Các loại thuốc làm tăng sản xuất insulin để điều trị tiểu đường
Insulin và bệnh tiểu đường
Bệnh tiểu đường là một nhóm bệnh lý có đặc trưng là lượng đường (glucose) trong máu cao. Tình trạng này xảy ra do cơ thể gặp vấn đề trong việc sản xuất hoặc sử dụng insulin.
Insulin là một loại hormone do tuyến tụy tiết ra khi chúng ta ăn uống. Insulin giúp đưa đường từ máu vào các tế bào để chuyển hóa thành năng lượng. Nếu các tế bào không phản ứng tốt với insulin hoặc cơ thể không tạo đủ insulin thì glucose sẽ tích tụ trong máu.
Lượng đường trong máu cao (tăng đường huyết) gây ra nhiều triệu chứng như:
- Khát nước liên tục
- Đi tiểu nhiều lần
- Đói cồn cào
- Sụt cân không chủ đích
- Mệt mỏi, thiếu năng lượng
- Tâm trạng bất ổn, dễ cáu gắt
- Mờ mắt
- Vết thương chậm lành
- Thường xuyên bị nhiễm trùng
Có hai loại bệnh tiểu đường chính là tiểu đường type 1 và tiểu đường type 2.
Bệnh tiểu đường type 1 xảy ra do hệ miễn dịch tấn công và phá hủy tuyến tụy, khiến cơ thể hoàn toàn không thể tạo ra insulin. Loại bệnh tiểu đường này thường xảy ra ngay từ khi còn nhỏ nhưng cũng có thể xảy ra khi lớn lên.
Bệnh tiểu đường type 2 xảy ra khi cơ thể không sản xuất đủ insulin hoặc sử dụng insulin không hiệu quả. Loại bệnh tiểu đường này chủ yếu xảy ra ở người lớn nhưng số trẻ nhỏ và thanh thiếu niên bị tiểu đường type 2 đang ngày càng tăng.
Cả hai loại bệnh tiểu đường đều có đặc trưng là lượng glucose trong máu cao. Nếu không được kiểm soát, tình trạng này có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, gồm có:
- Mất thị lực
- Tổn thương thận
- Các vấn đề về da
- Mất thính lực
- Bệnh tim mạch
- Đột quỵ
- Vấn đề về lưu thông máu
- Cắt cụt chi
Hầu hết các biến chứng này có thể ngăn ngừa được bằng cách kiểm soát tốt lượng đường trong máu.
Phác đồ điều trị bệnh tiểu đường thường gồm có theo dõi đường huyết thường xuyên, thực hiện chế độ ăn uống cân bằng và giàu dinh dưỡng, tập thể dục và kết hợp dùng thuốc.
Nhiều loại thuốc điều trị tiểu đường có cơ chế là làm tăng lượng insulin trong cơ thể. Khi cơ thể có đủ insulin, glucose trong máu sẽ được vận chuyển vào các tế bào hiệu quả hơn và nhờ đó giup giảm mức đường huyết.
Các loại thuốc tăng sản xuất insulin
Có nhiều loại thuốc có tác dụng giúp tuyến tụy tăng sản xuất insulin.
Hầu hết các loại thuốc này đều có hiệu quả trong điều trị bệnh tiểu đường type 2. Vì những người mắc loại tiểu đường này vẫn có khả năng sản xuất insulin nên thường đáp ứng tốt hơn với thuốc.
Một số loại thuốc tăng sản xuất insulin có thể được kết hợp với phương pháp tiêm insulin để kiểm soát mức đường huyết ở những người mắc bệnh tiểu đường type 1.
Chất tương tự amylin
Chất tương tự amylin là nhóm thuốc tiêm có hoạt động giống như amylin – một loại hormone trong cơ thể. Các loại thuốc này ngăn cơ thể tiết ra glucagon, giúp duy trì cảm giác no lâu và làm chậm tốc độ thức ăn rời khỏi dạ dày. Chất tương tự amylin được sử dụng kết hợp với insulin dạng tiêm trong những trường hợp liệu pháp insulin không thể kiểm soát các triệu chứng tiểu đường type 1.
Một loại thuốc trong nhóm này là pramlintide (SymlinPen).
Chất tương tự incretin
Chất tương tự incretin cũng là một nhóm thuốc tiêm có tác dụng làm tăng sự sản xuất insulin. Nhóm thuốc này thường được sử dụng cùng với các loại thuốc khác để kiểm soát đường huyết. Những người dùng chất tương tự incretin để điều trị tiểu đường vẫn phải kết hợp với chế độ ăn uống cân bằng và tập thể dục thường xuyên.
Các loại thuốc trong nhóm này gồm có:
- exenatide phóng thích tức thì (Byetta)
- exenatide phóng thích kéo dài (Bydureon)
- liraglutide (Victoza)
- semaglutide (Ozempic)
- dulaglutide (Trulicity)
Thuốc ức chế DPP-4
Theo nghiên cứu vào năm 2021, thuốc ức chế DPP-4 (dipeptidyl peptidase 4) có tác dụng làm tăng sự giải phóng insulin từ tuyến tụy. (1) Nhóm thuốc này còn làm giảm sự giải phóng glucose từ gan. Thuốc ức chế DPP-4 thường được kết hợp với các loại thuốc khác để điều trị bệnh tiểu đường type 2.
Một số loại thuốc trong nhóm này gồm có:
- saxagliptin (Onglyza)
- sitagliptin (Januvia)
- linagliptin (Tradjenta)
Sulfonylurea
Sulfonylurea là một nhóm thuốc cũ được sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường. Các loại thuốc trong nhóm này thường được dùng qua đường uống, dành cho những người không thể kiểm soát đường huyết bằng chế độ ăn uống và tập thể dục. Cơ chế tác dụng của sulfonylurea là làm sự giải phóng insulin từ tuyến tụy để giảm lượng đường trong máu.
Một số loại thuốc trong nhóm sulfonylurea gồm có:
- glyburide (Micronase)
- glipizide (Glucotrol)
- glimepiride (Amaryl)
- chlorpropamide
- tolazamide
- tolbutamide
Glinide
Glinide là nhóm thuốc đường uống giúp làm tăng insulin được dùng cho những người mắc bệnh tiểu đường type 2. Nhóm thuốc này thường có tác dụng nhanh hơn so với các loại thuốc khác nhưng tác dụng lại không duy trì được lâu và cần được uống nhiều lần trong ngày.
Các loại thuốc glinide thường được kê cùng với một loại thuốc khác, đặc biệt là khi các triệu chứng bệnh không cải thiện sau khi thay đổi chế độ ăn uống và lối sống.
Một số loại thuốc trong nhóm này gồm có:
- nateglinide (Starlix)
- repaglinide (Prandin)
Thay đổi lối sống
Duy trì chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh gồm các loại thực phẩm tốt cho tim mạch và thường xuyên hoạt động thể chất sẽ giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Những thay đổi lối sống này đặc biệt hữu ích khi kết hợp cùng với các phương pháp điều trị y tế.
Những người bị tiểu đường, dù là type 1 hay type 2, nên thực hiện một số thay đổi sau đây đối với chế độ ăn uống:
- Ăn nhiều trái cây, rau củ và ngũ cốc nguyên hạt
- Giảm lượng thức ăn chế biến sẵn và đường bổ sung
- Ăn nhiều thực phẩm giàu protein nạc như thịt gà, cá và protein có nguồn gốc thực vật
Người bệnh tiểu đường có thể sử dụng phương pháp tính carbohydrate để kiểm soát đường trong máu hiệu quả hơn. Hiện nay có nhiều ứng dụng trên điện thoại cho biết hàm lượng carb trong các loại thực phẩm phổ biến, đồng thời giúp tính toán tổng lượng carb trong bữa ăn dựa trên loại thực phẩm và kích thước khẩu phần.
Ngoài thay đổi chế độ ăn uống còn có những cách khác để phòng ngừa bệnh tiểu đường type 1:
- Tập thể dục thường xuyên
- Duy trì cân nặng vừa phải
- Không hút thuốc lá
- Kiểm soát mức triglyceride
- Kiểm soát mức cholesterol
Nên sử dụng loại thuốc nào?
Cơ thể của mỗi người là khác nhau nên phản ứng với mỗi loại thuốc sẽ không hoàn toàn giống nhau.
Bác sĩ sẽ kê loại thuốc phù hợp nhất cho mỗi ca bệnh. Người bệnh cần đo đường huyết thường xuyên và tái khám sau một thời gian dùng thuốc để đánh giá hiệu quả và điều chỉnh thuốc nếu cần thiết.
Bệnh tiểu đường là một bệnh lý rối loạn chuyển hóa xảy ra khi cơ thể không còn khả năng điều hòa lượng đường (glucose) trong máu một cách hiệu quả. Bệnh tiểu đường được chia thành tiểu đường type 1 và tiểu đường type 2. Mỗi loại tiểu đường là do nguyên nhân khác nhau gây ra và phương pháp điều trị cũng không giống nhau.
Nhiều người mắc bệnh tiểu đường type 2 cần liệu pháp insulin để kiểm soát lượng đường trong máu. Đối với những người cần điều trị bằng insulin, bắt đầu ngay từ sớm hơn sẽ giúp làm giảm nguy cơ biến chứng. Nếu bạn bị bệnh tiểu đường, hãy dành một chút thời gian tìm hiểu về liệu pháp insulin và các yếu tố có thể ảnh hưởng đến liều insulin cần sử dụng.
Bệnh tiểu đường type 2 thường được điều trị bằng cách điều chỉnh chế độ ăn uống, tập thể dục và dùng thuốc đường uống nhưng đôi khi, người bệnh phải dùng đến insulin giống như bệnh tiểu đường type 1 để duy trì ổn định lượng đường trong máu. Điều này có thể sẽ khiến nhiều người cảm thấy lo lắng vì liệu pháp insulin phức tạp hơn thuốc đường uống nhưng insulin sẽ giúp kiểm soát đường huyết, cải thiện khả năng kiểm soát bệnh tiểu đường và trì hoãn hoặc ngăn ngừa các biến chứng lâu dài, ví dụ như bệnh thận và vấn đề về mắt.
Thuốc đồng vận thụ thể GLP-1 (glucagon-like peptide-1) là một nhóm thuốc được sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường type 2. Thuốc đồng vận thụ thể GLP-1 rất hiệu quả trong việc giảm lượng đường trong máu. Ngoài điều trị tiểu đường, nhóm thuốc này còn mang lại một số lợi ích cho sức khỏe tim và chức năng thận.
Thuốc ức chế SGLT2 giúp kiểm soát lượng đường trong máu ở những người mắc bệnh tiểu đường type 2. Ngoài làm giảm lượng đường trong máu, nhóm thuốc này còn được chứng minh là có lợi cho bệnh suy tim, các bệnh tim mạch khác và bệnh thận.