Có nên thực hiện các xét nghiệm kiểm tra bệnh tim không?

Bệnh tim là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại Hoa Kỳ, chiếm 1/5 số ca tử vong chỉ trong năm 2020.
Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) khuyến nghị nên bắt đầu kiểm tra sức khỏe tim mạch từ năm 20 tuổi và theo dõi định kỳ dựa trên:
- Kết quả xét nghiệm
- Tình trạng sức khỏe cá nhân
- Tiền sử gia đình
Mục tiêu của việc sàng lọc là phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ gây bệnh tim để bạn và bác sĩ có thể lên kế hoạch để kịp thời bảo vệ sức khỏe tim mạch.
Dù không thể ngăn ngừa hoàn toàn tất cả các loại bệnh tim nhưng bạn có thể kiểm soát sức khỏe tim mạch bằng cách theo dõi thường xuyên. Điều này giúp bạn có thể điều chỉnh lối sống hoặc bắt đầu điều trị trước khi xảy ra biến chứng.
Bài viết này sẽ phân tích các phương pháp xét nghiệm để kiểm tra sức khỏe tim mạch, bao gồm những xét nghiệm mà bác sĩ có thể đề nghị nếu phát hiện dấu hiệu cảnh báo bệnh tim.
Kiểm tra định kỳ sức khỏe tim mạch
Như đã đề cập, Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) khuyến nghị thực hiện sàng lọc tim mạch định kỳ từ năm 20 tuổi. Việc này có thể được tiến hành trong các buổi kiểm tra sức khỏe tổng quát hàng năm với bác sĩ.
Mục tiêu của các xét nghiệm này là đánh giá nguy cơ mắc bệnh tim dựa trên nhiều yếu tố nguy cơ khác nhau. Những yếu tố nguy cơ phổ biến nhất bao gồm:
- Huyết áp cao
- Cholesterol cao
- Bệnh tiểu đường
- Thừa cân, béo phì
- Hút thuốc lá (đang hút hoặc đã từng hút)
- Chế độ ăn nhiều đường, muối, chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa
- Ít vận động
- Uống rượu quá mức
- Tiền sử gia đình có người mắc bệnh tim từ khi còn trẻ
Việc sàng lọc định kỳ bao gồm nhiều loại xét nghiệm để đánh giá các yếu tố này và cung cấp thông tin cho bác sĩ về sức khỏe tim mạch của bạn.
Tiền sử bệnh
Việc khai thác tiền sử bệnh chi tiết sẽ giúp bác sĩ xác định được các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim.
Bác sĩ có thể hỏi thông tin về mức độ hoạt động thể chất, chế độ ăn uống, thói quen hút thuốc (nếu có) và mức tiêu thụ rượu. Các thói quen sinh hoạt hiện tại cũng sẽ được xem xét trong mỗi lần thăm khám.
Khám lâm sàng
Khám lâm sàng giúp bác sĩ đánh giá các yếu tố khác có thể góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, bao gồm huyết áp cao và cân nặng.
- Đo huyết áp
Huyết áp cao (tăng huyết áp) là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu gây bệnh tim. Bạn nên theo dõi huyết áp thường xuyên (ít nhất mỗi năm một lần) để được bác sĩ can thiệp sớm nếu huyết áp tăng cao, giảm nguy cơ xảy ra các biến chứng nghiêm trọng.
Bác sĩ sử dụng một vòng bít bơm hơi quấn quanh cánh tay để đo huyết áp. Trong khi đo, bác sĩ sẽ tiến hành bơm hơi vòng bít, rồi sau đó xả hơi từ từ để xác định huyết áp.
Huyết áp được tính bằng đơn vị mmHg. Kết quả đo được chia thành các huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương:
Huyết áp | Huyết áp tâm thu (mmHg) |
Huyết áp tâm trương (mmHg) |
Bình thường | Dưới 120 |
Dưới 80 |
Tiền tăng huyết áp | 120–129 |
Dưới 80 |
Tăng huyết áp giai đoạn 1 | 130–139 |
80–89 |
Tăng huyết áp giai đoạn 2 | Từ 140 trở lên |
Từ 90 trở lên |
Chỉ số huyết áp thường được đọc là "tâm thu trên tâm trương", ví dụ "120 trên 80". Nếu huyết áp đạt mức 180/120 mmHg, đây là tình trạng tăng huyết áp cấp cứu và cần can thiệp y tế ngay lập tức.
- Chỉ số BMI và vòng eo
Khám lâm sàng cũng thường bao gồm cả việc đánh giá cân nặng. Bác sĩ sẽ tính toán chỉ số khối cơ thể (BMI) dựa trên chiều cao và cân nặng.
Mặc dù cân nặng và BMI không phản ánh trực tiếp sức khỏe tim mạch nhưng người thừa cân hoặc béo phì sẽ có nguy cơ cao mắc phải các biến chứng về tim mạch, trong đó có bệnh tim.
Chỉ số BMI được chia thành 4 loại chính:
Phân loại |
Chỉ số BMI |
Gầy |
Dưới 18.5 |
Bình thường |
18.5–24.9 |
Thừa cân |
25.0–29.9 |
Béo phì |
30.0 trở lên |
Ngoài BMI, bác sĩ cũng có thể đo vòng eo để đánh giá lượng mỡ bụng. Đây cũng yếu tố ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh tim.
Mỡ tập trung ở vùng bụng có thể cho thấy gan cũng bị thừa mỡ. Điều này có thể dẫn đến bệnh gan như tình trạng gan nhiễm mỡ và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, ngay cả ở những người có BMI bình thường. Trong khi đó, những người béo phì nhưng có vòng eo nhỏ hơn lại ít có nguy cơ mắc bệnh tim hơn.
Giới tính |
Vòng eo khỏe mạnh |
Nam giới |
Dưới 40 inch (≈ 102 cm) |
Nữ giới (không mang thai) |
Dưới 35 inch (≈ 89 cm) |
Xét nghiệm máu
Xét nghiệm máu giúp bác sĩ đánh giá nồng độ của một số hợp chất trong máu có thể ảnh hưởng đến hoạt động của tim. Những xét nghiệm cần thiết bao gồm kiểm tra mức cholesterol và kiểm tra đường huyết
1. Kiểm tra cholesterol
Lượng cholesterol trong máu quá cao có thể tích tụ trong động mạch, làm hẹp lòng mạch và cản trở lưu thông máu. Nếu cholesterol tích tụ quá nhiều, cục máu đông có thể hình thành, gây tắc nghẽn động mạch và dẫn đến nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ.
Cholesterol được cơ thể sản xuất ở gan nhưng cũng có thể được bổ sung thêm từ thực phẩm. Nếu mức cholesterol quá cao, bác sĩ có thể đề nghị thay đổi chế độ ăn uống hoặc kê đơn thuốc để kiểm soát.
Một xét nghiệm máu cơ bản có thể đo được các chỉ số:
- Cholesterol HDL (tốt)
- Cholesterol LDL (xấu)
- Triglyceride
Bạn nên trao đổi với bác sĩ để hiểu ý nghĩa của kết quả xét nghiệm và xác định xem chỉ số của mình có nằm trong mức tiêu chuẩn hay không.
Mức cholesterol khi nhịn ăn nên được kiểm tra 4–6 năm một lần. Tuy nhiên, nếu bạn có nguy cơ cao mắc bệnh tim, bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm thường xuyên hơn.
2. Kiểm tra đường huyết
Nồng độ glucose trong máu cao có thể làm tăng nguy cơ kháng insulin, dẫn đến tiền tiểu đường hoặc tiểu đường tuýp 2.
Cả hai tình trạng này đều có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch. Đường huyết cao cũng có thể làm tổn thương mạch máu, dẫn đến hình thành cục máu đông và gây tắc nghẽn mạch.
Một xét nghiệm máu đơn giản có thể giúp xác định mức đường huyết, thường được tính bằng mg/dL.
Phân loại |
Chỉ số |
A1C bình thường |
Dưới 5,7% |
Đường huyết lúc đói bình thường |
≤ 99 mg/dL |
Đường huyết sau nghiệm pháp dung nạp glucose bình thường |
≤ 140 mg/dL |
Các chỉ số cao hơn có thể là dấu hiệu cảnh báo tiền tiểu đường hoặc tiểu đường.
Xét nghiệm đường huyết được khuyến nghị 3 năm một lần từ tuổi 45. Tuy nhiên, nếu bạn có nguy cơ cao mắc bệnh tim, bác sĩ có thể yêu cầu kiểm tra sớm hơn hoặc thường xuyên hơn.
Xét nghiệm bổ sung
Nếu kết quả kiểm tra định kỳ cho thấy bạn có dấu hiệu sớm của bệnh tim hoặc có nguy cơ cao mắc bệnh tim, bác sĩ có thể đề nghị thực hiện các xét nghiệm bổ sung để đánh giá sức khỏe tim mạch.
Một số xét nghiệm này có thể được thực hiện bởi bác sĩ chăm sóc ban đầu nhưng những xét nghiệm chuyên sâu hơn có thể cần đến bác sĩ chuyên khoa tim mạch.
Theo dõi hoạt động của tim
Điện tâm đồ (ECG hoặc EKG) được sử dụng để phát hiện bất thường trong nhịp tim.
Khi thực hiện xét nghiệm này, bác sĩ sẽ gắn các miếng dán có cảm biến điện cực lên ngực, cánh tay và chân của bệnh nhân để theo dõi hoạt động điện của tim.
Máy Holter là một thiết bị điện tâm đồ đeo được, giúp theo dõi liên tục hoạt động điện của tim trong 24–48 giờ hoặc thậm chí lâu hơn nếu cần. Thiết bị này giúp bác sĩ đánh giá nhịp tim của bạn trong các tình huống khác nhau theo thời gian.
Bác sĩ cũng có thể sử dụng điện tâm đồ để thực hiện nghiệm pháp gắng sức. Mục tiêu của xét nghiệm này là đánh giá hoạt động của tim khi chịu áp lực. Nếu bạn không thể vận động, bác sĩ có thể kê thuốc để kích thích tim đập nhanh hơn.
Hãy trao đổi với bác sĩ để hiểu rõ kết quả của các xét nghiệm đánh giá tình trạng tim mạch và ý nghĩa đối với sức khỏe của bạn.
Chẩn đoán hình ảnh tim mạch
Siêu âm tim là một dạng siêu âm giúp bác sĩ quan sát cấu trúc của tim. Thông qua hình ảnh động của tim, bác sĩ có thể kiểm tra kích thước, hình dạng, cũng như hoạt động của các buồng tim và van tim.
Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh không xâm lấn khác như chụp X-quang ngực, chụp cắt lớp vi tính (chụp CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) tim để đánh giá tình trạng tim mạch từ nhiều góc độ khác nhau.
Nếu các xét nghiệm khác cho thấy dấu hiệu của bệnh tim, bác sĩ có thể yêu cầu chụp mạch vành (coronary angiogram) để kiểm tra lưu lượng máu qua tim.
Trong thủ thuật này, bác sĩ sẽ đưa một ống thông vào mạch máu ở tay hoặc bẹn, sau đó luồn ống đến tim. Khi ống thông đến tim, một loại thuốc cản quang sẽ được tiêm vào, giúp hiển thị dòng chảy của máu thông qua kỹ thuật X-quang đặc biệt.
Chụp mạch vành cũng có thể được sử dụng để lấy mẫu mô tim hoặc thực hiện một số can thiệp phẫu thuật nhỏ nếu cần.
Bác sĩ sẽ giải thích kết quả của các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh và ý nghĩa của chúng đối với sức khỏe tim mạch của bạn.
Xét nghiệm di truyền
Xét nghiệm di truyền không phải là xét nghiệm thường được thực hiện khi đánh giá sức khỏe tim mạch. Tuy nhiên, một số người có nguy cơ cao mắc bệnh tim có thể được khuyến nghị xét nghiệm này.
Những người có nguy cơ cao mắc các bệnh tim di truyền, chẳng hạn như bệnh cơ tim phì đại (HCM), có thể được xem xét làm xét nghiệm di truyền. Nếu bạn có người thân trực hệ mắc bệnh cơ tim phì đại, hãy trao đổi với bác sĩ về việc tiến hành xét nghiệm di truyền.
Hãy cho bác sĩ biết các thông tin về tiền sử gia đình liên quan đến bệnh tim để xem có nên thực hiện xét nghiệm di truyền hay không. Nếu bạn tiến hành xét nghiệm, bác sĩ sẽ giúp bạn hiểu rõ kết quả và ý nghĩa của xét nghiệm đối với sức khỏe.
Kết luận
Bệnh tim có nhiều loại khác nhau và có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Kiểm tra sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm các vấn đề tiềm ẩn, giúp bạn có được chẩn đoán và thực hiện các biện pháp bảo vệ sức khỏe tim mạch kịp thời.

Mặc dù phương pháp chính để điều trị bệnh động mạch ngoại biên là dùng thuốc nhưng chế độ ăn uống cũng đóng vai trò quan trọng trong việc làm chậm tốc độ tiến triển của bệnh.

Đánh trống ngực có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trào ngược axit và bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) ít có khả năng là nguyên nhân trực tiếp, nhưng nếu bạn mắc GERD, nguy cơ bị đánh trống ngực có thể sẽ cao hơn.

Bệnh tim là một bệnh lý nghiêm trọng và có thể gây tử vong. Nếu có tiền sử gia đình mắc bệnh này, bạn nên duy trì lối sống lành mạnh như ăn uống cân bằng và hoạt động thể chất để bảo vệ tim mạch.

Đau nhức ở chân là cảm giác thường gặp ở hầu hết tất cả mọi người. Nguyên nhân có thể do chuột rút tạm thời, viêm khớp mãn tính, chấn thương cơ, hoặc tổn thương thần kinh kéo dài. Nếu bạn có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch, đau chân có thể là do bệnh động mạch ngoại biên (PAD), một dấu hiệu sớm của bệnh tim mạch. Dưới đây là mối liên hệ giữa sức khỏe tim mạch và tình trạng đau chân, giúp bạn xác định được liệu đau chân có phải là dấu hiệu của vấn đề tim mạch nghiêm trọng hay không.