Chế Độ Ăn Uống Khi Bị Quá Tải Sắt
Quá tải sắt là gì?
Quá tải sắt hay thừa sắt là tình trạng cơ thể hấp thụ quá nhiều sắt từ thức ăn. Sự hấp thụ quá mức này khiến cho nồng độ sắt trong máu tăng cao và cơ thể không thể đào thải lượng sắt dư thừa.
Sắt có thể tích tụ trong các cơ quan quan trọng, chẳng hạn như gan, tim và tuyến tụy. Điều này gây ra stress oxy hóa và dẫn đến các biến chứng về lâu dài như bệnh gan, bệnh tim mạch, tiểu đường, viêm khớp, suy giáp…
Có nhiều cách để giảm lượng sắt trong cơ thể khi bị quá tải sắt và một trong số đó là điều chỉnh chế độ ăn cho người thừa sắt. Việc biết được loại thực phẩm nào nên ăn và thực phẩm nào nên tránh sẽ giúp giữ cho nồng độ sắt ở mức bình thường và ngăn ngừa phát sinh biến chứng.
Yếu tố ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ sắt
Quá tải sắt là tình trạng mà cơ thể bị thừa sắt. Do đó, phải cắt giảm các loại thực phẩm giàu sắt và tăng thực phẩm ít sắt trong chế độ ăn. Tuy nhiên, lượng sắt trong thực phẩm không phải là yếu tố duy nhất ảnh hưởng đến lượng sắt trong cơ thể. Khả năng hấp thụ sắt và lượng sắt còn bị tác động bởi các yếu tố khác như dạng sắt trong thực phẩm và các chất dinh dưỡng khác trong bữa ăn.
Dạng sắt trong thực phẩm
Chất sắt trong thực phẩm được chia thành hai dạng là sắt heme và sắt không heme. Sắt heme có trong các loại thực phẩm có nguồn gốc từ động vật như thịt và hải sản còn sắt không heme có trong cả thực phẩm có nguồn gốc thực vật và động vật cũng như là những thực phẩm được bổ sung sắt. Sắt heme có tính sinh khả dụng cao hơn sắt không heme, có nghĩa là cơ thể dễ hấp thụ sắt heme hơn.
Vitamin C
Vitamin C, hay axit ascorbic, giúp tăng cường tính sinh khả dụng của sắt không heme, hay nói cách khác là giúp sắt không heme được hấp thụ hiệu quả hơn. Ngoài vitamin C, thịt và hải sản cũng có tác dụng tương tự. Do đó, khi ăn thực phẩm chứa sắt cùng với thực phẩm giàu vitamin C thì cơ thể sẽ hấp thụ nhiều sắt hơn.
Canxi
Trái ngược với vitamin C, canxi làm giảm tính sinh khả dụng của cả sắt heme và sắt không heme, có nghĩa là làm giảm khả năng hấp thụ sắt.
Axit phytic và polyphenol
Axit phytic hay phytate là một hợp chất có trong ngũ cốc và các loại đậu. Hợp chất này làm giảm sự hấp thụ sắt. Polyphenol - một nhóm hợp chất khác có trong các loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật – cũng gây ra điều tương tự. Polyphenol được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm và đồ uống như trái cây, rau, thảo mộc, gia vị, trà, cà phê, cacao và rượu vang.
Như vậy là tránh các loại thực phẩm giàu sắt chỉ là một trong những thay đổi cần thực hiện đối với chế độ ăn uống khi bị quá tải sắt. Ngoài ra còn phải chú ý đến loại sắt và các chất dinh dưỡng khác trong bữa ăn để hạn chế bớt sự hấp thụ sắt.
Thực phẩm nên ăn khi bị quá tải sắt
Rau củ quả
Khi bị quá tải sắt, lượng sắt dư thừa làm tăng stress oxy hóa và hoạt động của các gốc tự do, điều này sẽ làm hỏng DNA.
Chất chống oxy hóa đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ các tế bào cơ thể khỏi những tổn hại do stress oxy hóa gây ra. Trái cây và rau củ là những thực phẩm rất giàu chất chống oxy hóa, chẳng hạn như vitamin E, vitamin C và flavonoid.
Một số hướng dẫn về chế độ ăn uống khi bị thừa sắt khuyến cáo tránh xa các loại rau chứa nhiều sắt nhưng trên thực tế thì điều này không phải lúc nào cũng cần thiết.
Các loại rau giàu chất sắt, chẳng hạn như cải chíp, rau chân vịt và các loại rau xanh khác, chỉ chứa sắt không heme. Sắt không heme được hấp thụ kém hiệu quả hơn sắt heme nên những người bị thừa sắt vẫn có thể ăn rau.
Ngũ cốc và các loại đậu
Ngũ cốc và các loại đậu chứa các chất ức chế sự hấp thụ sắt mà chủ yếu là axit phytic.
Ở một số người, chế độ ăn quá nhiều ngũ cốc có thể làm tăng nguy cơ thiếu hụt các khoáng chất như canxi, sắt hoặc kẽm.
Tuy nhiên, ở những người bị quá tải sắt thì axit phytic lại có lợi vì hợp chất này giúp cơ thể không hấp thụ quá nhiều sắt từ thực phẩm.
Trứng
Trứng là một nguồn cung cấp sắt không heme nên cũng là một lựa chọn thực phẩm phù hợp với những người bị quá tải sắt. Lòng đỏ trứng có chứa một loại phosphoprotein có tên là phosvitin.
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng phosvitin có thể ức chế sự hấp thụ sắt và cả các khoáng chất khác. Trong một nghiên cứu trên động vật, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những con chuột được cho ăn protein từ lòng đỏ trứng có khả năng hấp thụ sắt thấp hơn so với những con chuột ăn protein từ đậu nành hoặc protein từ sữa (casein). (1, https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/17995699
Trà và cà phê
Cả trà và cà phê đều chứa tannin hay còn được gọi là axit tannic – một loại hợp chất trong nhóm polyphenol. Tannin trong trà và cà phê có thể làm giảm khả năng hấp thụ sắt. Do đó, những người bị thừa sắt nên thêm hai loại đồ uống này vào chế độ ăn uống.
Protein
Mặc dù nhiều loại thực phẩm giàu protein cũng có chứa hàm lượng sắt lớn, chẳng hạn như thịt và hải sản nhưng điều này không có nghĩa là phải loại bỏ hoàn toàn thịt ra khỏi chế độ ăn hàng ngày vì protein là một chất dinh dưỡng rất quan trọng trong chế độ ăn uống lành mạnh và cần thiết cho nhiều chức năng trong cơ thể.
Hãy chọn các nguồn protein có hàm lượng sắt thấp hơn, chẳng hạn như thịt gà, cá ngừ hay thịt nguội và các nguồn protein từ thực vật như các loại đậu và hạt.
Thực phẩm cần hạn chế khi bị quá tải sắt
Thịt đỏ
Các loại thịt đỏ như thịt bò là một trong những nhóm thực phẩm có hàm lượng sắt cao nhất và dạng sắt trong thịt còn là sắt heme nên được cơ thể hấp thụ rất tốt. Những người bị thừa sắt vẫn có thể ăn thịt đỏ nhưng chỉ nên ăn ít, từ 170 – 250 gram mỗi tuần. Ngoài ra, nên ăn thịt đỏ cùng với các loại thực phẩm làm giảm sự hấp thụ sắt, ví dụ như thực phẩm giàu canxi.
Hải sản sống
Mặc dù hàm lượng sắt trong hải sản không đến mức quá cao nhưng những người bị thừa sắt nên hạn chế ăn hải sản sống, đặc biệt là những loài động vật có vỏ như tôm, cua, ngao, sò, ốc...
Vibrio vulnificus (V. vulnificus) là một loại vi khuẩn được tìm thấy ở vùng nước ven biển và có thể nhiễm vào trong các loài động vật có vỏ sinh sống ở khu vực này. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng sắt rất cần thiết cho sự lây lan vi khuẩn V. vulnificus.
Vì thế nên những người có nồng độ sắt cao, chẳng hạn như người bị quá tải sắt, cần phải tránh ăn động vật có vỏ sống.
Thực phẩm giàu vitamin A và vitamin C
Vitamin C, hay axit ascorbic, là một trong những chất giúp tăng cường sự hấp thu sắt hiệu quả nhất. Mặc dù vitamin C là một chất dinh dưỡng cần thiết trong chế độ ăn uống lành mạnh, nhưng khi bị thừa sắt thì nên hạn chế các loại thực phẩm giàu vitamin C như cam, quýt, bông cải xanh, ớt chuông, khoai tây, kiwi,…
Ngoài ra, vitamin A cũng đã được chứng minh là làm tăng khả năng hấp thụ sắt.
Lưu ý, nhiều loại rau có chứa cả vitamin C, vitamin A và sắt. Tuy nhiên, vì sắt không heme có trong rau được hấp thụ kém nên lợi ích mà những thực phẩm này mang lại sẽ nhiều hơn là tác hại.
Thực phẩm được bổ sung sắt
Nhiều loại thực phẩm được bổ sung thêm sắt cũng như là các vitamin và khoáng chất khác như canxi, kẽm trong quá trình sản xuất để tăng cường giá trị dinh dưỡng.
Khi bị thừa sắt, việc ăn những thực phẩm này sẽ làm tăng nồng độ sắt trong máu. Vì vậy nên khi mua đồ cần đọc kỹ thông tin ghi trên nhãn và tránh những sản phẩm được bổ sung sắt.
Rượu
Thường xuyên uống nhiều rượu sẽ gây hại cho gan. Tình trạng thừa sắt cũng có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm tổn thương gan. Do đó, chỉ nên uống rượu ở mức độ vừa phải.
Nếu như đã có vấn đề về gan do quá tải sắt thì phải kiêng rượu hoàn toàn.
Thực phẩm chức năng
Hiện chưa có nhiều khuyến cáo về việc dùng thực phẩm chức năng khi bị quá tải sắt. Tuy nhiên, vẫn nên tránh hoặc thận trọng khi dùng các loại thực phẩm chức năng sau:
- Sắt: Uống bổ sung sắt khi đã bị quá tải sắt sẽ khiến cho lượng sắt trong cơ thể tăng lên mức quá cao và gây nguy hiểm.
- Vitamin C: Do vitamin C làm tăng sự hấp thụ sắt nên những người bị quá tải sắt không nên uống vitamin C. Chỉ nên cung cấp vitamin C cho cơ thể từ các loại trái cây và rau củ.
- Vitamin tổng hợp: Cần hết sức thận trọng khi uống vitamin tổng hợp nếu bị quá tải sắt. Lý do là bởi vitamin tổng hợp có thể chứa nhiều sắt, vitamin C và các chất dinh dưỡng khác làm tăng sự hấp thụ sắt.
Tóm tắt bài viết
Khi bị quá tải sắt, việc điều chỉnh chế độ ăn uống có thể giúp làm giảm lượng sắt trong cơ thể và sự hấp thụ chất sắt từ thực phẩm.
Thường xuyên uống cà phê mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, thức uống này có thể gây hại nếu uống quá nhiều hoặc thêm những thành phần không lành mạnh vào cà phê.
Uống cà phê trước khi ngủ trưa giúp làm tăng mức năng lượng một cách hiệu quả hơn so với chỉ uống cà phê hoặc chỉ ngủ trưa.
Theo một số khuyến nghị thì 400 mg caffeine mỗi ngày, tương đương với 4 cốc cà phê (960 ml) là mức tiêu thụ an toàn đối với một người trưởng thành khỏe mạnh.
Mặc dù không nhất thiết phải bổ sung caffeine trước buổi tập nhưng nhiều người nhận thấy rằng uống cà phê trước khi tập luyện giúp tăng cường năng lượng cho cơ thể và đạt được hiệu suất tốt hơn trong suốt quá trình hoạt động thể chất.
Trong cuộc sống bạn rộn, cà phê hòa tan là sản phẩm được rất nhiều người lựa chọn vì thời gian pha chế nhanh chóng và giá cũng rẻ hơn so với cà phê pha phin. Cà phê hòa tan thậm chí còn chiếm hơn 50% tổng lượng cà phê tiêu thụ ở một số quốc gia.