1

Trẻ em có bị sỏi thận không?

Mặc dù phần lớn những trường hợp bị sỏi thận là người lớn nhưng vấn đề này có thể xảy ra ở cả trẻ em.
Trẻ em có bị sỏi thận không? Trẻ em có bị sỏi thận không?

Các bậc phụ huynh cần hiểu rõ về sỏi thận, bao gồm các nguyên nhân, yếu tố nguy cơ cũng như là các phương pháp điều trị và phòng ngừa.

Điều quan trọng là phải đưa trẻ đi khám ngay khi nhận thấy các dấu hiệu sỏi thận để phát hiện và điều trị vấn đề từ sớm. Sỏi thận có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng nếu không được điều trị.

Sỏi thận là gì?

Sỏi thận hình thành từ những tinh thể khoáng chất bên trong thận. Sỏi thận có thể chỉ nhỏ như hạt cát hoặc cũng có thể to như quả bóng gôn và gây tắc nghẽn đường tiết niệu.

Trẻ em có bị sỏi thận không?

Mặc dù sỏi thận phổ biến hơn ở người lớn nhưng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Ở trẻ em, sỏi thận chủ yếu xảy ra ở độ tuổi thiếu niên nhưng cũng có thể xảy ra ở trẻ nhỏ và thậm chí cả trẻ sơ sinh.

Có nhiều loại sỏi thận và các loại sỏi thận mà trẻ em thường mắc phải gồm có:

  • Sỏi canxi oxalat (đây là loại phổ biến nhất)
  • Sỏi axit uric
  • Sỏi struvite
  • Sỏi cystin

Mặc dù sỏi thận không phổ biến ở trẻ em nhưng số trẻ em mắc sỏi thận đang tăng lên trong những năm gần đây. Điều này có thể là do một số nguyên nhân như:

  • Chế độ ăn uống có nhiều thực phẩm chế biến sẵn và natri (muối)
  • Gia tăng tỷ lệ béo phì ở trẻ em
  • Lối sống ít vận động

Các triệu chứng sỏi thận ở trẻ em

Các dấu hiệu và triệu chứng của sỏi thận ở trẻ em gồm có:

  • Đau thắt lưng hoặc vùng hạ sườn
  • Buồn nôn hoặc nôn
  • Máu trong nước tiểu
  • Đi tiểu nhiều lần
  • Đau khi đi tiểu
  • Giảm lượng nước tiểu
  • Nước tiểu đục
  • Nước tiểu có mùi hôi

Không phải khi nào sỏi thận cũng có triệu chứng. Nếu sỏi thận có kích thước nhỏ thì có thể sẽ tự trôi ra ngoài và không gây ra bất kỳ triệu chứng nào.

Nguyên nhân gây sỏi thận ở trẻ em

Nồng độ canxi, oxalat hoặc phốt pho cao trong nước tiểu có thể gây ra sỏi thận. Sỏi thận cũng có thể hình thành khi không đủ lượng khoáng chất.

Một số bệnh lý, thuốc men và chế độ ăn uống cũng có thể dẫn đến sỏi thận, ví dụ như:

  • Các bệnh di truyền như tăng oxalat niệu và cystin niệu
  • Thuốc chống động kinh topiramate
  • Thuốc điều trị cao huyết áp furosemide
  • Tắc nghẽn đường tiết niệu
  • Nhiễm trùng thận và nhiễm trùng đường tiết niệu
  • Thực hiện chế độ ăn keto hay (ketogenic), một chế độ ăn đôi khi được sử dụng để ngăn ngừa co giật

Chẩn đoán sỏi thận ở trẻ em

Để chẩn đoán sỏi thận, bác sĩ sẽ hỏi về bệnh sử của trẻ, khám lâm sàng và sau đó yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm cũng như kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh.

Khai thác bệnh sử

Bác sĩ sẽ lấy thông tin về:

  • Bệnh lý khác mà trẻ đã từng hoặc đang mắc
  • Các triệu chứng
  • Chế độ ăn uống thường ngày của trẻ
  • Tiền sử gia đình bị sỏi thận

Xét nghiệm

Trẻ sẽ phải làm xét nghiệm để kiểm tra nồng độ khoáng chất và các dấu hiệu nhiễm trùng. Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy nhiễm trùng đường tiết niệu thì bác sĩ kê thuốc kháng sinh để điều trị.

Các xét nghiệm cần thực hiện gồm có:

  • Phân tích nước tiểu
  • Cấy nước tiểu
  • Xét nghiệm nước tiểu 24 giờ
  • Xét nghiệm máu

Chẩn đoán hình ảnh

Các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh sẽ giúp phát hiện sỏi thận cũng như dị tật bẩm sinh hay tắc nghẽn ở đường tiết niệu (những vấn đề này có thể dẫn đến sỏi thận). Những kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh thường được sử dụng để chẩn đoán sỏi thận gồm có:

  • Siêu âm
  • Chụp x-quang ổ bụng
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT)

Điều trị sỏi thận ở trẻ em

Nếu sỏi thận có kích thước nhỏ thì có thể không cần điều trị mà chỉ cần cho trẻ uống nhiều nước để sỏi tự trôi ra ngoài. Bác sĩ có thể kê thuốc giảm đau, thuốc làm giảm độ axit của nước tiểu hoặc cả hai.

Nếu sỏi thận có kích thước lớn, gây cản trở dòng nước tiểu hoặc nếu có dấu hiệu nhiễm trùng thì sẽ phải can thiệp điều trị.

Các phương pháp điều trị phổ biến gồm có:

  • Tán sỏi bằng sóng xung kích: Đây là một phương pháp điều trị không xâm lấn. Thiết bị ở bên ngoài cơ thể phát ra sóng âm thanh để phá vỡ sỏi thận thành những mảnh nhỏ, giúp sỏi trôi ra ngoài dễ dàng hơn.
  • Nội soi bàng quang: Trong quá trình nội soi bàng quang, bác sĩ luồn một ống mềm, dài có gắn camera qua niệu đạo để quan sát bên trong niệu đạo và bàng quang. Phương pháp này giúp bác sĩ xác định sỏi thận và phá vỡ sỏi thành những mảnh nhỏ.
  • Nội soi niệu quản: Thủ thuật này cũng tương tự như nội soi bàng quang nhưng sử dụng ống nội soi dài và hẹp hơn được để quan sát niêm mạc của niệu quản và thận.
  • Tán sỏi thận qua da: Đưa trực tiếp ống soi thận vào thận thông qua một đường rạch nhỏ ở lưng để xác định vị trí và loại bỏ sỏi thận.

Nếu được điều trị sớm, sỏi thận đa phần không gây tổn thương vĩnh viễn.

Tuy nhiên, những trẻ từng bị sỏi thận sẽ có nguy cơ cao tiếp tục bị sỏi thận trong tương lai. Xác định và giải quyết nguyên nhân gây ra sỏi thận sẽ giúp ngăn ngừa hình thành sỏi mới.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ sỏi thận ở trẻ em

Những trẻ đã từng bị sỏi thận hoặc có tiền sử gia đình bị sỏi thận có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Khi trẻ không thể di chuyển trong thời gian dài, ví dụ như do bệnh tật, gãy xương hoặc mới phẫu thuật cũng có nguy cơ bị sỏi thận cao hơn. Điều này là do khi không di chuyển, cơ thể sẽ giải phóng nhiều canxi từ xương vào máu hơn.

Ngoài ra, các bệnh lý và tình trạng có thể làm tăng nguy cơ sỏi thận gồm có:

  • Bệnh tim mạch
  • Bệnh thận
  • Bệnh tiểu đường
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu tái đi tái lại
  • Béo phì
  • Sử dụng một số loại thuốc trong thời gian dài

Một số câu hỏi thường gặp

Làm thế nào để ngăn ngừa sỏi thận ở trẻ em?

Uống nhiều nước, đặc biệt là nước lọc, là một trong những điều quan trọng nhất để ngăn ngừa sỏi thận. Chế độ ăn DASH (một chế độ ăn vốn được thiết kế nhằm mục đích hỗ trợ điều trị hoặc phòng ngừa tăng huyết áp) cũng có thể giúp ngăn ngừa sỏi thận. Bố mẹ cần trao đổi với bác sĩ trước khi thực hiện bất kỳ thay đổi nào trong chế độ ăn uống của trẻ. Nếu trẻ có tiền sử sỏi thận, bác sĩ sẽ tư vấn cách thay đổi chế độ ăn uống dựa trên nguyên nhân gây ra sỏi thận.

Sỏi thận trông như thế nào?

Sỏi thận thường có hình dạng giống như viên sỏi, có thể lởm chởm hoặc bề mặt nhẵn. Sỏi thận thường có màu vàng hoặc nâu.

Thời gian hình thành một viên sỏi thận là bao lâu?

Sỏi thận có thể hình thành trong vài tuần đến vài tháng. Sỏi thận kích thước lớn có thể hình thành từ từ trong nhiều năm.

Tóm tắt bài viết

Sỏi thận có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Sỏi thận nhỏ có thể tự trôi ra ngoài theo nước tiểu mà không có bất kỳ triệu chứng nào nhưng sỏi thận lớn có thể cần can thiệp để loại bỏ.

Bố mẹ cần cho trẻ uống nhiều nước, tích cực vận động và duy trì chế độ ăn uống cân bằng để ngăn ngừa sỏi thận. Nếu trẻ có các dấu hiệu của sỏi thận thì cần đưa trẻ đi khám ngay. Không phải khi nào sỏi thận cũng tự trôi ra ngoài và nếu không điều trị, sỏi thận có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: trẻ em
Tin liên quan
Có cần chụp X-quang để chẩn đoán sỏi thận không?
Có cần chụp X-quang để chẩn đoán sỏi thận không?

Có nhiều phương pháp được sử dụng để phát hiện sỏi thận và một trong số đó là chụp X-quang. Bài viết này sẽ giải thích khi nào cần chụp X-quang để chẩn đoán sỏi thận và một số kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh thay thế cho chụp X-quang.

Trị sỏi thận bằng nước ép nam việt quất có hiệu quả không?
Trị sỏi thận bằng nước ép nam việt quất có hiệu quả không?

Sỏi thận là một vấn đề phổ biến. Có nhiều nguyên nhân gây sỏi thận và một trong số đó là chế độ ăn uống. Trong khi một số loại thực phẩm góp phần gây sỏi thận thì một số lại được cho là có công dụng trị sỏi thận, ví dụ như quả nam việt quất.

Chụp CT chẩn đoán sỏi thận có chính xác không?
Chụp CT chẩn đoán sỏi thận có chính xác không?

Chụp cắt lớp vi tính hay chụp CT (CT scan) là một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh sử dụng tia X để tạo ra hình ảnh mặt cắt ngang của các cấu trúc bên trong cơ thể. Chụp CT được coi là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán sỏi thận nhưng phương pháp này không phải hoàn toàn không có nhược điểm.

Tiêu chảy có phải triệu  chứng của sỏi thận không?
Tiêu chảy có phải triệu chứng của sỏi thận không?

Sỏi thận là những khối cứng hình thành do khoáng chất trong nước tiểu lắng đọng ở thận. Tiêu chảy không phải một triệu chứng của sỏi thận nhưng có thể xảy ra sau phẫu thuật loại bỏ sỏi thận. Sỏi thận có thể gây ra một số triệu chứng về tiêu hóa như đau bụng, buồn nôn và nôn.

Giấm táo có thể giúp điều trị sỏi thận
Giấm táo có thể giúp điều trị sỏi thận

Giấm táo (apple cider vinegar) không chỉ là một nguyên liệu nấu ăn mà còn có nhiều lợi ích cho sức khỏe. Vì thế nên giấm táo được sử dụng để điều trị nhiều vấn đề khác nhau, trong đó có sỏi thận.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây