Các phương pháp điều trị đột quỵ
Đột quỵ xảy ra khi sự lưu thông máu đến một phần não bị gián đoạn. Khi điều này xảy ra, các tế bào sẽ không nhận được oxy và bắt đầu chết, dẫn đến nhiều triệu chứng. Ảnh hưởng của cơn đột quỵ ở mỗi một ca bệnh là khác nhau vì còn còn tùy thuộc vào vị trí bị gián đoạn cung cấp máu trong não.
Đột quỵ cần được điều trị khẩn cấp. Việc điều trị càng được tiến hành sớm thì sẽ càng ít có nguy cơ gặp phải các biến chứng lâu dài. Phương pháp điều trị đột quỵ phụ thuộc vào nguyên nhân gây đột quỵ: do thiếu máu cục bộ hay do xuất huyết.
Nhận biết dấu hiệu đột quỵ bằng quy tắc FAST
Tiên lượng của người bị đột quỵ phụ thuộc vào thời điểm được điều trị. Điều trị càng sớm thì tiên lượng sẽ càng khả quan. Có một cách để nhận biết các triệu chứng đột quỵ, đó là sử dụng quy tắc FAST, viết tắt của Face (khuôn mặt), Arm (cánh tay), Speech (lời nói) và Time (thời gian):
- Khuôn mặt: Một bên mặt bị xệ, sụp mí ở một mắt, cười méo miệng hoặc một bên khóe miệng hướng xuống.
- Cánh tay: Yêu cầu người đó giơ cả hai tay lên xem một cánh tay có bị rơi xuống hoặc không thể giơ cao hay không.
- Lời nói: Yêu cầu người đó nói một câu đơn giản xem có bị nói dính chữ, khó nói hoặc phát âm không rõ rang hay không.
- Thời gian: Nếu có những dấu hiệu này thì phải gọi cấp cứu ngay.
Điều trị khẩn cấp đột quỵ do thiếu máu cục bộ
Đột quỵ do thiếu máu cục bộ là loại đột quỵ phổ biến nhất, xảy ra khi một mạch máu đến não bị tắc nghẽn, thường là do cục máu đông.
Dưới đây là các phương pháp điều trị khẩn cấp đột quỵ do thiếu máu cục bộ.
Thuốc
Theo hướng dẫn vào năm 2018 của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ và Hiệp hội Đột quỵ Hoa Kỳ, thuốc điều trị đột quỵ do thiếu máu cục bộ cần được sử dụng trong vòng 3 giờ (có thể lên đến 4,5 giờ trong một số trường hợp) kể từ khi cơn đột quỵ bắt đầu xảy ra. (1)
Phương pháp chính để điều trị đột quỵ do thiếu máu cục bộ là chất hoạt hóa plasminogen mô (tPA), một loại thuốc có tác dụng làm tan cục máu đông, nhờ đó khôi phục sự lưu thông máu đến não. tPA được tiêm qua tĩnh mạch ở cánh tay.
Alteplase (Activase) hiện là loại tPA duy nhất được phê duyệt để điều trị đột quỵ nhưng một loại thuốc khác đang được sử dụng rất phổ biến là tenecteplase (TNKase). Các thử nghiệm lâm sàng đã cho thấy tính hiệu quả và an toàn của loại thuốc này.
Các loại thuốc khác cũng được dùng trong điều trị đột quỵ do thiếu máu cục bộ gồm có:
- Các thuốc làm loãng máu như clopidogrel và warfarin trong những trường hợp không thể dùng tPA
- Aspirin trong vòng 24 – 48 giờ để giảm nguy cơ hình thành cục máu đông mới
- Statin để giảm nguy cơ đột quỵ tái phát
Lấy huyết khối cơ học
Nếu thuốc không thể phá vỡ cục máu đông và tình trạng gián đoạn lưu thông máu giới hạn ở một khu vực của não, bác sĩ có thể tiến hành thủ thuật lấy huyết khối cơ học, có nghĩa là sử dụng ống thông để loại bỏ cục máu đông đang gây tắc nghẽn mạch máu.
Bác sĩ sẽ luồn ống thông qua mạch máu đến vị trí có cục máu đông, sau đó loại bỏ cục máu đông bằng dụng cụ gắn ở đầu ống thông hoặc bơm thuốc vào để làm tan cục máu đông.
Thủ thuật lấy huyết khối cơ học cần được thực hiện trong vòng 24 giờ kể từ khi bắt đầu xuất hiện các triệu chứng đột quỵ.
Mở sọ giải ép
Đột quỵ có thể dẫn đến tình trạng sưng não nghiêm trọng. Nếu không thể làm giảm sưng bằng thuốc, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật mở sọ giải ép. Mục đích của ca phẫu thuật này là làm giảm áp lực bên trong hộp sọ để ngăn ngừa hỏng não. Bác sĩ sẽ mở một phần hộp sọ ở khu vực bị sưng. Sau khi áp lực được loại bỏ, bác sĩ sẽ đặt lại nắp sọ và đóng vết mổ.
Điều trị khẩn cấp đột quỵ xuất huyết não
Đột quỵ xuất huyết não xảy ra khi một mạch máu trong não bị vỡ hoặc rò rỉ. Điều này khiến máu chảy ra khỏi mạch máu, tích tụ ở vùng mô xung quanh, gây ra tình trạng sưng và chèn ép lên mô não.
Dưới đây là các phương pháp điều trị khẩn cấp đột quỵ xuất huyết não.
Thuốc
Không giống như đột quỵ do thiếu máu cục bộ, đột quỵ do xuất huyết không thể điều trị bằng thuốc làm loãng máu. Lý do là bởi thuốc làm loãng máu sẽ khiến cho tình trạng chảy máu trong não càng trầm trọng hơn. Nếu người bệnh đang dùng thuốc làm loãng máu, bác sĩ sẽ sử dụng thuốc chống lại tác dụng của các loại thuốc này.
Các loại thuốc khác được dùng trong điều trị đột quỵ xuất huyết não và các biến chứng gồm có:
- Thuốc hạ huyết áp
- Vitamin K hoặc thuốc ngăn chảy máu não
- Thuốc chống động kinh nếu cơn đột quỵ gây co giật
Phẫu thuật
Tùy thuộc vào mức độ tổn thương mạch máu trong não, người bệnh có thể cần phẫu thuật sau cơn đột quỵ xuất huyết não. Chỉ khi mạch máu bị vỡ nằm ở vị trí có thể tiếp cận thì mới có thể phẫu thuật.
Các loại phẫu thuật thường được thực hiện sau đột quỵ xuất huyết não gồm có:
- Nút túi phình động mạch não: Đây là một thủ thuật ít xâm lấn, trong đó bác sĩ luồn một sợi kim loại mảnh và ống thông qua các mạch máu vào túi phình động mạch. Sau đó, bác sĩ đưa một dây xoắn bằng kim loại mềm (coil) vào túi phình để chặn dòng máu và ngăn chảy máu.
- Kẹp túi phình động mạch não: Dùng kẹp để ngăn túi phình động mạch chảy máu thêm hoặc bị vỡ. Thủ thuật này có mức độ xâm lấn cao hơn nút túi phình động mạch nên thường chỉ được thực hiện trong những trường hợp không thể nút túi phình.
- Phẫu thuật dị dạng động tĩnh mạch: Dị dạng động tĩnh mạch là những mạch máu nối thông bất thường và dễ bị vỡ. Trong ca phẫu thuật, bác sĩ sẽ loại bỏ hoặc thu nhỏ những mạch máu này nhằm khôi phục sự lưu thông máu bình thường.
- Mở nắp sọ giải ép: Mở một phần hộp sọ tạm thời để giảm áp lực chèn ép lên não. Loại phẫu thuật cũng được sử dụng để điều trị đột quỵ do thiếu máu cục bộ.
- Xạ phẫu định vị: Sử dụng liệu pháp xạ trị để sửa chữa các mạch máu.
Điều trị hỗ trợ sau đột quỵ
Trong thời gian nằm viện, người bệnh có thể sẽ cần thêm các phương pháp điều trị khác để hỗ trợ quá trình phục hồi sau đột quỵ, ví dụ như:
- Ống thông dạ dày nếu người bệnh bị khó nuốt
- Truyền dịch tĩnh mạch, để ngăn ngừa mất nước
- Liệu pháp oxy nếu người bệnh bị thiếu oxy (nồng độ oxy trong máu thấp)
- Dùng thực phẩm chức năng để bổ sung dinh dưỡng
- Mang tất y khoa để ngăn ngừa hình thành cục máu đông
Điều trị dự phòng sau đột quỵ
Sau giai đoạn điều trị khẩn cấp, bác sĩ sẽ đưa ra các biện pháp điều trị dự phòng để ngăn ngừa đột quỵ tái phát.
Thay đổi lối sống
Các biện pháp điều trị dự phòng sau đột quỵ chủ yếu nhằm mục đích cải thiện sức khỏe tim mạch. Người bệnh cần kiểm soát huyết áp, lượng đường trong máu và cholesterol.
Những thay đổi lối sống có lợi cho sức khỏe tim mạch gồm có:
- Tập thể dục thường xuyên
- Ăn uống lành mạnh, tập trung vào các loại thực phẩm tốt cho tim mạch
- Dùng các loại thuốc như aspirin
- Không hút thuốc
- Hạn chế stress
- Ngủ đủ giấc
Bóc nội mạc động mạch cảnh
Trong trường hợp đột quỵ thiếu máu cục bộ là do động mạch cảnh bị tắc nghẽn, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật bóc nội mạc động mạch cảnh.
Động mạch cảnh là mạch máu chính cung cấp máu cho não. Trong ca phẫu thuật bóc nội mạc động mạch cảnh, bác sĩ sẽ loại bỏ mảng xơ vữa đang gây tắc nghẽn trong động mạch để cải thiện sự lưu thông máu và giảm nguy cơ đột quỵ tái phát trong tương lai.
Cũng giống như các loại phẫu thuật khác, bóc nội mạc động mạch cảnh cũng có những rủi ro nhất định. Ví dụ, mảng xơ vữa hoặc cục máu đông trong động mạch cảnh có thể bị bong ra trong quá trình phẫu thuật, di chuyển theo dòng máu đến não và gây ra đột quỵ. Tuy nhiên, trong ca phẫu thuật, bác sĩ sẽ thực hiện các biện pháp phòng ngừa để giảm thiểu nguy cơ này.
Phục hồi chức năng sau đột quỵ
Quá trình phục hồi chức năng sau đột quỵ phụ thuộc vào mức độ tổn thương và phần não bị ảnh hưởng.
Ví dụ, nếu đột quỵ xảy ra ở bán cầu não phải, quá trình phục hồi chức năng sẽ tập trung vào việc khôi phục khả năng thực hiện các hoạt động hàng ngày như đi lên xuống cầu thang, mặc quần áo hay đưa thức ăn vào miệng. Bán cầu não phải kiểm soát các chức năng thị giác - không gian.
Người bệnh cũng sẽ cần thêm các biện pháp phục hồi chức năng để cải thiện:
- khả năng phối hợp động tác
- khả năng giữ thăng bằng
- thị lực
- khả năng kiểm soát đại tiện và tiểu tiện
- kỹ năng ngôn ngữ
- khả năng nuốt
- kỹ năng vận động tinh, chẳng hạn như viết và vẽ
Những câu hỏi thường gặp
Có những phương pháp nào để điều trị cơn thiếu máu não thoáng qua?
Cơn thiếu máu não thoáng qua (hay đột quỵ nhẹ) xảy ra khi dòng máu đến một phần não bị gián đoạn tạm thời. Măc dù cơn thiếu máu não thoáng qua không gây tổn thương não vĩnh viễn nhưng sẽ làm tăng đáng kể nguy cơ đột quỵ do thiếu máu cục bộ. Các phương pháp điều trị cơn thiếu máu não thoáng qua gồm có thay đổi lối sống và dùng thuốc làm giảm nguy cơ đột quỵ.
Cơn đột quỵ kéo dài bao lâu?
Thời gian kéo dài các triệu chứng của cơn đột quỵ phụ thuộc vào loại đột quỵ và phương pháp điều trị được sử dụng.
Ví dụ, theo một nghiên cứu vào năm 2021 trên những người trải qua phẫu thuật nội mạch sau đột quỵ do thiếu máu cục bộ, các triệu chứng kéo dài trung bình 6,8 giờ. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng các triệu chứng kéo dài càng lâu thì khả năng khôi phục sự lưu thông máu càng thấp. (2, https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC8325713/
Nhưng các triệu chứng đột quỵ có thể kéo dài nhiều ngày, nhiều tuần hoặc nhiều tháng. Trong một số trường hợp, các triệu chứng và biến chứng tồn tại vĩnh viễn.
Mất bao lâu để phục hồi sau đột quỵ?
Quá trình phục hồi sau đột quỵ có thể mất vài tuần đến vài năm. Có người phục hồi hoàn toàn trong khi có người lại bị tàn tật vĩnh viễn. Nghiên cứu cho thấy người bị đột quỵ càng được điều trị sớm thì khả năng phục hồi sẽ càng cao và kết quả càng tốt.
Tóm tắt bài viết
Đột quỵ là một tình trạng rất nghiêm trọng và đe dọa đến tính mạng. Tuy nhiên, điều trị kịp thời có thể giúp ngăn ngừa tổn thương lâu dài cho não và giảm nguy cơ biến chứng.
Mỗi loại đột quỵ có phương pháp điều trị, quá trình phục hồi chức năng và biện pháp phòng ngừa khác nhau. Điều quan trọng là phải gọi cấp cứu ngay khi nhận thấy các dấu hiệu nghi là đột quỵ.
Xuất huyết não là một loại đột quỵ và là vấn đề có thể để lại di chứng vĩnh viễn nếu không được can thiệp kịp thời.
Bệnh Behcet, hay còn được gọi là hội chứng Behcet, là một chứng rối loạn hiếm gặp có đặc trưng là viêm mạch máu ở khắp cơ thể.
Ngừng tim đột ngột là tình trạng mất chức năng tim, nhịp thở và ý thức đột ngột. Tình trạng này thường xảy ra do hệ thống điện của tim có vấn đề, làm gián đoạn hoạt động bơm máu của tim và dẫn đến ngừng lưu thông máu trong cơ thể.
Hạch nền là các tế bào thần kinh nằm sâu trong não, có vai trò then chốt đối với khả năng vận động, chức năng điều hành, hành vi và cảm xúc. Tế bào thần kinh là các tế bào não có vai trò giống như sứ giả truyền tín gửi tín hiệu đi khắp hệ thống thần kinh. Bất kỳ sự thương tổn nào ở các hạch nền đều có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng, lâu dài đến khả năng cử động, ngôn ngữ hoặc khả năng phán đoán.