1

9 lợi ích của vitamin B6 (pyridoxine)

Vitamin B6 là một loại vitamin tan trong nước mà cơ thể cần hấp thụ từ các loại thực phẩm hoặc viên uống bổ sung. Bổ sung đủ vitamin B6 là điều rất quan trọng để có sức khỏe tốt và thậm chí là để ngăn ngừa, điều trị một số bệnh.
9 lợi ích của vitamin B6 (pyridoxine) 9 lợi ích của vitamin B6 (pyridoxine)

Vitamin B6 là gì?

Vitamin B6, hay còn được gọi là pyridoxine, là một loại vitamin tan trong nước mà cơ thể cần cho nhiều quá trình quan trọng, ví dụ như chuyển hóa protein, chất béo và carbohydrate cũng như là quá trình tạo ra hồng cầu và chất dẫn truyền thần kinh.

Cơ thể con người không thể tự sản xuất vitamin B6 mà phải lấy từ thực phẩm hoặc viên uống bổ sung.

Hầu hết mọi người đều được cung cấp đủ lượng vitamin B6 cần thiết từ chế độ ăn uống nhưng một số người có nguy cơ cao bị thiếu hụt và có thể cần dùng viên uống bổ sung.

Bổ sung đủ vitamin B6 là điều rất quan trọng để có sức khỏe tốt và thậm chí là để ngăn ngừa, điều trị một số bệnh.

Dưới đây là 9 lợi ích đã được khoa học chứng minh của vitamin B6 đối với sức khỏe.

Xem thêm: Vitamin B: Vai trò, lượng tiêu thụ và nguồn thực phẩm

Các lợi ích của vitamin B6

1. Cải thiện tâm trạng và giảm các triệu chứng trầm cảm

Vitamin B6 đóng vai trò quan trọng đối với khả năng điều chỉnh tâm trạng.

Lý do một phần là vì cơ thể cần có vitamin này để tạo ra các chất dẫn truyền thần kinh điều chỉnh cảm xúc, gồm có serotonin, dopamine và axit gamma-aminobutyric (GABA).

Vitamin B6 còn góp phần làm giảm nồng độ homocysteine trong máu – đây là một loại axit amin có liên quan đến chứng trầm cảm và các vấn đề khác về sức khỏe tâm thần.

Một số nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa các triệu chứng trầm cảm với chế độ ăn ít vitamin B6 và nồng độ vitamin B6 trong máu ở mức thấp, đặc biệt là ở những người cao tuổi có nguy cơ thiếu vitamin B cao.

Một nghiên cứu ở 250 người lớn tuổi cho thấy rằng lượng vitamin B6 trong máu thấp làm tăng gấp đôi nguy cơ bị trầm cảm. (1)

Tuy nhiên, việc bổ sung vitamin B6 vẫn chưa được chứng minh là có hiệu quả trong việc ngăn ngừa hoặc điều trị bệnh trầm cảm.

Một nghiên cứu có đối chứng kéo dài 2 năm ở khoảng 300 nam giới lớn tuổi không bị trầm cảm đã cho thấy nguy cơ mắc chứng trầm cảm ở những người uống bổ sung vitamin B6, folate (vitamin B9) và vitamin B12 (cobalamin) không hề thấp hơn so với nhóm dùng giả dược. (2)

Tóm tắt: Lượng vitamin B6 thấp ở người lớn tuổi có liên quan đến chứng trầm cảm nhưng nghiên cứu không chứng minh rằng bổ sung vitamin B6 là một phương pháp hiệu quả để điều trị các dạng rối loạn tâm trạng.

2. Duy trì chức năng não bộ và giảm nguy cơ bệnh Alzheimer

Vitamin B6 giúp duy trì chức năng não bộ và ngăn ngừa bệnh Alzheimer.

Vitamin B6 làm giảm nồng độ homocysteine trong máu mà mức homocysteine cao có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer.

Một nghiên cứu ở 156 người trưởng thành có mức homocysteine cao và bị suy giảm nhận thức nhẹ đã cho thấy rằng việc bổ sung liều cao vitamin B6, B12 và folate (vitamin B9) làm giảm homocysteine và hạn chế sự thoái hóa ở một số vùng não thường có liên quan đến bệnh Alzheimer. (3)

Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu việc giảm lượng homocysteine ​​có giúp cải thiện chức năng não hay làm chậm tốc độ suy giảm nhận thức không.

Trong một thử nghiệm được thực hiện trên 400 người lớn tuổi mắc bệnh Alzheimer mức độ từ nhẹ đến vừa, vitamin B6, B12 và folate liều cao giúp làm giảm lượng homocysteine nhưng không làm chậm sự suy giảm chức năng não bộ so với giả dược.

Ngoài ra, một bản đánh giá tổng hợp 19 nghiên cứu đã kết luận rằng việc bổ sung vitamin B6, B12 và folate đơn lẻ hoặc kết hợp không giúp cải thiện chức năng não bộ hay giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer.

Cần có thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa để hiểu rõ hơn về vai trò của loại vitamin này trong việc làm giảm mức homocysteine và cải thiện sức khỏe não bộ.

Tóm tắt: Vitamin B6 có thể ngăn ngừa sự suy giảm chức năng não và giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer bằng cách làm giảm mức homocysteine. Tuy nhiên, cần nghiên cứu thêm để chứng minh tác dụng cải thiện sức khỏe não bộ của vitamin B6.

3. Ngăn ngừa và điều trị thiếu máu

Do có vai trò quan trọng trong quá trình sản xuất hemoglobin (huyết sắc tố) nên vitamin B6 có thể giúp ngăn ngừa và điều trị tình trạng thiếu máu do thiếu hụt chất dinh dưỡng này.

Hemoglobin là một loại protein cung cấp oxy đến các tế bào trong cơ thể. Khi có lượng hemoglobin thấp thì các tế bào sẽ không nhận được đủ oxy. Kết quả là bị thiếu máu với các triệu chứng như mệt mỏi, suy nhược, chóng mặt, khó thở…

Các nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa lượng vitamin B6 thấp với bệnh thiếu máu, đặc biệt là ở phụ nữ mang thai và phụ nữ trong độ tuổi sinh sản.

Tuy nhiên, sự thiếu hụt vitamin B6 ít khi xảy ra ở người trưởng thành khỏe mạnh. Do đó, mới chỉ có rất ít nghiên cứu về việc sử dụng vitamin B6 để điều trị thiếu máu.

Một case study ở một phụ nữ 72 tuổi bị thiếu máu do thiếu vitamin B6 cho thấy rằng việc bổ sung dạng vitamin B6 hoạt động mạnh nhất đã giúp cải thiện các triệu chứng thiếu máu.

Một nghiên cứu khác cho thấy rằng uống 75 mg vitamin B6 mỗi ngày trong thời gian mang thai giúp làm giảm các triệu chứng thiếu máu ở 56 phụ nữ không đáp ứng với viên uống bổ sung sắt. (4)

Cần có thêm nghiên cứu để chứng minh hiệu quả của vitamin B6 trong việc điều trị thiếu máu ở các nhóm đối tượng khác ngoài những người có nguy cơ cao thiếu hụt vitamin B (phụ nữ mang thai và người cao tuổi).

Tóm tắt: Không bổ sung đủ vitamin B6 có thể dẫn đến lượng huyết sắc tố thấp và thiếu máu. Vì vậy, bổ sung loại vitamin này có thể ngăn ngừa hoặc điều trị thiếu máu.

4. Giúp làm giảm hội chứng tiền kinh nguyệt

Vitamin B6 được sử dụng để điều trị các triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS), ví dụ như lo âu, buồn bã và cáu kỉnh.

Theo các nhà nghiên cứu, sở dĩ vitamin B6 có thể làm giảm các triệu chứng cảm xúc của hội chứng tiền kinh nguyệt là vì loại vitamin này tham gia vào quá trình tạo ra chất dẫn truyền thần kinh điều chỉnh tâm trạng.

Một nghiên cứu kéo dài 3 tháng ở hơn 60 phụ nữ trong độ tuổi sinh sản cho thấy uống 50 mg vitamin B6 mỗi ngày đã giúp giảm gần 70% các triệu chứng tiền kinh nguyệt như buồn bã, thay đổi tâm trạng thất thường và mệt mỏi. (5)

Tuy nhiên, những phụ nữ được dùng giả dược cũng nhận thấy các triệu chứng tiền kinh nguyệt có sự cải thiện. Điều này cho thấy rằng tác dụng của việc bổ sung vitamin B6 có thể một phần là do hiệu ứng giả dược.

Một nghiên cứu nhỏ khác cho thấy việc bổ sung 50 mg vitamin B6 cùng với 200 mg magiê mỗi ngày làm giảm đáng kể các triệu chứng tiền kinh nguyệt như thay đổi tâm trạng, dễ cáu gắt và lo âu trong một chu kỳ kinh nguyệt.

Mặc dù những kết quả này đều rất khả quan nhưng các nghiên cứu nói trên được thực hiện ở quy mô nhỏ và trong thời gian ngắn. Vì thế cần phải nghiên cứu thêm về tính an toàn và hiệu quả của vitamin B6 trong việc cải thiện hội chứng tiền kinh nguyệt.

Tóm tắt: Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng bổ sung vitamin B6 có thể giúp làm giảm lo âu và các triệu chứng về cảm xúc khác của hội chứng tiền kinh nguyệt vì chất dinh dưỡng này có vai trò quan trọng trong quá trình tạo ra các chất dẫn truyền thần kinh.

5. Giúp giảm ốm nghén

Từ lâu vitamin B6 đã được sử dụng để khắc phục tình trạng buồn nôn và nôn (ốm nghén) trong thai kỳ.

Trên thực tế, vitamin B6 là một thành phần có trong một số loại thuốc trị chứng ốm nghén.

Các nghiên cứu vẫn chưa tìm ra cơ chế chính xác lý giải cho tác dụng giảm ốm nghén của vitamin B6 nhưng có khả năng là do loại vitamin nhóm B này có tác động lớn đến thai kỳ.

Một nghiên cứu ở 342 phụ nữ trong 17 tuần đầu của thai kỳ cho thấy rằng việc bổ sung 30 mg vitamin B6 hàng ngày giúp làm giảm đáng kể cảm giác buồn nôn so với giả dược chỉ sau 5 ngày. (6)

Một nghiên cứu khác đã so sánh tác động của gừng và vitamin B6 trong việc giảm cảm giác buồn nôn ở 126 phụ nữ mang thai. Kết quả cho thấy uống 75 mg vitamin B6 mỗi ngày giúp làm giảm 31% tình trạng buồn nôn và nôn sau 4 ngày. (7)

Những nghiên cứu này cho thấy rằng vitamin B6 có hiệu quả trong việc điều trị chứng ốm nghén ngay cả khi chỉ mới bổ sung được một thời gian ngắn.

Nếu có ý định uống vitamin B6 để giảm ốm nghén thì nên hỏi ý kiến bác sĩ trước.

Tóm tắt: Bổ sung vitamin B6 với liều lượng 30 – 75 mg mỗi ngày là một phương pháp hiệu quả để giảm ốm nghén trong thời gian mang thai.

6. Ngăn ngừa tắc nghẽn động mạch và giảm nguy cơ bệnh tim mạch

Vitamin B6 có thể ngăn ngừa tắc nghẽn động mạch và giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Nghiên cứu cho thấy những người có lượng vitamin B6 trong máu thấp có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn gần như gấp đôi so với những người có đủ vitamin B6. (8)

Điều này có thể là do vitamin B6 giúp làm giảm lượng homocysteine – loại axit amin làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh, gồm có cả bệnh tim mạch.

Một nghiên cứu cho thấy những con chuột bị thiếu vitamin B6 có lượng cholesterol trong máu cao hơn và dễ hình thành các tổn thương gây tắc nghẽn động mạch hơn sau khi tiếp xúc với homocysteine so với những con chuột có đủ vitamin B6.

Nghiên cứu trên người cũng cho thấy tác dụng của vitamin B6 trong việc ngăn ngừa bệnh tim mạch.

Trong một thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng được thực hiện ở 158 người trưởng thành khỏe mạnh có anh chị em mắc bệnh tim mạch, những người tham gia được chia thành hai nhóm, một nhóm uống 250 mg vitamin B6 cùng với 5 mg axit folic (vitamin B9) mỗi ngày trong vòng 2 năm trong khi nhóm còn lại dùng giả dược.

Kết quả cho thấy nhóm bổ sung vitamin B6 và axit folic có mức homocysteine thấp hơn và kết quả stress test (phương pháp kiểm tra hoạt động của tim khi hoạt động thể chất) ít bất thường hơn so với nhóm dùng giả dược. Nhờ đó mà nhóm này có nguy cơ mắc bệnh tim mạch thấp hơn. (9)

Tóm tắt: Vitamin B6 có thể giúp giảm mức homocysteine và nhờ đó giảm nguy cơ tắc nghẽn động mạch. Điều này dẫn đến nguy cơ mắc bệnh tim mạch thấp hơn.

7. Giảm nguy cơ ung thư

Bổ sung đủ vitamin B6 có thể làm giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư.

Chưa rõ lý do tại sao loại vitamin này lại có thể giúp ngăn ngừa ung thư nhưng theo các nhà nghiên cứu thì đó là nhờ vitamin B6 có khả năng làm giảm phản ứng viêm – yếu tố góp phần gây ra ung thư và các bệnh mãn tính khác.

Một bản đánh giá gồm có 12 nghiên cứu đã cho thấy rằng cả chế độ ăn giàu vitamin B6 và lượng vitamin B6 trong máu cao đều giúp làm giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng. Những người có lượng vitamin B6 trong máu ở mức cao nhất có nguy cơ mắc loại ung thư này thấp hơn gần 50% so với những người có mức vitamin B6 thấp nhất. (10)

Nghiên cứu về vitamin B6 và bệnh ung thư vú cũng cho thấy lượng vitamin B6 trong máu ở mức bìnhh thường giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh, đặc biệt là ở phụ nữ sau mãn kinh.

Tuy nhiên, vẫn cần có thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa, bao gồm cả các thử nghiệm chứ không chỉ nghiên cứu quan sát để đánh giá chính xác vai trò của vitamin B6 trong việc ngăn ngừa ung thư.

Tóm tắt: Một số nghiên cứu quan sát cho thấy rằng chế độ ăn uống giàu vitamin B6 và lượng vitamin B6 trong máu cao giúp làm giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư nhưng vẫn cần nghiên cứu thêm.

8. Bảo vệ sức khỏe mắt và ngăn ngừa các bệnh về mắt

Ngoài vitamin A, vitamin B6 cũng là một loại vitamin có vai trò quan trọng đối với thị lực và giúp ngăn ngừa các bệnh về mắt, đặc biệt là bệnh thoái hóa điểm vàng do lão hóa - một dạng suy giảm thị lực chủ yếu xảy ra ở người lớn tuổi.

Các nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa nồng độ homocysteine trong máu cao với nguy cơ cao mắc bệnh này.

Vì vitamin B6 giúp giảm homocysteine trong máu nên việc bổ sung đủ vitamin B6 có thể làm giảm nguy cơ thoái hóa điểm vàng do lão hóa.

Một nghiên cứu kéo dài 7 năm được thực hiện ở 5.400 phụ nữ đã cho thấy rằng việc bổ sung vitamin B6, B12 và axit folic (vitamin B9) giúp làm giảm đáng kể nguy cơ thoái hóa điểm vàng do lão hóa (từ 35 – 40%) so với giả dược. (11)

Tuy nhiên, lợi ích này có được khi bổ sung 3 loại vitamin B khác nhau nên chưa thể kết luận liệu nếu chỉ bổ sung vitamin B6 thì có mang lại kết quả tương tự hay không.

Nghiên cứu cũng chỉ ra mối liên hệ giữa lượng vitamin B6 trong máu thấp với các vấn đề về mắt xảy ra do các tĩnh mạch đến võng mạc bị tắc nghẽn. Một nghiên cứu có đối chứng được thực hiện ở 500 người cho thấy những người có lượng vitamin B6 trong máu ở mức thấp nhất có nguy cơ bị các bệnh về võng mạc cao hơn đáng kể so với những người có đủ vitamin B6.

Tóm tắt: Bổ sung vitamin B6 có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh thoái hóa điểm vàng do lão hóa. Ngoài ra, có đủ vitamin B6 giúp ngăn ngừa các vấn đề ảnh hưởng đến võng mạc. Tuy nhiên, vẫn cần nghiên cứu thêm để chứng minh tác dụng này.

9. Cải thiện triệu chứng viêm khớp dạng thấp

Vitamin B6 có thể giúp giảm các triệu chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp.

Mức độ phản ứng viêm cao trong cơ thể do viêm khớp dạng thấp có thể làm giảm lượng vitamin B6.

Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu bổ sung vitamin B6 có làm giảm viêm ở những người bị bệnh này hay không.

Một nghiên cứu kéo dài 30 ngày ở 36 người lớn bị viêm khớp dạng thấp cho thấy việc bổ sung 50 mg vitamin B6 mỗi ngày giúp làm tăng mức vitamin B6 trong máu nhưng không làm giảm sự sản sinh các phân tử gây viêm trong cơ thể. (12)

Trong một nghiên cứu khác cũng được thực hiện ở những người bị viêm khớp dạng thấp, người tham gia được chia làm hai nhóm, một nhóm chỉ bổ sung 5 mg axit folic trong khi nhóm còn lại bổ sung 100 mg vitamin B6 cùng với 5 mg axit folic mỗi ngày. Sau 12 tuần, nhóm bổ sung cả vitamin B6 và axit folic có lượng phân tử gây viêm thấp hơn đáng kể so với nhóm chỉ bổ sung axit folic. (13)

Nguyên nhân khiến các nghiên cứu này cho kết quả khác nhau có thể là do sự khác biệt về liều lượng vitamin B6 và thời gian diễn ra nghiên cứu.

Mặc dù việc bổ sung vitamin B6 liều cao có thể mang lại lợi ích chống viêm cho những người bị viêm khớp dạng thấp nhưng vẫn cần phải nghiên cứu thêm.

Tóm tắt: Phản ứng viêm do viêm khớp dạng thấp có thể làm giảm lượng vitamin B6 trong cơ thể. Bổ sung vitamin B6 liều cao sẽ giúp khắc phục tình trạng thiếu hụt và giảm viêm nhưng cần phải nghiên cứu thêm để chứng minh tác dụng của loại vitamin này trong điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp.

Thiếu vitamin B6

Tình trạng thiếu vitamin B6 hiện nay không còn phổ biến nhưng vẫn có thể xảy ra ở những người có khả năng hấp thụ kém hoặc đang dùng estrogen, corticoid, thuốc chống động kinh và một số loại thuốc khác.

Những người bị thiếu vitamin B6 thường cũng bị thiếu các vitamin B khác, chẳng hạn như vitamin B12 và vitamin B9.

Uống quá nhiều rượu trong thời gian dài có thể dẫn đến thiếu vitamin B6 và các vấn đề khác như suy giáp và tiểu đường.

Các dấu hiệu cho thấy cơ thể đang bị thiếu vitamin B6 gồm có:

  • Bệnh thần kinh ngoại biên với các triệu chứng như châm chích, tê và đau ở bàn tay và bàn chân
  • Thiếu máu
  • Co giật
  • Lo âu, phiền muộn
  • Lú lẫn
  • Sức đề kháng yếu

Trong một số trường hợp, thiếu vitamin B6 có thể dẫn đến các vấn đề như:

  • Viêm da tiết bã
  • Viêm lưỡi
  • Viêm khóe miệng

Ở trẻ sơ sinh bị thiếu vitamin B6, tình trạng co giật có thể vẫn tiếp diễn ngay cả khi đã điều trị bằng thuốc chống co giật.

Một số vấn đề do thiếu vitamin B6, chẳng hạn như bệnh thần kinh ngoại vi, có thể kéo dài suốt đời.

Các cách bổ sung vitamin B6

Có thể cung cấp vitamin B6 cho cơ thể từ các loại thực phẩm hoặc viên uống bổ sung.

Ở người trên 19 tuổi, lượng tiêu thụ khuyến nghị hàng ngày (RDA) đối với vitamin B6 là 1,3 - 1,7 mg. Ở hầu hết người trưởng thành khỏe mạnh, chế độ ăn hàng ngày có thể dễ dàng đáp ứng mức khuyến nghị này miễn là ăn uống cân bằng, lành mạnh và mỗi bữa có ít nhất 1 – 2 loại thực phẩm giàu vitamin B6.

Một số loại thực phẩm giàu vitamin B6 gồm có:

  • Sữa và sản phẩm từ sữa
  • Cá hồi
  • Ức gà
  • Thịt lợn
  • Thịt bò
  • Khoai lang
  • Khoai tây
  • Chuối
  • Quả bơ
  • Các loại quả hạch như hạt dẻ cười
  • Đậu phộng
  • Các loại đậu như đậu nành, đậu Hà Lan

Tuy nhiên, các nghiên cứu về tác dụng của vitamin B6 trong ngăn ngừa và điều trị các vấn đề sức khỏe đều sử dụng viên uống vitamin B6 chứ không phải các loại thực phẩm tự nhiên.

Trong các nghiên cứu về hội chứng tiền kinh nguyệt, ốm nghén và bệnh tim mạch, liều lượng vitamin B6 được sử dụng là 30 – 250 mg mỗi ngày.

Đây là mức liều lượng cao hơn nhiều so với lượng tiêu thụ khuyến nghị (RDA) và đôi khi vitamin B còn được kết hợp với các vitamin nhóm B khác. Do đó, rất khó để xác định liệu việc ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin B6 có mang lại các lợi ích cho sức khỏe giống như viên uống bổ sung hay không.

Nếu muốn bổ sung vitamin B6 để ngăn ngừa hoặc điều trị bệnh thì nên hỏi ý kiến bác sĩ để được tư vấn.

Tóm tắt: Ở hầu hết mọi người, chế độ ăn uống hàng ngày có thể cung cấp đủ lượng vitamin B6 mà cơ thể cần. Tuy nhiên, một số trường hợp sẽ cần dùng viên uống bổ sung để tăng lượng vitamin B6.

Tác dụng phụ của vitamin B6

Nguy cơ ngộ độc vitamin B6 từ các loại thực phẩm là rất thấp. Một người không thể ăn nhiều thực phẩm chứa vitamin B6 đến mức xảy ra ngộ độc.

Tuy nhiên, viên uống vitamin B6 có thể gây ra các tác dụng phụ nếu dùng liều quá lớn.

Bổ sung hơn 1.000 mg vitamin B6 mỗi ngày có thể gây tổn thương dây thần kinh và dẫn đến đau hoặc tê ở bàn tay, bàn chân.

Ngoài ra, bổ sung quá nhiều vitamin B6 còn có thể dẫn đến các tác dụng phụ như:

  • Giảm khả năng kiểm soát cơ hoặc phối hợp các chuyển động (mất điều hòa)
  • Tổn thương da đau đớn
  • Ợ chua và buồn nôn
  • Mắt nhạy cảm với ánh sáng
  • Khả năng cảm nhận đau đớn hoặc nhiệt độ kém

Một số tác dụng phụ này thậm chí có thể xảy ra khi chỉ bổ sung 100 – 300 mg vitamin B6 mỗi ngày.

Do nguy cơ xảy ra những vấn đề không mong muốn nên giới hạn trên (upper limit) đối với vitamin B6 là 100 mg mỗi ngày ở người trưởng thành. Giới hạn trên có nghĩa là lượng vitamin B6 tối đa mà một người có thể tiêu thụ mỗi ngày mà không gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe.

Liều lượng vitamin B6 được sử dụng để điều trị một số vấn đề sức khỏe hiếm khi vượt quá mức giới hạn này. Không nên sử dụng vượt quá mức liều lượng cho phép trừ khi có chỉ định của bác sĩ.

Viên uống vitamin B6 còn có thể tương tác với một số loại thuốc như:

  • Altretamine: Uống vitamin B6 cùng với loại thuốc hóa trị này có thể làm giảm hiệu quả của thuốc, đặc biệt là khi kết hợp với thuốc hóa trị cisplatin.
  • Thuốc an thần: Vitamin B6 có thể làm giảm hiệu quả của barbiturate – một nhóm thuốc ức chế hệ thần kinh trung ương.
  • Thuốc chống co giật: Vitamin B6 có thể làm giảm hiệu quả của fosphenytoin và phenytoin.
  • Levodopa: Không uống vitamin B6 cùng với levodopa – một loại thuốc điều trị bệnh Parkinson vì điều này có thể làm giảm hiệu quả của thuốc.

Tóm tắt: Bổ sung quá nhiều vitamin B6 có thể gây tổn thương dây thần kinh và một số tác dụng phụ khác. Giới hạn trên đối với vitamin B6 là 100 mg mỗi ngày. Vitamin B6 còn có thể tương tác với một số loại thuốc như thuốc hóa trị, thuốc an thần và thuốc chống co giật.

Tóm tắt bài viết

Vitamin B6 là một loại vitamin tan trong nước mà cơ thể cần hấp thụ từ các loại thực phẩm hoặc viên uống bổ sung.

Vitamin nhóm B này cần thiết cho nhiều quá trình trong cơ thể, gồm có quá trình sản xuất chất dẫn truyền thần kinh và điều chỉnh mức homocysteine.

Vitamin B6 liều cao được sử dụng để ngăn ngừa hoặc điều trị một số vấn đề sức khỏe, gồm có hội chứng tiền kinh nguyệt, bệnh thoái hóa điểm vàng do lão hóa và ốm nghén khi mang thai.

Cung cấp đủ vitamin B6 cho cơ thể từ chế độ ăn uống hàng ngày hoặc dùng viên uống bổ sung là điều rất quan trọng để có sức khỏe tốt và ngăn ngừa một số bệnh. Tuy nhiên, nếu dùng viên uống bổ sung thì không được vượt quá liều lượng cho phép để tránh xảy ra những vấn đề không mong muốn.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Vitamin D có thể làm giảm hội chứng ruột kích thích
Vitamin D có thể làm giảm hội chứng ruột kích thích

Các nghiên cứu đã phát hiện ra tình trạng thiếu hụt vitamin D ở nhiều người bị hội chứng ruột kích thích và việc bổ sung vitamin này có thể làm giảm các triệu chứng bệnh.

Mối liên hệ giữa vitamin D và bệnh tiểu đường tuýp 2
Mối liên hệ giữa vitamin D và bệnh tiểu đường tuýp 2

Các nghiên cứu đã phát hiện ra mối liên hệ giữa nồng độ vitamin D và mức insulin.

Bôi kem chống nắng làm tăng nguy cơ thiếu vitamin D?
Bôi kem chống nắng làm tăng nguy cơ thiếu vitamin D?

Chúng ta đều biết rằng bôi kem chống nắng là điều cần thiết, đặc biệt là vào mùa hè để bảo vệ da khỏi tác hại của tia UV và ngăn ngừa các vấn đề như cháy nắng, sạm nám và ung thư da. Tuy nhiên, vì cơ thể tổng hợp vitamin D khi da tiếp xúc với nắng nên nếu bôi kem chống nắng thì liệu có bị thiếu hụt vitamin D hay không?

Vitamin D có thể làm giảm các triệu chứng bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính
Vitamin D có thể làm giảm các triệu chứng bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính

Theo các chuyên gia, vitamin D có thể làm giảm các triệu chứng của bệnh phổi ở những người bị thiếu hụt loại vitamin này.

Vitamin D có thể làm giảm nguy cơ ung thư vú
Vitamin D có thể làm giảm nguy cơ ung thư vú

Một nghiên cứu đã cho thấy rằng nồng độ vitamin D trong máu cao có thể làm giảm nguy cơ ung thư vú.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây