Cần làm gì khi thuốc điều trị tiểu đường đường uống không còn hiệu quả?
Nếu như chế độ ăn uống và tập thể dục không đủ để kiểm soát bệnh tiểu đường type 2, người bệnh sẽ phải sử dụng các loại thuốc đường uống.
Tuy nhiên, những loại thuốc này không phải lúc nào cũng có hiệu quả lâu dài. Sau một thời gian, hiệu quả của thuốc thường sẽ suy giảm. Lúc này, đường huyết sẽ thường xuyên dao động cho dù người bệnh vẫn sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ.
Theo ước tính, khoảng 5 đến 10% những người mắc bệnh tiểu đường type 2 ngừng đáp ứng với thuốc mỗi năm. (1)
Trước tiên, người bệnh cần xác định nguyên nhân khiến thuốc điều trị tiểu đường đường uống không còn tác dụng và sau đó tìm các giải pháp khác để tiếp tục kiểm soát tình trạng bệnh.
Thay đổi thói quen hàng ngày
Khi cảm thấy thuốc điều trị tiểu đường đường uống không còn hiệu quả như trước, hãy đi khám và báo cho bác sĩ. Người bệnh cần kể chi tiết các thói quen thường ngày của mình để bác sĩ đánh giá xem nguyên nhân khiến thuốc giảm hiệu quả có phải do thay đổi thói quen hay không.
Nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc điều trị tiểu đường, chẳng hạn như tăng cân, thay đổi chế độ ăn uống hay mức độ vận động hoặc một căn bệnh mới mắc gần đây.
Đôi khi, chỉ cần thực hiện một vài thay đổi về chế độ ăn uống hoặc tập thể dục nhiều hơn mỗi ngày là đủ để kiểm soát đường huyết hiệu quả trở lại.
Lượng đường trong máu tăng cao có thể là do các loại thuốc mới dùng như steroid, kháng sinh hay thuốc chống trầm cảm.
Nguyên nhân khiến thuốc giảm hiệu quả cũng có thể là do bệnh tiểu đường đã tiến triển. Các tế bào beta (tế bào sản xuất insulin) trong tuyến tụy sẽ hoạt động kém hiệu quả hơn theo thời gian. Điều này làm giảm dần mức insulin trong cơ thể và dẫn đến suy giảm khả năng kiểm soát lượng đường trong máu.
Không phải lúc nào cũng tìm được lý do thuốc điều trị tiểu đường không còn hiệu quả. Nếu loại thuốc đang dùng không còn hiệu quả, bác sĩ sẽ kê loại thuốc khác.
Dùng thêm một loại thuốc khác
Metformin (Glucophage) thường là loại thuốc được sử dụng đầu tiên để kiểm soát bệnh tiểu đường type 2. Nếu thuốc này không còn hiệu quả thì người bệnh thường sẽ phải sử dụng thêm một loại thuốc đường uống nữa.
Có nhiều loại thuốc đường uống để điều trị bệnh tiểu đường và mỗi loại thuốc có cơ chế tác dụng khác nhau:
- Nhóm thuốc sulfonylurea như glyburide (Glynase PresTab), glimepiride (Amaryl) và glipizide (Glucotrol) có tác dụng kích thích tuyến tụy sản xuất nhiều insulin hơn sau khi ăn.
- Nhóm thuốc meglitinide như repaglinide (Prandin) có tác dụng kích hoạt tuyến tụy giải phóng insulin sau bữa ăn.
- Thuốc đồng vận thụ thể GLP-1 như exenatide (Byetta) và liratuglide (Victoza) có tác dụng kích thích sự giải phóng insulin, giảm giải phóng glucagon (hormone thúc đẩy gan giải phóng glucose vào máu) và làm chậm quá trình làm rỗng dạ dày.
- Thuốc ức chế SGLT2 như empagliflozin (Jardiance), canagliflozin (Invokana) và dapaglifozin (Farxiga) có tác dụng làm giảm lượng đường trong máu bằng cách làm cho thận bài tiết nhiều glucose hơn vào nước tiểu.
- Thuốc ức chế DPP-4 (dipeptidyl peptidase-4) như sitagliptin (Januvia), linagliptin (Tradjenta) và saxagliptin (Onglyza) có tác dụng kích thích tuyến tụy giải phóng insulin và làm giảm sự giải phóng glucagon.
- Nhóm thuốc thiazolidinedione như pioglitazone (Actos) có tác dụng giúp các tế bào cơ thể phản ứng tốt hơn với insulin và làm cho gan giải phóng ít glucose vào máu hơn.
- Nhóm thuốc ức chế men apha-glucosidase như acarbose và miglitol làm giảm sự hấp thụ glucose từ đường ruột.
Người bệnh có thể phải dùng kết hợp nhiều loại thuốc khác nhau để kiểm soát tốt lượng đường trong máu. Một số loại thuốc điều trị điều đường là sự kết hợp của hai loại thuốc khác nhau, chẳng hạn như Metaglip (chứa glipizide và metformin) hay Kombiglyze (chứa saxagliptin và metformin). Điều này giúp người bệnh chỉ phải uống một viên thuốc duy nhất. Việc dùng thuốc hàng ngày sẽ trở nên đơn giản hơn và giảm nguy cơ không uống đủ thuốc.
Dùng insulin
Một lựa chọn khác là chuyển sang dùng insulin hoặc kết hơp cả insulin và thuốc điều trị tiểu đường đường uống. Bác sĩ có thể chỉ định điều trị bằng insulin nếu mức A1C cao hơn nhiều so với khuyến nghị hoặc người bệnh có các triệu chứng của tăng đường huyết (lượng đường trong máu cao), chẳng hạn như khát nước thường xuyên, đi tiểu nhiều lần hoặc mệt mỏi.
Sử dụng insulin sẽ giúp tuyến tụy không phải làm việc quá nhiều. Insulin sẽ giúp ổn định lượng đường trong máu một cách nhanh chóng.
Insulin được phân loại dựa trên tốc độ phát huy tác dụng, thời gian đạt hiệu quả tối đa và thời gian duy trì tác dụng.
Insulin tác dụng nhanh (rapid-acting insulin) bắt đầu có tác dụng nhanh chóng (trong vòng 10 đến 15 phút sau khi tiêm) và kiểm soát lượng đường trong máu sau bữa ăn. Hiệu quả của insulin tác dụng nhanh thường kéo dài khoảng 2 đến 4 giờ. Insulin tác dụng kéo dài (long-acting insulin) thường được dùng một lần mỗi ngày để kiểm soát lượng đường trong máu trong khoảng thời gian giữa các bữa ăn hoặc vào ban đêm.
Tái khám định kỳ
Mức đường huyết thường sẽ chưa thể ổn định ngay sau khi dùng loại thuốc mới. Có thể sẽ phải điều chỉnh liều dùng hoặc thử một vài loại thuốc khác nhau để kiểm soát bệnh tiểu đường một cách hiệu quả. Người bệnh nên đi khám khoảng 3 tháng một lần để kiểm tra mức đường huyết và A1C (chỉ số cho biết khả năng kiểm soát đường huyết trong 2 đến 3 tháng gần nhất). Kết quả xét nghiệm sẽ giúp bác sĩ đánh giá hiệu quả của các loại thuốc đang dùng. Nếu thuốc không hiệu quả, bác sĩ sẽ kê thêm thuốc hoặc đổi loại thuốc khác.
Nếu bạn nhận thấy tần suất đi tiểu đột nhiên tăng so với bình thường thì hãy cẩn thận vì rất có thể đó là dấu hiệu ban đầu của bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, còn có rất nhiều nguyên nhân khác cũng gây ra tình trạng đi tiểu nhiều lần và trong đó có một số nguyên nhân vô hại. Điều quan trọng là phải hiểu tác động của bệnh tiểu đường đến chức năng bàng quang, cũng như là các dấu hiệu khác của bệnh tiểu đường.
Khi không được điều trị, các triệu chứng bệnh tiểu đường sẽ ngày càng nặng do lượng đường trong máu tăng cao kéo dài gây tổn hại đến các mô và cơ quan trong cơ thể. Vì bệnh tiểu đường thường không có dấu hiệu rõ rệt vào giai đoạn đầu nên nhiều người không để ý.
Nước mía không chỉ có vị thơm ngọt hấp dẫn và là một loại nước giải khát phổ biến vào mùa hè mà còn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Theo y học cổ truyền phương Đông, nước mía có tác dụng điều trị bệnh gan, thận và một số bệnh khác. Tuy nhiên, nước mía có chứa rất nhiều đường, vậy người bị bệnh tiểu đường có thể uống nước mía hay không?
Mục đích chung của các loại thuốc điều trị tiểu đường type 2 là kiểm soát đường huyết ổn định nhưng mỗi loại thuốc có cơ chế tác dụng khác nhau.
Có nhiều loại thuốc để điều trị bệnh tiểu đường type 1 và type 2. Mỗi loại thuốc có cơ chế tác dụng khác nhau nhưng đa số có chung mục đích là giúp kiểm soát lượng đường trong máu.
- 0 trả lời
- 90 lượt xem
Mình thấy nhiều quảng cáo về máy điện trường nhưng chưa biết nó có thực sự hiệu quả trong việc cải thiện tuần hoàn máu do tiểu đường ko. Ai dùng rồi review cho anh chị em trong group tham khảo với mng ơi