Nên ăn gì và tránh gì nếu có nguy cơ bị bệnh cơ tim phì đại

Tim được cấu tạo từ các lớp cơ. Cơ tim co bóp mạnh mẽ để bơm máu mang oxy và chất dinh dưỡng đi khắp cơ thể.
Bệnh cơ tim phì đại (Hypertrophic Cardiomyopathy - HCM) là một bệnh tim di truyền làm các cơ ở thành tâm thất trái dày hơn bình thường. Điều này làm hạn chế không gian để máu lưu thông và khiến cơ tim kém linh hoạt. Khi mắc HCM, tim có thể không bơm máu hiệu quả như bình thường.
Nếu trong gia đình có người mắc HCM, bạn cần kiểm tra sức khỏe tim mạch định kỳ. Phát hiện sớm sẽ giúp kiểm soát triệu chứng và ngăn ngừa các ảnh hưởng lâu dài.
Nếu không được điều trị, HCM có thể dẫn đến suy tim, xảy ra khi tim không thể bơm đủ máu để đáp ứng nhu cầu của cơ thể. HCM cũng có thể gây nhịp tim không đều, làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông khi máu đọng lại trong các buồng tim.
Ngoài kiểm tra định kỳ, duy trì lối sống lành mạnh cho tim cũng rất quan trọng đối với người có nguy cơ mắc HCM, bao gồm:
- Tích cực vận động.
- Duy trì cân nặng vừa phải.
- Quản lý căng thẳng.
- Ngủ đủ giấc.
Chế độ ăn lành mạnh cho tim mạch cũng là một phần quan trọng. Dù không có chế độ ăn cụ thể để ngăn ngừa hoặc kiểm soát HCM nhưng thói quen ăn uống lành mạnh có thể hỗ trợ bảo vệ sức khỏe tim mạch.
Chế độ ăn tốt cho tim mạch có thể giúp giảm cholesterol, huyết áp và viêm trong cơ thể – những yếu tố quan trọng để bảo vệ tim.
Thực phẩm nên ăn
- Đậu và đậu lăng: Các loại như đậu lăng đỏ và nâu, đậu đen, đậu thận và đậu gà giàu chất xơ, giúp giảm cholesterol và kiểm soát đường huyết.
- Các loại hạt: Hạnh nhân, óc chó, hồ đào, hạt bí, hạt chia, và hạt lanh cung cấp chất xơ và chất béo lành mạnh, rất tốt cho tim.
- Ngũ cốc nguyên hạt: Gạo lứt, diêm mạch (quinoa), và yến mạch là nguồn chất xơ tốt, hỗ trợ kiểm soát cholesterol. Người ăn nhiều ngũ cốc nguyên hạt sẽ giảm được nguy cơ mắc bệnh tim và tiểu đường tuýp 2.
- Rau củ: Dù là loại tươi, đông lạnh, nấu chín hay sống thì các loại rau như măng tây, bông cải xanh, và rau chân vịt (rau bina) đều tốt cho tim. Chúng giàu chất xơ giúp giảm cholesterol và giàu kali giúp hỗ trợ kiểm soát huyết áp.
- Trái cây: Chọn nhiều loại trái cây tươi, đông lạnh, đóng hộp hoặc sấy khô như táo, dâu, cam. Ăn nhiều trái cây và rau củ có thể giúp giảm viêm trong cơ thể và giảm nguy cơ mắc bệnh tim.
- Cá và hải sản: Nghiên cứu cho thấy ăn cá 2-3 lần mỗi tuần có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Các loại cá như cá hồi, cá tuyết và cá thu là những nguồn cung cấp axit béo omega-3, giúp giảm viêm trong cơ thể.
- Dầu ô liu: Chế độ ăn Địa Trung Hải giàu dầu ô liu đã được chứng minh là có lợi cho người lớn béo phì mắc HCM.
- Thịt nạc và gia cầm: Các loại thịt nạc không chế biến như ức gà không xương, không da hoặc thịt gà tây xay nạc có thể được bổ sung vào chế độ ăn tốt cho tim.
Thực phẩm cần hạn chế
Chế độ ăn tốt cho tim mạch đề cập đến tổng thể thói quen ăn uống. Mặc dù mọi loại thực phẩm đều có thể đưa vào chế độ ăn uống nếu sử dụng một cách hợp lý nhưng có một số loại sẽ tốt cho sức khỏe tim mạch hơn so với những loại khác.
Để ngăn ngừa hoặc kiểm soát huyết áp cao, nên hạn chế lượng muối (natri) trong khẩu phần ăn. Thực phẩm chế biến sẵn như thịt đã chế biến, súp đóng hộp, và các món ăn sẵn thường chứa lượng muối cao.
Đường bổ sung từ các thực phẩm như kem và đồ uống có ga cùng với thực phẩm chiên rán và thực phẩm siêu chế biến cũng nên được hạn chế tối đa để bảo vệ sức khỏe tim mạch.
Về ảnh hưởng của rượu, các nghiên cứu đưa ra kết quả trái ngược nhau. Một số cho rằng rượu có lợi cho sức khỏe tim mạch, trong khi số khác lại cảnh báo về tác hại của nó. Nếu bạn không uống rượu thì không nên bắt đầu còn nếu có uống thì hãy giới hạn ở mức không quá một ly mỗi ngày.
Kết luận
Nếu bạn có tiền sử gia đình mắc bệnh cơ tim phì đại (HCM), cần kiểm tra sức khỏe định kỳ để theo dõi HCM. Đồng thời, nên áp dụng chế độ ăn tốt cho tim mạch.
Chế độ ăn này có thể giúp kiểm soát cholesterol, đường huyết và huyết áp. Đây là những yếu tố nguy cơ khác dẫn đến bệnh tim.
Chế độ ăn nhiều đậu, hạt, ngũ cốc nguyên hạt, rau củ, trái cây, cá và dầu ô liu có thể giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh tim. Nếu cần thêm thông tin hoặc hỗ trợ, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng.

Bệnh van tim là tình trạng một hoặc nhiều van tim bị ảnh hưởng, làm suy giảm chức năng bơm máu của tim.
Mỗi loại bệnh van tim đều có nguyên nhân và yếu tố nguy cơ riêng. Thực hiện các biện pháp để kiểm soát các yếu tố nguy cơ không do di truyền sẽ giúp làm giảm nguy cơ mắc các bệnh van tim.

Một số nghiên cứu cho rằng bệnh nướu răng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Tuy nhiên, vẫn cần có thêm nhiều nghiên cứu chất lượng cao hơn để hiểu rõ hơn về mối quan hệ này.

Mãn kinh sớm làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim do sự suy giảm nhanh chóng của nồng độ estrogen.

Căng thẳng tạm thời có thể có lợi, giúp cơ thể phản ứng nhanh hơn khi đối mặt với nguy hiểm. Tuy nhiên, căng thẳng mãn tính có thể là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu gây bệnh tim.