1

So sánh thuốc điều trị tiểu đường Ozempic và Victoza

Ozempic và Victoza là những loại thuốc được sử dụng để giảm lượng đường trong máu ở người lớn mắc bệnh tiểu đường type 2 và giảm nguy cơ biến cố tim mạch ở người mắc đồng thời cả bệnh tiểu đường type 2 và bệnh tim mạch. Tuy nhiên, hai loại thuốc này có một số điểm khác biệt.
So sánh thuốc điều trị tiểu đường Ozempic và Victoza So sánh thuốc điều trị tiểu đường Ozempic và Victoza

Ozempic và Victoza là gì?

Ozempic (semaglutide) hoặc Victoza (liraglutide) là hai loại thuốc được sử dụng cho người mắc bệnh tiểu đường type 2.

Cả hai loại thuốc này đều được sử dụng để:

  • giảm lượng đường trong máu
  • giảm nguy cơ biến cố tim mạch ở những người mắc đồng thời cả bệnh tiểu đường type 2 và bệnh tim mạch

* Victoza còn được cho phép sử dụng cho những mục đích này ở trẻ em.

Người bệnh sẽ tự tiêm Ozempic và Victoza vào dưới da. Hai loại thuốc này có nhiều điểm tương đồng những cũng có một số điểm khác biệt.

Nếu muốn biết thêm về công dụng, liều dùng, tác dụng phụ và cách sử dụng thuốc, vui lòng đọc bài viết chuyên sâu về OzempicVictoza.

Thành phần của Ozempic và Victoza

Ozempic chứa hoạt chất semaglutide còn Victoza chứa hoạt chất liraglutide (hoạt chất là thành phần giúp thuốc có tác dụng điều trị bệnh).

Semaglutide và liraglutide đều thuộc nhóm thuốc đồng vận thụ thể GLP-1 (glucagon-like peptide-1). Nhóm thuốc là tập hợp các loại thuốc có cơ chế tác dụng tương tự nhau.

Công dụng của Ozempic và Victoza

Ozempic và Victoza đều được sử dụng để:

  • Giảm lượng đường trong máu ở người lớn mắc bệnh tiểu đường type 2 (kết hợp với chế độ ăn uống và tập thể dục).
  • Giảm nguy cơ biến cố tim mạch như nhồi máu cơ tim, đột quỵ và tử vong do bệnh tim mạch ở người lớn mắc cả bệnh tiểu đường type 2 và bệnh tim mạch.

Victoza còn được sử dụng để giảm lượng đường trong máu ở trẻ em từ 10 tuổi trở lên mắc bệnh tiểu đường type 2.

Cả Ozempic và Victoza đều có thể được sử dụng một mình hoặc kết hợp với các loại thuốc trị tiểu đường khác.

Thực phẩm cần tránh khi dùng Ozempic hoặc Victoza

Ozempic và Victoza không tương tác với thực phẩm. Điều đó có nghĩa là người bệnh không cần phải kiêng bất kỳ loại thực phẩm nào khi điều trị bằng Ozempic hay Victoza. Người bệnh có thể dùng thuốc trước hay sau ăn đều được.

Tuy nhiên, một tác dụng phụ thường gặp của cả Ozempic và Victoza là buồn nôn. Nếu người bệnh cảm thấy buồn nôn thì nên ăn các món mềm và ít gia vị, tránh các món chiên rán hoặc nhiều dầu mỡ.

Người bệnh có thể phải sử dụng Ozempic hoặc Victoza cùng các loại thuốc trị tiểu đường hay bệnh tim mạch khác. Các loại thuốc này có thể tương tác với một số loại thực phẩm. Ví dụ, metformin - một loại thuốc trị tiểu đường phổ biến - có thể tương tác với bưởi.

Một số loại thuốc trong nhóm statin, chẳng hạn như atorvastatin (Lipitor) hoặc simvastatin (Zocor) – nhóm thuốc điều trị cholesterol cao - cũng có thể tương tác với bưởi.

Trước khi dùng thuốc, người bệnh nên hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ về những loại thực phẩm cần tránh.

Ozempic và Victoza có tác dụng giảm cân không?

Ozempic và Victoza không được phê duyệt sử dụng cho mục đích giảm cân. Tuy nhiên, trong các nghiên cứu, một số người sử dụng Ozempic và Victoza đã giảm cân (trong một số nghiên cứu, khi Victoza được dùng cùng với các loại thuốc trị tiểu đường khác, một số người giảm cân và một số khác lại tăng cân).

Mặc dù Ozempic và Victoza hiện không được phê duyệt sử dụng để giảm cân nhưng một số loại thuốc trị tiểu đường khác lại được sử dụng cho mục đích này. Ví dụ, Saxenda – một loại thuốc cũng chứa hoạt chất liraglutide giống nhưVictoza - được sử dụng để giảm cân ở những người mắc bệnh tiểu đường type 2.

Không sử dụng Saxenda cùng lúc với Ozempic hoặc Victoza.

Liều dùng và cách sử dụng thuốc

Cả Ozempic và Victoza đều có dạng dung dịch lỏng được đựng sẵn trong bút tiêm. Người bệnh sẽ tự tiêm thuốc vào dưới da.

Một điểm khác biệt lớn giữa Ozempic và Victoza là tần suất sử dụng. Ozempic được tiêm một lần mỗi tuần trong khi Victoza được tiêm một lần mỗi ngày.

Người bệnh có thể tiêm Ozempic và Victoza vào bụng, đùi hoặc bắp tay.

Tìm hiểu thêm về liều dùng và cách sử dụng OzempicVictoza.

Tác dụng phụ của Ozempic và Victoza

Giống như tất cả các loại thuốc khác, Ozempic và Victoza cũng có thể gây tác dụng phụ. Vì thuộc cùng nhóm thuốc nên Ozempic và Victoza có nhiều tác dụng phụ tương tự. Các tác dụng phụ phổ biến nhất của hai loại thuốc này chỉ là những tác dụng phụ nhẹ, thường tự hết hoặc có thể dễ dàng xử lý. Mặc dù vậy nhưng đôi khi vẫn xảy ra tác dụng phụ nghiêm trọng cần điều trị khẩn cấp.

Dưới đây là một số tác dụng phụ của Ozempic và Victoza.

Tác dụng phụ nhẹ

Bảng dưới đây là các tác dụng phụ nhẹ thường gặp của Ozempic và Victoza.

  Ozempic Victoza
Buồn nôn x x
Nôn mửa x x
Tiêu chảy x x
Đau bụng x  
Táo bón x x
Khó tiêu   x
Ăn không ngon miệng   x
Hạ đường huyết* x x
Đau đầu   x

* Đôi khi, Ozempic hoặc Victoza gây hạ đường huyết nghiêm trọng.

Trên đây chỉ là một vài ví dụ. Ozempic và Victoza còn có nhiều tác dụng phụ nhẹ khác.

Tác dụng phụ nghiêm trọng

Ngoài các tác dụng phụ nhẹ nêu trên, người dùng Ozempic hoặc Victoza cũng có thể gặp phải các tác dụng phụ nghiêm trọng nhưng nói chung, hai loại thuốc này rất hiếm khi gây tác dụng phụ nghiêm trọng.

Dưới đây là một số tác dụng phụ nghiêm trọng có thể xảy ra khi dùng Ozempic hoặc Victoza.

  Ozempic Victoza
Viêm tụy x x
Bệnh võng mạc đái tháo đường (tổn thương mạch máu trong mắt) x  
Vấn đề về thận* x x
Ung thư tuyến giáp** x x
Bệnh túi mật   x
Dị ứng x x

* Tình trạng mất nước do các tác dụng phụ khác (chẳng hạn như tiêu chảy, buồn nôn và nôn) có thể gây ra các vấn đề về thận hoặc làm cho các vấn đề về thận hiện có trở nên trầm trọng hơn.

 

** Ozempic và Victoza đều có cảnh báo đặc biệt về nguy cơ ung thư tuyến giáp. Cảnh báo đặc biệt là cảnh báo nghiêm trọng nhất từ Cục Kiểm soát Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA). Để tìm hiểu thêm, vui lòng đọc phần “Cảnh báo của Ozempic và Victoza” bên dưới.

 

Hiệu quả của Ozempic và Victoza

Hiệu quả kiểm soát lượng đường trong máu

Ozempic và Victoza đều được sử dụng (kết hợp với chế độ ăn uống và tập thể dục) để giúp làm giảm lượng đường trong máu ở người lớn mắc bệnh tiểu đường type 2. Cả hai loại thuốc đã được chứng minh là có hiệu quả kiểm soát lượng đường trong máu. Một nghiên cứu cho thấy Ozempic có hiệu qủa kiểm soát đường huyết cao hơn một chút so với Victoza.

Tuy nhiên, nghiên cứu này cũng phát hiện ra rằng Ozempic có nguy cơ gây tác dụng phụ cao hơn Victoza. Và tỷ lệ người dùng Ozempic phải ngừng điều trị do tác dụng phụ là cao hơn so với người dùng Victoza. Tuy nhiên, cần có thêm nghiên cứu để xác nhận những kết quả này.

Hiệu quả giảm nguy cơ biến cố tim mạch

Ozempic và Victoza còn được sử dụng ở người lớn mắc cả bệnh tiểu đường type 2 và bệnh tim mạch để giảm nguy cơ biến cố tim mạch như nhồi máu cơ tim, đột quỵ hoặc tử vong do bệnh tim mạch.

Một tổng quan tài liệu đã so sánh hiệu quả giảm nguy cơ biến cố tim mạch của Ozempic, Victoza và các loại thuốc khác trong cùng nhóm thuốc đồng vận thụ thể GLP-1. Các nghiên cứu cho thấy rằng tất cả các loại thuốc được đánh giá đều giúp làm giảm nguy cơ biến cố tim mạch, bao gồm có nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch.

Ngoài ra, hướng dẫn điều trị của Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA) khuyến nghị sử dụng các loại thuốc đồng vận thụ thể GLP-1 cho những bệnh nhân tiểu đường type 2 mắc bệnh tim mạch.

Cảnh báo về Ozempic và Victoza

Ozempic hoặc Victoza có thể không phù hợp với những người đang mắc một số bệnh lý nhất định hoặc có các yếu tố khác ảnh hưởng đến sức khỏe. Người bệnh cần cho bác sĩ biết về bệnh sử trước khi dùng một trong hai loại thuốc này.

Cảnh báo đặc biệt

Cả Ozempic và Victoza đều có cảnh báo đặc biệt về nguy cơ ung thư tuyến giáp. Cảnh báo đặc biệt là cảnh báo nghiêm trọng nhất mà Cục Kiểm soát Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đưa ra nhằm cảnh báo bác sĩ và bệnh nhân về tác dụng phụ có thể gây nguy hiểm của thuốc.

Các nghiên cứu trên động vật cho thấy cả Ozempic và Victoza đều có thể gây ung thư tuyến giáp. Mặc dù chưa rõ liệu hai loại thuốc này có làm tăng nguy cơ ung thư tuyến giáp ở người hay không nhưng những người có tiền sử cá nhân hoặc gia đình bị ung thư tuyến giáp thể tuỷ không nên sử dụng Ozempic hoặc Victoza. Những người mắc hội chứng đa u tuyến nội tiết type 2 cũng không nên sử dụng hai loại thuốc này. Hội chứng đa u tuyến nội tiết type 2 sẽ làm tăng nguy cơ ung thư tuyến giáp thể tuỷ.

Trong thời gian điều trị bằng Ozempic hoặc Victoza, hãy báo ngay cho bác sĩ nếu người bệnh có các triệu chứng của bệnh ung thư tuyến giáp như sờ thấy khối u ở cổ, khó nuốt, khó thở hoặc khàn giọng kéo dài. Người bệnh nên ngừng sử dụng thuốc và đi khám ngay lập tức.

Cảnh báo khác

Ngoài cảnh báo đặc biệt về nguy cơ ung thư tuyến giáp, Ozempic và Victoza còn có các cảnh báo khác.

Trước khi sử dụng Ozempic hoặc Victoza, hãy cho bác sĩ biết nếu người bệnh có các bệnh lý hoặc yếu tố sức khỏe sau đây:

Ozempic:

  • Bệnh võng mạc đái tháo đường
  • Victoza:
  • Liệt dạ dày hoặc các vấn đề về tiêu hóa khác

Cả Ozempic và Victoza:

  • Viêm tụy
  • Vấn đề về thận
  • Phản ứng dị ứng nghiêm trọng
  • Mang thai
  • Cho con bú

Một số câu hỏi thường gặp

Có thể chuyển từ Ozempic sang Victoza và ngược lại không?

Người đang sử dụng Ozempic có thể chuyển sang Victoza và ngược lại.

Tuy nhiên, người bệnh cần phải hỏi ý kiến bác sĩ trước khi đổi thuốc và có thể phải ngừng thuốc một thời gian khi chuyển từ loại thuốc này sang loại thuốc kia. Lý do là vì Victoza được sử dụng hàng ngày trong khi Ozempic chỉ được sử dụng một lần mỗi tuần.

Nếu bác sĩ yêu cầu chuyển từ Ozempic sang Victoza, người bệnh nên tạm thời ngừng thuốc 1 tuần sau liều Ozempic cuối cùng mới bắt đầu dùng Victoza. Nếu phải chuyển từ Victoza sang Ozempic, người bệnh có thể tiêm liều Ozempic đầu tiên ngay sau ngày tiêm liều Victoza cuối cùng.

Khi thay đổi thuốc, bác sĩ sẽ xác định liều dùng mới phù hợp với người bệnh. Người bệnh có thể sẽ bắt đầu sử dụng loại thuốc mới từ liều thấp và tăng liều từ từ theo thời gian.

Người bệnh không nên đổi thuốc hoặc ngừng thuốc nếu không có chỉ định của bác sĩ.

Nếu đã giảm đủ cân nhờ Ozempic hoặc Victoza thì có thể ngừng các loại thuốc trị tiểu đường khác không?

Có thể nhưng người bệnh nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi ngừng bất kỳ loại thuốc trị tiểu đường nào.

Giảm cân có thể giúp giảm lượng đường trong máu trung bình. Nếu lượng đường trong máu đã về mức an toàn trong quá trình điều trị bằng Ozempic hoặc Victoza thì người bệnh có thể ngừng sử dụng một hoặc nhiều loại thuốc trị tiểu đường khác.

Một điều quan trọng cần lưu ý là Ozempic và Victoza không chữa khỏi bệnh tiểu đường type 2. Hiện tại vẫn chưa có cách chữa khỏi dứt điểm bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, các loại thuốc như Ozempic và Victoza có tác dụng giảm lượng đường trong máu để giúp người bệnh kiểm soát các triệu chứng và biến chứng của bệnh tiểu đường.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Cách sử dụng thuốc đồng vận thụ thể GLP để điều trị bệnh tiểu đường type 2
Cách sử dụng thuốc đồng vận thụ thể GLP để điều trị bệnh tiểu đường type 2

Thuốc đồng vận thụ thể GLP-1 (glucagon-like peptide-1) là một nhóm thuốc được sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường type 2. Thuốc đồng vận thụ thể GLP-1 rất hiệu quả trong việc giảm lượng đường trong máu. Ngoài điều trị tiểu đường, nhóm thuốc này còn mang lại một số lợi ích cho sức khỏe tim và chức năng thận.

Tác dụng của thuốc ức chế SGLT2 trong điều trị bệnh tiểu đường?
Tác dụng của thuốc ức chế SGLT2 trong điều trị bệnh tiểu đường?

Thuốc ức chế SGLT2 giúp kiểm soát lượng đường trong máu ở những người mắc bệnh tiểu đường type 2. Ngoài làm giảm lượng đường trong máu, nhóm thuốc này còn được chứng minh là có lợi cho bệnh suy tim, các bệnh tim mạch khác và bệnh thận.

Các loại thuốc làm tăng sản xuất insulin để điều trị tiểu đường
Các loại thuốc làm tăng sản xuất insulin để điều trị tiểu đường

Có nhiều loại thuốc có tác dụng làm tăng sự sản xuất insulin để điều trị bệnh tiểu đường type 1 và type 2, gồm có chất tương tự amylin, chất tương tự incretin, thuốc ức chế DPP4, sulfonylurea và glinide.

Nên điều trị tiểu đường bằng thuốc đường uống hay insulin?
Nên điều trị tiểu đường bằng thuốc đường uống hay insulin?

Bệnh tiểu đường là một bệnh lý rối loạn chuyển hóa xảy ra khi cơ thể không còn khả năng điều hòa lượng đường (glucose) trong máu một cách hiệu quả. Bệnh tiểu đường được chia thành tiểu đường type 1 và tiểu đường type 2. Mỗi loại tiểu đường là do nguyên nhân khác nhau gây ra và phương pháp điều trị cũng không giống nhau.

Cần làm gì khi thuốc điều trị tiểu đường đường uống không còn hiệu quả?
Cần làm gì khi thuốc điều trị tiểu đường đường uống không còn hiệu quả?

Bệnh tiểu đường là một bệnh lý tiến triển, có nghĩa là tình trạng bệnh sẽ nặng dần theo thời gian. Vì thế nên đến một lúc nào đó, các loại thuốc điều trị tiểu đường đường uống có thể sẽ không còn hiệu quả nữa. Lúc này, có rất nhiều giải pháp khác nhau mà người bệnh có thể thực hiện để tiếp tục kiểm soát bệnh tiểu đường, gồm có thay đổi thói quen hàng ngày, sử dụng thêm một loại thuốc khác hoặc bắt đầu dùng insulin.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây