1

Những điều cần biết về sỏi thận canxi oxalat

Có nhiều loại sỏi thận và loại phổ biến nhất là sỏi canxi oxalat.
Những điều cần biết về sỏi thận canxi oxalat Những điều cần biết về sỏi thận canxi oxalat

Sỏi canxi oxalat là gì?

Sự tích tụ tinh thể canxi oxalat là nguyên nhân phổ biến nhất gây sỏi thận - các khối rắn hình thành từ khoáng chất và các chất khác trong thận. Các tinh thể này được tạo ra từ canxi và oxalat - một chất có trong các loại thực phẩm như rau xanh. Lượng oxalat trong nước tiểu quá cao hoặc lượng nước tiểu quá ít có thể dẫn đến sự kết tinh tinh thể oxalat và tạo thành sỏi.

Sỏi thận có thể gây đau đớn dữ dội cũng như là các biến chứng như nhiễm trùng đường tiết niệu. Tuy nhiên có thể phòng ngừa sỏi thận bằng một vài thay đổi trong chế độ ăn uống.

Oxalat đến từ đâu?

Oxalat có trong nhiều loại thực phẩm trong chế độ ăn uống của chúng ta. Một số loại thực phẩm giàu oxalat gồm có:

  • Các loại rau xanh như rau cải
  • Cám lúa mì
  • Hạnh nhân
  • Củ dền
  • Một số loại đậu
  • Sô cô la
  • Đậu bắp
  • Khoai tây
  • Các loại hạt
  • Sản phẩm từ đậu nành
  • Trà
  • Các loại quả mọng như dâu tây và quả mâm xôi

Sau khi ăn, đường tiêu hóa sẽ phân hủy những thực phẩm này và hấp thụ các chất dinh dưỡng. Chất thải còn lại sau đó sẽ đi đến thận và bị đào thải qua nước tiểu. Oxalat bị phân hủy sẽ tạo ra axit oxalic, hợp chất hữu cơ này kết hợp với canxi và tạo thành các tinh thể canxi oxalat trong nước tiểu.

Triệu chứng sỏi thận canxi oxalat

Sỏi thận thường không gây triệu chứng cho đến khi di chuyển qua đường tiết niệu. Khi viên sỏi di chuyển, bệnh nhân có thể sẽ phải trải qua cơn đau đớn dữ dội, gọi là các cơn đau quặn thận.

Các triệu chứng chính của sỏi thận canxi oxalat gồm có:

  • Đau ở hông, lưng và vùng hạ sườn. Các cơn đau có thể dữ dội và xảy ra thành từng đợt
  • Đau khi đi tiểu
  • Tiểu ra máu. Nước tiểu có thể có màu đỏ, hồng hoặc nâu
  • Nước tiểu đục
  • Nước tiểu có mùi hôi hoặc khai nồng
  • Thường xuyên buồn tiểu gấp
  • Buồn nôn và nôn
  • Sốt và ớn lạnh - dấu hiệu bị nhiễm trùng

Nguyên nhân gây sỏi thận canxi oxalat

Trong nước tiểu có chứa các chất hóa học ngăn oxalat kết tinh và tạo thành tinh thể. Tuy nhiên, khi có quá ít nước tiểu hoặc nước tiểu chứa quá nhiều oxalat, oxalat sẽ kết tinh và hình thành sỏi. Các nguyên nhân dẫn đến điều này gồm có:

  • Không uống đủ nước (dẫn đến cơ thể bị thiếu nước)
  • Chế độ ăn có quá nhiều oxalat, protein hoặc muối

Nguyên nhân gây tích tụ tinh thể và làm hình thành sỏi thận cũng có thể là do các bệnh lý khác. Những bệnh lý làm tăng nguy cơ sỏi thận canxi oxalat gồm có:

  • Cường tuyến cận giáp – tình trạng cơ thể sản xuất quá nhiều hormone tuyến cận giáp
  • Bệnh viêm ruột, chẳng hạn như viêm loét đại tràng hoặc bệnh Crohn
  • Bệnh Dent - một chứng rối loạn di truyền, trong đó ống lượn gần bị tổn hại, dẫn đến bệnh thận mãn tính
  • Từng phẫu thuật nối tắt dạ dày để giảm cân
  • Bệnh tiểu đường
  • Béo phì

Chẩn đoán sỏi thận canxi oxalat

Dưới đây là các xét nghiệm và phương pháp chẩn đoán hình ảnh được sử dụng để phát hiện sỏi canxi oxalat:

  • Xét nghiệm nước tiểu: Xét nghiệm nước tiểu 24 giờ để đo nồng độ oxalat trong nước tiểu. Người bệnh sẽ phải lấy mẫu nước tiểu nhiều lần trong vòng một ngày và đem đến bệnh viện để làm xét nghiệm. Nồng độ oxalat trong nước tiểu bình thường là dưới 45 miligam (mg) một ngày.
  • Xét nghiệm máu: Có thể cần xét nghiệm máu để tìm đột biến gen gây ra bệnh Dent.
  • Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh: Chụp X-quang hoặc chụp CT để tìm sỏi trong thận.

Sỏi canxi oxalat trong thai kỳ

Trong thời kỳ mang thai, lượng máu trong cơ thể tăng lên để nuôi dưỡng thai nhi. Điều này có nghĩa là thận sẽ phải lọc nhiều máu hơn và lượng oxalat bài tiết vào nước tiểu cũng tăng. Mặc dù nguy cơ sỏi thận trong thai kỳ cũng giống như khi không mang thai nhưng lượng oxalat tăng cao trong nước tiểu có thể thúc đẩy sự hình thành sỏi.

Sỏi thận có thể dẫn đến các biến chứng trong thai kỳ. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng sỏi thận làm tăng nguy cơ sảy thai, tiền sản giật, tiểu đường thai kỳ và phải sinh mổ.

Việc thực hiện các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như chụp CT hoặc chụp X-quang trong thời gian mang thai có thể gây hại cho thai nhi. Do đó, nếu nghi ngờ có sỏi thận, bác sĩ sẽ tiến hành siêu âm để chẩn đoán.

Theo một nghiên cứu, phần lớn sỏi thận hình thành trong thai kỳ đều tự đào thải ra ngoài theo nước tiểu. Tỷ lệ này lên đến 84%. Khoảng một nửa số sỏi không đào thải trong thai kỳ sẽ đào thải sau khi sinh.

Nếu sỏi thận gây ra các triệu chứng nghiêm trọng hoặc thai kỳ có nguy cơ cao thì có thể sẽ cần tiến hành các thủ thuật như đặt stent hoặc tán sỏi ngoài cơ thể để loại bỏ sỏi.

Điều trị sỏi thận canxi oxalat

Những viên sỏi nhỏ có thể tự đào thải ra ngoài trong vòng khoảng 4 đến 6 tuần mà không cần điều trị. Người bệnh có thể đẩy nhanh quá trình này ngoài bằng cách uống nhiều nước.

Nếu cần thiết, bác sĩ sẽ kê các loại thuốc chẹn alpha như doxazosin hoặc tamsulosin. Những loại thuốc này có tác dụng làm giãn niệu quản (ống dẫn nước tiểu từ thận đến bàng quang) để giúp sỏi ra khỏi thận dễ dàng hơn.

Người bệnh có thể dùng các loại thuốc giảm đau như ibuprofen hay acetaminophen để giảm bớt các cơn đau quặn thận trong quá trình đào thải sỏi. Tuy nhiên, phụ nữ mang thai cần trao đổi với bác sĩ trước khi dùng các loại thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như ibuprofen, naproxen, aspirin và celexcoxib.

Nếu sỏi thận có kích thước rất lớn hoặc không tự đào thải thì sẽ cần điều trị bằng một trong những phương pháp dưới đây:

  • Tán sỏi ngoài cơ thể bằng sóng xung kích (ESWL): Phương pháp này truyền sóng âm vào cơ thể từ bên ngoài để làm vỡ sỏi thận thành các mảnh nhỏ. Các mảnh sỏi sẽ bị đào thải ra ngoài qua nước tiểu trong vòng vài tuần sau điều trị.
  • Nội soi tán sỏi niệu quản: Đưa một ống nội soi qua bàng quang vào thận. Sau đó, toàn bộ viên sỏi sẽ được lấy ra hoặc bị làm vỡ thành nhiều mảnh bằng laser hoặc các dụng cụ khác rồi mới lấy ra. Bác sĩ có thể đặt stent vào niệu quản để giữ cho niệu quản mở rộng và cho phép nước tiểu thoát ra ngoài một cách dễ dàng trong quá trình hồi phục sau phẫu thuật
  • Tán sỏi qua da: Thủ thuật này được thực hiện khi người bệnh được gây mê. Bác sĩ rạch một đường nhỏ ở lưng, đưa dụng cụ vào bên trong, tán sỏi thành nhiều mảnh nhỏ và lấy sỏi ra ngoài.

Phòng ngừa sỏi thận canxi oxalat

Dưới đây là những cách để ngăn ngừa hình thành sỏi canxi oxalat trong thận:

  • Uống nhiều nước: Cố gắng uống đủ 1,8 – 2 lít nước mỗi ngày. Theo một số khuyến nghị, những người có tiền sử sỏi thận nên uống 2,5 lít nước mỗi ngày. (1)
  • Ăn ít muối: Natri là một thành phần chính trong muối ăn. Việc ăn quá nhiều natri có thể làm tăng lượng canxi trong nước tiểu và điều này có thể dẫn đến hình thành sỏi thận.
  • Không ăn quá nhiều protein: Protein là chất dinh dưỡng rất cần thiết cho cơ thể nhưng cũng không nên ăn quá nhiều, đặc biệt là protein động vật. Chế độ ăn có quá nhiều protein có thể làm tăng nguy cơ sỏi thận. Lượng calo từ protein không nên vượt quá 30% tổng lượng calo nạp vào hàng ngày.
  • Bổ sung đủ canxi: Chế độ ăn có quá ít canxi sẽ làm tăng nồng độ oxalat trong nước tiểu và tăng nguy cơ hình thành sỏi canxi oxalat. Để tránh xảy ra điều này thì cần bổ sung đủ lượng canxi cần thiết mỗi ngày. Tốt nhất nên bổ sung canxi từ các loại thực phẩm tự nhiên giàu canxi như sữa và các sản phẩm từ sữa. Một số nghiên cứu đã cho thấy việc dùng thực phẩm chức năng bổ sung canxi (uống lúc đói) có thể làm tăng nguy cơ sỏi thận. (2, https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4708574/
  • Hạn chế ăn các loại thực phẩm chứa nhiều oxalat: Khi bữa ăn có thực phẩm giàu oxalat thì nên thêm các loại thực phẩm chứa nhiều canxi, chẳng hạn như một ly sữa. Bằng cách này, oxalat sẽ liên kết với canxi trước khi đến thận và không kết tinh trong nước tiểu.

Những người đã từng bị sỏi canxi oxalat trước đây cần đặc biệt chú ý đến chế độ ăn uống và các biện pháp phòng ngừa khác vì một khi đã bị sỏi thận, nguy cơ tái phát là rất cao.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Điều chỉnh chế độ ăn uống để ngăn ngừa sỏi thận tái phát
Điều chỉnh chế độ ăn uống để ngăn ngừa sỏi thận tái phát

Sỏi thận là một bệnh lý phổ biến. Mặc dù sỏi thận nhỏ thường tự đào thải ra ngoài theo nước tiểu nhưng quá trình này có thể gây đau đớn và một khi đã bị sỏi thận thì nguy cơ tái phát là rất cao. Tuy nhiên, có nhiều cách tự nhiên để giảm thiểu nguy cơ và một trong những cách đó là điều chỉnh chế độ ăn uống.

Nguyên nhân bị đau kéo dài sau khi đào thải sỏi thận và cách điều trị
Nguyên nhân bị đau kéo dài sau khi đào thải sỏi thận và cách điều trị

Đau kéo dài sau khi đào thải sỏi thận có thể là dấu hiệu cho thấy vẫn còn sỏi, đường tiết niệu bị tắc hoặc nhiễm trùng. Đó cũng có thể là triệu chứng của một vấn đề sức khác không liên quan đến sỏi thận.

Điều trị sỏi thận bằng nội soi ngược dòng tán sỏi bằng laser
Điều trị sỏi thận bằng nội soi ngược dòng tán sỏi bằng laser

Nội soi ngược dòng tán sỏi bằng laser là kỹ thuật kết hợp nội soi niệu quản với tán sỏi bằng laser để xác định vị trí sỏi và loại bỏ sỏi thận nằm trong niệu quản. Đây là một thủ thuật xâm lấn tối thiểu, an toàn và hiệu quả hơn so với phẫu thuật truyền thống.

Sự Khác Biệt Giữa Sỏi Thận Và Ung Thư Thận
Sự Khác Biệt Giữa Sỏi Thận Và Ung Thư Thận

Sự khác biệt giữa sỏi thận và ung thư thận là gì? Hai bệnh lý này có liên quan gì đến nhau. Những triệu. Những triệu chứng, yếu tố nguy cơ và tiên lượng hai bệnh lý này ra sao. Cùng tìm hiểu chi tiết trong bài viết này nhé!

Đái tháo đường có thể làm tăng nguy cơ sỏi thận
Đái tháo đường có thể làm tăng nguy cơ sỏi thận

Bất kỳ ai cũng có thể bị sỏi thận nhưng những người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ cao hơn.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây