1

Vai trò của insulin đối với cơ thể và bệnh tiểu đường

Cơ thể chúng ta tạo ra các loại hormone để kiểm soát nhiều chức năng quan trọng. Insulin là một trong những hormone như vậy. Hormone này được sản xuất bởi tuyến tụy, có vai trò điều hòa lượng glucose trong máu - một dạng đường được chuyển hóa từ carbohydrate trong thức ăn.
Vai trò của insulin đối với cơ thể và bệnh tiểu đường Vai trò của insulin đối với cơ thể và bệnh tiểu đường

Nếu tuyến tụy hoàn toàn không sản xuất insulin, sản xuất không đủ hoặc nếu insulin trong cơ thể không hoạt động hiệu quả như bình thường thì sẽ dẫn đến một số vấn đề và thậm chí còn có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.

Bệnh lý phổ biến nhất có liên quan đến vấn đề về insulin là bệnh tiểu đường hay đái tháo đường.

Cùng tìm hiểu về vai trò của insulin, những vấn đề sẽ xảy ra khi insulin ngừng hoạt động và các giải pháp điều trị.

Vai trò của insulin

Insulin là một loại hormone được sản xuất bởi tuyến tụy, có vai trò kiểm soát cách cơ thể xử lý, dự trữ và sử dụng glucose cũng như các chất dinh dưỡng quan trọng khác.

Insulin giúp:

  • điều hòa lượng glucose trong máu
  • dự trữ glucose trong gan
  • kiểm soát cách cơ thể chuyển hóa carbohydrate, protein và chất béo trong thực phẩm

Khi chúng ta ăn uống, carbohydrate trong thực phẩm sẽ được phân hủy thành glucose trong ruột non. Sau đó, glucose sẽ đi vào máu.

Lúc này tuyến tụy sẽ tiết ra insulin để đưa glucose trong máu vào các tế bào. Glucose sẽ được các tế bào sử dụng làm năng lượng hoặc được dự trữ trong gan dưới dạng glycogen để sử dụng sau này.

Khi hoạt động bình thường, insulin sẽ giúp giữ lượng đường trong máu luôn ở mức cân bằng và đảm bảo cơ thể có đủ năng lượng để thực hiện tất cả các chức năng cần thiết.

Điều gì xảy ra khi insulin không hoạt động bình thường?

Nếu tuyến tụy không sản xuất đủ insulin hoặc lượng insulin được tạo ra không hoạt động hiệu quả thì lượng glucose chuyển hóa từ carb sẽ không được vận chuyển vào các tế bào hoặc đến gan mà ở lại trong máu. Điều này làm cho đường trong máu tăng cao.

Hai bệnh lý phổ biến nhất liên quan đến vấn đề về insulin là tiểu đường type 1tiểu đường type 2.

Mặc dù cả tiểu đường type 1 và tiểu đường type 2 đều xảy ra do vấn đề về insulin nhưng hai bệnh lý này có nhiều điểm khác nhau:

  • Tiểu đường type 1: Loại tiểu đường này xảy ra do tuyến tụy không tạo ra insulin hoặc không tạo đủ insulin. Do đó, những người mắc bệnh tiểu đường type 1 phải tiêm insulin hàng ngày để kiểm soát đường huyết. Tiểu đường type 1 là một bệnh tự miễn vì nguyên nhân là do hệ miễn dịch tấn công các tế bào sản xuất insulin của tuyến tụy. Tiểu đường type 1 thường được chẩn đoán ở trẻ em. Loại tiểu đường này chỉ chiếm khoảng 5 đến 10% tổng số ca bệnh tiểu đường.
  • Tiểu đường type 2: Loại tiểu đường này xảy ra do tuyến tụy không sản xuất đủ insulin hoặc các tế bào của cơ thể không đáp ứng tốt với insulin. Nói cách khác, insulin trong cơ thể hoạt động không hiệu quả như bình thường. Bệnh tiểu đường type 2 thường được chẩn đoán ở người lớn, đa số là người trên 45 tuổi nhưng tỷ lệ trẻ em và thanh thiếu niên mắc tiểu đường type 2 đang ngày một tăng cao. Loại tiểu đường này có liên quan đến béo phì và kháng insulin. Khoảng 90 đến 95% trường hợp mắc bệnh tiểu đường là tiểu đường type 2.

Lượng đường trong máu cao sẽ làm hỏng các cơ quan và mô ở khắp cơ thể. Lượng đường trong máu càng cao và kéo dài càng lâu thì nguy cơ xảy ra biến chứng càng cao, chẳng hạn như:

  • Bệnh thận
  • Bệnh thần kinh
  • Bệnh tim mạch và đột quỵ
  • Suy giảm hoặc mất thị lực
  • Suy giảm hoặc mất thính lực
  • Nhiễm trùng

Các dấu hiệu cho thấy insulin không hoạt động bình thường

Khi insulin không hoạt động như bình thường, cơ thể sẽ xuất hiện nhiều triệu chứng khác nhau. Ở người mắc bệnh tiểu đường type 1, các triệu chứng này có thể phát triển rất nhanh và nghiêm trọng.

Mặt khác, các triệu chứng đến chậm hơn rất nhiều ở bệnh tiểu đường type 2. Có thể phải mất nhiều năm thì các triệu chứng mới xuất hiện. Trong nhiều trường hợp, bệnh tiểu đường type 2 được chẩn đoán từ trước khi người bệnh có triệu chứng.

Một số triệu chứng của bệnh tiểu đường type 1 và type 2 gồm có:

  • Khát nước liên tục
  • Khô miệng
  • Thường xuyên cảm thấy đói
  • Sụt cân không chủ đích (thường xảy ra với tiểu đường type 1)
  • Mờ mắt
  • Mệt mỏi
  • Tê hoặc châm chích ở bàn tay và bàn chân (thường xảy ra với tiểu đường type 2)
  • Vết thương chậm lành
  • Thường xuyên bị nhiễm trùng

Một dấu hiệu phổ biến khác của tình trạng kháng insulin và tiền tiểu đường hoặc bệnh tiểu đường là bệnh gai đen (acanthosis nigricans) – tình trạng xuất hiện những mảng da dày, sẫm màu, mịn như nhung ở những vị trí có nếp gấp da như cổ và nách. Đây là một trong những dấu hiệu sớm nhất cho thấy lượng đường trong máu đang ở cao.

Làm sao để biết insulin đang không hoạt động bình thường?

Bệnh tiểu đường type 1 thường được chẩn đoán sau khi người bệnh có các triệu chứng bất thường.

Trong khi đó, bệnh tiểu đường type 2 thường được phát hiện qua kết quả xét nghiệm máu khi khám sức khỏe định kỳ.

Xét nghiệm đường huyết lúc đói hay xét nghiệm A1C sẽ cho biết lượng đường trong máu có đang ở mức khỏe mạnh hay không, qua đó thể có thể đánh giá hoạt động cuả insulin trong cơ thể.

Xét nghiệm đường huyết lúc đói

Xét nghiệm đường huyết lúc đói hay glucose huyết tương lúc đói đo lượng đường trong máu sau khi nhịn ăn ít nhất 8 giờ. Xét nghiệm này thường được thực hiện vào buổi sáng, sau khi người bệnh không ăn gì suốt một đêm. Dưới đây là ý nghĩa kết quả xét nghiệm đường huyết lúc đói.

99 mg/dL trở xuống: Bình thường

100 – 125 mg/dL: Tiền tiểu đường

126 mg/dL trở lên: Tiểu đường

Xét nghiệm A1C

Xét nghiệm A1c (HbA1c) đo lượng đường trong máu trung bình trong vòng 2 đến 3 tháng gần nhất. Dưới đây là ý nghĩa kết quả xét nghiệm A1C.

  • Dưới 5,7%: Bình thường
  • 5,7– 6,4%: Tiền tiểu đường
  • 6,5% trở lên: Tiểu đường

Điều trị bệnh tiểu đường

Tất cả những người mắc bệnh tiểu đường type 1 đều phải sử dụng insulin và cần đo đường huyết hàng ngày, thậm chí nhiều lần trong ngày để đảm bảo lượng đường trong máu trong phạm vi an toàn.

Phải tiêm insulin vào lớp mỡ dưới da để insulin hấp thụ vào máu một cách hiệu quả. Insulin không có dạng uống vì khi vào đường tiêu hóa, hormone này sẽ bị các enzyme tiêu hóa phân hủy. Điều này sẽ khiến cho insulin không thể phát huy tác dụng kiểm soát đường huyết.

Người mắc bệnh tiểu đường type 2 có thể kiểm soát tình trạng bệnh bằng cách thay đổi lối sống và dùng các loại thuốc không phải insulin. Người bệnh tiểu đường type 2 thường chỉ phải dùng insulin khi các phương pháp điều trị khác không hiệu quả.

Điều trị tiền tiểu đường

Tiền tiểu đường là tình trạng lượng đường trong máu cao hơn bình thường nhưng chưa đến mức tiểu đường. Những người bị tiền tiểu đường cần thực hiện các thay đổi về lối sống như:

  • Ăn uống cân bằng, lành mạnh, đủ chất dinh dưỡng (ăn các loại thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp)
  • Tăng cường hoạt động thể chất
  • Giảm cân nếu thừa cân
  • Bỏ thuốc lá nếu hút

Những thay đổi này có thể giúp cơ thể sử dụng insulin hiệu quả hơn và ngăn tiền tiểu đường tiến triển thành bệnh tiểu đường.

Các loại insulin

Có nhiều loại insulin khác nhau được sử dụng trong điều trị bệnh tiểu đường. Sau khi xác nhận bệnh nhân tiểu đường cần dùng insulin, bác sĩ sẽ chỉ định loại insulin cụ thể cũng như là liều dùng, thời điểm cần sử dụng và cách sử dụng an toàn.

Bác sĩ sẽ dựa trên một số yếu tố sau đây để xác định loại insulin phù hợp cho bệnh nhân:

  • Mức đường huyết
  • Thời gian mắc bệnh tiểu đường
  • Các loại thuốc khác mà bệnh nhân đang dùng
  • Tình trạng sức khỏe tổng thể và lối sống

Tùy thuộc vào những yếu tố này, bác sĩ sẽ chỉ định một hoặc kết hợp nhiều loại insulin.

Các loại insulin chính gồm có:

  • Insulin tác dụng nhanh: sau khi tiêm, loại insulin này bắt đầu phát huy tác dụng làm giảm lượng đường trong máu sau khoảng 15 phút. Hiệu quả đạt tối đa trong vòng 1 đến 2 giờ và duy trì tác dụng trong khoảng 2 đến 4 giờ. Các loại insulin tác dụng nhanh gồm có:
    • aspart (Novolog, Fiasp)
    • glulisine (Apidra)
    • lispro (Humalog, Admelog)
  • Insulin thường hoặc insulin tác dụng ngắn: loại insulin này đi vào máu và bắt đầu có tác dụng sau khoảng 30 phút sau khi tiêm. Hiệu quả đạt tối đa trong vòng 2 đến 3 giờ và tác dụng duy trì được khoảng 3 đến 6 giờ. Các loại insulin tác dụng ngắn gồm có:
    • Humeline R
    • Novolin R
    • BelieOn/Humulin R
    • Velosulin BR
  • Insulin tác dụng trung bình: loại insulin này đi vào máu và bắt đầu có tác dụng sau khoảng 2 đến 4 giờ sau khi tiêm. Hiệu quả đạt tối đa trong vòng 4 đến 12 giờ và tác dụng duy trì khoảng 12 đến 18 giờ. Các loại insulin tác dụng trung bình gồm có:
    • Humeline N
    • Novolin N
    • BelieOn/Novolin N
  • Insulin tác dụng kéo dài: loại insulin này bắt đầu phát huy tác dụng trong vòng 1 đến 2 giờ sau khi tiêm nhưng không đạt hiệu quả tối đa như các loại insulin khác. Insulin tác dụng kéo dài có mức hàm lượng thấp hơn nhưng hoạt động liên tục trong cơ thể lên đến 24 giờ. Các loại insulin tác dụng kéo dài gồm có:
    • detemir (Levemir)
    • degludec (Tresiba)
    • glargine (Basaglar, Lantus, Toujeo)

Ngoài ra còn có insulin trộn hay insulin hỗn hợp, thành phần gồm có insulin tác dụng nhanh hoặc tác dụng ngắn kết hợp với insulin tác dụng trung bình.

Cách sử dụng insulin

Người bệnh sẽ được tư vấn kích thước kim tiêm insulin phù hợp cũng như là cách tiêmthời điểm tiêm trong ngày.

Bơm kim tiêm hay xi lanh là hình thức sử dụng insulin phổ biến nhưng ngoài ra còn có những hình thức sử dụng khác như bút tiêm, máy bơm và insulin dạng hít:

  • Bút tiêm insulin: Bút tiêm insulin gồm có một ống chứa sẵn insulin giúp người dùng tiêm lượng insulin chính xác. Người bệnh vẫn phải tự tiêm nhưng bút tiêm sẽ giúp cho việc xác định liều và đưa insulin vào cơ thể trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.
  • Máy bơm insulin: Máy bơm insulin là thiết bị có kích thước nhỏ, tự động đẩy insulin vào cơ thể trước mỗi bữa ăn và trong suốt cả ngày. Insulin được đưa từ khoang chứa của máy vào cơ thể qua một ống thông hẹp được cấy dưới da. Một số loại máy bơm insulin còn có chức năng đo lượng đường trong máu và bơm insulin khi đường trong máu tăng cao.
  • Insulin dạng hít: Insulin dạng hít là một lựa chọn phù hợp với những người sợ đau. Tuy nhiên, loại insulin này có giá cao hơn.

Tóm tắt bài viết

Insulin là một loại hormone quan trọng giúp cơ thể sử dụng, dự trữ và kiểm soát lượng glucose (đường) trong máu. Khi cơ thể không sản xuất đủ insulin hoặc insulin không hoạt động hiệu quả, lượng đường trong máu sẽ tăng cao, thậm chí rất cao và gây nguy hiểm.

Bệnh lý phổ biến nhất liên quan đến vấn đề về insulin là bệnh tiểu đường. Những người mắc bệnh tiểu đường type 1 cần dùng insulin mỗi ngày để kiểm soát ổn định đường huyết. Bệnh tiểu đường type 2 có thể được kiểm soát bằng cách thay đổi lối sống và dùng thuốc đường uống nhưng một số người cũng phải sử dụng insulin.

Có nhiều loại insulin khác nhau. Một số phát huy tác dụng nhanh chóng và hiệu quả chỉ kéo dài vài giờ trong khi một số có tác dụng chậm hơn nhưng lại có thể duy trì đến 24 giờ. Loại insulin mà mỗi bệnh nhân tiểu đường cần sử dụng là khác nhau do còn tùy thuộc vào một số yếu tố như mức đường huyết, thời gian mắc bệnh tiểu đường, thói quen sinh hoạt và tình trạng sức khỏe tổng thể.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: cơ thể, vai trò
Tin liên quan
6 điều cần biết về liều insulin để điều trị bệnh tiểu đường
6 điều cần biết về liều insulin để điều trị bệnh tiểu đường

Nhiều người mắc bệnh tiểu đường type 2 cần liệu pháp insulin để kiểm soát lượng đường trong máu. Đối với những người cần điều trị bằng insulin, bắt đầu ngay từ sớm hơn sẽ giúp làm giảm nguy cơ biến chứng. Nếu bạn bị bệnh tiểu đường, hãy dành một chút thời gian tìm hiểu về liệu pháp insulin và các yếu tố có thể ảnh hưởng đến liều insulin cần sử dụng.

Các cách kiểm soát bệnh tiểu đường type 2 mà không cần insulin
Các cách kiểm soát bệnh tiểu đường type 2 mà không cần insulin

Mặc dù một số người mắc bệnh tiểu đường type 2 cần phải tiêm insulin hàng ngày để giữ ổn định lượng đường trong máu nhưng trong hầu hết các trường hợp, loại bệnh tiểu đường này có thể được kiểm soát mà không cần đến insulin. Người bệnh có thể kiểm soát bệnh tiểu đường type 2 bằng cách thay đổi lối sống, dùng thuốc đường uống hay kết hợp thêm các phương pháp điều trị khác.

Bệnh tiểu đường tuýp 2 và rối loạn cương dương
Bệnh tiểu đường tuýp 2 và rối loạn cương dương

Ở những nam giới từ 45 tuổi trở xuống thì rối loạn cương dương có thể là dấu hiệu của bệnh tiểu đường tuýp 2.

Bệnh tiểu đường và nấm Candida âm đạo
Bệnh tiểu đường và nấm Candida âm đạo

Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm nấm Candida và một trong số đó là bệnh tiểu đường.

Bị bệnh tiểu đường có được ăn dầu dừa không?
Bị bệnh tiểu đường có được ăn dầu dừa không?

Bên cạnh việc dùng thuốc để kiểm soát mức đường huyết, những người mắc bệnh tiểu đường còn phải điều chỉnh chế độ ăn uống, chẳng hạn như hạn chế đồ ăn thức uống có đường và ăn các loại thực phẩm lành mạnh, giàu dinh dưỡng. Ngoài ra, việc lựa chọn đúng loại chất béo trong chế độ ăn cũng rất quan trọng.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây