1

8 loại thảo dược và thực phẩm chức năng điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu

Một số loại thảo dược và vitamin có thể giúp ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu và điều trị các trường hợp nhiễm trùng không phức tạp. Tuy nhiên, nếu như có các triệu chứng nghiêm trọng thì vẫn cần đến các phương pháp điều trị y tế như thuốc kháng sinh.

Nhiễm trùng đường tiết niệu (hay viêm đường tiết niệu) là một trong những bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn phổ biến nhất trên toàn thế giới. Ước tính có hơn 150 triệu người mắc nhiễm trùng đường tiết niệu mỗi năm.

Thủ phậm chính gây nhiễm trùng đường tiết niệu là vi khuẩn E. coli nhưng cũng có thể là do các loại vi khuẩn truyền nhiễm khác.

Bất kỳ ai cũng có thể bị nhiễm trùng đường tiết niệu nhưng phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 30 lần so với nam giới. Khoảng 40% phụ nữ bị nhiễm trùng đường tiết niệu ít nhất một lần trong đời.

Nhiễm trùng đường tiết niệu có thể xảy ra ở bất kỳ bộ phận nào của hệ tiết niệu, gồm có niệu đạo, bàng quang, niệu quản và thận nhưng nhiễm trùng thường bắt đầu ở các cơ quan của đường tiết niệu dưới, đó là bàng quang và niệu đạo.

Các triệu chứng phổ biến của nhiễm trùng đường tiết niệu gồm có:

  • Cảm giác nóng rát khi đi tiểu
  • Buồn tiểu liên tục, dữ dội
  • Nước tiểu đục, sẫm màu hoặc có máu
  • Sốt
  • Mệt mỏi
  • Đau ở vùng chậu, bụng dưới hoặc lưng

Nhiễm trùng đường tiết niệu thường được điều trị bằng thuốc kháng sinh nhưng tình trạng tái phát nhiễm trùng là rất phổ biến.

Hơn nữa, việc lạm dụng thuốc kháng sinh có thể gây ra những hậu quả về lâu dài, chẳng hạn như tiêu diệt những vi khuẩn có lợi trong đường tiết niệu và góp phần tạo ra những chủng vi khuẩn kháng kháng sinh.

Hãy đi khám càng sớm càng tốt khi có các triệu chứng nghi là nhiễm trùng đường tiết niệu, cho dù chỉ là những triệu chứng nhẹ. Tình trạng nhiễm trùng dù nhẹ cũng có thể nhanh chóng trở nên nghiêm trọng và thậm chí còn có khả năng gây tử vong nếu không được điều trị.

Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho thấy rằng có tới 42% trường hợp nhiễm trùng đường tiết niệu nhẹ và không phức tạp có thể tự khỏi mà không cần sử dụng thuốc kháng sinh.

Đối với những trường hợp nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát, người bệnh có thể sẽ phải dùng thuốc kháng sinh thường xuyên hoặc dài ngày. Và điều này có thể gây hại cho sức khỏe.

Vì thế nên nhiều người lựa chọn các biện pháp điều trị tự nhiên và điều trị thay thế để tránh phải sử dụng thuốc kháng sinh quá nhiều.

Dưới đây là 8 loại thảo dược và thực phẩm chức năng có nguồn gốc tự nhiên có thể giúp ngăn ngừa và điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu nhẹ.

1. D-mannose

D-mannose là một loại đường đơn thường được sử dụng để ngăn ngừa và điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu nhẹ.

D-mannose có tự nhiên trong nhiều loại thực phẩm, gồm có quả nam việt quất, táo và cam, ngoài ra còn được sản xuất dưới dạng thực phẩm chức năng. Một trong những công dụng của loại thực phẩm chức năng này là hỗ trợ điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu.

Chưa có nhiều thông tin về cơ chế tác dụng của D-mannose nhưng theo nhiều chuyên gia, D-mannose cản trở một số vi khuẩn truyền nhiễm bám dính vào các tế bào của đường tiết niệu, điều này khiến cho vi khuẩn dễ dàng bị đào thải ra ngoài trước khi kịp gây bệnh.

Cần nhiều nghiên cứu hơn nữa để tìm hiểu xem liệu D-mannose có thực sự giúp điều trị hay phòng ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu hay không. Tuy nhiên, một vài nghiên cứu nhỏ đã mang lại một số kết quả đầy hứa hẹn.

Một nghiên cứu vào năm 2016 đã đánh giá tác dụng của D-mannose trên 43 phụ nữ đang bị nhiễm trùng đường tiết niệu và có tiền sử nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát.

Trong 3 ngày đầu tiên, những người tham gia nghiên cứu dùng liều 1,5 gram D-mannose hai lần mỗi ngày, sau đó là một liều 1,5 gram/ngày trong 10 ngày tiếp theo. Sau 15 ngày, khoảng 90% số người tham gia đã khỏi nhiễm trùng. (1)

Mặc dù kết quả này rất khả quan nhưng nghiên cứu có kích thước mẫu nhỏ và không có nhóm đối chứng.

Một nghiên cứu vào năm 2013 được thực hiện trên 308 phụ nữ đã so sánh hiệu quả của liều 2 gram D-mannose hàng ngày với một số loại thuốc kháng sinh thường được sử dụng để ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát.

Sau 6 tháng, kết quả cho thấy D-mannose có hiệu quả tương đương thuốc kháng sinh trong việc ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát mà lại ít tác dụng phụ hơn.

Thực phẩm chức năng bổ sung D-mannose nhìn chung là an toàn và không gây ra bất kỳ tác dụng phụ nghiêm trọng nào. Tác dụng phụ phổ biến nhất là tiêu chảy nhẹ.

Tuy nhiên, vì D-mannose là một loại đường nên sẽ không phù hợp với những người có vấn đề về khả năng điều hòa lượng đường trong máu, ví dụ như người mắc bệnh tiểu đường.

Hiện tại chưa có đủ bằng chứng nghiên cứu để kết luận liều dùng D-mannose lý tưởng nhưng liều lượng được sử dụng trong hầu hết các nghiên cứu là 1,5 – 2 gram/lần, lên đến 3 lần mỗi ngày.

Tóm tắt: D-mannose là một loại đường tự nhiên có thể điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu bằng cách ngăn vi khuẩn truyền nhiễm bám vào các tế bào trong đường tiết niệu. Nghiên cứu ban đầu cho thấy rằng D-mannose có thể điều trị và ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu nhưng vẫn cần phải nghiên cứu thêm.

2. Dâu gấu (uva ursi)

Dâu gấu (uva ursi, tên khoa học là Arctostaphylos uva ursi) là một loại thảo dược từ lâu đã được sử dụng để điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu.

Đây là một loài cây bụi thường xanh được tìm thấy ở nhiều nơi tại Châu Âu, Châu Á và Bắc Mỹ.

Loài cây này ra quả mọng màu cam đỏ mà gấu rất thích ăn, vì thế nên mới có tên là dâu gấu. Bộ phận có công dụng chữa bệnh của cây dâu gấu là phần lá.

Sau khi được thu hoạch, lá cây dâu gấu được sấy khô, sau đó có thể dùng để pha trà hoặc người ta chiết xuất các hợp chất có lợi từ lá dâu gấu rồi sản xuất thành thực phẩm chức năng dạng viên nang hoặc viên nén.

Mặc dù một số hợp chất có trong cây dâu gấu đã cho thấy khả năng kháng khuẩn mạnh trong các nghiên cứu trong ống nghiệm nhưng hiện vẫn chưa có nhiều nghiên cứu chứng minh tác dụng của lá dâu gấu trong điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu.

Arbutin là hợp chất chính trong lá dâu gấu được ghi nhận là có khả năng chữa trị nhiễm trùng đường tiết niệu nhờ tác dụng kháng vi khuẩn E. coli — một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây nhiễm trùng đường tiết niệu.

Một nghiên cứu được thực hiện trên 57 phụ nữ cho thấy việc sử dụng thực phẩm chức năng chứa chứa xuất lá dâu gấu kết hợp với rễ bồ công anh giúp làm giảm đáng kể nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát so với giả dược. (2)

Tuy nhiên, một nghiên cứu ở 300 phụ nữ cho thấy chiết xuất lá dâu gấu và giả dược không có sự khác biệt về hiệu quả điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu.

Các nghiên cứu hiện có cho thấy chiết xuất lá dâu gấu tương đối an toàn khi dùng liều 200 – 840 mg arbutin hàng ngày.

Tuy nhiên, chưa có đủ nghiên cứu kiểm chứng tính an toàn về lâu dài của loại thảo dược này. Các chuyên gia khuyến cáo không nên dùng các sản phẩm chứa chiết xuất lá dâu gấu quá 2 tuần liên tiếp vì dùng lá dâu gấu trong thời gian dài có thể gây tổn thương gan và thận.

Tóm tắt: Lá cây dâu gấu (uva ursi) là loại vị thuốc từ lâu được sử dụng để điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu. Các nghiên cứu trong ống nghiệm đã phát hiện ra rằng lá dâu gấu chứa một số hợp chất có tác dụng kháng khuẩn mạnh nhưng các nghiên cứu trên người vẫn chưa cho kết quả đồng nhất.

3. Tỏi

Tỏi là một loại gia vị rất phổ biến và đồng thời cũng là một vị thuốc được dùng trong y học dan gian và y học cổ truyền để chữa trị nhiều chứng bệnh khác nhau như cảm lạnh, tiêu chảy, khó tiêu và cả nhiễm trùng đường tiết niệu.

Khả năng chữa bệnh của tỏi một phần đến từ allicin – một hợp chất chứa lưu huỳnh.

Trong các nghiên cứu trong ống nghiệm, allicin cho thấy tác dụng kháng khuẩn mạnh đối với nhiều loại vi khuẩn gây nhiễm trùng đường tiết niệu, bao gồm cả vi khuẩn E. coli.

Bằng chứng từ các báo cáo ca bệnh đơn lẻ cho thấy rằng tỏi có thể giúp điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu ở người nhưng vẫn cần nghiên cứu thêm để xác nhận những kết quả này và để hiểu rõ hơn về công dụng của tỏi trong điều trị và ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát cũng như xác định liều dùng lý tưởng.

Để có được các lợi ích của tỏi thì bạn có thể ăn tỏi hoặc dùng thực phẩm chức năng chứa dầu tỏi hay chiết xuất tỏi dạng viên nang.

Các loại thực phẩm chức năng chứa chiết xuất tỏi hay dầu tỏi nói chung là an toàn với hầu hết mọi người nhưng đôi khi vẫn gây tác dụng phụ như ợ nóng, hơi thở có mùi và mùi cơ thể.

Không dùng các sản phẩm này nếu bạn bị dị ứng với tỏi hoặc các loài thực vật cùng họ như hành tây, hẹ tây, hành lá, hẹ và tỏi tây.

Ngoài ra, thực phẩm chức năng tỏi có thể làm loãng máu và có thể tương tác với một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc chống đông máu và một số loại thuốc điều trị HIV. Nếu bạn đang dùng bất kỳ loại thuốc nào trong số này thì cần trao đổi với bác sĩ trước khi sử dụng tỏi để điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu.

Tóm tắt: Tỏi không chỉ là một loại gia vị mà còn là một vị thuốc chữa bệnh. Các nghiên cứu trong ống nghiệm và báo cáo ca bệnh cho thấy tác dụng kháng khuẩn của tỏi có thể giúp điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu nhưng cần có thêm nhiều nghiên cứu trên người hơn nữa để xác nhận lợi ích này.

4. Nam việt quất

Uống nước ép nam việt quất hay thực phẩm chức năng chứa chiết xuất nam việt quất là một trong những biện pháp tự nhiên để điều trị và ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu.

Quả nam việt quất chứa nhiều hợp chất hóa học có lợi, chẳng hạn như D-mannose, axit hippuric và anthocyanin. Những hợp chất này ngăn vi khuẩn truyền nhiễm bám vào niêm mạc đường tiết niệu, nhờ đó cản trở vi khuẩn phát triển và gây nhiễm trùng.

Các nghiên cứu trên động vật và ống nghiệm đã chứng minh rằng quả nam việt quất giúp ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu nhưng kết quả của các nghiên cứu trên người lại không được thuyết phục bằng.

Theo một tổng quan tài liệu vào năm 2012 gồm các nghiên cứu trên người về khả năng điều trị và ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu của các sản phẩm nam việt quất, hiện chưa có đủ bằng chứng để kết luận rằng nam việt quất có tác dụng này.

Tuy nhiên, các tác giả của nghiên cứu cũng lưu ý rằng rất khó đưa ra kết luận chính xác vì nhiều nghiên cứu không đảm bảo chất lượng, không có liều dùng tiêu chuẩn và sử dụng nhiều sản phẩm nam việt quất khác nhau.

Một tổng quan tài liệu khác vào năm 2019 cho thấy rằng mặc dù quả nam việt quất có thể giúp giảm nguy cơ và các triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu trong một số trường hợp nhưng hiệu quả vẫn không bằng các phương pháp điều trị khác, chẳng hạn như D-mannose và kháng sinh fosfomycin.

Nước ép nam việt quất và thực phẩm chức năng chứa chiết xuất nam việt quất an toàn với hầu hết mọi người nhưng đôi khi có thể gây ra vấn đề về tiêu hóa như đau bụng. Ngoài ra, sử dụng nam việt quất trong thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ sỏi thận.

Tiêu thụ quá nhiều nam việt quất sẽ làm tăng lượng calo và điều này có thể dẫn đến tăng cân. Dùng thực phẩm chức năng nam việt quất liều cao có thể ảnh hưởng đến một số loại thuốc làm loãng máu.

Tóm tắt: Nước ép nam việt quất và thực phẩm chức năng chứa chiết xuất nam việt quất là một phương pháp tự nhiên được sử dụng để điều trị và ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu nhưng các nghiên cứu không cho thấy hiệu quả vượt trội so với các phương pháp điều trị khác. Cần có thêm các nghiên cứu trên người để làm rõ tác dụng của các sản phẩm nam việt quất trong điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu.

5. Trà xanh

Trà xanh là một thức uống phổ biến ở nhiều nước Châu Á và ngày càng đang được ưa chuộng ở nhiều nơi khác trên thế giới. Trà xanh có nguồn gốc từ lá của cây trà (Camellia sinensis). Từ lâu trà xanh đã được biết đến là một loại đồ uống rất tốt cho sức khỏe.

Trà xanh chứa một nhóm hợp chất thực vật có tên là polyphenol, các hợp chất này có đặc tính kháng khuẩn và chống viêm mạnh.

Nghiên cứu trong ống nghiệm đã chứng minh epigallocatechin (EGC) - một hợp chất trong trà xanh - có tác dụng kháng khuẩn mạnh đối với các chủng E. coli gây nhiễm trùng đường tiết niệu.

Một số nghiên cứu trên động vật cũng phát hiện ra rằng chiết xuất trà xanh có chứa EGC giúp tăng hiệu quả của một số loại thuốc kháng sinh thường được sử dụng để điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu. (3)

Tuy nhiên, cần có thêm nghiên cứu thực hiện trên người để kiểm chứng công dụng điều trị và ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu của trà xanh.

Một cốc 240ml trà xanh chứa khoảng 150 mg EGC. Nghiên cứu hiện tại chỉ ra rằng chỉ cần 3 – 5 mg EGC là đủ để ức chế sự phát triển của vi khuẩn trong đường tiết niệu nhưng điều này vẫn chưa được chứng minh trên người.

Trà xanh là một thức uống lành tính nhưng cần lưu ý, do có chứa caffeine nên uống trà xanh cũng có thể gây mất ngủ và bồn chồn giống như cà phê.

Ngoài ra, tiêu thụ caffeine khi đang bị nhiễm trùng đường tiết niệu có thể làm trầm trọng thêm một số triệu chứng như đi tiểu nhiều và tiểu gấp vì caffeine có đặc tính lợi tiểu. Do đó, bạn nên lựa chọn các sản phẩm trà xanh khử caffeine.

Uống trà xanh nói chung là an toàn nhưng sử dụng thực phẩm chức năng chứa chiết xuất trà xanh liều cao có gây hại cho gan.

Nếu bạn có tiền sử mắc bệnh gan thì cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thực phẩm chức năng chứa chiết xuất trà xanh nào.

Tóm tắt: Các nghiên cứu trên động vật và trong ống nghiệm đã chứng minh rằng một số hợp chất trong trà xanh có đặc tính kháng khuẩn mạnh đối với vi khuẩn E. coli. Tuy nhiên, cần có thêm nghiên cứu trên người để xác nhận những kết quả này.

6 - 8. Các biện pháp khắc phục tự nhiên khác

Ngoài trà xanh, một số loại trà thảo mộc cũng có thể giúp điều trị và ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu, chẳng hạn như trà mùi tây, trà hoa cúc và trà bạc hà.

6. Trà mùi tây

Rau mùi tây có tác dụng lợi tiểu nhẹ, có nghĩa là làm tăng đi tiểu và điều này sẽ giúp loại bỏ vi khuẩn gây nhiễm trùng ra khỏi đường tiết niệu.

Hai báo cáo ca bệnh cho thấy rằng sự kết hợp của trà mùi tây, tỏi và chiết xuất nam việt quất giúp ngăn ngừa tái phát nhiễm trùng đường tiết niệu ở phụ nữ bị nhiễm trùng đường tiết niệu mạn tính. Tuy nhiên, cần có thêm nghiên cứu quy mô lớn hơn để xác nhận lợi ích này.

7. Trà hoa cúc

Trà hoa cúc từ lâu đã được biết đến là có nhiều lợi ích cho sức khỏe và một trong số các lợi ích đó là điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu.

Giống như mùi tây, hoa cúc cũng có tác dụng lợi tiểu và ngoài ra còn chứa các hợp chất thực vật có đặc tính chống viêm và kháng khuẩn.

Những đặc tính này có thể giúp giảm viêm, ức chế sự phát triển của vi khuẩn và loại bỏ vi khuẩn khỏi đường tiết niệu. Tuy nhiên, vẫn cần phải nghiên cứu thêm.

8. Trà bạc hà

Các loại trà làm từ bạc hà cũng lợi cho người bị nhiễm trùng đường tiết niệu.

Một số nghiên cứu trong ống nghiệm đã phát hiện ra rằng lá bạc hà có tác dụng chống lại nhiều loại vi khuẩn gây nhiễm trùng đường tiết niệu như E. coli. Một số hợp chất được tìm thấy trong lá bạc hà còn có thể giúp giảm khả năng kháng thuốc kháng sinh của vi khuẩn.

Tuy nhiên, hiện tại chưa có nghiên cứu trên người nào chứng minh uống trà bạc hà giúp phòng ngừa và điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu.

Tóm tắt: Một số loại trà thảo mộc như trà mùi tây, trà hoa cúc và trà bạc hà có thể giúp điều trị và phòng ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu. Tuy nhiên, vẫn cần nghiên cứu thêm để kiểm chứng hiệu quả của những loại trà này.

Lưu ý khi dùng thảo dược và thực phẩm chức năng

Nhiều người cho rằng thảo dược và thực phẩm chức năng làm từ thảo dược an toàn vì có nguồn gốc hoàn toàn tự nhiên nhưng điều này không hoàn toàn đúng.

Giống như các loại thuốc, thảo dược hay thực phẩm chức năng có nguồn gốc thảo dược cũng có thể gây tác dụng phụ và tương tác thuốc.

Ví dụ, thực phẩm chức năng chứa chiết xuất tỏi và nam việt quất có thể tương tác với một số loại thuốc kê đơn. Sử dụng chiết xuất lá dâu gấu trong thời gian dài có thể góp phần gây tổn thương gan hoặc thận.

Khi nào cần đi khám?

Hãy đi khám càng sớm càng tốt khi nhận thấy các triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu.

Cho dù nhiễm trùng nhẹ cũng có thể nhanh chóng tiến triển nặng, lan sang các bộ phận khác trong cơ thể và dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.

Do đó, không được tự chẩn đoán và điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu.

Nếu mắc nhiễm trùng đường tiết niệu, bạn có thể hỏi bác sĩ về việc sử dụng các biện pháp điều trị tự nhiên thay cho thuốc kháng sinh.

Tóm tắt: Ngay cả nhiễm trùng đường tiết niệu nhẹ cũng có thể nhanh chóng tiến triển nặng và dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng. Vì vậy, điều quan trọng là phải đi khám ngay khi nhận thấy các triệu chứng bất thường. Hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng các phương pháp tự nhiên để điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu.

Tóm tắt bài viết

Nhiễm trùng đường tiết niệu là một trong những loại nhiễm trùng do vi khuẩn phổ biến nhất trên toàn thế giới.

Nhiễm trùng đường tiết niệu thường được điều trị bằng thuốc kháng sinh và hầu hết các trường hợp đều khỏi bệnh sau một đợt kháng sinh ngắn nhưng tình trạng nhiễm trùng tái phát là rất phổ biến. Thêm vào đó, việc sử dụng quá nhiều thuốc kháng sinh có thể gây tác động tiêu cực đến sức khỏe.

Vì lý do này nên không ít người muốn tìm các phương pháp tự nhiên như thảo dược để điều trị và ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu.

Mặc dù vẫn chưa có nhiều nghiên cứu kiểm chứng tính hiệu quả nhưng D-mannose, lá dâu gấu, nam việt quất, tỏi và trà xanh là những phương pháp tự nhiên được dùng khá phổ biến để điều trị và phòng ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu. Ngoài ra còn có một số loại trà thảo mộc như trà hoa cúc, trà mùi tây và trà bạc hà.

Nên đi khám sớm nếu nghi ngờ mình mắc nhiễm trùng đường tiết niệu và tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thảo dược hay thực phẩm chức năng nào.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Có nên sử dụng dầu dừa để điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu không?
Có nên sử dụng dầu dừa để điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu không?

Dầu dừa là một trong những phương pháp tự nhiên được sử dụng để điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu. Lý do là bởi dầu dừa có chứa các axit béo có đặc tính kháng khuẩn giúp chống lại nhiễm trùng.

Có thể điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu bằng tinh dầu không?
Có thể điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu bằng tinh dầu không?

Ngày càng có nhiều người tìm đến các phương pháp tự nhiên để điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát. Một trong những phương pháp đó là sử dụng tinh dầu.

Nhiễm trùng đường tiết niệu ở nam giới: Nguyên nhân và điều trị
Nhiễm trùng đường tiết niệu ở nam giới: Nguyên nhân và điều trị

Mặc dù nguy cơ thấp hơn phụ nữ nhưng nam giới cũng có thể bị nhiễm trùng đường tiết niệu. Ở nam giới, nhiễm trùng đường tiết niệu được coi là một bệnh nhiễm trùng phức tạp. Các triệu chứng thường gặp gồm có tiểu gấp, tiểu nhiều lần và nóng rát khi đi tiểu.

Nhiễm trùng đường tiết niệu do ống thông tiểu điều trị bằng cách nào?
Nhiễm trùng đường tiết niệu do ống thông tiểu điều trị bằng cách nào?

Nhiễm trùng đường tiết niệu do ống thông tiểu là tình trạng đường tiết niệu bị nhiễm vi khuẩn hoặc nấm từ ống thông tiểu và bị viêm. Điều này chủ yếu xảy ra do ống thông tiểu bên trong.

Nhiễm trùng đường tiết niệu mạn tính: Triệu chứng và cách điều trị
Nhiễm trùng đường tiết niệu mạn tính: Triệu chứng và cách điều trị

Nhiễm trùng đường tiết niệu mạn tính là nhiễm trùng đường tiết niệu không đáp ứng với điều trị hoặc tiếp tục tái phát sau điều trị.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây