1

Làm thế nào để ngăn chặn cơn đột quỵ?

Nếu bạn cho rằng mình hoặc một người thân đang bị đột quỵ, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức. Can thiệp điều trị sớm sẽ giúp giảm nguy cơ tổn thương não và ngăn ngừa biến chứng.
Làm thế nào để ngăn chặn cơn đột quỵ? Làm thế nào để ngăn chặn cơn đột quỵ?

Đột quỵ xảy ra khi sự lưu thông máu đến não bị gián đoạn. Đột quỵ là vấn đề cần được cấp cứu. Tiến hành các biện pháp ngăn chặn kịp thời là điều rất quan trọng để ngăn ngừa các biến chứng đột quỵ như tổn thương não vĩnh viễn và tử vong.

Khoảng thời gian vàng để cấp cứu đột quỵ là trong vòng 3 giờ kể từ khi bắt đầu xuất hiện các triệu chứng. Do đó, cần phải hành động nhanh chóng khi bản thân hoặc một ai đó có dấu hiệu đột quỵ. Thời điểm cấp cứu có ảnh hưởng đến lớn đến tiên lượng của người bị đột quỵ.

Dưới đây là những dấu hiệu thường gặp của cơn đột quỵ và những gì cần thực hiện khi nhận thấy những dấu hiệu này.

Các dấu hiệu đột quỵ

Nhận biết được các dấu hiệu của cơn đột quỵ là điều rất quan trọng để hành động kịp thời. Cơn đột quỵ thường xảy ra đột ngột với các dấu hiệu tiến triển nhanh chóng và không báo trước.

Hãy gọi cấp cứu ngay lập tức nếu gặp bất kỳ dấu hiệu nào sau đây:

  • Yếu cơ hoặc tê đột ngột. Hiện tượng này thường xảy ra ở một bên cơ thể, chẳng hạn như một cánh tay hoặc một bên mặt.
  • Đau đầu dữ dội. Cơn đau đầu do đột quỵ thường xảy ra đột ngột.
  • Thay đổi thị lực, ví dụ như nhìn mờ hoặc song thị. Những thay đổi về thị lực có thể xảy ra ở một hoặc cả hai mắt.
  • Lú lẫn. Tình trạng này cũng xảy ra đột ngột và thường đi kèm rối loạn ngôn ngữ, bao gồm khó nói, nói ngọng hoặc khó hiểu lời người khác nói.
  • Vấn đề về khả năng vận động, gồm có mất thăng bằng, đi lại không vững và mất khả năng phối hợp động tác.

Nhận biết dấu hiệu đột quỵ bằng quy tắc FAST

Nếu nghi ngờ một người nào đó đang bị đột quỵ, hãy sử dụng quy tắc FAST để kiểm tra:

  • F – face (khuôn mặt): Yêu cầu người đó mỉm cười. Nếu một nửa mặt bị xệ xuống thì đó có thể là dấu hiệu của đột quỵ.
  • A – arm (cánh tay): Yêu cầu người đó giơ cả hai tay lên. Nếu một cánh tay không thể giơ quá đầu hoặc bị rơi xuống thì đó có thể là dấu hiệu của đột quỵ.
  • S – speech (khả năng nói): Yêu cầu người đó nói một cụm từ hoặc câu đơn giản và nghe xem người đó có bị khó nói, nói không rõ hoặc không thể nói hay không.
  • T - time (thời gian): Điều trị sớm là rất quan trọng khi bị đột quỵ. Nếu người đó có bất kỳ dấu hiệu nào ở trên, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức.

Cần làm gì để ngăn chặn cơn đột quỵ?

Đột quỵ là một vấn đề rất nghiêm trọng cần được cấp cứu. Đối với người bị đột quy, mỗi một phút đều rất quý giá. Càng cấp cứu sớm thì nguy cơ tổn thương não vĩnh viễn sẽ càng thấp.

Khi thấy các dấu hiệu đột quỵ, tuyệt đối không nên chờ xem các triệu chứng có tự hết hay không và cũng không nên tự điều trị tại nhà. Người bị đột quỵ cần được điều trị tại bệnh viện.

Hãy gọi cấp cứu hoặc đến ngay bệnh viện gần nhất khi bản thân hoặc một ai đó có dấu hiệu bị đột quỵ.

Những điều không nên làm khi bị đột quỵ

Khi bản thân hoặc một ai đó có dấu hiệu đột quy, không nên:

  • chờ các triệu chứng tự hết
  • tự đi đến bệnh viện, nhất là khi bản thân có dấu hiệu đột quy
  • đi ngủ
  • ăn uống bất kỳ thứ gì
  • dùng bất kỳ loại thuốc nào. Việc uống thuốc lúc này có thể gây nghẹn. Một số loại thuốc có thể làm tăng tình trạng chảy máu trong não

Chẩn đoán đột quỵ

Các phương pháp chẩn đoán đột quỵ gồm có:

  • Tham khám lâm sàng để xác định các triệu chứng
  • Lấy bệnh sử
  • Các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh, gồm có chụp MRI và CT. Những phương pháp này giúp xác định loại đột quỵ
  • Điện tâm đồ (EKG/ECG) để kiểm tra hoạt động điện của tim. Vấn đề về tim có thể là nguyên nhân gây ra đột quỵ.
  • Xét nghiệm máu để đo số lượng tiểu cầu và nồng độ glucose (đường). Những thông tin này giúp bác sĩ biết được người bệnh có thể đang dùng thuốc điều trị đột quỵ hay không.

Những phương pháp chẩn đoán này sẽ cung cấp thông tin về loại, vị trí và mức độ nghiêm trọng của cơn đột quỵ, từ đó bác sĩ sẽ xác định phương pháp điều trị phù hợp.

Điều trị đột quỵ

Việc điều trị phụ thuộc vào loại đột quỵ và bệnh sử của người bệnh. Các phương pháp điều trị chính gồm có:

  • Chất hoạt hóa plasminogen mô (tPA): cần sử dụng trong vòng 3 đến 4,5 tiếng kể từ khi khởi phát triệu chứng. Loại thuốc này có tác dụng phá vỡ cục máu đông trong não – nguyên nhân gây ra cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA) hoặc đột quỵ do thiếu máu cục bộ.
  • Thuốc làm loãng máu, gồm có aspirin và các loại thuốc chống đông máu khác: có tác dụng phá vỡ cục máu đông – nguyên nhân gây đột quỵ do thiếu máu cục bộ.
  • Thuốc hạ huyết áp: chủ yếu được sử dụng cho những trường hợp đột quỵ xuất huyết não. Những loại thuốc này giúp giảm áp lực lên các mạch máu trong não.
  • Điều trị phình động mạch não bằng cách kẹp túi phình để ngăn túi phình bị vỡ và dẫn đến xuất huyết hoặc bằng cách nút túi phình để ngăn máu chảy đến túi phình, điều này giúp ngăn ngừa vỡ túi phình trong tương lai.
  • Dẫn lưu dịch não: loại bỏ dịch tích tụ trong cơn đột quỵ. Sự tích tụ dịch có thể gây áp lực và dẫn đến tổn hại trong não.
  • Phẫu thuật: phương pháp điều trị khẩn cấp trong những trường hợp đột quỵ xuất huyết não. Các loại phẫu thuật gồm có loại bỏ máu tụ, dị dạng động tĩnh mạch hoặc một phần hộp sọ để điều trị tình trạng phù não.

Ai có nguy cơ bị đột quỵ?

Đột quỵ có thể xảy ra với bất kỳ ai, bất kể độ tuổi nhưng những người trên 55 tuổi có nguy cơ cao hơn.

Phụ nữ có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn nam giới. Phụ nữ cũng dễ gặp phải các biến chứng nguy hiểm hơn.

Ngoài tuổi tác và giới tính còn nhiều yếu tố khác cũng có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ, ví dụ như:

  • Có tiền sử gia đình bị đột quỵ
  • Có tiền sử cơn thiếu máu não thoáng qua, hay đột quỵ nhẹ
  • Cao huyết áp (tăng huyết áp)
  • Rung nhĩ
  • Bệnh động mạch vành
  • Cholesterol cao
  • Bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm
  • Bệnh tiểu đường
  • Béo phì

Một số yếu tố về lối sống có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ. Đây là những yếu tố làm tăng tỷ lệ đột quỵ ở người từ 15 đến 49 tuổi. (1)

Ví dụ về những yếu tố này gồm có:

  • Lối sống ít vận động
  • Chế độ ăn uống có quá nhiều chất béo bão hòa và natri
  • Hút thuốc lá
  • Uống nhiều rượu

Phòng ngừa đột quỵ

Mặc dù một số yếu tố nguy cơ như tuổi tác, giới tính và tiền sử gia đình là không thể thay đổi được nhưng có thể điều chỉnh các yếu tố về lối sống để giảm nguy cơ đột quỵ.

  • kiểm soát và điều trị tất cả các bệnh lý đang mắc, nhất là những bệnh lý làm tăng nguy cơ đột quỵ chẳng hạn như cao huyết áp và tiểu đường
  • ăn ít muối để ngăn ngừa cao huyết áp
  • Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh có nhiều trái cây, rau củ, ngũ cốc nguyên hạt và ít chất béo bão hòa từ các loại thực phẩm có nguồn gốc từ động vật
  • Không uống nhiều rượu
  • Bỏ thuốc lá nếu hút
  • Tập thể dục thường xuyên
  • Giảm cân nếu thừa cân và duy trì cân nặng khỏe mạnh

Một tổng quan nghiên cứu vào năm 2021 cho thấy rằng các biện pháp phòng ngừa này có thể làm giảm nguy cơ đột quỵ từ 80% trở lên. (2)

Ngoài ra, bạn nên xét nghiệm cholesterol định kỳ và thường xuyên đo huyết áp, đặc biệt là khi có tiền sử cá nhân hoặc gia đình bị tăng huyết áp hoặc đột quỵ.

Tóm tắt bài viết

Đối với người bị đột quỵ, mỗi một phút đều rất quý giá. Khi xảy ra cơn đột quỵ, việc thực hiện các biện pháp ngăn chặn kịp thời là điều rất quan trọng để bảo vệ tính mạng và ngăn ngừa biến chứng.

Nếu bạn thấy bản thân hoặc một ai đó có các dấu hiệu đột quỵ thì hãy nhanh chóng gọi cấp cứu. Đừng chờ đợi hay tự đi đến bệnh viện.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Có những phương pháp chẩn đoán đột quỵ nào?
Có những phương pháp chẩn đoán đột quỵ nào?

Đối với người bị đột quỵ, mỗi phút đều rất quý giá. Phát hiện sớm đột quỵ sẽ giúp giảm nguy cơ biến chứng nghiêm trọng và tăng cơ hội phục hồi. Các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh không chỉ giúp phát hiện đột quỵ mà còn có thể xác định loại đột quỵ. Chẩn đoán chính xác và kịp thời là điều rất quan trọng đối với tiên lượng của người bệnh.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây