Bệnh nướu răng có làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim không?

Tổng quan
Gần đây, các nha sĩ, nhà nghiên cứu và bác sĩ đã bắt đầu xem xét mối liên hệ giữa sức khỏe răng miệng và sức khỏe tổng thể. Một trong những vấn đề được quan tâm là mối liên hệ giữa bệnh nướu răng và bệnh tim.
Bệnh nướu răng, hay còn gọi là bệnh nha chu, là tình trạng viêm nhiễm ở nướu răng. Nếu không được điều trị, bệnh có thể dẫn đến tổn thương nướu, răng và xương nâng đỡ răng. Trong khi đó, bệnh tim gồm có nhiều tình trạng khác nhau như nhồi máu cơ tim và đột quỵ, thường do hẹp hoặc tắc nghẽn các mạch máu quan trọng.
Dưới đây là thông tin về mối liên hệ giữa hai bệnh lý này và những biện pháp giúp giảm nguy cơ mắc bệnh.
Kết quả nghiên cứu
Một số nghiên cứu gần đây đã chỉ ra mối liên quan giữa bệnh nướu răng và bệnh tim. Trong một nghiên cứu năm 2014, các nhà khoa học đã phân tích những người mắc cả hai bệnh lý này. Kết quả cho thấy những người được điều trị bệnh nướu răng đầy đủ có chi phí chăm sóc tim mạch thấp hơn 10 – 40% so với những người không được chăm sóc răng miệng đúng cách. Phát hiện này củng cố giả thuyết rằng sức khỏe nướu răng có ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch.
Một bài đánh giá nghiên cứu gần đây cũng kết luận rằng có mối liên hệ giữa hai bệnh lý này. Các nhà nghiên cứu nhận thấy bệnh nướu răng làm nguy cơ mắc bệnh tim tăng thêm khoảng 20%. Tuy nhiên, họ nhấn mạnh rằng cần có thêm nhiều nghiên cứu chất lượng cao hơn để hiểu rõ hơn về mối quan hệ này.
Từ những bằng chứng này, Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ (ADA) và Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) đã xác nhận có mối liên hệ giữa bệnh nướu răng và bệnh tim. Bệnh nướu răng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim do tình trạng viêm nhiễm ở nướu và vi khuẩn có thể dẫn đến hẹp các động mạch quan trọng.
Bệnh nướu răng và mối liên quan với các bệnh khác
Ngoài bệnh tim, bệnh nướu răng và sức khỏe răng miệng còn có thể liên quan đến một số bệnh lý khác, bao gồm:
- Loãng xương: Một số nghiên cứu cho thấy mật độ xương thấp có thể dẫn đến tiêu xương hàm, làm suy yếu nền xương nâng đỡ răng, dẫn đến mất răng.
- Bệnh hô hấp: Vi khuẩn trong khoang miệng có thể di chuyển đến phổi và gây ra các bệnh nhiễm trùng như viêm phổi, đặc biệt ở những người bị bệnh nha chu.
- Ung thư: Một số nghiên cứu cho thấy bệnh nướu răng có thể làm tăng nguy cơ mắc một số loại ung thư như ung thư thận, ung thư tụy và ung thư máu. Tuy nhiên, cần có thêm nghiên cứu để làm rõ mối liên hệ này.
- Viêm khớp dạng thấp (RA): Một số nghiên cứu ban đầu chỉ ra mối liên quan giữa bệnh nha chu và viêm khớp dạng thấp, nhưng vẫn cần thêm bằng chứng.
Ngoài ra, một số tình trạng sức khỏe sau cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh nướu răng.
- Bệnh tiểu đường: Những người mắc tiểu đường có nguy cơ cao bị bệnh nướu răng do tình trạng viêm nhiễm và khả năng nhiễm trùng cao hơn. Tuy nhiên, nguy cơ này có thể giảm nếu bệnh tiểu đường được kiểm soát tốt.
- Phụ nữ mang thai: Thay đổi nội tiết tố và tăng lưu lượng máu trong thai kỳ có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh nướu răng.
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng của bệnh nướu răng
Khám răng định kỳ có thể giúp phát hiện và điều trị sớm bệnh nướu răng. Nếu có bất kỳ triệu chứng nào sau đây, bạn nên thông báo cho nha sĩ:
- Hơi thở có mùi hôi kéo dài
- Nướu bị sưng, đỏ
- Nướu nhạy cảm, dễ chảy máu
- Đau khi nhai
- Răng nhạy cảm quá mức
- Nướu tụt hoặc răng trông dài hơn bình thường
- Răng lung lay hoặc có sự thay đổi trong khớp cắn
Tuy nhiên, có một hoặc nhiều triệu chứng trên không có nghĩa là bạn bị mắc bệnh nha chu. Nha sĩ sẽ chẩn đoán dựa trên mức độ nghiêm trọng và thời gian kéo dài của các triệu chứng, đồng thời xem xét tình trạng răng miệng cũng như tiền sử bệnh của bạn. Trong quá trình thăm khám, nha sĩ có thể:
- Đo độ sâu túi nha chu bằng một thước nhỏ
- Kiểm tra dấu hiệu viêm nhiễm và mảng bám trên nướu
- Chụp X-quang xương hàm để phát hiện tình trạng tiêu xương
- Đánh giá mức độ tụt nướu ở những răng nhạy cảm
Triệu chứng của bệnh tim
Bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh tim dựa trên tiền sử bệnh, mức độ và thời gian xuất hiện triệu chứng, cũng như kết quả khám lâm sàng. Các triệu chứng phổ biến của bệnh tim bao gồm:
- Đau tức ngực (đau thắt ngực) do tim không nhận đủ oxy
- Rối loạn nhịp tim
- Khó thở
- Mệt mỏi bất thường
- Chóng mặt, choáng váng
- Rối loạn nhận thức đột ngột
- Tích tụ dịch trong cơ thể (phù)
- Nhồi máu cơ tim
Bác sĩ cũng sẽ xét nghiệm máu và đánh giá các yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim như tiền sử gia đình và chỉ số cân nặng. Các xét nghiệm giúp xác định chẩn đoán bao gồm:
- Điện tâm đồ (EKG): Ghi lại hoạt động điện của tim
- Chụp X-quang ngực: Quan sát tim và các cơ quan khác trong lồng ngực
- Xét nghiệm máu: Đánh giá mức độ protein, lipid và đường huyết
- Nghiệm pháp gắng sức: Quan sát sự thay đổi nhịp tim và hô hấp trong khi tập luyện
Tiên lượng bệnh
Nghiên cứu cho thấy có mối liên hệ giữa bệnh nướu răng và bệnh tim. Sự tích tụ vi khuẩn và tình trạng viêm nhiễm trong khoang miệng có thể dẫn đến hẹp và tắc nghẽn mạch máu. Tuy nhiên, cần có thêm nghiên cứu để hiểu rõ hơn về mối liên hệ này.
Phòng ngừa
Bạn có thể thực hiện các thói quen lành mạnh để duy trì vệ sinh răng miệng và giảm nguy cơ mắc bệnh nướu răng cũng như bệnh tim.
- Đánh răng và chải lưỡi ít nhất hai lần mỗi ngày bằng kem đánh răng có fluoride. Hỏi nha sĩ về kỹ thuật đánh răng đúng cách.
- Dùng chỉ nha khoa mỗi ngày để làm sạch kẽ răng và nướu.
- Súc miệng thường xuyên.
- Chỉ sử dụng các sản phẩm vệ sinh răng miệng có chứng nhận của Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ (ADA).
- Tránh hút thuốc lá và nhai thuốc lá.
- Uống nước có chứa fluoride.
- Duy trì chế độ ăn giàu rau xanh, thực phẩm giàu chất xơ, trái cây ít đường và protein từ thực vật.
- Kiểm soát tốt đường huyết, đặc biệt là khi bạn bị mắc bệnh tiểu đường.
- Khám răng định kỳ hai lần mỗi năm để làm sạch răng và kiểm tra sức khỏe răng miệng.
- Theo dõi các dấu hiệu sớm của bệnh nướu răng như chảy máu nướu và hơi thở có mùi hôi kéo dài. Báo ngay cho nha sĩ nếu có các triệu chứng này.
Khi bạn có quá nhiều cholesterol, nó sẽ tích tụ trong các động mạch của bạn. Sự tích tụ này làm cho động mạch xơ cứng lại - một quá trình được gọi là xơ vữa động mạch.

Bệnh tiểu đường làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh lý, trong đó có đột quỵ. Theo Hiệp hội Đột quỵ Hoa Kỳ (the American Stroke Association), những người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ đột quỵ cao gấp đôi so với những người không bị tiểu đường. Người mắc bệnh tiểu đường còn có nguy cơ bị đột quỵ ở độ tuổi trẻ hơn và tiên lượng kém hơn.

Bệnh cơ tim không do thiếu máu cục bộ xảy ra khi cơ tim gặp các vấn đề không phải do giảm lưu lượng máu. Nguyên nhân thường là do yếu tố di truyền, nhiễm trùng, và các bệnh tự miễn.