Bệnh van tim có di truyền không?

Bệnh van tim xảy ra khi một hoặc nhiều van tim không thực hiện đúng chức năng hoặc bị tổn thương. Tình trạng này có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân. Một số nguyên nhân gây bệnh van tim là do di truyền, còn lại là mắc phải trong cuộc đời do các tác nhân khác.
Khoảng 2,5% dân số Hoa Kỳ mắc bệnh van tim.
Nếu bạn có các yếu tố nguy cơ gây bệnh, cần biết cách phát hiện và phòng ngừa tình trạng này. Mặc dù không phải tất cả nguyên nhân gây bệnh van tim đều có thể phòng tránh nhưng việc nhận biết các dấu hiệu và duy trì sức khỏe tim mạch tổng thể là rất quan trọng.
Ai có nguy cơ cao mắc bệnh van tim?
Bệnh van tim xảy ra khi ít nhất một trong bốn van tim gặp vấn đề, làm ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của chúng.
Các vấn đề về van tim phổ biến là:
- Hở van tim (regurgitation): Van không đóng kín, làm máu bị chảy ngược lại.
- Hẹp van tim (stenosis): Van mở không đủ rộng.
- Không có lỗ mở van (atresia): Van bị thay thế bởi một lớp mô rắn (hiếm gặp).
Khi tim không thể bơm máu hiệu quả qua các buồng và ra cơ thể, những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng có thể xảy ra, chẳng hạn như suy tim, cơn đau tim, hoặc thậm chí tử vong.
Các yếu tố nguy cơ gây bệnh van tim bao gồm:
- Tuổi cao.
- Tiền sử gia đình mắc các bệnh di truyền ảnh hưởng đến van tim hoặc gây ra các bệnh tim mạch.
- Sử dụng các thiết bị y tế như máy tạo nhịp tim hoặc máy khử rung tim.
- Lối sống không lành mạnh như hút thuốc, chế độ ăn uống không cân bằng hoặc thiếu vận động.
- Các bệnh lý như cao huyết áp, tiểu đường, hoặc lupus ban đỏ.
- Xạ trị.
- Giới tính nam.
Bệnh van tim thường xảy ra ở độ tuổi nào?
Một số người sinh ra đã mắc bệnh van tim bẩm sinh, trong khi những người khác có thể mắc bệnh này do các tác nhân trong cuộc sống.
Không có độ tuổi cố định được xác định là sẽ mắc bệnh van tim, nhưng nguy cơ sẽ tăng dần theo tuổi tác.
Một nghiên cứu năm 2019 đã cho thấy rằng 13,3% người trên 75 tuổi mắc bệnh van tim và chỉ 0,7% người từ 18–44 tuổi mắc bệnh này.
Có thể phát hiện nguy cơ di truyền gây bệnh van tim không?
Các nhà nghiên cứu đang xác định các đột biến gen liên quan đến một số nguyên nhân gây bệnh van tim. Điều này mở ra cơ hội sàng lọc các đột biến gen, giúp dự đoán nguy cơ mắc bệnh.
Khi các đột biến gen có thể gây bệnh van tim ngày càng được nghiên cứu sâu rộng, việc phát hiện nguy cơ di truyền sẽ trở nên dễ dàng và chính xác hơn.
Bạn có thể trao đổi với bác sĩ về khả năng xét nghiệm gen và các yếu tố nguy cơ để đánh giá khả năng mắc bệnh van tim của mình.
Tuổi thọ
Tuổi thọ của người mắc bệnh van tim phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Các yếu tố đó là:
- Độ tuổi khi được chẩn đoán bệnh van tim.
- Tình trạng sức khỏe tổng quát.
- Loại bệnh và mức độ nghiêm trọng của bệnh van tim.
Tuổi thọ có thể ảnh hưởng đến việc quyết định phương pháp điều trị. Ví dụ, nếu cần thay van tim, các van sinh học làm từ mô lợn, bò, hoặc người thường chỉ sử dụng được từ 10–15 năm. Đối với người có kỳ vọng sống lâu hơn, van cơ học có thể là lựa chọn tốt hơn vì có độ bền lớn hơn, giảm thiểu nguy cơ phải phẫu thuật lại.
Làm thế nào để phòng ngừa bệnh van tim?
Không phải tất cả vấn đề về van tim đều có thể phòng ngừa, nhưng bạn có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh bằng cách:
- Ăn chế độ ăn tốt cho tim mạch.
- Hoạt động thể chất thường xuyên, phù hợp với khả năng của cơ thể.
- Duy trì cân nặng hợp lý.
- Không hút thuốc lá.
- Kiểm soát căng thẳng bằng các phương pháp như thiền, viết nhật ký, hoặc tham gia các hoạt động thể chất.
- Vệ sinh răng miệng và da tốt để ngăn ngừa nhiễm trùng.
- Dùng thuốc đúng cách, bao gồm:
- Uống đủ liều kháng sinh khi bị viêm họng do liên cầu khuẩn.
- Uống thuốc kê đơn để điều trị các bệnh như cao huyết áp hoặc tiểu đường.
Các bệnh tim mạch khác có tính di truyền là gì?
Một số ví dụ về các bệnh tim mạch di truyền là:
- Bệnh cơ tim phì đại: Làm cơ tim dày lên.
- Bệnh cơ tim giãn nở: Một số dạng khiến tâm thất trái yếu đi, giãn nở hay bị căng ra.
- Bệnh cơ tim thất phải gây loạn nhịp tim: Mô mỡ và mô sợi thay thế mô cơ tim ở thất phải.
- Bệnh cơ tim hạn chế: Tâm thất trở nên cứng lại và không giãn nở để chứa đủ máu.
- Hội chứng QT dài và ngắn: Ảnh hưởng đến hoạt động điện và nhịp tim.
- Hội chứng Brugada: Gây rối loạn nhịp tim ở tâm thất.
- Nhịp nhanh thất đa hình do catecholamine: Làm ra nhịp tim nhanh bất thường.
Kết luận
Bệnh van tim xảy ra khi một hoặc nhiều van tim không hoạt động đúng chức năng. Bạn có thể mắc bệnh van tim bẩm sinh (nghĩa là sinh ra đã có) hoặc mắc phải bệnh này trong các giai đoạn sau của cuộc đời.
Nếu bạn có tiền sử gia đình mắc bệnh van tim hoặc có các yếu tố nguy cơ gây bệnh, hãy trao đổi với bác sĩ để quản lý các yếu tố này.
Ngoài ra, bạn có thể tự chăm sóc sức khoẻ tim mạch bằng cách ăn uống lành mạnh, tập thể dục cũng như kiểm soát căng thẳng đúng cách.

Bệnh cơ tim phì đại (HCM) là một bệnh tim di truyền khiến tim khó có thể bơm máu hiệu quả. Xét nghiệm di truyền thường được khuyến nghị cho các thành viên trong gia đình của người mắc bệnh HCM.

Bệnh cơ tim phì đại (HCM) là một bệnh tim di truyền khiến thành của tâm thất trái bị dày lên và bị cứng lại. Không phải lúc nào bệnh cũng có triệu chứng. Tuy nhiên, tiếng thổi ở tim là một dấu hiệu điển hình ở những người có triệu chứng của HCM.

Bệnh cơ tim là một tình trạng ảnh hưởng đến cơ tim, khiến tim khó bơm máu đi khắp cơ thể. Một số loại bệnh cơ tim có thể di truyền trong gia đình.

Bệnh van tim không phải lúc nào cũng cần phải phẫu thuật. Một số trường hợp chỉ cần áp dụng những phương pháp điều trị không phẫu thuật như sử dụng thuốc, thay đổi lối sống, hoặc các thủ thuật xâm lấn tối thiểu.

Thuốc có thể giúp kiểm soát một số triệu chứng của bệnh van tim và hỗ trợ cải thiện chức năng tim. Tuy nhiên, hiện không có loại thuốc nào có thể điều trị hoặc chữa khỏi hoàn toàn các vấn đề về van tim cụ thể.