1

Điều chỉnh chế độ ăn uống để ngăn ngừa sỏi thận tái phát

Sỏi thận là một bệnh lý phổ biến. Mặc dù sỏi thận nhỏ thường tự đào thải ra ngoài theo nước tiểu nhưng quá trình này có thể gây đau đớn và một khi đã bị sỏi thận thì nguy cơ tái phát là rất cao. Tuy nhiên, có nhiều cách tự nhiên để giảm thiểu nguy cơ và một trong những cách đó là điều chỉnh chế độ ăn uống.
Điều chỉnh chế độ ăn uống để ngăn ngừa sỏi thận tái phát Điều chỉnh chế độ ăn uống để ngăn ngừa sỏi thận tái phát

Sỏi thận là gì?

Sỏi thận là khối rắn hình thành do các tinh thể muối và khoáng chất tích tụ trong thận.

Dựa trên thành phần, sỏi thận được chia làm 4 loại chính là sỏi canxi oxalat, sỏi struvite, sỏi axit uric và sỏi cysteine nhưng khoảng 80% trường hợp sỏi thận là sỏi canxi oxalat. Sỏi struvite, axit uric và cysteine ít phổ biến hơn.

Sỏi thận nhỏ thường không đáng lo ngại nhưng sỏi thận lớn có thể gây tắc nghẽn trong đường tiết niệu khi chúng di chuyển.

Điều này gây đau đớn dữ dội, buồn nôn, nôn và chảy máu.

Sỏi thận là một vấn đề sức khỏe phổ biến và theo các nghiên cứu, nguy cơ hình thành sỏi thận mới trong vòng 5 đến 10 năm sau khi điều trị có thể lên đến 50%. (1)

Dưới đây là những thay đổi về chế độ ăn uống có thể giúp giảm nguy cơ sỏi thận tái phát.

Tóm tắt: Sỏi thận là những khối rắn hình thành từ tinh thể muối hoặc khoáng chất kết tinh trong thận. Đây là một vấn đề sức khỏe phổ biến, gây đau đớn và nguy cơ tái phát cao.

Các cách ngăn ngừa sỏi thận tái phát

1. Uống đủ nước

Uống đủ nước mỗi ngày là điều quan trọng nhất để ngăn ngừa sỏi thận.

Uống nhiều nước giúp làm loãng nước tiểu và giảm nồng độ các chất tạo sỏi trong nước tiểu, nhờ đó khiến cho các chất này khó kết tinh hơn.

Tuy nhiên, không phải loại nước nào cũng giúp ngăn ngừa sỏi thận. Tốt nhất nên uống nước lọc hoặc các loại đồ uống khác như cà phê, trà hay nước ép trái cây tươi và tránh nước ngọt có ga. Uống nhiều nước ngọt có ga có thể góp phần gây hình thành sỏi thận.

Lý do là vì nước ngọt có ga có chứa fructose – một loại đường làm tăng lượng canxi, oxalat và axit uric trong nước tiểu. Điều này sẽ làm tăng nguy cơ sỏi thận.

Một số nghiên cứu cho thấy rằng nước ngọt có ga còn làm tăng nguy cơ sỏi thận do chứa hàm lượng axit photphoric cao.

Tóm tắt: Uống đủ nước là điều quan trọng để ngăn ngừa sỏi thận. Tuy nhiên, tốt nhất nên uống nước lọc hoặc các loại đồ uống không đường khác và tránh nước ngọt có ga.

2. Tăng lượng axit citric

Axit citric là một loại axit hữu cơ có trong nhiều loại trái cây và rau củ, đặc biệt là trái cây họ cam quýt. Chanh (cả chanh xanh và chanh vàng) đặc biệt giàu axit citric.

Axit citric có thể giúp ngăn ngừa sỏi thận canxi oxalat theo hai cơ chế: (2)

Ngăn sỏi hình thành: Axit citric có thể liên kết với canxi trong nước tiểu và làm giảm nguy cơ hình thành sỏi thận mới.

Ngăn sỏi thận to ra: Axit citric liên kết với các tinh thể canxi oxalat hiện có và nhờ đó ngăn sỏi thận tăng kích thước. Điều này giúp cho sỏi thận bị đào thải dễ dàng hơn trước khi chúng biến thành những viên sỏi lớn.

Một cách đơn giản để bổ sung axit citric là ăn nhiều trái cây họ cam quýt, chẳng hạn như bưởi, cam, quýt hoặc chanh. Bạn cũng có thể thêm một ít nước cốt chanh vào nước uống hàng ngày. Điều này vừa tạo mùi vị cho nước để dễ uống hơn và vừa có được các lợi ích của axit citric.

Tóm tắt: Axit citric là một hợp chất thực vật có thể giúp ngăn ngừa hình thành sỏi thận. Cách đơn giản nhất để bổ sung axit citric là ăn nhiều trái cây họ cam quýt.

3. Hạn chế thức ăn chứa nhiều oxalat

Oxalat (axit oxalic) là một chất kháng dinh dưỡng có trong nhiều loại thực phẩm từ thực vật như rau lá xanh đậm, củ dền, các loại đậu và ca cao.

Ngoài ra, cơ thể cũng tự tạo ra một lượng oxalat đáng kể.

Ăn nhiều oxalat sẽ làm tăng lượng oxalat trong nước tiểu và điều này không có lợi cho những người có nguy cơ cao bị sỏi thận canxi oxalat.

Oxalat có thể liên kết canxi và các khoáng chất khác, tạo thành các tinh thể và dẫn đến hình thành sỏi thận.

Tuy nhiên, các loại thực phẩm giàu oxalat lại có nhiều lợi ích cho sức khỏe nên không phải ai có nguy cơ bị sỏi thận cũng cần phải thực hiện chế độ ăn ít oxalat.

Chế độ ăn ít oxalat chỉ được khuyến nghị cho những người bị tăng oxy niệu - một bệnh lý có đặc trưng là lượng oxalat trong nước tiểu ở mức cao.

Tóm tắt: Ăn nhiều thực phẩm giàu oxalat có thể làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận nhưng thông thường, chỉ những người bị tăng oxy niệu mới cần phải hạn chế oxalat trong chế độ ăn uông

4. Không uống vitamin C liều cao

Các nghiên cứu chỉ ra rằng uống bổ sung vitamin C (axit ascorbic) có thể làm tăng nguy cơ bị sỏi thận. (3)

Việc dùng thực phẩm chức năng vitamin C liều cao có thể làm tăng lượng oxalat trong nước tiểu vì một phần vitamin C được chuyển hóa thành oxalat trong cơ thể.

Một nghiên cứu được thực hiện trên những nam giới trung niên và lớn tuổi cho thấy rằng những người dùng viên uống vitamin C có nguy cơ bị sỏi thận cao hơn gấp đôi so với những người không dùng.

Tuy nhiên, vitamin C trong thực phẩm, chẳng hạn như cam chanh, không làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận.

Tóm tắt: Có một số bằng chứng cho thấy việc uống bổ sung vitamin C liều cao có thể làm tăng nguy cơ sỏi thận canxi oxalat ở nam giới.

5. Bổ sung đủ canxi

Nhiều người cho rằng ăn nhiều canxi sẽ gây sỏi thận và cần phải giảm bớt lượng canxi để giảm nguy cơ hình thành sỏi. Tuy nhiên, điều này là không đúng.

Thậm chí, chế độ ăn giàu canxi còn có thể giúp làm giảm nguy cơ sỏi thận. (4)

Một nghiên cứu đã cho những nam giới từng bị sỏi thận canxi theo chế độ ăn có 1.200mg canxi mỗi ngày. Chế độ ăn này có ít protein động vật và muối.

Những người này có nguy cơ tái phát sỏi thận trong vòng 5 năm thấp hơn khoảng 50% so với những người theo chế độ ăn chỉ có 400mg canxi mỗi ngày.

Canxi trong thực phẩm liên kết với oxalat, điều này giúp ngăn cản sự hấp thụ oxalat và giảm lượng oxalat trong nước tiểu.

Một trong những loại thực phẩm giàu canxi nhất là sữa và các sản phẩm từ sữa như sữa chua, phô mai.

Lượng canxi khuyến nghị hàng ngày (RDA) đối với người lớn là 1.000mg. Tuy nhiên, RDA tăng lên 1.200mg mỗi ngày đối với phụ nữ trên 50 tuổi và tất cả những người trên 70 tuổi.

Tóm tắt: Bổ sung đủ canxi có thể giúp ngăn ngừa sự hình thành sỏi thận. Canxi liên kết với oxalat và ngăn oxalat được hấp thụ vào cơ thể.

6. Cắt giảm lượng muối

Chế độ ăn nhiều muối là một trong những yếu tố nguy cơ chính của sỏi thận.

Ăn nhiều natri (một thành phần trong muối ăn) có thể làm tăng sự bài tiết canxi và tăng lượng canxi trong nước tiểu. Điều này làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận.

Tuy nhiên, một số nghiên cứu được thực hiện trên người trẻ tuổi lại không tìm thấy bất cứ mối liên hệ nào giữa lượng muối trong chế độ ăn và nguy cơ sỏi thận.

Hầu hết các hướng dẫn về ăn uống đều đưa ra khuyến nghị không nên ăn quá 2.300mg natri mỗi ngày. Tuy nhiên, hầu hết mọi người đều đang ăn nhiều hơn mức này.

Một trong những cách tốt nhất để giảm lượng natri là sử dụng ít muối khi nấu nướng và hạn chế ăn các loại thực phẩm chế biến sẵn công nghiệp như đồ hộp.

Tóm tắt: Cắt giảm lượng natri là điều cần thiết để ngăn ngừa hình thành sỏi thận vì natri có thể làm tăng lượng canxi trong nước tiểu.

7. Tăng lượng magiê

Magiê là một khoáng chất quan trọng nhưng nhiều người lại không bổ sung đủ hàng ngày.

Khoáng chất này tham gia vào hàng trăm phản ứng chuyển hóa khác nhau trong cơ thể, bao gồm cả quá trình sản sinh năng lượng và sự vận động của các cơ.

Ngoài ra, một số bằng chứng cho thấy magiê còn có thể giúp ngăn ngừa sỏi canxi oxalat. (5)

Mặc dù chưa hiểu rõ lý do tại sao magiê lại có tác dụng này nhưng có khả năng magiê làm giảm sự hấp thụ oxalat trong ruột.

Lượng magiê khuyến nghị hàng ngày là 420mg. Một số loại thực phẩm giàu magiê gồm có quả bơ, các loại đậu và đậu phụ.

Để có được lợi ích tối đa thì nên ăn thực phẩm giàu magiê cùng với các loại thực phẩm chứa nhiều oxalat hoặc ăn thực phẩm giàu magiê trong vòng 12 giờ sau khi ăn thực phẩm chứa oxalat.

Tóm tắt: Một số nghiên cứu cho thấy rằng tăng lượng magiê có thể giúp giảm hấp thụ oxalat và giảm nguy cơ sỏi thận.

8. Ăn ít protein động vật

Chế độ ăn nhiều protein có nguồn gốc từ động vật, chẳng hạn như thịt, cá và sữa có thể làm tăng nguy cơ bị sỏi thận. (6)

Ăn nhiều protein động vật sẽ làm tăng bài tiết canxi và giảm nồng độ citrat – một hợp chất có khả năng ngăn chặn sự tích tụ tinh thể trong nước tiểu.

Ngoài ra, các nguồn protein động vật thường chứa hàm lượng lớn purin. Khi vào cơ thể, purin bị phân hủy thành axit uric và điều này làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận axit uric.

Mặc dù tất cả các loại thực phẩm đều chứa một lượng purin nhất định nhưng các loại nội tạng như gan, tim, cật là những thực phẩm có hàm lượng purin đặc biệt cao. Trong khi đó, các loại thực phẩm có nguồn từ thực vật như rau củ quả lại chứa ít purin.

Tóm tắt: Ăn nhiều protein động vật có thể làm tăng nguy cơ sỏi thận.

Tóm tắt bài viết

Một khi đã bị sỏi thận thì nguy cơ tái phát trong vòng 5 – 10 năm sau đó sẽ cao hơn bình thường. Tuy nhiên, một số điều chỉnh nhất định trong chế độ ăn uống có thể giúp giảm thiểu nguy cơ, ví dụ như uống nhiều nước, ăn thực phẩm chứa nhiều axit citric, tăng lượng canxi, cắt giảm bớt muối và hạn chế ăn protein động vật.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Uống collagen có gây sỏi thận không?
Uống collagen có gây sỏi thận không?

Tuy nhiên, nhiều người lo ngại rằng việc uống bổ sung collagen có thể gây hại cho thận và làm tăng nguy cơ sỏi thận. Điều này có đúng hay không?

Các cách phòng ngừa sỏi thận hiệu quả nhất
Các cách phòng ngừa sỏi thận hiệu quả nhất

Sỏi thận là một bệnh lý thường gặp. Không có biện pháp nào có thể đảm bảo ngăn ngừa sỏi thận một cách hoàn toàn nhưng có nhiều cách để giảm thiểu nguy cơ.

Nghiên cứu phát hiện thuốc kháng sinh có thể gây sỏi thận
Nghiên cứu phát hiện thuốc kháng sinh có thể gây sỏi thận

Ngày càng có nhiều người bị sỏi thận và theo các nhà nghiên cứu, nguyên nhân dẫn đến điều này có thể là do việc lạm dụng các loại thuốc kháng sinh đường uống trong vài năm trở lại đây.

Những điều cần biết về sỏi thận canxi oxalat
Những điều cần biết về sỏi thận canxi oxalat

Có nhiều loại sỏi thận và loại phổ biến nhất là sỏi canxi oxalat.

Nguyên nhân bị đau kéo dài sau khi đào thải sỏi thận và cách điều trị
Nguyên nhân bị đau kéo dài sau khi đào thải sỏi thận và cách điều trị

Đau kéo dài sau khi đào thải sỏi thận có thể là dấu hiệu cho thấy vẫn còn sỏi, đường tiết niệu bị tắc hoặc nhiễm trùng. Đó cũng có thể là triệu chứng của một vấn đề sức khác không liên quan đến sỏi thận.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây