Chụp CT chẩn đoán sỏi thận có chính xác không?
Chụp CT là gì?
Các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh đóng vai trò quan trọng trong chẩn đoán và điều trị sỏi thận. Các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh giúp bác sĩ xác định vị trí và kích thước của sỏi cũng như loại trừ các tình trạng bệnh lý khác.
Chụp cắt lớp vi tính là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán sỏi thận. Mỗi lần chụp CT có rủi ro rất thấp nhưng cơ thể phải tiếp xúc với bức xạ trong quá trình chụp CT. Chụp CT liều thấp tạo ra ít bức xạ hơn và nghiên cứu cho thấy rằng phương pháp này vẫn giúp phát hiện sỏi thận một cách chính xác.
Những điều cần biết về chụp CT sỏi thận
Sỏi thận là những khối rắn hình thành từ khoáng chất tích tụ trong thận. Sỏi thận có thể gây đau dữ dội khi bít niệu quản - ống dẫn nước tiểu từ thận đến bàng quang. Theo Tổ chức Thận Quốc gia Hoa Kỳ (National Kidney Foundation), ước tính cứ 10 người thì có khoảng 1 người sẽ bị sỏi thận vào một thời điểm nào đó trong đời.
Bác sĩ thường có thể chẩn đoán sỏi thận dựa trên các triệu chứng và bệnh sử. Chụp CT sử dụng tia X và máy tính để tạo ra hình ảnh bên trong cơ thể. Mặc dù cùng sử dụng tia X nhưng chụp CT cung cấp hình ảnh chi tiết hơn so với chụp X-quang truyền thống.
Đôi khi chụp CT được thực hiện với thuốc cản quang. Thuốc cản quang được đưa vào cơ thể người bệnh qua đường uống hoặc đường tĩnh mạch. Thuốc cản quang giúp bác sĩ nhìn rõ các cơ quan hơn trên ảnh chụp. Tuy nhiên thông thường, chụp CT để chẩn đoán sỏi thận không cần sử dụng thuốc cản quang.
Trong quá trình chụp CT để chẩn đoán sỏi thận, máy sẽ quét từ phần trên của thận đến đáy bàng quang. Hình ảnh thu được sẽ giúp bác sĩ xác định kích thước của sỏi và phát hiện những bất thường trong niệu quản.
So với các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh khác, chụp CT có một số ưu điểm dưới đây:
- Phổ biến
- Quá trình thực hiện nhanh chóng
- Thu nhận hình ảnh dễ dàng
- Giúp phát hiện các vấn đề khác như viêm ruột thừa hoặc viêm túi thừa
Không chỉ được sử dụng để chẩn đoán sỏi thận, chụp CT còn được thực hiện trong và sau quá trình điều trị để kiểm tra xem sỏi thận đã ra ngoài hết hay chưa, loại trừ hẹp hoặc viêm đường tiết niệu và phát hiện các biến chứng.
Chụp CT chẩn đoán sỏi thận có chính xác không?
Chụp CT là một phương pháp chẩn đoán sỏi thận có độ chính xác rất cao. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng chụp CT có thể phát hiện chính xác sỏi thận trong hơn 95% trường hợp và xác nhận không có sỏi thận trong hơn 98% trường hợp. (1)
Trong một tổng quan nghiên cứu vào năm 2018, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng:
- Chụp CT liều thấp phát hiện chính xác sỏi thận trong 90 đến 98% số trường hợp.
- Chụp CT liều thấp xác nhận chính xác không có sỏi thận trong 88 đến 100% số trường hợp.
- Chụp CT liều rất thấp phát hiện chính xác sỏi thận trong 72 đến 99% số trường hợp.
- Chụp CT liều rất thấp xác nhận chính xác không có sỏi thận trong 86 đến 100% số trường hợp.
Chụp CT có một số nhược điểm là chi phí cao hơn so với siêu âm và mức độ tiếp xúc với bức xạ cao hơn so với các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh khác.
Rủi ro của chụp CT
Mỗi lần chụp CT nói chung là rất an toàn với mức độ rủi ro thấp. Tuy nhiên, thuốc cản quang được sử dụng trong chụp CT có thể gây dị ứng ở một số người.
Rủi ro lớn nhất của chụp CT là cơ thể phải tiếp xúc với bức xạ và việc chụp CT nhiều lần có thể làm tăng nguy cơ ung thư. Trong một tổng quan nghiên cứu vào năm 2020, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người thường xuyên tiếp xúc với bức xạ do chụp CT có nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp cao hơn 2,55 lần và nguy cơ mắc bệnh bạch cầu cao hơn 1,55 lần. (2)
Đối với phụ nữ mang thai, bác sĩ thường chỉ định siêu âm thay vì chụp CT để tránh gây hại cho thai nhi.
Chụp CT liều thấp giúp giảm mức độ tiếp xúc với bức xạ và có thể làm giảm nguy cơ ung thư trong tương lai.
Trong một tổng quan tài liệu vào năm 2020, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy bằng chứng từ các nghiên cứu chất lượng cao cho thấy rằng chụp CT liều thấp không làm tăng nguy cơ ung thư. (3)
Quá trình chụp CT
Nếu người bệnh có các triệu chứng sỏi thận nghiêm trọng và phải đến phòng cấp cứu, bác sĩ sẽ cho người bệnh dùng thuốc để giảm đau. Ngoài ra, người bệnh sẽ được cho dùng thuốc để giảm các triệu chứng khác như buồn nôn hoặc nôn.
Trước khi chụp CT, bác sĩ hay kỹ thuật viên sẽ hỏi người bệnh một vài câu hỏi và giải thích quy trình chụp CT. Nói chung, quá trình chụp CT gồm có các bước chính như sau:
- Người bệnh thay quần áo bệnh viện và tháo tất cả mọi đồ vật bằng kim loại trên người.
- Người bệnh nằm lên bàn và được đưa vào trong lòng máy chụp.
- Ống tia X bên trong máy sẽ xoay quanh vùng bụng khi người bệnh đi qua. Người bệnh sẽ nghe thấy tiếng ù ù khi máy chụp hoạt động.
- Kỹ thuật viên sẽ vận hành máy chụp CT từ một phòng khác. Người bệnh sẽ nghe hướng dẫn và liên lạc với kỹ thuật viên qua tai nghe. Người bệnh cần phải nằm yên trong suốt quá trình chụp CT và sẽ có những lúc phải nín thở.
Sau khi hoàn tất quá trình chụp CT, kỹ thuật viên sẽ vào phòng và giúp người bệnh ra khỏi máy chụp.
Quá trình chụp CT thường mất từ 10 đến 20 phút nhưng nếu sử dụng thuốc cản quang thì sẽ phải chờ từ 15 đến 30 phút mới có thể bắt đầu chụp do phải chờ thuốc cản quang đi vào đường tiết niệu.
Các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh khác để chẩn đoán sỏi thận
Chụp CT và siêu âm là hai kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh chính được sử dụng để chẩn đoán sỏi thận. Chụp CT thường chính xác hơn nhưng lại có nhược điểm là khiến cơ thể phải tiếp xúc với bức xạ.
Dưới đây là bảng so sánh về độ chính xác và mức độ tiếp xúc với bức xạ của các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh khác nhau, theo kết quả của một nghiên cứu năm 2016:
Kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh | Tỷ lệ người bị sỏi thận được chẩn đoán chính xác | Tỷ lệ người không bị sỏi thận được chẩn đoán chính xác | Bức xạ (mSv) |
Chụp CT | 95% | 98% | 10,0 |
Chụp CT liều thấp | 95% | 97% | ~3,0 |
Siêu âm | 84% | 53% | Không có |
Chụp X quang thận niệu quản bàng quang | 57% | 76% | 0,7 |
Chụp cộng hưởng từ (MRI) | 82% | 98% | Không có |
Tóm tắt bài viết
Chụp CT là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán sỏi thận nhờ độ chính xác cao. Chụp CT nhìn chung là an toàn nhưng có mức độ tiếp xúc với bức xạ cao hơn so với các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh khác.
Chụp CT liều thấp giúp cơ thể ít phải tiếp xúc với bức xạ hơn so với chụp CT truyền thống. Nghiên cứu cho thấy chụp CT liều thấp vẫn giúp chẩn đoán sỏi thận một cách chính xác.
Sỏi thận là một bệnh lý phổ biến. Mặc dù sỏi thận nhỏ thường tự đào thải ra ngoài theo nước tiểu nhưng quá trình này có thể gây đau đớn và một khi đã bị sỏi thận thì nguy cơ tái phát là rất cao. Tuy nhiên, có nhiều cách tự nhiên để giảm thiểu nguy cơ và một trong những cách đó là điều chỉnh chế độ ăn uống.
Sỏi thận được chia làm 4 loại chính là sỏi canxi, sỏi axit uric, sỏi struvite (magie amoni photphat) và sỏi cystin. Mỗi loại sỏi thận có hình dạng khác nhau do sự khác biệt về đặc điểm về tinh thể khoáng chất.
Mặc dù phần lớn những trường hợp bị sỏi thận là người lớn nhưng vấn đề này có thể xảy ra ở cả trẻ em.
Sỏi thận là một vấn đề phổ biến. Có nhiều nguyên nhân gây sỏi thận và một trong số đó là chế độ ăn uống. Trong khi một số loại thực phẩm góp phần gây sỏi thận thì một số lại được cho là có công dụng trị sỏi thận, ví dụ như quả nam việt quất.
Sỏi thận là những khối cứng hình thành do khoáng chất trong nước tiểu lắng đọng ở thận. Tiêu chảy không phải một triệu chứng của sỏi thận nhưng có thể xảy ra sau phẫu thuật loại bỏ sỏi thận. Sỏi thận có thể gây ra một số triệu chứng về tiêu hóa như đau bụng, buồn nôn và nôn.