Ý nghĩa của T-score và Z-score trong đo mật độ xương
Kết quả DEXA gồm có hai chỉ số: T-score và Z-score. Những chỉ số này cung cấp cho người bệnh và bác sĩ thông tin về mật độ xương. Cùng tìm hiểu xem T-score và Z-score có ý nghĩa như thế nào, phương pháp DEXA được thực hiện khi nào và quy trình thực hiện ra sao.
T-score và Z-score là gì?
Cả T-score và Z-score đều được xác định dựa trên sự đối chiếu mật độ xương của người bệnh với mật độ xương trung bình của những người khác. Cụ thể, T-score mật độ khoáng xương (bone mineral density - BMD) của người bệnh so với mật độ khoáng xương trung bình của những người trưởng thành trẻ tuổi, khỏe mạnh cùng giới tính. Trong khi đó, Z-score được xác định bằng cách đối chiếu BMD của người bệnh với BMD trung bình của những người cùng độ tuổi, giới tính và chỉ số khối cơ thể (body mass index - BMI).
Ý nghĩa T-score và Z-score
Cả T-score và Z-score đều biểu thị tình trạng giảm mật độ khoáng xương dưới dạng độ lệch chuẩn so với người trẻ tuổi hoặc người cùng độ tuổi.
Hiểu một cách đơn giản, điểm 0 có nghĩa là mật độ xương của người bệnh ở mức trung bình so với nhóm so sánh. Điểm âm có nghĩa là mật độ xương thấp hơn trong khi điểm dương có nghĩa là mật độ xương cao hơn mức trung bình.
Ý nghĩa T-score
Phạm vi T-score | Ý nghĩa |
− 1 trở lên | Mật độ xương bình thường |
Trong khoảng − 1 đến − 2,5 | Thiếu xương (dưới BMD bình thường) |
− 2,5 trở xuống | Loãng xương (BMD thấp) |
T-score so sánh BMD của người bệnh với BMD của người trưởng thành khỏe mạnh ở đỉnh phát triển thể chất bình thường, điều này giúp ích cho việc chẩn đoán tình trạng thiếu xương và loãng xương.
Ý nghĩa Z-score
Phạm vi Z-score | Ý nghĩa |
-1,5 trở lên | Mật độ xương tương đương mật độ xương điển hình của nhóm so sánh |
Dưới -1,5 | BMD không điển hình, cần kiểm tra |
Z-score là BMD của người bệnh so với BMD của nhóm những người cùng độ tuổi, giới tính và chỉ số khối cơ thể. Vì mật độ xương giảm một cách tự nhiên theo độ tuổi nên đôi khi, Z-score gần bằng 0 nhưng BMD ở mức thấp.
So với T-score, Z-score hữu ích hơn trong chẩn đoán loãng xương thứ phát, đặc biệt là ở trẻ em và người trưởng thành trẻ tuổi.
Nếu Z-score cao, người bệnh có thể cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa nội tiết để tìm các nguyên nhân thứ phát gây loãng xương, gồm có:
- Bệnh đường tiêu hóa
- Bệnh tự miễn
- Bệnh thận
- Tác dụng phụ của thuốc
Đo mật độ xương được thực hiện như thế nào?
DEXA là phương pháp đo mật độ xương được sử dụng phổ biến nhất. Đây là một phương pháp không xâm lấn, không gây đau đớn, cũng tương tự như chụp X-quang thông thường.
Nếu sử dụng phương pháp DEXA trung tâm, người bệnh sẽ nằm trên bàn khám có đệm, gác chân lên một chiếc gối cao. Thiết bị sẽ quét qua vùng hông và phần dưới cột sống của người bệnh. Người bệnh cần phải nằm yên trong quá trình này.
Đôi khi, bác sĩ có thể đề nghị DEXA ngoại biên, phương pháp này sử dụng thiết bị nhỏ hơn để đo mật độ xương ở gót chân, cẳng tay, cổ tay hoặc ngón tay. DEXA ngoại biên hữu ích hơn so với DEXA trung tâm trong những trường hợp người bệnh đã phẫu thuật thay khớp háng hoặc cột sống.
Tuy nhiên, DEXA trung tâm vẫn chính xác hơn trong việc chẩn đoán loãng xương và xác định nguy cơ gãy xương.
Thông thường, ở những người lớn tuổi bị thoái hóa khớp cột sống có gai xương, gai xương cũng có thể được tính trong quá trình đo mật độ xương và điều này làm tăng các chỉ số, dẫn đến kết quả sai lệch. Quét ở vùng hông sẽ cho kết quả chính xác hơn ở người bị thoái hóa khớp cột sống.
Tần suất đo mật độ xương khi bị loãng xương
Khi được chẩn đoán thiếu xương hoặc loãng xương, điều quan trọng là người bệnh phải tuân thủ các khuyến nghị của bác sĩ. Các phương pháp điều trị thường gồm có:
- Chế độ ăn uống cân bằng với nhiều thực phẩm giàu canxi và vitamin D
- Bỏ thuốc lá nếu hút và tránh xa khói thuốc
- Tập thể dục thường xuyên, kết hợp tập kháng lực và tập thể hình
- Dùng thuốc theo chỉ định
- Thực hiện các biện pháp phòng ngừa té ngã
Không có bất kỳ nghiên cứu ngẫu nhiên nào cho thấy liệu việc đo mật độ xương sau chẩn đoán có ảnh hưởng đến tình trạng bệnh. Việc tiếp tục đo mật độ xương sau 1 đến 2 năm là điều bình thường. Điều này giúp đánh giá hiệu quả của các phương pháp điều trị và bác sĩ có thể điều chỉnh nếu cần thiết.
Các phương pháp khác để chẩn đoán và theo dõi bệnh loãng xương
Mặc dù DEXA là công cụ phổ biến nhất để chẩn đoán bệnh loãng xương nhưng ngoài ra còn có những phương pháp khác có thể đo mật độ khoáng xương.
Chụp cắt lớp vi tính định lượng (QCT)
Chụp cắt lớp vi tính định lượng (quantitative computed tomography) thường được chỉ định nếu bác sĩ nghi ngờ vấn đề xảy ra ở cột sống. Tuy nhiên, QCT có mức độ tiếp xúc với bức xạ cao hơn so với DEXA và mức độ phổ biến cũng không bằng DEXA.
Chụp cắt lớp vi tính cơ sinh học (BCT)
Chụp cắt lớp vi tính cơ sinh học (biomechanical computed tomography) sử dụng phần mềm đặc biệt để tính toán độ chắc khỏe của xương dựa trên kết quả chụp CT trước đó.
Siêu âm tần số vô tuyến đa phổ (REMS)
Siêu âm tần số vô tuyến đa phổ (radiofrequency echographic multispectrometry) sử dụng một loại sóng siêu âm để ước tính nhanh mật độ khoáng xương mà không khiến người bệnh tiếp xúc với bức xạ. Đây là một công nghệ mới nên còn chưa được áp dụng rộng rãi.
Chụp cộng hưởng từ (MRI)
Chụp cộng hưởng từ (MRI) cũng có thể được sử dụng để đo mật độ xương. Kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh này có ưu điểm là phổ biến và không sử dụng bức xạ ion hóa nhưng vẫn cần nghiên cứu thêm để xác định độ chính xác của MRI trong chẩn đoán và theo dõi bệnh loãng xương.
Câu hỏi thường gặp về đo mật độ xương
T-score hay Z-score chính xác hơn?
Cả T-score và Z-score đều là những chỉ số chính xác nhưng được sử dụng cho các mục đích khác nhau. T-score có thể được sử dụng để chẩn đoán tình trạng thiếu xương và loãng xương, trong khi Z-score có thể giúp chẩn đoán bệnh loãng xương thứ phát.
Có cách nào để cải thiện T-score và Z-score không?
Người bệnh có thể tăng mật độ khoáng xương, từ đó cải thiện T-score và Z-score bằng chế độ ăn uống phù hợp và tập thể dục đều đặn. Tuy nhiên, tập thể dục và bổ sung chất dinh dưỡng thường không đủ để giảm nguy cơ gãy xương ở những người đã mắc bệnh loãng xương. Tốt nhất nên trao đổi với bác sĩ để được tư vấn cách tăng mật độ xương một cách an toàn.
Những ai nên đo mật độ xương?
Cơ quan Y tế Dự phòng Hoa Kỳ (United States Preventive Services Task Force) khuyến nghị đo mật độ xương đối với phụ nữ trên 65 tuổi, phụ nữ sau mãn kinh và người dưới 65 tuổi có nguy cơ loãng xương cao.
Tóm tắt bài viết
Có hai chỉ số thể hiện mật độ xương là T-score và Z-score. Những điểm số này được xác định bằng phương pháp DEXA.
T-score so sánh mật độ xương của người bệnh với mật độ xương của những người trưởng thành trẻ tuổi cùng giới tính trong khi Z-score so sánh mật độ xương của người bệnh với mật độ xương của nhóm người cùng độ tuổi, giới tính và cả chỉ số khối cơ thể. Hai điểm số này có thể được sử dụng để chẩn đoán chứng thiếu xương, loãng xương, loãng xương thứ phát hoặc để xác định nguy cơ gãy xương trong tương lai. T-score và Z-score còn giúp đánh giá hiệu quả của các phương pháp điều trị.
Khi bị gãy xương do loãng xương, giải pháp điều trị thường là phẫu thuật. Vật lý trị liệu, tập thể dục và bổ sung canxi cũng là những điều cần thiết để khôi phục khả năng vận động và giảm nguy cơ gãy xương trong tương lai.
Tập yoga là một cách hiệu quả để kiểm soát các triệu chứng loãng xương. Duy trì thói quen tập yoga đều đặn có thể giúp tăng cường sức mạnh của cơ và xương, giảm nguy cơ té ngã và chấn thương.
Bên cạnh thuốc đường uống, một giải pháp khác để điều trị loãng xương là truyền thuốc qua đường tĩnh mạch. Thuốc thường được truyền mỗi 3 hoặc 12 tháng một lần. Tác dụng phụ thường nhẹ và đa phần chỉ xảy ra sau lần truyền thuốc đầu tiên.
Các bài tập tĩnh là một phần rất cần thiết trong thói quen tập luyện để kiểm soát bệnh loãng xương. Những bài tập này nhắm vào các nhóm cơ cụ thể, tạo ra các cơn co cơ tĩnh mà không làm thay đổi chiều dài của cơ.
Những người có nguy cơ mắc bệnh loãng xương được khuyến nghị đo mật độ xương 2 năm một lần. Phương pháp đo mật độ xương phổ biến nhất là DEXA nhưng ngoài ra còn một lựa chọn khác là QCT.