Nên điều trị tiểu đường bằng thuốc đường uống hay insulin?
Bệnh tiểu đường type 1 xảy ra do tuyến tụy ngừng sản xuất insulin - loại hormone vận chuyển đường trong máu vào tế bào và nhờ đó giúp điều hòa đường huyết.
Bệnh tiểu đường type 2 bắt đầu từ tình trạng kháng insulin, có nghĩa là các tế bào phản ứng kém với insulin. Sau một thời gian, tuyến tụy không còn sản xuất đủ insulin hoặc cơ thể sử dụng insulin không hiệu quả hoặc cả hai.
Mỗi tế bào trong cơ thể đều sử dụng glucose để tạo năng lượng. Nếu không có đủ insulin hoặc insulin hoạt động không hiệu quả, glucose sẽ tích tụ trong máu thay vì đi vào trong các tế bào. Điều này gây ra một tình trạng gọi là tăng đường huyết hay hoặc lượng đường trong máu cao, trái ngược với hạ đường huyết hay lượng đường trong máu thấp.
Cả tăng đường huyết và hạ đường huyết đều có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng.
Các loại thuốc uống điều trị bệnh tiểu đường
Có nhiều loại thuốc đường uống khác nhau được sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường nhưng không phải loại thuốc nào cũng phù hợp cho tất cả mọi người.
Các loại thuốc này chỉ có hiệu quả khi tuyến tụy vẫn còn khả năng sản xuất insulin, có nghĩa là không thể điều trị được bệnh tiểu đường type 1. Thuốc cũng sẽ không hiệu quả ở những người mắc bệnh tiểu đường type 2 hoàn toàn không còn khả năng tạo ra insulin.
Một số người mắc bệnh tiểu đường type 2 cần sử dụng kết hợp cả thuốc đường uống và insulin. Dưới đây là một số loại thuốc đường uống phổ biến để điều trị bệnh tiểu đường.
Biguanide
Metformin – loại thuốc thường được kê đầu tiên cho bệnh nhân tiểu đường - là một loại biguanide. Loại thuốc này có tác dụng làm giảm lượng glucose do gan tạo ra và tăng độ nhạy insulin. Metformin còn giúp cải thiện mức cholesterol và hỗ trợ giảm cân (nhưng hiệu quả không cao).
Metformin có cả dạng viên nén và dạng lỏng, thường được uống 2 lần trong hoặc ngay sau bữa ăn. Metformin dạng viên nén phóng thích kéo dài được uống một lần mỗi ngày.
Các tác dụng phụ của metformin gồm có:
- Đau bụng
- Buồn nôn
- Đầy bụng
- Tiêu chảy
- Chán ăn tạm thời
Thuốc này còn có thể gây nhiễm toan axit lactic – tình trạng nồng độ axit lactic trong máu tăng cao. Đây là một tác dụng phụ hiếm gặp nhưng nghiêm trọng.
Nếu lo ngại về tác dụng phụ của bất kỳ loại thuốc điều trị tiểu đường nào, hãy trao đổi trực tiếp với bác sĩ để được giải đáp.
Sulfonylurea
Sulfonylurea là nhóm thuốc tác dụng nhanh giúp tuyến tụy giải phóng insulin sau bữa ăn. Các loại thuốc trong nhóm này gồm có:
- glimepirid (Amaryl)
- glyburide (Diabeta, Glynase PresTab)
- glipizide (Glucotrol)
Các thuốc trong nhóm sulfonylurea được dùng một lần mỗi ngày trong hoặc sau bữa ăn.
Các tác dụng phụ của nhóm thuốc này gồm có:
- Buồn nôn
- Tiêu chảy
- Đau đầu
- Chóng mặt
- Cáu gắt
- Hạ đường huyết
- Đau bụng
- Phát ban da
- Tăng cân
Meglitinide
Các loại thuốc trong nhóm meglitinide gồm có repaglinide (Prandin) và nateglinide (Starlix). Nhóm thuốc này có tác dụng nhanh chóng kích thích tuyến tụy giải phóng insulin sau khi ăn. Luôn uống repaglinide trong hoặc sau bữa ăn.
Các tác dụng phụ của meglitinide gồm có:
- Hạ đường huyết
- Buồn nôn
- Nôn
- Đau đầu
- Tăng cân
Thiazolidinedione
Thiazolidinedione là một nhóm thuốc được dùng để điều trị bệnh tiểu đường type 2. Pioglitazone (Actos) là một loại thiazolidinedione. Người bệnh nên uống thiazolidinedione vào cùng một thời điểm mỗi ngày. Thiazolidinedione có tác dụng làm tăng độ nhạy insulin, ngoài ra còn có thể giúp làm tăng cholesterol lipoprotein mật độ cao (HDL cholesterol hay cholesterol tốt).
Các tác dụng phụ của nhóm thuốc thiazolidinedione gồm có:
- Đau đầu
- Đau cơ
- Đau họng
- Giữ nước
- Phù nề
- Xương yếu
Nhóm thuốc này còn làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và suy tim, đặc biệt là ở những người vốn đã có nguy cơ cao mắc các bệnh này.
Thuốc ức chế DPP-4
Thuốc ức chế DPP-4 (dipeptidyl-peptidase 4) giúp giữ ổn định mức insulin và giảm lượng glucose mà cơ thể tự tạo ra. Nhóm thuốc này được dùng một lần mỗi ngày.
Các loại thuốc trong nhóm thuốc ức chế DPP-4 gồm có:
- linagliptin (Tradjenta)
- saxagliptin (Onglyza)
- sitagliptin (Januvia)
- alogliptin (Nesina)
Các tác dụng phụ của thuốc ức chế DPP-4 gồm có:
- Đau họng
- Nghẹt mũi
- Đau đầu
- Tăng nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp trên
- Đau bụng
- Tiêu chảy
Thuốc ức chế men alpha-glucosidase
Các loại thuốc trong nhóm thuốc ức chế men alpha- glucosidase gồm có acarbose (Precose) và miglitol (Glyset). Nhóm thuốc này làm chậm quá trình hấp thụ đường từ đường ruột vào máu. Thuốc ức chế men alpha-glucosidase được dùng vào đầu bữa ăn.
Các tác dụng phụ có thể xảy ra khi dùng thuốc gồm có:
- Đau bụng
- Đầy hơi
- Tiêu chảy
Thuốc ức chế SGLT2
Thuốc ức chế kênh đồng vận chuyển natri-glucose-2 (sodium-glucose cotransporter-2) hay thuốc ức chế SGLT2 kiểm soát bệnh tiểu đường bằng cách ngăn thận tái hấp thu glucose. Nhóm thuốc này còn có tác dụng hỗ trợ giảm cân và giảm huyết áp. Một số thuốc ức chế SGLT2 được bán trên thị trường hiện nay là sự kết hợp của nhiều loại thuốc khác nhau trong cùng nhóm.
Các loại thuốc trong nhóm này gồm có:
- canagliflozin (Invokana)
- dapagliflozin (Farxiga)
- empagliflozin (Jardiance)
- ertuglifozin (Steglatro)
Một số tác dụng phụ:
- Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI)
- Nhiễm nấm Candida
- Khát nước
- Đau đầu
- Đau họng
Insulin
Cơ thể con người cần hormone insulin để tồn tại. Tất cả những người mắc bệnh tiểu đường type 1 đều phải sử dụng insulin hàng ngày. Người mắc bệnh tiểu đường type 2 cũng có thể phải dùng insulin nếu như cơ thể không tự sản xuất đủ.
Hai loại insulin chính được sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường là insulin tác dụng nhanh và insulin tác dụng kéo dài. Người bệnh có thể phải dùng cả hai loại để kiểm soát lượng đường trong máu.
Có nhiều hình thức sử dụng insulin, gồm có bơm kim tiêm, bút tiêm, máy bơm insulin, ống phun tia và máy truyền.
Bơm kim tiêm
Người bệnh hút insulin từ lọ vào bơm kim tiêm và sau đó tiêm vào lớp mỡ dưới da. Lưu ý mỗi lần tiêm phải thay đổi vị trí tiêm.
Bút tiêm
Bút tiêm insulin tiện lợi hơn một chút so với bơm kim tiêm. Bút tiêm có chứa sẵn insulin và ít gây đau hơn khi tiêm so với bơm kim tiêm.
Ống phun tia
Ống phun tia insulin trông giống như một cây bút. Thiết bị này sử dụng khí nén áp suất cao để đưa insulin qua da không thay vì kim.
Máy truyền insulin
Máy truyền insulin gồm là một chiếc ống nhỏ được đặt ngay dưới da, giữ cố định bằng băng keo và giữ nguyên trong vài ngày. Đây là một lựa chọn phù hợp cho những người sợ tiêm. Người bệnh sẽ tiêm insulin vào ống thay vì tiêm trực tiếp vào da.
Máy bơm insulin
Máy bơm insulin là một thiết bị nhỏ, nhẹ mà người bệnh đeo ở thắt lưng hoặc mang theo trong túi. Máy bơm insulin gồm có một ống thông hẹp được đặt ngay dưới da để dẫn insulin từ khoang chứa của máy vào cơ thể. Người dùng có thể tùy chỉnh chế độ để máu bơm liều insulin lớn khi đường huyết tăng vọt hoặc bơm liều insulin ổn định trong suốt cả ngày.
Nên chọn thuốc đường uống hay insulin?
Điều trị bệnh tiểu đường bằng thuốc đường uống hay insulin không phải điều mà người bệnh có thể lựa chọn. Bác sĩ sẽ đưa ra chỉ định cụ thể dựa trên loại bệnh tiểu đường, thời gian mắc bệnh và lượng insulin mà cơ thể tự tạo ra.
Thuốc đường uống thường dễ sử dụng hơn insulin nhưng mỗi loại đều đi kèm tác dụng phụ. Có thể sẽ phải thử nhiều loại thuốc khác nhau để tìm ra loại thuốc phù hợp nhất. Vì bệnh tiểu đường là bệnh tiến triển nên sau một thời gian, loại thuốc đang dùng có thể sẽ giảm hiệu quả và cần phải điều chỉnh liều dùng hoặc loại thuốc.
Nếu tình trạng bệnh tiểu đường type 2 trở nên nghiêm trọng hơn và các loại thuốc đường uống không còn hiệu quả, người bệnh có thể sẽ phải bắt đầu dùng insulin.
Sử dụng insulin cũng tiềm ẩn một số rủi ro. Insulin liều quá thấp hay quá cao đều có thể gây ra vấn đề nghiêm trọng. Người bệnh sẽ phải học cách theo dõi tình trạng bệnh của mình và điều chỉnh liều dùng cần thiết.
Bệnh tiểu đường là một bệnh lý tiến triển, có nghĩa là tình trạng bệnh sẽ nặng dần theo thời gian. Vì thế nên đến một lúc nào đó, các loại thuốc điều trị tiểu đường đường uống có thể sẽ không còn hiệu quả nữa. Lúc này, có rất nhiều giải pháp khác nhau mà người bệnh có thể thực hiện để tiếp tục kiểm soát bệnh tiểu đường, gồm có thay đổi thói quen hàng ngày, sử dụng thêm một loại thuốc khác hoặc bắt đầu dùng insulin.
Phác đồ basal-bolus sử dụng insulin tác dụng nhanh và tác dụng kéo dài để kiểm soát bệnh tiểu đường, giúp người bệnh duy trì lượng đường trong máu ở mức bình thường một cách hiệu quả. Phác đồ này cho phép người bệnh có lối sống linh hoạt hơn.
Nhiều người mắc bệnh tiểu đường type 2 cần liệu pháp insulin để kiểm soát lượng đường trong máu. Đối với những người cần điều trị bằng insulin, bắt đầu ngay từ sớm hơn sẽ giúp làm giảm nguy cơ biến chứng. Nếu bạn bị bệnh tiểu đường, hãy dành một chút thời gian tìm hiểu về liệu pháp insulin và các yếu tố có thể ảnh hưởng đến liều insulin cần sử dụng.
Có nhiều loại thuốc để điều trị bệnh tiểu đường type 1 và type 2. Mỗi loại thuốc có cơ chế tác dụng khác nhau nhưng đa số có chung mục đích là giúp kiểm soát lượng đường trong máu.
Đối với những người phải dùng thuốc để điều trị bệnh tiểu đường type 2, điều quan trọng là phải uống thuốc đều đặn. Đôi khi, người bệnh cần dùng thuốc nhiều hơn một lần mỗi ngày.