1

Viêm khớp: triệu chứng, cách chẩn đoán và điều trị

Viêm khớp: triệu chứng, cách chẩn đoán và điều trị Viêm khớp: triệu chứng, cách chẩn đoán và điều trị

Viêm khớp là gì?

Viêm khớp là thuật ngữ chung dùng cho các bệnh lý mà khớp xương bị viêm, có thể ảnh hưởng đến một hoặc nhiều khớp xương khác nhau. Có hơn 100 loại viêm khớp khác nhau, với các nguyên nhân và phương pháp điều trị không giống nhau nhưng có hai loại phổ biến nhất là thoái hóa khớp (osteoarthritis) và viêm khớp dạng thấp (rheumatoid arthritis).

Triệu chứng

Các triệu chứng viêm khớp thường tiến triển dần theo thời gian nhưng đôi khi cũng có thể xuất hiện đột ngột. Viêm khớp là vấn đề thường xảy ra phổ biến nhất ở người trên 65 tuổi nhưng cũng có thể xảy ra ở trẻ em, thiếu niên và người trẻ tuổi. Viêm khớp thường phổ biến ở phụ nữ hơn so với nam giới, đặc biệt là những người thừa cân.

Cứng khớp, sưng và đau khớp là những triệu chứng thường gặp nhất của viêm khớp. Khi bị viêm khớp, khả năng vận động sẽ bị suy giảm và vùng da xung quanh khớp bị tấy đỏ. Thông thường các triệu chứng viêm khớp nặng nhất vào buổi sáng và dần đỡ hơn trong ngày.

Những người bị viêm khớp dạng thấp có thể còn gặp phải triệu chứng mệt mỏi hoặc cảm giác chán ăn do phản ứng viêm mà hệ miễn dịch gây ra. Đôi khi bệnh còn đi kèm với tình trạng thiếu máu - có nghĩa là số lượng hồng cầu trong máu giảm, hoặc bị sốt nhẹ. Nếu không được điều trị, viêm khớp dạng thấp sẽ chuyển sang giai đoạn nghiêm trọng và có thể gây biến dạng khớp.

Nguyên nhân gây viêm khớp

Sụn là cấu trúc mô liên kết chắc nhưng linh hoạt ở trong các khớp xương. Nó nằm giữa hai đầu xương, bảo vệ xương bằng cách hấp thu lực, giảm xóc và chấn động khi chúng ta di chuyển, chấn thương hoặc khi xương phải chịu áp lực. Sự suy giảm mô sụn sẽ gây ra một số dạng viêm khớp.

Sụn bị bào mòn hoặc rách là nguyên nhân gây ra thoái hóa khớp - một trong những dạng viêm khớp phổ biến nhất. Nhiễm trùng hoặc chấn thương khớp sẽ làm cho tình trạng tổn hại này của mô sụn thêm trầm trọng hơn. Nguy cơ bị bệnh thoái hóa khớp khớp sẽ càng tăng cao hơn nếu có tiền sử gia đình mắc bệnh.

Một loại phổ biến khác của viêm khớp - viêm khớp dạng thấp - là một dạng bệnh tự miễn xảy ra khi hệ miễn dịch tấn công chính các mô của cơ thể. Điều ảnh ảnh hưởng đến màng hoạt dịch – lớp mô mềm trong khớp có vai trò tạo ra một loại chất dịch nuôi dưỡng sụn và bôi trơn các khớp.

Viêm khớp dạng thấp là tình trạng viêm xảy ra ở màng hoạt dịch rồi dần dần xâm lấn và phá hủy cả xương lẫn sụn bên trong khớp.

Đến nay nguyên nhân chính xác khiến cho hệ miễn dịch tấn công chính mô trong cơ thể vẫn chưa được xác định rõ nhưng các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra các dấu hiệu di truyền làm tăng nguy cơ mắc viêm khớp dạng thấp lên gấp 5 lần.

Phương pháp chẩn đoán viêm khớp

Đầu tiên, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng để kiểm tra chất dịch xung quanh khớp (dịch khớp), khớp ấm hoặc đỏ và sự hạn chế chuyển động của khớp.

Sau đó bác sĩ sẽ lấy máu và dịch khớp để tiến hành xét nghiệm phân tích. Phương pháp này giúp xác định loại viêm khớp cụ thể. Các phương pháp xét nghiệm máu để kiểm tra một số loại kháng thể nhất định như xét nghiệm anti-CCP (kháng thể kháng peptide citrullinated dạng vòng), xét nghiệm RF (rheumatoid factor - yếu tố dạng thấp) và xét nghệm ANA (antinuclear antibody - kháng thể kháng nhân) cũng là các phương pháp chẩn đoán viêm khớp phổ biến.

Ngoài ra, bác sĩ còn sử dụng đến các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh như chụp X-quang, cộng hưởng từ (MRI) và cắt lớp vi tính (CT scan) để lấy hình ảnh của xương và sụn khớp. Các phương pháp này còn giúp loại trừ khả năng các triệu chứng là do nguyên nhân khác gây nên, chẳng hạn như bệnh gai xương.

Cách điều trị viêm khớp

Mục tiêu chính của các phương pháp điều trị viêm khớp là giảm bớt cơn đau và ngăn khớp bị tổn thương thêm. Có nhiều cách đơn giản để kiểm soát và làm dịu cơn đau, ví dụ như dùng miếng chườm ấm/lạnh hoặc dùng các thiết bị hỗ trợ di chuyển như gậy hoặc khung tập đi để làm giảm áp lực lên các khớp bị đau.

Tuy nhiên, đa phần thì người bệnh sẽ còn cần đến các phương pháp điều trị để cải thiện chức năng khớp dưới đây.

Dùng thuốc

Một số loại thuốc phổ biến được dùng để điều trị viêm khớp gồm có:

  • Thuốc giảm đau, ví dụ như hydrocodone (Vicodin) hoặc acetaminophen (Tylenol): có tác dụng kiểm soát cơn đau nhưng không giảm viêm.
  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID), ví dụ như ibuprofen (Advil) hay nhóm thuốc salicylate: vừa có tác dụng kiểm soát cơn đau và vừa giảm viêm. Các thuốc nhóm salicylate làm loãng máu nên cần được sử dụng thận trọng trong các trường hợp còn dùng thêm các loại thuốc làm loãng máu khác.
  • Thuốc bôi menthol hoặc capsaicin: ngăn tín hiệu đau được truyền đi từ khớp đến não bộ.
  • Thuốc ức chế miễn dịch như prednison hoặc cortisone: có tác dụng giảm viêm.

Với những người bị viêm khớp dạng thấp, bác sĩ thường kê thêm corticosteroid hoặc thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm để ức chế hệ miễn dịch. Ngoài ra còn có nhiều loại thuốc điều trị viêm khớp khác mà bạn có thể đọc thêm tại đây.

Phẫu thuật

Phẫu thuật thay thế khớp bị viêm bằng khớp nhân tạo cũng là một lựa chọn điều trị viêm khớp. Phương pháp phẫu thuật này được thực hiện phổ biến cho các trường hợp bị viêm khớp hông và khớp gối.

Nếu tình trạng viêm nghiêm trọng nhất ở khớp ngón tay hoặc cổ tay thì có thể cần đến thủ thuật cố định khớp. Trong quy trình này, các đầu xương được cố định lại với nhau để đến khi liền, chúng sẽ hợp thành một.

Vật lý trị liệu

Đây là phương pháp sử dụng các bài tập giúp củng cố cơ xung quanh khớp bị viêm và là một phần quan trong trong quá trình điều trị viêm khớp.

Chế độ ăn và tập luyện

Giảm cân và duy trì cân nặng khỏe mạnh là cách để giảm nguy cơ viêm khớp hoặc giảm nhẹ các triệu chứng khi đã mắc bệnh.

Duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh là cách hiệu quả nhất để giảm cân. Nên bổ dung nhiều loại thực phẩm có chứa các chất chống oxy hóa như hoa quả tươi, rau và thảo mộc để giảm viêm. Ngoài ra còn có nhiều loại thực phẩm giảm viêm khác như cá hay các loại quả hạch.

Bên cạnh các loại thực phẩm cần bổ sung trong chế độ ăn, người bị viêm khớp cũng cần hạn chế hoặc tránh xa một số loại thực phẩm như đồ chiên rán, thực phẩm chế biến, các sản phẩm từ sữa và giảm ăn thịt.

Một số nghiên cứu đã cho thấy trong cơ thể những người bị viêm khớp dạng thấp có kháng thể chống lại gluten. Do đó, chế độ ăn gồm có các loại thực phẩm không chứa hoặc ít gluten sẽ giúp cải thiện các triệu chứng và ngăn bệnh tiến triển nặng. Một nghiên cứu vào năm 2015 cũng đưa ra khuyến nghị về chế độ ăn không có gluten đối với tất cả những người bị bệnh mô liên kết.

Bên cạnh chế độ ăn, bạn nên tập thể dục thường xuyên để giữ cho khớp xương linh hoạt. Bơi lội là một trong những phương pháp tập luyện tốt nhất cho những người bị viêm khớp vì không gây áp lực lên khớp như khi chạy hay đi bộ. Duy trì thói quen vận động thường xuyên là điều rất quan trọng nhưng bạn cũng phải lắng nghe cơ thể, chú ý nghỉ ngơi và tránh hoạt động quá mức.

Bạn cũng có thể thử các bài tập đơn giản tại nhà như:

  • Nghiêng đầu, xoay cổ và các bài tập khác tập trung vào vùng đầu cổ để giảm đau cổ
  • Uốn các ngón tay, nhất là ngón tay cái để giảm đau khớp ngón tay
  • Giơ chân, giãn cơ gân kheo và các bài tập khác để cải thiện viêm khớp gối

Triển vọng lâu dài cho người bị viêm khớp

Mặc dù không có cách chữa dứt điểm viêm khớp nhưng việc thực hiện theo các biện pháp điều trị phù hợp có thể làm giảm đáng kể các triệu chứng.

Bạn nên kết hợp các phương pháp điều trị mà bác sĩ chỉ định với những thay đổi về lối sống để kiểm soát tình trạng viêm khớp một cách hiệu quả nhất.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: triệu chứng
Tin liên quan
Viêm khớp phản ứng: Nguyên nhân và cách điều trị
Viêm khớp phản ứng: Nguyên nhân và cách điều trị

Viêm khớp phản ứng là một loại viêm khớp do nhiễm trùng ở một cơ quan, bộ phận khác trong cơ thể gây ra.

Đau cơ xơ hóa: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
Đau cơ xơ hóa: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Đau cơ xơ hóa là bệnh lý gây đau tại nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể.

Ăn trứng có ảnh hưởng đến các triệu chứng viêm khớp không?
Ăn trứng có ảnh hưởng đến các triệu chứng viêm khớp không?

Một số người cho rằng ăn trứng có thể khiến cho các triệu chứng viêm khớp nặng thêm. Tuy nhiên, điều này không hoàn toàn đúng. Tác động của trứng đến triệu chứng viêm khớp còn phụ thuộc vào tình trạng dị ứng hoặc không dung nạp.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây