Bệnh cơ tim không do thiếu máu cục bộ là gì?

Bệnh cơ tim là thuật ngữ y khoa chỉ các vấn đề liên quan đến cơ tim. Các bác sĩ thường phân loại bệnh này dựa trên nguyên nhân gây ra.
Bệnh cơ tim do thiếu máu cục bộ là tình trạng xảy ra do giảm lưu lượng máu đến tim, chẳng hạn như động mạch bị thu hẹp hoặc nhồi máu cơ tim.
Trong khi đó, bệnh cơ tim không do thiếu máu cục bộ thì không liên quan đến việc lưu lượng máu bị giảm. Các nguyên nhân gây bệnh này có thể là do nhiễm virus và các bệnh tự miễn.
Dưới đây là các triệu chứng, phương pháp điều trị, và tiên lượng của một số loại bệnh cơ tim không do thiếu máu cục bộ thường gặp.
Nguyên nhân gây bệnh cơ tim không do thiếu máu cục bộ
Chức năng của tim là bơm máu đến các bộ phận khác của cơ thể. Một trái tim khỏe mạnh có thể bơm 55–70% lượng máu chứa trong tim sau mỗi lần co bóp.
Khi tim bơm lượng máu ít hơn hoặc nhiều hơn mức này, đó thường là dấu hiệu cho thấy tim đang gặp vấn đề. Vấn đề này có thể là do thiếu máu cục bộ hoặc không. Nguyên nhân phổ biến nhất gây bệnh cơ tim do thiếu máu cục bộ là bệnh mạch vành.
Đối với bệnh cơ tim không do thiếu máu cục bộ, các nguyên nhân phổ biến gây bệnh gồm có:
- Bệnh tự miễn: lupus ban đỏ, viêm khớp dạng thấp
- Bệnh lý di truyền: cơ tim phì đại, loạn dưỡng cơ
- Nhiễm trùng và viêm cơ tim: như COVID-19 hay bệnh Lyme
- Bệnh thâm nhiễm: bệnh amyloidosis hay bệnh thừa sắt (hemochromatosis)
- Sử dụng một số loại thuốc trong thời gian dài: như thuốc hóa trị
- Rối loạn chuyển hóa: bệnh tuyến giáp, tiểu đường
- Tăng huyết áp mạn tính
- Tiêu thụ các chất độc hại: rượu, cocaine, methamphetamines (ma tuý đá)
- Căng thẳng
- Rối loạn nhịp tim
Trong một số trường hợp, nguyên nhân gây bệnh cơ tim không do thiếu máu cục bộ không được xác định rõ ràng. Khi đó, bệnh được gọi là bệnh cơ tim không do thiếu máu cục bộ vô căn.
Triệu chứng của bệnh cơ tim không do thiếu máu cục bộ
Bệnh cơ tim không do thiếu máu cục bộ có thể không gây ra triệu chứng hoặc nếu có thì nó có thể biểu hiện giống như các dấu hiệu suy tim hoặc vấn đề tim mạch khác như:
- Khó thở
- Sưng (phù) ở phần dưới cơ thể
- Tăng cân đột ngột
- Yếu người và mệt mỏi
- Đau ngực
- Chóng mặt hoặc ngất xỉu
- Đánh trống ngực (Tim đập nhanh hoặc loạn nhịp)
Bạn cũng có thể gặp thêm các triệu chứng khác tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Ví dụ: người mắc bệnh cơ tim không do thiếu máu cục bộ liên quan đến amyloidosis có thể gặp vấn đề về thần kinh như hội chứng ống cổ tay. Người đang cả mắc các bệnh viêm có thể xuất hiện các triệu chứng khác như sưng khớp hoặc phát ban.
Bệnh cơ tim không do thiếu máu cục bộ được chẩn đoán như thế nào?
Trước tiên, bác sĩ sẽ hỏi bạn về triệu chứng và tiền sử bệnh lý để hiểu rõ hơn về tình trạng sức khỏe.
Trong quá trình khám lâm sàng, bác sĩ sẽ tiến hành nghe tim và phổi, đồng thời kiểm tra các dấu hiệu bên ngoài của bệnh cơ tim, chẳng hạn như sưng ở cẳng chân và bàn chân.
Nếu nghi ngờ bạn mắc bệnh cơ tim, bác sĩ có thể chỉ định thêm các xét nghiệm. Một trong những xét nghiệm chính được sử dụng để phát hiện bệnh cơ tim là siêu âm tim.
Siêu âm tim là một loại siêu âm tạo ra hình ảnh trực tiếp về cơ tim khi tim co bóp và giãn ra, giúp bác sĩ đánh giá chức năng của tim.
Các xét nghiệm khác để chẩn đoán bệnh cơ tim không do thiếu máu cục bộ gồm có:
- Điện tâm đồ
- Thông tim
- Chụp X-quang ngực hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) tim
- Xét nghiệm máu
- Nghiệm pháp gắng sức
Điều trị bệnh cơ tim không do thiếu máu cục bộ
Phương pháp điều trị bệnh cơ tim không do thiếu máu cục bộ phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, triệu chứng và mức độ tổn thương tim.
Trong một số trường hợp, điều trị nguyên nhân gốc rễ của bệnh cơ tim có thể giúp mang lại hiệu quả đáng kể. Nếu bệnh nhẹ, bác sĩ có thể đề nghị bạn cần theo dõi sức khỏe thường xuyên, áp dụng chế độ ăn tốt cho tim mạch và thay đổi lối sống.
Bác sĩ cũng có thể kê đơn thuốc để điều trị, có thể bao gồm các loại thuốc thường được sử dụng trong điều trị suy tim sau:
- Thuốc ức chế renin-angiotensin, như:
- Thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE inhibitors)
- Thuốc ức chế thụ thể angiotensin II (ARBs)
- Thuốc ức chế angiotensin II và neprilysin (ARNIs)
- Thuốc chẹn beta
- Thuốc kháng mineralocorticoid
- Thuốc ức chế kênh đồng vận chuyển natri-glucose 2 (SGLT2 inhibitors)
Các loại thuốc khác:
- Thuốc lợi tiểu để giảm sưng
- Thuốc giãn mạch để làm giãn mạch máu
- Ivabradine để làm chậm nhịp tim
Một số người có thể cần sử dụng máy tạo nhịp tim hoặc máy khử rung tim cấy dưới da để điều chỉnh nhịp tim không đều.
Tiên lượng cho người mắc bệnh cơ tim không do thiếu máu cục bộ
Bệnh cơ tim không do thiếu máu cục bộ có thể làm tăng nguy cơ xảy ra các biến chứng nghiêm trọng như:
- Suy tim
- Rối loạn nhịp thất
- Đột tử do tim
Tiên lượng sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, mức độ ảnh hưởng đến chức năng tim, và các bệnh lý khác mà bạn có thể mắc phải.
Nhìn chung, bệnh cơ tim không do thiếu máu cục bộ có tiên lượng khả quan hơn so với bệnh cơ tim do thiếu máu cục bộ.
Một nghiên cứu năm 2020 đã so sánh 873 người mắc bệnh cơ tim, cho thấy tỷ lệ tử vong và nguy cơ đột tử do tim cao hơn ở những người mắc bệnh cơ tim do thiếu máu cục bộ so với những người mắc bệnh không do thiếu máu cục bộ.
Ai có nguy cơ mắc bệnh cơ tim không do thiếu máu cục bộ?
Bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh cơ tim không do thiếu máu cục bộ, nhưng tình trạng này phổ biến hơn ở phụ nữ và những người trẻ tuổi.
Các yếu tố nguy cơ gây bệnh cần chú ý là:
- Huyết áp cao
- Tiền sử gia đình có người bị ngừng tim, bệnh cơ tim, hoặc suy tim
- Uống quá nhiều rượu
- Bệnh amyloidosis
- Các bệnh tự miễn
- Một số loại thuốc
- Sử dụng cocaine và các chất kích thích khác
- Bệnh tiểu đường
- Bệnh thừa sắt (hemochromatosis)
- Béo phì
- Bệnh sarcoidosis (u hạt)
- Rối loạn tuyến giáp
- Nhiễm virus, chẳng hạn như COVID-19, cúm, herpes, hoặc HIV
Làm thế nào để phòng ngừa bệnh cơ tim không do thiếu máu cục bộ?
Bệnh cơ tim không do thiếu máu cục bộ có thể không phòng ngừa được do một số nguyên nhân không thể kiểm soát như di truyền. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể thực hiện các biện pháp phòng ngừa chung để tránh các nhiễm phải loại virus phổ biến, chẳng hạn như rửa tay thường xuyên và đúng cách.
Ngoài ra, cần ưu tiên bảo vệ sức khỏe tim mạch bằng cách:
- Quản lý căng thẳng hiệu quả
- Ăn uống lành mạnh
- Tập thể dục đều đặn
- Ngủ đủ giấc
- Hạn chế uống rượu
Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để tìm hiểu thêm về các thói quen và thay đổi lối sống có lợi cho tim mạch.
Các câu hỏi thường gặp
Tuổi thọ của người mắc bệnh cơ tim không do thiếu máu cục bộ là bao lâu?
Bệnh cơ tim không do thiếu máu cục bộ có nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuổi thọ sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh và mức độ ảnh hưởng đến chức năng tim.
Bệnh cơ tim không do thiếu máu cục bộ có giống suy tim không?
Bệnh cơ tim không do thiếu máu cục bộ là một loại rối loạn cơ tim không liên quan đến bệnh động mạch vành, nguyên nhân phổ biến gây suy tim. Tuy nhiên, bệnh cơ tim không do thiếu máu cục bộ thường dẫn đến suy tim, tình trạng tim không cung cấp máu cho cơ thể một cách hiệu quả.
Bệnh cơ tim không do thiếu máu cục bộ có hồi phục được không?
Một số trường hợp bệnh cơ tim không do thiếu máu cục bộ có thể hồi phục một phần chức năng tim (được xác định bằng cách đo phân suất tống máu). Ví dụ, bệnh cơ tim không do thiếu máu cục bộ do sử dụng một số loại thuốc hóa trị đôi khi có thể hồi phục. Trong các trường hợp khác, thay đổi lối sống hoặc dùng thuốc có thể giúp làm bệnh chậm tiến triển.
Kết luận
Bệnh cơ tim không do thiếu máu cục bộ là thuật ngữ chung chỉ bất kỳ loại bệnh cơ tim nào không do tắc nghẽn động mạch vành.
Tình trạng này có thể do di truyền hoặc do các tình trạng như nhiễm virus hoặc bệnh tự miễn gây ra.
Nguyên nhân gây bệnh sẽ được xác định khi bác sĩ tiến hành chẩn đoán bệnh. Từ đó, bác sĩ sẽ quyết định phương pháp điều trị bệnh phù hợp.

Bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ (IC) là tình trạng cơ tim bị suy yếu do cơn đau tim hoặc bệnh động mạch vành. Bệnh có thể được điều trị bằng các phương pháp như thay đổi lối sống, dùng thuốc, phẫu thuật hoặc các thủ thuật khác.

Bệnh cơ tim phì đại (HCM) là một bệnh tim di truyền khiến thành của tâm thất trái bị dày lên và bị cứng lại. Không phải lúc nào bệnh cũng có triệu chứng. Tuy nhiên, tiếng thổi ở tim là một dấu hiệu điển hình ở những người có triệu chứng của HCM.

Bệnh van tim không phải lúc nào cũng cần phải phẫu thuật. Một số trường hợp chỉ cần áp dụng những phương pháp điều trị không phẫu thuật như sử dụng thuốc, thay đổi lối sống, hoặc các thủ thuật xâm lấn tối thiểu.

Bệnh van tim xảy ra khi một hoặc nhiều van tim không hoạt động đúng chức năng. Đây có thể là tình trạng di truyền hoặc mắc phải do các yếu tố khác.

Thuốc có thể giúp kiểm soát một số triệu chứng của bệnh van tim và hỗ trợ cải thiện chức năng tim. Tuy nhiên, hiện không có loại thuốc nào có thể điều trị hoặc chữa khỏi hoàn toàn các vấn đề về van tim cụ thể.