Người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ đột quỵ cao hơn
Tại sao bệnh tiểu đường làm tăng nguy cơ đột quỵ?
Bệnh tiểu đường xảy ra khi cơ thể tạo ra quá ít insulin hoặc không thể sử dụng insulin một cách hiệu quả. Insulin là hormone có chức năng đưa glucose (đường) từ máu vào tế bào và giữ cho lượng đường trong máu ở mức cân bằng. Khi có quá ít insulin hoặc các tế bào phản ứng kém với insulin, lượng đường trong máu sẽ tăng cao. (1)
Theo thời gian, lượng đường cao trong máu sẽ góp phần làm hình thành cục máu đông hoặc mảng xơ vữa bên trong các mạch máu cấp máu cho cổ và não. Điều này khiến cho các mạch máu hẹp lại hoặc tắc nghẽn hoàn toàn và gián đoạn sự lưu thông máu đến não. Khi các tế bào não không được cung cấp máu và oxy, đột quỵ sẽ xảy ra. Nếu không được điều trị kịp thời, cơn đột quỵ sẽ dẫn đến tổn thương não vĩnh viễn và thậm chí tử vong.
Đột quỵ cũng có thể xảy ra do xuất huyết (chảy máu) trong não.
Có ba loại đột quỵ chính là
- Đột quỵ do thiếu máu cục bộ
- Đột quỵ xuất huyết não
- Cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua
Đột quỵ do thiếu máu cục bộ
Đột quỵ do thiếu máu cục bộ là loại đột quỵ phổ biến nhất, xảy ra khi động mạch cung cấp máu cho não bị tắc nghẽn, thường là do cục máu đông.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), khoảng 87% số ca đột quỵ là đột quỵ do thiếu máu cục bộ. (2)
Đột quỵ xuất huyết não
Đột quỵ xuất huyết não xảy ra khi một động mạch trong não bị rò rỉ hoặc vỡ. Khoảng 10% đến 20% số ca đột quỵ là đột quỵ xuất huyết não. (3)
Đột quỵ xuất huyết não có nguy cơ biến chứng nghiêm trọng và tử vong cao hơn so với đột quỵ do thiếu máu cục bộ. Những người bị tiểu đường có nguy cơ rò rỉ các mạch máu nhỏ ở não cao hơn, tình trạng này được gọi là xuất huyết não vi thể.
Cơn thiếu máu não thoáng qua
Cơn thiếu máu não thoáng qua, hay còn được gọi là đột quỵ nhẹ, xảy ra khi sự lưu thông máu đến não bị gián đoạn tạm thời trong thời gian ngắn và không gây tổn thương thần kinh vĩnh viễn.
Cơn thiếu máu não thoáng qua là một loại đột quỵ do thiếu máu cục bộ, có thể kéo dài từ một phút đến vài giờ. Động mạch bị tắc nghẽn sẽ tự thông trở lại.
Mặc dù chỉ xảy ra trong thời gian ngắn và không dẫn đến tổn thương lâu dài nhưng cơn thiếu máu não thoáng qua là một dấu hiệu cảnh báo của cơn đột quỵ nghiêm trọng hơn trong tương lai. Khoảng 15% số người bị đột quỵ đã từng trải qua cơn thiếu máu não thoáng qua. Khi thấy có những dấu hiệu đột quỵ, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức, không được chờ cho các triệu chứng qua đi. Đó có thể là cơn thiếu máu não thoáng qua nhưng cũng có thể là đột quỵ.
Triệu chứng đột quỵ
Nhận biết được các dấu hiệu và triệu chứng của đột quỵ là điều rất quan trọng để điều trị kịp thời. Can thiệp điều trị sớm sẽ giúp giảm nguy cơ tử vong và biến chứng nghiêm trọng.
Các triệu chứng thường gặp của đột quỵ gồm có:
- Tê hoặc yếu cơ ở mặt hoặc tay chân, thường xảy ra ở một bên
- Lú lẫn
- Khó hiểu lời nói của người khác
- Khó phát âm, nói không rõ ràng, khó biểu đạt ý muốn nói
- Thay đổi thị lực ở một hoặc cả hai mắt
- Chóng mặt
- Mất thăng bằng hoặc mất điều hòa (mất khả năng phối hợp động tác)
- Đi lại khó khăn, không vững
- Đau đầu dữ dội không rõ nguyên nhân
Nếu bản thân có những dấu hiệu đột quỵ, hãy gọi cấp cứu ngay hoặc báo cho người ở cạnh.
Nếu thấy một ai đó có những biểu hiện bất thường, hãy áp dụng quy tắc FAST để xem người đó có phải bị đột quỵ hay không:
- F – face (khuôn mặt): Yêu cầu người đó mỉm cười và quan sát xem một bên mặt có bị xệ xuống hay cười méo miệng hay không.
- A – arm (cánh tay): Yêu cầu người đó giơ cả hai tay lên. Một cánh tay không thể nâng lên qua đầu hoặc bị rơi xuống là một trong những dấu hiệu phổ biến nhất của đột quỵ.
- S – speech (lời nói): Yêu cầu người đó nói một cụm từ hoặc câu đơn giản và lắng nghe xem họ có bị nói ngọng, khó nói hoặc không thể nói hay không.
- T - time (thời gian): Nếu thấy bất kỳ dấu hiệu nào trong số này, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức.
Điều trị đột quỵ
Phương pháp điều trị sẽ tùy thuộc vào loại đột quỵ.
Đột quỵ do thiếu máu cục bộ
Các phương pháp điều trị đột quỵ do thiếu máu cục bộ gồm có:
- Thuốc làm tan cục máu đông để làm giảm hoặc loại bỏ tắc nghẽn
- Thuốc làm loãng máu, chẳng hạn như aspirin
- Thuốc chống động kinh để phòng ngừa co giật, nếu cần thiết
- Phẫu thuật lấy huyết khối
- Đặt stent để giữ cho động mạch mở rộng
- Phục hồi chức năng để lấy lại các chức năng bị mất, chẳng hạn như khả năng nói và vận động
Đột quỵ xuất huyết não
Các phương pháp điều trị đột quỵ xuất huyết não gồm có:
- Thuốc hạ huyết áp để làm giảm áp lực lên các mạch máu của não
- Thuốc ngăn cản tình trạng chảy máu
- Thuốc chống động kinh nếu người bệnh bị co giật
- Phẫu thuật
- Phục hồi chức năng để lấy lại các chức năng bị mất
Cơn thiếu máu não thoáng qua
Cơn thiếu máu não thoáng qua sẽ tự hết nhưng sau đó vẫn cần điều trị để giảm nguy cơ đột quỵ. Điều này rất cần thiết vì cơn thiếu máu não thoáng qua sẽ làm tăng nguy cơ đột quỵ trong tương lai. Hơn 20% người bị cơn thiếu máu não thoáng qua bị đột quỵ trong vòng 3 tháng sau đó. Khoảng một nửa trong số này bị đột quỵ trong vòng 2 ngày sau cơn thiếu máu não thoáng qua. (4)
Các biện pháp điều trị cơn thiếu máu não thoáng qua và phòng ngừa đột quỵ gồm có:
- Thuốc chống kết tập tiểu cầu hoặc statin để giảm nguy cơ hình thành cục máu đông
- Điều chỉnh chế độ ăn, ví dụ như giảm lượng muối, tránh chất béo chuyển hóa và chất béo bão hòa
- Tập thể dục đều đặn
- Kiểm soát huyết áp ổn định
- Một số trường hợp cần phẫu thuật
Các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ
Các yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ gồm có:
- Bệnh tiểu đường
- Tăng huyết áp
- Rung nhĩ
- Rối loạn đông máu
- Cholesterol cao
- Bệnh hồng cầu hình liềm
- Vấn đề về lưu thông máu
- Bệnh động mạch cảnh
- Tiền sử nhồi máu cơ tim, đột quỵ hoặc cơn thiếu máu não thoáng qua
- Béo phì
- Tuổi cao
- Tiền sử gia đình bị đột quỵ
- Là phụ nữ
Nhiều người bị tiểu đường còn mắc các bệnh lý khác, chẳng hạn như béo phì hoặc bệnh tim mạch. Những bệnh lý này sẽ càng làm tăng thêm nguy cơ đột quỵ.
Các yếu tố về lối sống có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ gồm có:
- Chế độ ăn uống không lành mạnh
- Ít hoạt động thể chất
- Sử dụng các sản phẩm thuốc lá
- Uống nhiều rượu
Các cách giảm nguy cơ đột quỵ
Không thể phòng ngừa đột quỵ một cách tuyệt đối nhưng có thể làm giảm thiểu nguy cơ bằng các cách dưới đây:
- Kiểm soát lượng đường trong máu khi mắc bệnh tiểu đường
- Giải quyết cac yếu tố nguy cơ gây đột quỵ khác như béo phì, tăng huyết áp và cholesterol cao
- Hạn chế uống rượu
- Bỏ thuốc lá
- Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh
- Tập thể dục thường xuyên
Điều chỉnh chế độ ăn uống
Huyết áp và cholesterol cao có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ. Một cách để giảm huyết áp và mức cholesterol là điều chỉnh chế độ ăn uống, ví dụ như:
- Giảm lượng muối và chất béo
- Ăn nhiều cá
- Hạn chế thịt đỏ
- Tránh những thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều đường
- Ăn nhiều rau củ quả, các loại đậu và các loại hạt
Tập thể dục
Tập thể dục cường độ vừa phải 150 phút mỗi tuần có thể giúp giảm nguy cơ đột quỵ và nhiều vấn đề sức khỏe khác.
Có thể chọn bất kỳ hình thức tập luyện nào mà bản thân cảm thấy phù hợp, ví dụ như đi bộ, chạy bộ, bơi, aerobic, đánh cầu lông…
Bỏ thuốc lá nếu hút
Những người hút thuốc có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn so với những người không hút. Do đó, nếu bạn hút thuốc thì hãy cố gắng cai càng sớm càng tốt.
Hạn chế uống rượu
Nam giới không nên uống quá 2 đơn vị cồn (20g cồn nguyên chất) mỗi ngày và phụ nữ không nên uống quá 1 đơn vị cồn.
Dùng thuốc theo chỉ định
Một số loại thuốc giúp giảm nguy cơ đột quỵ gồm có:
- Thuốc điều trị cao huyết áp
- Thuốc trị tiểu đường
- Thuốc hạ mỡ máu (statin)
- Thuốc ngăn ngừa cục máu đông, chẳng hạn như aspirin và các thuốc làm loãng máu khác
Nếu được kê những loại thuốc này, hãy dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.
Tiên lượng của người bị đột quỵ
Các yếu tố ảnh hưởng đến tiên lượng của người bị đột quỵ gồm có:
- Loại đột quỵ
- Mức độ tổn thương
- Vùng não bị ảnh hưởng
- Thời điểm được điều trị
- Các bệnh lý khác mà người bệnh đang mắc
- Quá trình phục hồi chức năng sau đột quỵ
Theo CDC, những người được cấp cứu trong vòng 3 giờ kể từ khi xuất hiện triệu chứng có nguy cơ gặp phải hậu quả nghiêm trọng thấp hơn so với những người được cấp cứu muộn.
Những người bị cơn thiếu máu não thoáng qua có thể sẽ không có bất kỳ triệu chứng nào nhưng sẽ có 20% nguy cơ bị đột quỵ trong vòng 3 tháng sau đó.
Đột quỵ do thiếu máu cục bộ và đột quỵ xuất huyết não đều có thể đe dọa đến tính mạng. Cho dù sống sót thì người bệnh cũng có nguy cơ cao gặp các biến chứng lâu dài, gồm có:
- Giảm khả năng vận động
- Giảm khả năng suy nghĩ
- Giảm kỹ năng ngôn ngữ
Các biến chứng của đột quỵ xuất huyết não gồm có co giật và các vấn đề ở não, phổi và hệ tim mạch.
Tóm tắt bài viết
Những người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn người không bị tiểu đường. Ngoài ra, người bị tiểu đường còn có nguy cơ bị đột quỵ ở độ tuổi trẻ hơn và hậu quả nghiêm trọng hơn.
Ở những người bị tiểu đường, một điều quan trọng để giảm nguy cơ đột quỵ là tuân thủ điều trị để kiểm soát lượng đường trong máu.
Ngoài ra, người mắc bệnh tiểu đường cũng nên thực hiện thêm các biện pháp phòng ngừa đột quỵ khác giống như người không bị tiểu đường, chẳng hạn như không hút thuốc, hạn chế uống rượu và tập thể dục thường xuyên.
Bệnh tim bẩm sinh hay dị tật tim bẩm sinh là một nhóm các vấn đề về cấu tạo của tim xảy ra ngay từ khi còn trong bào thai. Bệnh tim bẩm sinh gây ảnh hưởng đến sự lưu thông máu qua tim. Một số dạng dị tật tim bẩm sinh không gây ra vấn đề nghiêm trọng trong khi những dạng dị tật phức tạp lại có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.
Nhiều người vẫn chưa nắm rõ các thay đổi trong hướng dẫn về việc sử dụng aspirin để dự phòng ban đầu bệnh tim mạch. Vì thế mà aspirin vẫn tiếp tục được sử dụng rộng rãi, đặc biệt đối với những người từ 60 tuổi trở lên, họ thường uống lượng nhỏ aspirin mỗi ngày. Việc dùng aspirin không phù hợp có thể làm tăng nguy cơ chảy máu quá nhiều và thiếu máu.
Bệnh tim mạch ở nam giới có những triệu chứng và dấu hiệu gì khác so với nữ giới?