽ được gây mê toàn thân nhưng một số trường hợp chỉ cần dùng thuốc an thần. Điều này có nghĩa là người bệnh không hoàn toàn mất ý thức nhưng sẽ không cảm thấy đau đớn.
- Sát khuẩn và gây tê: Tùy vào vị trí phẫu thuật mà trước tiên sẽ phải cạo lông/tóc. Khu vực phẫu thuật sẽ được sát khuẩn để tránh nhiễm trùng và bôi thuốc gây tê tại chỗ.
- Hướng dẫn hình ảnh: Nếu cần, bác sĩ sẽ sử dụng hình ảnh X-quang hoặc các công nghệ chẩn đoán hình ảnh khác để quan sát mạch máu và cục máu đông trong quá trình phẫu thuật. Điều này giúp bác sĩ tiếp cận cục máu đông một cách chính xác và an toàn.
- Tạo đường rạch: Vị trí rạch phụ thuộc vào phương pháp lấy huyết khối. Nếu lấy huyết khối qua da, đường rạch thường được tạo ở bẹn, cổ hoặc cánh tay.
- Loại bỏ cục máu đông: Có nhiều cách để loại bỏ cục máu đông khỏi mạch máu, ví dụ nư hút toàn bộ cục máu đông hoặc phá vỡ cục máu đông thành các mảnh nhỏ trước khi hút. Thông thường, các thiết bị hút cục máu đông được đưa vào động mạch hoặc tĩnh mạch qua ống thông. Nếu cục máu đông có kích thước lớn, bác sĩ sẽ dùng thiết bị phá vỡ cục máu đông thành mảnh nhỏ rồi mới hút ra ngoài.
- Đặt stent: Đôi khi cần đặt stent bên trong động mạch hoặc tĩnh mạch để giữ cho động mạch hoặc tĩnh mạch mở rộng sau khi loại bỏ cục máu đông. Stent sẽ được đặt trước khi đóng vết mổ.
- Đóng vết mổ: Sau khi loại bỏ cục máu đông, dụng cụ phẫu thuật sẽ được lấy ra và mạch máu được đóng lại. Bác sĩ sẽ đóng vết mổ và băng lại.
Ngay khi thủ thuật hoàn tất, người bệnh sẽ được đưa vào phòng hồi sức để theo dõi. Đa phần, người bệnh sẽ phải nằm viện ít nhất 1 – 2 ngày sau thủ thuật lấy huyết khối.
Rủi ro của thủ thuật lấy huyết khối
Mặc dù thủ thuật lấy huyết khối có thể cứu sống người bệnh nhưng cũng tiềm ẩn một số rủi ro, gồm có:
- Rách mạch máu
- Chảy máu quá nhiều
- Tổn thương hoặc hẹp mạch máu
- Bầm tím nghiêm trọng tại vị trí đâm kim
- Xuất huyết não (chảy máu trong não)
- Nhiễm trùng
- Tác dụng phụ của thuốc gây mê
Phục hồi sau thủ thuật lấy huyết khối
Ngay sau thủ thuật, người bệnh sẽ được nhân viên y tế hỗ trợ đứng dậy và đi lại để giảm nguy cơ hình thành các cục máu đông mới. Thông thường, người bệnh sẽ cần thực hiện những điều sau đây trong quá trình phục hồi:
- Dùng thuốc: Người bệnh thường phải dùng thuốc chống đông máu (thuốc làm loãng máu) và thuốc tiêu sợi huyết (thuốc làm tan cục máu đông) sau khi lấy huyết khối. Những loại thuốc này giúp phá vỡ cục máu đông nào còn sót lại và ngăn ngừa hình thành cục máu đông mới.
- Vớ y khoa: Người bệnh cũng có thể cần mang vớ y khoa để hỗ trợ lưu thông máu ở các chi và ngăn hình thành cục máu đông.
- Hoạt động thể chất: Tập thể dục thường xuyên có thể giúp cải thiện tuần hoàn máu và giảm nguy cơ hình thành cục máu đông.
Tỷ lệ sống sót sau thủ thuật lấy huyết khối phụ thuộc vào một số yếu tố, gồm có tình trạng sức khỏe tổng thể, mức độ tổn hại do cục máu đông gây ra và vị trí của cục máu đông.
Tóm tắt bài viết
Cục máu đông là một vấn đề nghiêm trọng. Cục máu đông cản trở sự lưu thông máu đến các bộ phận quan trọng của cơ thể, điều này có thể dẫn đến tổn thương vĩnh viễn các mô hoặc cơ quan và tàn tật lâu dài, thậm chí là tử vong.
Thủ thuật lấy huyết khối loại bỏ cục máu đông khỏi tĩnh mạch hoặc động mạch, nhờ đó khôi phục sự lưu thông máu, ngăn ngừa hoặc giảm thiểu tổn thương cho các cơ quan.
Thủ thuật lấy huyết khối thường được thực hiện khẩn cấp. Thủ thuật càng được thực hiện sớm thì kết quả sẽ càng tốt. Hãy gọi cấp cứu hoặc đến ngay bệnh viện khi có các triệu chứng như khó thở, đau cơ đột ngột hoặc yếu cơ, khó nói hoặc thay đổi thị lực.
Đột quỵ do thiếu máu cục bộ là một vấn đề rất nghiêm trọng xảy ra do tắc nghẽn ở một mạch máu mang máu đến não. Một số triệu chứng gồm có xệ hoặc liệt nửa mặt, yếu cơ chân tay ở một bên và nói ngọng.
Cả liệt dây thần kinh số 7 (liệt mặt) và đột quỵ đều gây yếu cơ mặt nhưng các triệu chứng của đột quỵ xảy ra trên phạm vi rộng hơn. Liệt dây thần kinh số 7 có thể được điều trị từ từ nhưng đột quỵ cần được điều trị khẩn cấp.
Bệnh Behcet, hay còn được gọi là hội chứng Behcet, là một chứng rối loạn hiếm gặp có đặc trưng là viêm mạch máu ở khắp cơ thể.
Ngừng tim đột ngột là tình trạng mất chức năng tim, nhịp thở và ý thức đột ngột. Tình trạng này thường xảy ra do hệ thống điện của tim có vấn đề, làm gián đoạn hoạt động bơm máu của tim và dẫn đến ngừng lưu thông máu trong cơ thể.