Yếu tố nguy cơ gây bệnh van tim
Mỗi loại bệnh van tim đều có nguyên nhân và yếu tố nguy cơ riêng. Thực hiện các biện pháp để kiểm soát các yếu tố nguy cơ không do di truyền sẽ giúp làm giảm nguy cơ mắc các bệnh van tim.

Tim có bốn van, mở và đóng theo từng nhịp đập để kiểm soát dòng chảy của máu. Bệnh van tim là tình trạng một hoặc nhiều van tim bị ảnh hưởng.
Mỗi loại bệnh van tim đều có nguyên nhân và yếu tố nguy cơ riêng. Một số bệnh van tim có thể phòng ngừa được, trong khi số khác thì không. Trong số các yếu tố nguy cơ gây bệnh, một số yếu tố vẫn có thể kiểm soát được. Thực hiện các biện pháp để kiểm soát các yếu tố nguy cơ này sẽ giúp làm giảm nguy cơ mắc các bệnh van tim có thể phòng ngừa.
Tuổi cao
Nhiều bệnh van tim thường gặp hơn ở người lớn tuổi. Do tuổi cao, các van tim có thể bị thoái hóa hoặc suy yếu. Trong một số trường hợp, các mảng canxi có thể tích tụ trên van tim, làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của van.
Để bảo vệ sức khỏe tim mạch, việc duy trì các thói quen sống lành mạnh là rất quan trọng. Điều này có thể giúp ngăn ngừa sự thoái hóa hoặc vôi hóa do tuổi tác.
Tiền sử gia đình
Một số bệnh van tim có tính di truyền trong gia đình. Nếu một thành viên trong gia đình mắc bệnh van tim, nguy cơ bạn mắc bệnh cũng sẽ cao hơn.
Các bệnh van tim bẩm sinh xuất hiện từ khi sinh ra. Trong một số trường hợp, dị tật bẩm sinh này là do các đột biến gen di truyền từ cha mẹ sang con hoặc sự phát triển bất thường của tim khi còn trong bụng mẹ. Nếu có tiền sử gia đình có dị tật bẩm sinh, nguy cơ bạn mắc bệnh và truyền lại cho con cái cũng sẽ tăng lên.
Các bệnh van tim không phải bẩm sinh có thể xảy ra trong giai đoạn nhỏ tuổi hoặc khi trưởng thành. Một số loại bệnh van tim này có thể liên quan đến yếu tố di truyền. Ví dụ, sa van hai lá và các vấn đề về van động mạch chủ hai lá có xu hướng di truyền trong gia đình.
Tiền sử gia đình mắc bệnh mạch vành sớm cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh van tim.
Hãy trao đổi với bác sĩ về tiền sử bệnh của gia đình bạn. Nếu bệnh tim mạch có tính di truyền trong gia đình, bác sĩ có thể giúp bạn biết và kiểm soát nguy cơ mắc bệnh. Nếu nghi ngờ bạn có đột biến gen gây dị tật van tim, bác sĩ có thể chuyển bạn đến chuyên gia tư vấn di truyền để làm xét nghiệm và tư vấn về gen.
Yếu tố nguy cơ chuyển hóa
Hội chứng chuyển hóa là tập hợp các yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc bệnh tim mạch, bao gồm cả một số bệnh van tim. Những yếu tố này bao gồm:
- Lượng đường huyết cao
- Huyết áp cao
- Mức triglyceride trong máu cao
- Mức HDL (cholesterol tốt) trong máu thấp
- Béo phì
Duy trì các thói quen sống lành mạnh có thể giúp phòng ngừa và quản lý hội chứng chuyển hóa. Nếu bạn có một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ trên, bác sĩ có thể kê đơn thuốc hoặc áp dụng các phương pháp điều trị khác để kiểm soát tình trạng.
Một số tình trạng bệnh lý liên quan
Một số bệnh lý có thể gây ra vấn đề ở van tim là:
- Viêm nội tâm mạc nhiễm trùng: Tình trạng viêm tim do nhiễm trùng gây ra
- Sốt thấp khớp: Một biến chứng do không điều trị dứt điểm viêm họng do liên cầu khuẩn hoặc sốt tinh hồng nhiệt
- Tổn thương tim
Ngoài ra, bạn cũng sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh van tim nếu có tiền sử mắc:
- Các bệnh tim khác
- Bệnh thận mạn
- Bệnh tiểu đường
- Các bệnh tự miễn như lupus ban đỏ
- Hội chứng Marfan
- U carcinoid
- Mức lipoprotein(a) cao
Hãy trao đổi với bác sĩ về tiền sử bệnh của mình để biết bản thân có nguy cơ mắc bệnh van tim hoặc các vấn đề sức khỏe khác hay không. Bác sĩ có thể giúp bạn xác định và quản lý các yếu tố nguy cơ.
Một số phương pháp điều trị y tế
Nếu tim bị đập quá chậm, quá nhanh, hoặc không đều, bác sĩ có thể cấy máy tạo nhịp tim hoặc máy khử rung tim dưới da. Những thiết bị y tế này giúp điều chỉnh nhịp tim, nhưng cũng có nguy cơ làm tổn thương van tim.
Liệu pháp xạ trị vùng ngực, thường dùng để điều trị một số loại ung thư, cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh van tim. Xạ trị có thể khiến van tim dày lên hoặc hẹp lại.
Nếu bác sĩ đề xuất hoặc bạn đã từng trải qua các phương pháp điều trị này, hãy hỏi thêm về các tác dụng phụ có thể xảy ra. Bác sĩ sẽ giúp bạn hiểu rõ các biến chứng và hỗ trợ quản lý nguy cơ xảy ra các biến chứng này.
Thói quen sống
Một số thói quen sống có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, trong đó có các bệnh về van tim. Các thói quen này bao gồm:
- Chế độ ăn uống không cân bằng
- Thiếu vận động
- Hút thuốc
- Uống rượu bia quá nhiều, điều này có thể làm suy yếu cơ tim
Ngoài ra, vệ sinh da và răng miệng kém cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh van tim do tăng khả năng nhiễm trùng. Nhiễm trùng có thể gây viêm nội tâm mạc, dẫn đến tổn thương van tim.
Việc sử dụng ma túy qua đường tiêm tĩnh mạch cũng làm tăng nguy cơ viêm nội tâm mạc.
Để bảo vệ tim và duy trì sức khỏe tổng thể tốt, bạn nên:
- Áp dụng chế độ ăn tốt cho tim mạch
- Duy trì vận động thể chất thường xuyên
- Quản lý cân nặng hợp lý
- Thực hiện các biện pháp giảm căng thẳng
- Giữ vệ sinh da và răng miệng
- Tránh hút thuốc và sử dụng ma túy qua đường tiêm tĩnh mạch
Nếu bạn hút thuốc hoặc sử dụng ma túy qua đường tiêm tĩnh mạch, bác sĩ có thể giới thiệu cho bạn các nguồn hỗ trợ cai nghiện. Bạn có thể được chuyển đến gặp chuyên gia tư vấn về rối loạn sử dụng chất gây nghiện hoặc được khuyến nghị các phương pháp điều trị khác.
Kết luận
Bệnh van tim có thể làm cản trở lưu thông máu trong tim, làm tăng nguy cơ suy tim và các biến chứng nguy hiểm khác.
Một số bệnh van tim có thể phòng ngừa được bằng cách quản lý các yếu tố nguy cơ nhờ duy trì thói quen sống lành mạnh như thực hiện chế độ ăn tốt cho tim mạch, tập thể dục đều đặn và quản lý cân nặng cũng như căng thẳng. Ngoài ra, cần tránh hút thuốc và sử dụng ma túy qua đường tiêm tĩnh mạch.
Nếu bạn mắc bệnh van tim, việc chẩn đoán và điều trị kịp thời là rất cần thiết để có thể làm giảm được triệu chứng và nguy cơ xảy ra biến chứng. Hãy trao đổi với bác sĩ để hiểu rõ hơn.

Bệnh cơ tim phì đại (HCM) là một bệnh tim di truyền làm các cơ ở thành tâm thất trái dày lên, làm hạn chế khả năng bơm máu của tim. Người có nguy cơ mắc HCM nên duy trì lối sống lành mạnh để nâng cao sức khoẻ tim mạch, đặc biệt là thực hiện chế độ ăn cân bằng.

Một số nghiên cứu cho rằng bệnh nướu răng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Tuy nhiên, vẫn cần có thêm nhiều nghiên cứu chất lượng cao hơn để hiểu rõ hơn về mối quan hệ này.

Mãn kinh sớm làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim do sự suy giảm nhanh chóng của nồng độ estrogen.

Căng thẳng tạm thời có thể có lợi, giúp cơ thể phản ứng nhanh hơn khi đối mặt với nguy hiểm. Tuy nhiên, căng thẳng mãn tính có thể là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu gây bệnh tim.