Có những phương pháp chẩn đoán đột quỵ nào?
Đột quỵ xảy ra khi nguồn cung cấp máu đến một vùng não bị gián đoạn. Mặc dù đột quỵ có các dấu hiệu như yếu cơ ở một bên cơ thể hoặc nói năng khó khăn nhưng vẫn cần thực hiện một số phương pháp chẩn đoán đê xác định xem có đúng là người bệnh bị đột quỵ hay không và đột quỵ xảy ra ở đâu trong não.
Xác định loại đột quỵ là điều rất quan trọng để có phương án điều trị thích hợp và xác định xem người bệnh có cần dùng thuốc để dùng thuốc cứu mạng hay không.
Các loại đột quỵ
Có hai loại đột quỵ chính là đột quỵ do thiếu máu cục bộ và đột quỵ xuất huyết não.
- Đột quỵ do thiếu máu cục bộ: Loại đột quỵ này xảy ra do cục máu đông trong não hoặc trong mạch máu. Cục máu đông làm gián đoạn sự lưu thông máu cùng với oxy đến não và các triệu chứng đột quỵ sẽ xuất hiện. Đây là loại đột quỵ phổ biến nhất, chiếm khoảng 80% tổng số ca đột quỵ.
- Đột quỵ xuất huyết não: Đột quỵ xuất huyết não là do chảy máu trong não. Đột quỵ xuất huyết não thường xảy ra do mạch máu bị suy yếu theo thời gian và vỡ. Đột quỵ xuất huyết não chiếm khoảng 20% tổng số ca đột quỵ.
Đột quỵ nhẹ
Đột quỵ nhẹ hay cơn thiếu máu não thoáng qua tương tự như đột quỵ nhưng không được coi là một dạng đột quỵ chính giống như đột quỵ do thiếu máu cục bộ và đột quỵ xuất huyết não. Cơn thiếu máu não thoáng qua là kết quả của sự tắc nghẽn tạm thời hoặc gián đoạn lưu thông máu đến một phần của não.
Cơn thiếu máu não thoáng qua đa phần tự khỏi, thường là trong vòng 5 phút và các triệu chứng thường biến mất trong vòng 24 giờ. Tuy nhiên, cơn thiếu máu não thoáng qua vẫn được coi là một vấn đề cần cấp cứu và có thể là dấu hiệu cảnh báo của một cơn đột quỵ nghiêm trọng hơn trong tương lai.
Các phương pháp chẩn đoán đột quỵ
Mặc dù có thể dựa trên các dấu hiệu và triệu chứng để đưa ra phán đoán ban đầu về khả năng bị đột quỵ nhưng vẫn cần phải thực hiện các phương pháp chẩn đoán sau đây để xác nhận đột quỵ.
Các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh
“Tiêu chuẩn vàng” trong các chẩn đoán đột quỵ là các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh như:
- Chụp cắt lớp vi tính (CT scan): Chụp CT sọ não giúp phát hiện tổn thương hoặc chảy máu trong não.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): có thể được kết hợp với chụp CT. MRI giúp phát hiện những thay đổi trong mô não.
- Chụp mạch não: sử dụng thuốc cản quang và tia X để tạo ra hình ảnh rõ ràng của các mạch máu trong não, từ đó giúp bác sĩ xác định vị trí bị tắc nghẽn hoặc bất thường.
Tất cả các phương pháp này đều tạo ra hình ảnh trực quan của các mạch máu hoặc mô trong não nơi có thể hình thành cục máu đông, chảy máu hoặc các vấn đề khác về mạch máu. Các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh không chỉ giúp phát hiện những vấn đề này mà còn giúp xác định chính xác loại, vị trí và mức độ đột quỵ.
Xét nghiệm máu và kiểm tra tim
Nếu nghi ngờ đột quỵ, bác sĩ có thể sẽ đề nghị thực hiện thêm một số phương pháp chẩn đoán khác.
Một số phương pháp chẩn đoán trong số này không chỉ ra sự hiện diện hoặc vị trí của đột quỵ mà thay vào đó là giúp xác định nguyên nhân gây đột quỵ, chẳng hạn như vấn đề về đông máu hoặc để kiểm tra xem có các biến chứng như cục máu đông trong tim hay không.
Một số phương pháp chẩn đoán khác có thể được thực hiện ngoài các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh kể trên gồm có:
- Xét nghiệm máu: đánh giá thành phần trong máu, khả năng hình thành cục máu đông, các chất điện giải và tổn thương cơ tim.
- Điện tâm đồ (EKG/ECG): đo hoạt động điện của tim, từ đó giúp phát hiện các vấn đề về tim có thể dẫn đến đột quỵ.
- Siêu âm tim: sử dụng sóng âm để đánh giá chuyển động của tim. Siêu âm tim còn giúp phát hiện những bất thường nhất định có thể dẫn đến đột quỵ.
- Siêu âm động mạch cảnh: giúp đánh giá sự lưu thông máu trong động mạch cảnh và cấu trúc của động mạch cảnh. Tình trạng xơ vữa động mạch có thể khiến cục máu đông trong các động mạch này vỡ ra và theo máu đến các động mạch nhỏ hơn trong não.
- Chọc dò tủy sống: kiểm tra dịch tủy sống để xem có các chất được tạo ra từ các tế bào máu bị vỡ hay không. Chọc dò tủy sống chỉ được thực hiện trong trường hợp không tìm được nguyên nhân gây đột quỵ nào khác và người bệnh đã hoàn toàn ổn định.
Người bệnh cũng có thể cần làm xét nghiệm liên tục để theo dõi các tình trạng có thể góp phần gây ra đột quỵ, gồm có đo huyết áp và xét nghiệm đường huyết.
Thang điểm Glasgow
Mặc dù Thang điểm Glasgow không giúp chẩn đoán đột quỵ nhưng đây là một trong cách nhanh nhất để đánh giá tình trạng thể chất. Thang điểm Glasgow không cần sử dụng máy móc và điểm số được xác định dựa trên:
- Chuyển động và phản ứng của mắt
- Phản hồi bằng lời nói
- Phản ứng vận động và chuyển động
Điểm số của từng mục sẽ được cộng lại với nhau để ra tổng điểm (trong khoảng từ 3 đến 15). Điểm càng thấp có nghĩa là tình trạng tổn thương não càng nghiêm trọng.
Thang điểm NIHSS
NIHSS là thang điểm đo đột quỵ của Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ. Theo đó, điểm số được xác định dựa trên các triệu chứng về thần kinh của cơn đột quỵ. Các bác sĩ sẽ dựa trên điểm số cuối cùng để đánh giá sự hiện diện hoặc mức độ nghiêm trọng của cơn đột quỵ xuất huyết não hoặc đột quỵ do thiếu máu cục bộ.
Cụ thể, bác sĩ sẽ xác định điểm số dựa trên các yếu tố sau:
- mức độ ý thức
- đặt câu hỏi về thời gian và địa điểm
- khả năng làm theo các yêu cầu về thể chất
- chuyển động của mắt và thị lực
- khả năng cử động cơ mặt
- cử động tay và chân
- khả năng nói
- khả năng hiểu văn bản hoặc lời nói
- xúc giác
Điều trị đột quỵ do thiếu máu cục bộ
Trong những trường hợp đột quỵ do thiếu máu cục bộ, tổn thương xảy ra mỗi khi não ngừng được cung cấp máu và oxy. Do đó cần phải khôi phục sự lưu thông máu đến mô não bị ảnh hưởng càng sớm càng tốt. Có hai biện pháp chính để khôi phục sự lưu thông máu đến mô não, đó là phẫu thuật loại bỏ cục máu đông và dùng thuốc làm loãng máu để làm tan cục máu đông.
Đột quỵ do thiếu máu cục bộ đôi khi có thể điều trị được nhưng đa phần thì lựa chọn duy nhất hiện là ổn định người bệnh. Thời gian là yếu tố quan trọng trong điều trị đột quỵ do thiếu máu cục bộ.
Một số loại thuốc làm loãng máu hoặc thuốc chống kết tập tiểu cầu như heparin hoặc clopidogrel có thể được dùng bất cứ lúc nào sau cơn đột quỵ và mang lại một số lợi ích cho người bệnh.
Các loại thuốc chống đông máu như warfarin thậm chí có thể tiếp tục sử dụng lâu dài sau cơn đột quỵ để ngăn ngừa đột quỵ tái phát trong tương lai.
Tuy nhiên, tất cả các loại thuốc làm loãng máu và thuốc chống đông máu đều sẽ làm tăng nguy cơ chảy máu. Những phần não mới bị tổn thương do đột quỵ gần đây sẽ có nguy cơ chảy máu đặc biệt cao. Do đó, những loại thuốc này cần được sử dụng một cách thận trọng.
Chất hoạt hóa plasminogen mô
Tuy nhiên, phương pháp điều trị hiệu quả nhất cho đột quỵ do thiếu máu cục bộ là chất hoạt hóa plasminogen mô (tPA). Loại thuốc này có thể làm tan cục máu đông gây đột quỵ một cách nhanh chóng và hiệu quả. Tuy nhiên, sử dụng tPA cũng có thể gây chảy máu trong não. Dùng tPA trong những trường hợp đột quỵ xuất huyết não có thể dẫn đến chảy máu nhiều hơn và thậm chí là tử vong.
Vì lý do này nên cần phải xác định loại đột quỵ trước khi sử dụng tPA. Ngoài ra còn có một số nhóm đối tượng khác cũng không nên sử dụng tPA, chẳng hạn như người mới phẫu thuật gần đây.
Một điều quan trọng cần lưu ý, tPA chỉ có tác dụng khi được dùng trong vòng 5 giờ kể từ khi xuất hiện các dấu hiệu đột quỵ. Sau khi được phê duyệt sử dụng để điều trị đột quỵ do thiếu máu cục bộ cấp tính vào cuối thập niên 90, tPA đã được chứng minh là có thể làm giảm 30% nguy cơ tàn tật nghiêm trọng, vĩnh viễn do đột quỵ. (1)
Các nghiên cứu sau đó cũng đã cho thấy kết quả tương tự. tPA thường được sử dụng trong ca phẫu thuật loại bỏ cục máu đông.
Điều trị đột quỵ xuất huyết não
Mục tiêu điều trị đột quỵ xuất huyết não là:
- Ngăn chặn chảy máu
- Giảm áp lực trong hộp sọ
- Ngăn ngừa các biến chứng như co giật
- Các biện pháp kiểm soát cao huyết áp
Có thể sử dụng các loại thuốc như dung dịch muối sinh lý nồng độ cao và mannitol để kiểm soát áp lực nội sọ.
Mức độ tổn thương do đột quỵ xuất huyết não sẽ phụ thuộc vào các yếu tố như phần nào của não bị ảnh hưởng, mô não bị thiếu oxy trong bao lâu và mức độ nghiêm trọng hay phạm vi của tình trạng xuất huyết.
Tại sao mỗi phút đều quý giá đối với người bị đột quỵ?
Thời gian là yếu tố rất quan trọng trong chẩn đoán và điều trị đột quỵ. Lý do là vì mô não vô cùng nhạy cảm với tình trạng thiếu oxy và chất dinh dưỡng, chẳng hạn như glucose. Não cần được cung cấp oxy đầy đủ và liên tục.
Khi sự lưu thông máu đến não bị ngừng hoặc gián đoạn, tình trạng tổn thương não vĩnh viễn và tàn tật có thể xảy ra chỉ sau 5 phút. Không giống như một số loại tế bào khác trong cơ thể, một khi các tế bào và mô não chết do thiếu oxy thì sẽ vĩnh viễn không thể phục hồi lại được.
Khôi phục lưu thông máu và oxy đến não sớm sẽ giúp giảm thiểu lượng mô bị hỏng và nhờ đó, giảm nguy cơ mất chức năng não sau đột quỵ. Các biện pháp chính để khôi phục lưu thông máu đến não là phẫu thuật hoặc dùng thuốc. Một số loại thuốc nhất định, ví dụ như tPA, cần được dùng càng sớm càng tốt để có hiệu quả cao nhất.
Dấu hiệu và triệu chứng của đột quỵ
Các dấu hiệu và triệu chứng chính của cơn đột quỵ:
- Tê hoặc yếu cơ đột ngột ở một bên hoặc một vùng trên cơ thể
- Đột ngột bị lú lẫn
- Thay đổi thị lực
- Chóng mặt
- Mất thăng bằng
- Đi lại khó khăn
- Nói năng khó khăn hoặc bất thường
- Đau đầu dữ dội
Nếu thấy bản thân hoặc một ai đó có những dấy hiệu này, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức.
Sự chậm trễ trong điều trị đột quỵ, bất kể là đột quỵ xuất huyết não hay đột quỵ do thiếu máu cục bộ, đều sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Tóm tắt bài viết
Đột quỵ xảy ra khi sự lưu thông máu đến một vùng não bị gián đoạn. Đột quỵ cần được chẩn đoán và điều trị kịp thời để ngăn ngừa những hậu quả nghiêm trọng như tàn tật và tử vong.
Có nhiều công cụ để chẩn đoán đột quỵ nhưng chính xác nhất là các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh như chụp CT hoặc MRI. Những kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh này giúp phát hiện tình trạng tổn thương mô não hoặc chảy máu trong não.
Những phương pháp này không chỉ phát hiện cơn đột quỵ mà còn giúp xác định loại đột quỵ, từ đó bác sĩ có thể đưa ra phương án điều trị thích hợp.
Nếu bạn cho rằng mình hoặc một người thân đang bị đột quỵ, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức. Can thiệp điều trị sớm sẽ giúp giảm nguy cơ tổn thương não và ngăn ngừa biến chứng.
Hạch nền là các tế bào thần kinh nằm sâu trong não, có vai trò then chốt đối với khả năng vận động, chức năng điều hành, hành vi và cảm xúc. Tế bào thần kinh là các tế bào não có vai trò giống như sứ giả truyền tín gửi tín hiệu đi khắp hệ thống thần kinh. Bất kỳ sự thương tổn nào ở các hạch nền đều có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng, lâu dài đến khả năng cử động, ngôn ngữ hoặc khả năng phán đoán.
Những người bị đột quỵ có thể bị thay đổi thị lực hoặc mất thị lực. Thị lực có sự thay đổi do đột quỵ làm tổn thương một phần não hoặc ảnh hưởng đến các dây thần kinh và cơ xung quanh mắt. Cho dù không có triệu chứng của vấn đề về thị lực thì cũng nên khám mắt sau đột quỵ.
Gen có thể ảnh hưởng đến nguy cơ đột quỵ. Một số rối loạn di truyền có thể gây ra hoặc làm tăng nguy cơ đột quỵ. Biết được nguy cơ của bản thân và tiền sử gia đình sẽ giúp phòng ngừa đột quỵ.
Xệ mặt, nói năng không rõ ràng và yếu cơ ở một bên cơ thể có thể là những dấu hiệu của cơn đột quỵ. Các triệu chứng đột quỵ khác còn có đột ngột đau đầu dữ dội, lú lẫn, mất thăng bằng và thay đổi thị lực.