1

Nên điều trị tiểu đường type 2 bằng loại thuốc nào?

Mục đích chung của các loại thuốc điều trị tiểu đường type 2 là kiểm soát đường huyết ổn định nhưng mỗi loại thuốc có cơ chế tác dụng khác nhau.
Nên điều trị tiểu đường type 2 bằng loại thuốc nào? Nên điều trị tiểu đường type 2 bằng loại thuốc nào?

Các loại thuốc điều trị tiểu đường type 2

Có nhiều loại thuốc khác nhau được sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường type 2.

Nói chung, metformin vẫn là loại thuốc được đa số bác sĩ lựa chọn làm phương pháp điều trị bước đầu, trừ khi có lý do nào đó không thể sử dụng loại thuốc này. Metformin vừa hiệu quả, an toàn mà giá thành lại rẻ. Metformin có thể làm giảm nguy cơ xảy ra biến cố tim mạch.

Metformin còn có thể làm giảm chỉ số A1C, kiểm soát cân nặng và có cơ chế tác dụng là giảm sự sản xuất glucose của gan.

Ngoài metformin còn có các nhóm thuốc điều trị tiểu đường khác. Mỗi nhóm đều có những ưu và nhược điểm riêng.

Sulfonylurea

Các loại thuốc thuộc nhóm này gồm có glipizide, glyburide và glimepiride. Những loại thuốc này có giá không đắt nhưng có thể gây tác dụng phụ là hạ đường huyết và tăng cân.

Thuốc tăng độ nhạy insulin

Thiazolidinediones (pioglitazone) có hiệu quả và không gây hạ đường huyết. Tuy nhiên, thuốc này có thể dẫn đến tăng cân.

Thuốc đồng vận thụ thể GLP-1

Các loại thuốc trong nhóm này là exenatide (Byetta, Bydureon), liraglutide (Victoza, Saxenda) và dulaglutide (Trulicity). Một số loại được sử dụng bằng cách tiêm hàng ngày và một số khác được tiêm hàng tuần.

Ngoài ra, thuốc đồng vận thụ thể GLP-1 còn có dạng uống dùng mỗi ngày một lần, ví dụ như semaglutide (Rybelsus). Nhóm thuốc này có hiệu quả, có lợi cho tim mạch và giúp giảm cân nhưng cũng đi kèm các tác dụng phụ như buồn nôn và tiêu chảy.

Thuốc ức chế DPP-4

Các loại thuốc trong nhóm này đều ở dạng biệt dược, gồm có sitagliptin (Januvia), saxagliptin (Onglyza) và linagliptin (Tradjenta).

Thuốc ức chế DPP-4 đều có dạng viên uống dễ sử dụng, được dung nạp tốt và uống một lần mỗi ngày. Nhóm thuốc này có tác dụng giảm nhẹ lượng đường trong máu mà chủ yếu là giảm lượng đường trong máu sau ăn.

Thuốc ức chế men alpha-glucosidase (acarbose)

Loại thuốc này hiếm khi được sử dụng. Tác dụng phụ là đầy hơi và giảm hấp thụ carbohydrate.

Thuốc ức chế SGLT-2

Thuốc ức chế kênh đồng vận chuyển natri – glucose 2 hay SGLT-2 là nhóm thuốc điều trị tiểu đường mới nhất. Nhóm thuốc này làm giảm lượng glucose trong máu bằng cách làm tăng lượng glucose được đào thải khỏi cơ thể qua nước tiểu. Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy bên cạnh tác dụng kiểm soát đường huyết, thuốc ức chế SGLT-2 còn mang lại các lợi ích cho sức khỏe tim mạch.

Nghiên cứu chỉ ra rằng nhóm thuốc này còn có lợi cho thận, chẳng hạn như làm chậm sự tiến triển của bệnh thận mạn. Các loại thuốc trong nhóm này đều là thuốc biệt dược, gồm có empagliflozin (Jardiance), dapagliflozin (Farxiga), canagliflozin (Invokana) và ertugliflozin (Steglatro).

Các yếu tố cần cân nhắc khi lựa chọn thuốc điều trị tiểu đường

Tiểu đường type 2 là một bệnh mãn tính, phức tạp. Để giảm triệu chứng, ngăn bệnh tiến triển và giảm nguy cơ biến chứng thì cần phải kiểm soát tốt lượng đường trong máu.

Kế hoạch điều trị cho mỗi trường hợp tiểu đường type 2 là không hoàn toàn giống nhau và được xác định dựa trên các yếu tố như:

  • Có tiền sử mắc bệnh tim mạch như nhồi máu tim, đột quỵ hoặc suy tim sung huyết hay không
  • Có mắc bệnh thận mạn hay không
  • Nguy cơ hạ đường huyết
  • Tác dụng phụ tiềm ẩn của thuốc
  • Cân nặng của bệnh nhân và khả năng ảnh hưởng đến cân nặng của thuốc
  • Khả năng chi trả

Ngoài ra, bác sĩ sẽ xem xét kết quả xét nghiệm A1C. Xét nghiệm này cho biết mức đường huyết trung bình trong 3 tháng qua.

Metformin thường là loại thuốc đầu tiên được kê để điều trị bệnh tiểu đường type 2, trừ những trường hợp không thể sử dụng loại thuốc này. Bác sĩ có thể sẽ kê các loại thuốc khác cùng với metformin nếu cần.

Mỗi loại thuốc thường sẽ làm giảm mức A1C ở một mức độ nhất định. Một số loại thuốc có hiệu quả cao hơn và có thể làm giảm A1C từ 1 đến 1,5% trong khi một số chỉ có tác dụng giảm từ 0,5 đến 0,8%.

Đối với hầu hết người mắc bệnh tiểu đường type 2, mục tiêu của việc điều trị là phải giảm chỉ số A1C xuống dưới 7%. Mục tiêu này được đặt ra bởi Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ nhưng bác sĩ sẽ xác định mức A1C cần duy trì trong mỗi trường hợp. Nếu chỉ số A1C vượt quá 9% thì người bệnh có thể sẽ phải dùng kết hợp hai loại thuốc cùng một lúc.

Bên cạnh dùng thuốc, thay đổi lối sống cũng là một phần quan trọng trong điều trị bệnh tiểu đường type 2.

Người bị tiểu đường type 2 có cần dùng insulin không?

Bệnh tiểu đường type 2 xảy ra do sự kết hợp của hai vấn đề. Vấn đề thứ nhất là kháng insulin – tình trạng cơ thể không thể sử dụng insulin một cách hiệu quả. Vấn đề thứ hai là cơ thể không sản xuất đủ insulin để bù lại tình trạng kháng insulin. Tình trạng này được gọi là thiếu hụt insulin tương đối.

Có nhiều mức độ thiếu hụt insulin. Bệnh nhân có thể phải sử dụng insulin ngay từ sớm nếu có các triệu chứng tăng đường huyết đi kèm sụt cân, mức A1C trên 10% hoặc kết quả xét nghiệm đường huyết ngẫu nhiên trên 300 mg/dL.

Những người mà đường huyết không quá cao thường chỉ cần dùng các loại thuốc không phải insulin là đủ để kiểm soát đường huyết.

Vai trò của thay đổi lối sống trong điều trị tiểu đường type 2

Thay đổi lối sống là một trong những yếu tố quan trọng nhất để kiểm soát bệnh tiểu đường type 2. Bất kể điều trị bằng loại thuốc nào thì vẫn cần phải kết hợp với thay đổi lối sống.

Điều chỉnh chế độ ăn uống, giữ cân nặng khỏe mạnh và tăng cường hoạt động thể chất sẽ giúp cải thiện khả năng kiểm soát lượng đường trong máu. Nếu đường huyết được giữ ổn định thì có thể thay đổi loại thuốc hoặc giảm liều lượng thuốc.

Nhiều người mắc bệnh tiểu đường type 2 không cần dùng insulin hoặc có thể dừng insulin sau một thời gian sử dụng nhờ duy trì thói quen sống lành mạnh. Tuy nhiên, không được tự ý ngừng bất kỳ loại thuốc nào mà không có sự đồng ý của bác sĩ.

Thuốc điều trị bệnh lý khác có ảnh hưởng đến việc lựa chọn thuốc điều trị tiểu đường type 2 không?

Ngoài các yếu tố kể trên, việc lựa chọn thuốc điều trị tiểu đường type 2 còn phụ thuộc vào các loại thuốc khác mà bệnh nhân đang dùng.

Nhiều loại thuốc có thể ảnh hưởng đến kế hoạch điều trị tiểu đường type 2. Ví dụ, steroid – nhóm thuốc được dùng để điều trị nhiều vấn đề về da và bệnh thấp khớp - có thể làm tăng lượng đường trong máu. Do đó, nếu bệnh nhân dùng steroid thì phác đồ điều trị bệnh tiểu đường sẽ phải thay đổi.

Nhiều loại thuốc hóa trị cũng có thể ảnh hưởng đến việc lựa chọn thuốc điều trị tiểu đường.

Nhiều người mắc bệnh tiểu đường type 2 còn phải điều trị cao huyết áp và cholesterol cao. Các loại thuốc được sử dụng phổ biến để điều trị những vấn đề này không tương tác với các loại thuốc trị tiểu đường.

Các triệu chứng có thể gặp phải nếu thuốc không hiệu quả

Nếu phương pháp điều trị không hiệu quả, lượng đường trong máu sẽ tăng dần. Các triệu chứng thường gặp khi lượng đường trong máu tăng gồm có:

  • Khát nước liên tục
  • Đi tiểu nhiều lần, nhất là vào ban đêm
  • Mờ mắt
  • Sụt cân

Nếu gặp những triệu chứng này, đó là dấu hiệu cho thấy đường huyết đang ở mức cao và cần can thiệp ngay lập tức. Điều quan trọng là phải thông báo cho bác sĩ về những triệu chứng này càng sớm càng tốt.

Tổng số điểm của bài viết là: 9 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Các loại thuốc làm tăng sản xuất insulin để điều trị tiểu đường
Các loại thuốc làm tăng sản xuất insulin để điều trị tiểu đường

Có nhiều loại thuốc có tác dụng làm tăng sự sản xuất insulin để điều trị bệnh tiểu đường type 1 và type 2, gồm có chất tương tự amylin, chất tương tự incretin, thuốc ức chế DPP4, sulfonylurea và glinide.

Nên điều trị tiểu đường bằng thuốc đường uống hay insulin?
Nên điều trị tiểu đường bằng thuốc đường uống hay insulin?

Bệnh tiểu đường là một bệnh lý rối loạn chuyển hóa xảy ra khi cơ thể không còn khả năng điều hòa lượng đường (glucose) trong máu một cách hiệu quả. Bệnh tiểu đường được chia thành tiểu đường type 1 và tiểu đường type 2. Mỗi loại tiểu đường là do nguyên nhân khác nhau gây ra và phương pháp điều trị cũng không giống nhau.

Hạ đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường type 1: Những điều cần biết
Hạ đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường type 1: Những điều cần biết

Đối với những người mắc bệnh tiểu đường type 1, đo đường huyết là một phần trong thói quen hàng ngày. Đây là một bước quan trọng để điều chỉnh liều lượng insulin và từ đó giữ cho lượng đường trong máu trong phạm vi lý tưởng. Tuy nhiên, đôi khi bệnh nhân bổ sung nhiều insulin hơn mức cần thiết. Điều này sẽ dẫn đến hạ đường huyết – tình trạng lượng đường trong máu thấp.

Các phương pháp điều trị tiểu đường type 2
Các phương pháp điều trị tiểu đường type 2

Khi mắc bệnh tiểu đường type 2, điều trị đúng cách là điều rất quan trọng. Nếu không được kiểm soát, bệnh tiểu đường type 2 có thể gây tăng đường huyết mãn tính, làm tổn hại các cơ quan và mạch máu.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây