10 bước cần thực hiện khi gia đình có tiền sử bệnh tim

Bệnh tim là một bệnh lý nghiêm trọng và có thể gây tử vong. Nếu có tiền sử gia đình mắc bệnh này, bạn nên duy trì lối sống lành mạnh như ăn uống cân bằng và hoạt động thể chất để bảo vệ tim mạch.
Hình ảnh 134 10 bước cần thực hiện khi gia đình có tiền sử bệnh tim

Bệnh tim là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại Hoa Kỳ. Năm 2020, cứ 5 ca tử vong thì có 1 ca liên quan đến bệnh tim.

Có một số yếu tố nguy cơ gây bệnh tim không thể thay đổi, như tuổi tác hoặc tiền sử gia đình. Tuy nhiên, bạn có thể kiểm soát những yếu tố khác như chế độ ăn uống hoặc mức độ vận động. Duy trì lối sống lành mạnh và theo dõi sức khỏe thường xuyên có thể giúp bảo vệ tim mạch.

Dưới đây là 10 điều bạn có thể làm để giảm nguy cơ đau tim hoặc đột quỵ nếu gia đình có tiền sử mắc bệnh tim.

1. Xác định nguy cơ của bản thân và gia đình

Một số bệnh tim có thể xảy ra do đột biến gen và di truyền trong gia đình, bao gồm:

  • Một số rối loạn nhịp tim, như hội chứng QT dài
  • Một số bệnh cơ tim, như bệnh cơ tim phì đại và loạn sản thất phải gây loạn nhịp
  • Tăng cholesterol máu gia đình

Điều quan trọng là cần phải nắm rõ tiền sử bệnh tim của gia đình và cung cấp thông tin này cho bác sĩ. Hãy hỏi người thân xem họ có mắc bệnh tim hay không, thời điểm được chẩn đoán hoặc từng gặp biến cố tim mạch.

Ngoài ra, hãy báo cho bác sĩ về những thành viên trong gia đình đã đột ngột qua đời, kể cả do tai nạn giao thông hoặc chết đuối, vì có thể liên quan đến đột tử do tim.

Bạn cũng nên cân nhắc các yếu tố nguy cơ của bản thân, bao gồm:

  • Tuổi tác
  • Giới tính sinh học
  • Chủng tộc
  • Cân nặng
  • Mức cholesterol
  • Huyết áp
  • Tiền sử bệnh tiểu đường tuýp 2
  • Hút thuốc lá
  • Uống rượu (lượng tiêu thụ và tần suất)

Sau khi xác định các yếu tố nguy cơ, bạn có thể trao đổi với bác sĩ để có kế hoạch kiểm soát phù hợp.

2. Trao đổi với bác sĩ về xét nghiệm di truyền

Xét nghiệm di truyền có thể giúp phát hiện một số bệnh tim di truyền, chẳng hạn như bệnh cơ tim hoặc rối loạn nhịp tim. Xét nghiệm này sử dụng mẫu máu hoặc nước bọt để xác định đột biến gen gây bệnh.

Bác sĩ có thể đề nghị xét nghiệm nếu bạn có triệu chứng của bệnh tim di truyền hoặc có người thân mắc bệnh. Kết quả xét nghiệm giúp xác định xem bạn có cần điều trị hay không.

Bác sĩ chuyên tư vấn các vấn đề về di truyền có thể giúp bạn hiểu rõ về tiền sử bệnh gia đình, ý nghĩa kết quả xét nghiệm và nguy cơ di truyền bệnh tim cho con cái.

3. Áp dụng chế độ ăn uống tốt cho tim mạch

Chế độ ăn uống lành mạnh có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim, ngay cả khi bạn có yếu tố di truyền. Một số thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa, cholesterol, đường và muối có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim.

Các thực phẩm có lợi cho tim mạch bao gồm:

  • Trái cây và rau xanh
  • Ngũ cốc nguyên hạt như yến mạch, lúa mạch, gạo lứt, quinoa
  • Các sản phẩm từ sữa ít béo
  • Các loại hạt
  • Dầu ăn ít chất béo bão hòa như dầu ô liu, dầu hạt cải

Một số chế độ ăn uống được chứng minh là có lợi cho tim mạch bao gồm:

  • Chế độ ăn Địa Trung Hải
  • Chế độ ăn DASH
  • Chế độ ăn chay và thuần chay
  • Chế độ ăn TLC

4. Tăng cường vận động

Tập thể dục giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim di truyền. Một nghiên cứu lớn tại Anh năm 2018 cho thấy những người hoạt động thể chất nhiều có nguy cơ đau tim hoặc đột quỵ thấp hơn, ngay cả khi có nguy cơ mắc bệnh tim di truyền.

Vận động có lợi cho tim mạch vì giúp:

  • Giảm huyết áp
  • Giảm LDL (cholesterol xấu)
  • Hỗ trợ kiểm soát cân nặng
  • Tăng hiệu quả sử dụng insulin của tế bào

Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) khuyến nghị mỗi tuần nên tập ít nhất 150 phút hoạt động thể chất cường độ trung bình hoặc 75 phút hoạt động thể chất cường độ cao

Tập các bài tập tăng cường sức mạnh (Strength training) cũng có lợi cho tim mạch. Một nghiên cứu cho thấy, chỉ cần tập tạ dưới 1 giờ mỗi tuần là có thể giảm 40–70% nguy cơ đau tim hoặc đột quỵ.

5. Đạt và duy trì cân nặng hợp lý

Thừa cân có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tim do nhiều nguyên nhân. Tình trạng này có thể đẩy nhanh quá trình hình thành mảng bám trong động mạch, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Ngoài ra, béo phì còn dẫn đến các yếu tố nguy cơ gây ra các vấn đề về tim mạch như:

  • Tăng cholesterol LDL (cholesterol xấu)
  • Tăng triglyceride
  • Huyết áp cao
  • Tiểu đường tuýp 2
  • Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn

Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA), chỉ số khối cơ thể (BMI) lý tưởng là 25. Chế độ ăn uống và tập luyện có thể giúp đưa BMI về mức khỏe mạnh. Nếu thay đổi lối sống không hiệu quả và BMI của bạn từ 40 trở lên, phẫu thuật giảm cân có thể là một giải pháp giúp giảm nguy cơ bệnh tim.

6. Tránh hút thuốc và khói thuốc thụ động

Hút thuốc là một trong những yếu tố nguy cơ lớn nhất gây ra các vấn đề về sức khỏe. Đây là nguyên nhân dẫn đến khoảng 1/3 số ca tử vong do bệnh tim. Hút thuốc càng nhiều và trong thời gian càng dài, nguy cơ mắc bệnh tim càng tăng.

Khói thuốc lá chứa hàng nghìn hóa chất, trong đó có những chất gây hại cho tim và mạch máu. Hút thuốc thụ động cũng nguy hiểm không kém, bao gồm cả việc tiếp xúc với các sản phẩm chứa nicotine như thuốc lá điện tử và vape.

Bỏ thuốc lá sẽ giúp mang lại lợi ích nhanh chóng. Nguy cơ mắc bệnh tim sẽ bắt đầu giảm ngay khi bạn ngừng hút thuốc. Sau một năm không hút thuốc, nguy cơ đau tim có thể giảm đáng kể.

Nếu cần hỗ trợ cai thuốc, bạn hãy trao đổi với bác sĩ để được hỗ trợ.

7. Hạn chế uống rượu

Rượu có thể được coi là tốt cho tim mạch. Tuy nhiên, uống rượu nhiều lại mang đến nhiều rủi ro hơn là lợi ích, đặc biệt là khi tiêu thụ quá mức.

Theo AHA, uống quá nhiều rượu có thể dẫn đến:

  • Huyết áp cao
  • Tăng triglyceride
  • Bệnh cơ tim
  • Rối loạn nhịp tim

Nếu gia đình bạn có tiền sử mắc bệnh tim, hãy hỏi bác sĩ xem bạn có thể uống rượu hay không. Với những người có nguy cơ trung bình, việc uống rượu có thể chấp nhận được nếu ở mức vừa phải (tối đa 1 ly/ngày đối với nữ và 2 ly/ngày đối với nam).

8. Đảm bảo giấc ngủ chất lượng

Những người ngủ không đủ giấc thường có nguy cơ cao mắc các vấn đề sức khỏe như cao huyết áp và béo phì – những yếu tố làm tăng nguy cơ bệnh tim.

Ngáy hoặc khó ngủ có thể là dấu hiệu của rối loạn giấc ngủ như mất ngủ hoặc ngưng thở khi ngủ. Cả hai tình trạng này đều có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim.

Ngủ đủ và chất lượng có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim dù bạn có yếu tố di truyền.

Một nghiên cứu năm 2020 cho thấy những người có nguy cơ mắc bệnh tim cao do di truyền nhưng ngủ đủ 7–8 tiếng mỗi đêm sẽ có nguy cơ bị bệnh tim thấp hơn so với những người có cùng nguy cơ di truyền nhưng ngủ không ngon giấc.

Một số mẹo giúp ngủ ngon hơn:

  • Đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày
  • Giữ phòng ngủ tối, mát mẻ và yên tĩnh
  • Ngừng ăn uống vài giờ trước khi đi ngủ
  • Tập thể dục vào buổi sáng hoặc đầu giờ chiều

9. Theo dõi các chỉ số sức khỏe

Huyết áp cao, cholesterol cao và tiểu đường tuýp 2 đều có thể dẫn đến bệnh tim. Bạn có thể kiểm soát yếu tố nguy cơ gây bệnh tim tốt hơn bằng cách theo dõi cân nặng và các chỉ số quan trọng khác như:

  • Tổng cholesterol, HDL (cholesterol tốt) và LDL (cholesterol xấu)
  • Huyết áp
  • Triglyceride
  • Đường huyết

Bạn có thể tự kiểm tra cân nặng và huyết áp tại nhà. Đối với cholesterol, triglyceride và đường huyết, bác sĩ có thể đo chỉ số thông qua xét nghiệm máu đơn giản. Nếu chỉ số ở mức cao, hãy thực hiện các biện pháp cần thiết để kiểm soát kịp thời.

10. Khám sức khỏe tim mạch định kỳ

Bệnh tim di truyền không phải lúc nào cũng có triệu chứng rõ ràng. Việc thăm khám bác sĩ để kiểm tra sức khỏe định kỳ sẽ giúp phát hiện và điều trị sớm trước khi bệnh tiến triển nghiêm trọng.

Kết luận

Nếu trong gia đình có người mắc bệnh tim, bạn cũng sẽ có nguy cơ bị bệnh cao hơn.

Để bảo vệ tim mạch, hãy theo dõi các chỉ số quan trọng như huyết áp và cholesterol, đồng thời duy trì lối sống lành mạnh với chế độ ăn uống và tập luyện phù hợp. Hãy phối hợp cùng bác sĩ để lên kế hoạch chăm sóc sức khỏe tim mạch hiệu quả.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Có nên thực hiện các xét nghiệm kiểm tra bệnh tim không?
Có nên thực hiện các xét nghiệm kiểm tra bệnh tim không?

Dù không thể ngăn ngừa hoàn toàn tất cả các loại bệnh tim nhưng bạn có thể kiểm soát sức khỏe tim mạch bằng cách theo dõi thường xuyên để có thể điều chỉnh lối sống hoặc bắt đầu điều trị trước khi xảy ra biến chứng.

Phẫu thuật thay van tim được thực hiện như thế nào?
Phẫu thuật thay van tim được thực hiện như thế nào?

Bệnh van tim là một dạng bệnh tim xảy ra khi một hoặc nhiều van trong bốn van tim không hoạt động đúng cách. Phẫu thuật thay van có thể là phương pháp được cân nhắc nếu các van tim bị suy yếu quá mức, bị sẹo, hoặc tổn thương đến mức không thể sửa chữa.

Những loại thực phẩm giúp kiểm soát bệnh động mạch ngoại biên
Những loại thực phẩm giúp kiểm soát bệnh động mạch ngoại biên

Mặc dù phương pháp chính để điều trị bệnh động mạch ngoại biên là dùng thuốc nhưng chế độ ăn uống cũng đóng vai trò quan trọng trong việc làm chậm tốc độ tiến triển của bệnh.

Đặt stent động mạch cảnh có tác dụng gì? Cần thực hiện khi nào?
Đặt stent động mạch cảnh có tác dụng gì? Cần thực hiện khi nào?

Đặt stent động mạch cảnh là một trong hai thủ thuật được sử dụng để điều trị hẹp động mạch cảnh. Thủ thuật này là một lựa chọn ít xâm lấn hơn và thời gian phục hồi nhanh hơn. Tuy nhiên, đặt stent động mạch cảnh vẫn có những rủi ro nhất định.

Bệnh mạch vành ba nhánh: Điều trị và tiên lượng
Bệnh mạch vành ba nhánh: Điều trị và tiên lượng

Bệnh mạch vành ba nhánh là một dạng bệnh mạch vành nghiêm trọng, làm tăng nguy cơ xảy ra biến chứng như nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Phương pháp điều trị bao gồm phẫu thuật, dùng thuốc và thay đổi lối sống.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây