Vôi hóa mạch vành: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Canxi là một khoáng chất cần thiết cho các chức năng quan trọng của cơ thể và sức khỏe tổng thể. Canxi giúp xương và răng chắc khỏe, đồng thời tham gia vào hoạt động của tim. Tuy nhiên, đôi khi canxi lắng đọng cũng có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe.
Vôi hóa mạch vành xảy ra khi canxi tích tụ trong các động mạch cung cấp máu cho tim. Sự tích tụ này có thể dẫn đến bệnh động mạch vành và làm tăng nguy cơ đau tim.
Bài viết sẽ cung cấp thông tin về nguyên nhân và cơ chế xảy ra vôi hóa mạch vành, cũng như các biện pháp phòng ngừa và điều trị.
Thuật ngữ quan trọng
Bài viết này sử dụng các thuật ngữ khác nhau nhưng có một số điểm tương tự nhau, vì vậy cần hiểu rõ từng khái niệm:
- Xơ vữa động mạch: Là tình trạng các mảng bám chứa chất béo tích tụ trong động mạch, khiến lòng động mạch bị hẹp lại. Các mảng bám này có thể rơi ra và hình thành cục máu đông.
- Vôi hóa mạch vành: Là sự tích tụ canxi trong các động mạch cung cấp máu cho tim. Vôi hóa thường xảy ra đồng thời với xơ vữa động mạch.
- Bệnh động mạch vành (CAD): Là tình trạng tim không nhận đủ oxy và máu, chủ yếu do xơ vữa động mạch gây ra.
Nguyên nhân gây vôi hóa mạch vành
Canxi có sẵn trong cơ thể, chủ yếu tồn tại trong xương và răng. Tuy nhiên, khoảng 1% lượng canxi trong cơ thể lưu hành trong máu.
Các nhà nghiên cứu cho rằng vôi hóa mạch vành có thể xảy ra khi các tế bào cơ trơn trong động mạch của tim bị chết và giải phóng canxi.
Ngoài ra, các đại thực bào (một loại tế bào miễn dịch) trong động mạch có thể giải phóng các hợp chất gây viêm, khiến canxi dễ lắng đọng hơn. Theo thời gian, các mảng canxi nhỏ kết hợp lại, phát triển thành mảng vôi hóa lớn hơn.
Vôi hóa mạch vành là tình trạng đáng lo ngại vì đây là giai đoạn sớm của xơ vữa động mạch. Khi mảng bám tích tụ trong động mạch, lưu lượng máu có thể bị giảm. Ngoài ra, mảng bám có thể bong ra, gây đau tim hoặc đột quỵ.
Một số bệnh lý có thể gây ra đột biến gen dẫn đến vôi hóa mạch vành sớm hơn bình thường. Những bệnh này bao gồm:
- Bệnh Gaucher loại 3C
- Hội chứng lão hoá sớm Hutchinson-Gilford
- Vôi hóa hạch nền vô căn
- Bệnh pseudoxanthoma elasticum (PXE)
- Hội chứng Singleton-Merten
Ai có nguy cơ vôi hóa mạch vành?
Vôi hóa mạch vành thường gặp nhất ở người lớn tuổi do sự tích tụ canxi bắt đầu từ khoảng 40 tuổi. Các nghiên cứu ước tính rằng đến 70 tuổi, có khoảng 90% nam giới và 67% nữ giới bị vôi hóa mạch vành.
Nam giới có xu hướng bị vôi hóa mạch vành sớm hơn nữ giới khoảng 10–15 năm do estrogen có tác dụng hạn chế lắng đọng canxi.
Ngoài các bệnh lý di truyền hiếm gặp gây vôi hóa sớm, một số bệnh mãn tính cũng có thể làm tăng nguy cơ, bao gồm:
- Hội chứng chuyển hóa
- Tăng huyết áp
- Đái tháo đường
- Rối loạn lipid máu (nồng độ cholesterol cao)
- Béo phì
- Bệnh thận mạn tính
Hút thuốc lá cũng là một yếu tố nguy cơ lớn gây vôi hóa mạch vành.
Triệu chứng của vôi hóa mạch vành
Vôi hóa mạch vành thường không gây triệu chứng rõ ràng. Tuy nhiên, tình trạng này thường đi kèm với các bệnh tim mạch khác có thể gây ra các triệu chứng sau:
- Đau ngực
- Cảm giác tức ngực
- Khó thở
Nếu bạn gặp các triệu chứng này, rất có thể vôi hóa mạch vành đã tiến triển đến giai đoạn xơ vữa động mạch hoặc bệnh động mạch vành (CAD). Trong trường hợp này, bạn nên đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.
Nếu CAD tiến triển nặng hơn, nó có thể dẫn đến cơn đau tim. Các triệu chứng đau tim gồm có: yếu người, buồn nôn, khó thở, đau lan xuống cánh tay hoặc vai.
Chẩn đoán vôi hóa mạch vành
Bác sĩ có thể phát hiện vôi hóa mạch vành bằng các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh. Tuy nhiên, canxi thường chỉ có thể được nhìn thấy trên phim khi đã tích tụ ở mức độ đáng kể trong động mạch vành.
Nếu bạn có cholesterol cao và bác sĩ nghi ngờ vôi hóa mạch vành, bác sĩ có thể yêu cầu chụp cắt lớp vi tính (CT scan). Đây là một kỹ thuật chẩn đoán không đau, giúp bác sĩ đánh giá mức độ vôi hóa động mạch bằng cách tính điểm canxi động mạch vành.
Ngoài ra, có một số xét nghiệm xâm lấn hơn để đánh giá mức độ vôi hóa động mạch, chẳng hạn như:
- Siêu âm trong lòng mạch (cardiac intravascular ultrasound)
- Chụp cắt lớp quang học nội mạch (intravascular optical coherence tomography)
- Chỉ số canxi động mạch vành (CAC score)
Nếu bạn thực hiện chụp cắt lớp vi tính mạch vành tính điểm calci hóa, bác sĩ sẽ đánh giá điểm số CAC (Agatston score) để đo lường mức độ vôi hóa. Điểm số càng cao, mức độ vôi hóa càng nghiêm trọng.
- 0: Không có dấu hiệu bệnh
- 1 – 99: Mức độ nhẹ
- 100 – 399: Mức độ trung bình
- ≥ 400: Mức độ nặng
Điều trị vôi hóa mạch vành
Việc điều trị vôi hóa mạch vành sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng:
- Nếu tình trạng chưa nghiêm trọng, bác sĩ thường chỉ định thay đổi lối sống để giảm nguy cơ tích tụ thêm canxi.
- Nếu vôi hóa nặng, có thể cần can thiệp y khoa ngay để loại bỏ canxi và mảng xơ vữa trong động mạch bằng những công cụ và thiết bị đặc biệt.
Có một phương pháp điều trị mới là tán sỏi nội mạch (intravascular lithotripsy). Phương pháp này sử dụng ống thông có thiết bị đặc biệt để phá vỡ các mảng canxi trong động mạch. Sau đó, bác sĩ sẽ đặt stent vào động mạch để giữ cho mạch máu mở rộng, giúp máu lưu thông dễ dàng hơn.
Cách giảm nguy cơ vôi hóa động mạch và bệnh động mạch vành
Duy trì lối sống lành mạnh và kiểm soát tốt các bệnh lý mãn tính có thể giúp giảm nguy cơ vôi hóa mạch vành. Các biện pháp được khuyến nghị gồm có:
- Dùng thuốc kiểm soát huyết áp cao
- Dùng thuốc giảm cholesterol máu
- Hạn chế thực phẩm giàu chất béo, đặc biệt là đồ chiên rán
- Kiểm soát bệnh tiểu đường nếu có
Chế độ ăn uống ít chất béo và tập thể dục thường xuyên cũng là những yếu tố quan trọng giúp giảm nguy cơ vôi hóa động mạch và các bệnh mãn tính khác.
Tiên lượng của người mắc vôi hoá mạch vành
Vôi hoá mạch vành làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề tim mạch sau:
- Giảm lưu lượng máu đến tim
- Mất tính đàn hồi của động mạch
- Tăng áp lực trong mạch máu của tim
Nếu bệnh động mạch vành tiến triển nặng kèm theo vôi hóa, nguy cơ xảy ra cơn đau tim sẽ cao hơn.
Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm và áp dụng các biện pháp điều trị kịp thời, bao gồm việc thay đổi lối sống và kiểm soát các yếu tố nguy cơ, bạn có thể giảm được nguy cơ gặp phải các biến chứng nghiêm trọng.
Câu hỏi thường gặp về vôi hoá mạch vành
Dư thừa vitamin D có gây vôi hoá mạch vành không?
Vitamin D là vi chất dinh dưỡng có trong một số thực phẩm và được tổng hợp khi da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Cơ thể cần vitamin D để hấp thụ canxi hiệu quả.
Các nghiên cứu trên động vật cho thấy dư thừa vitamin D có thể làm tăng nguy cơ lắng đọng canxi trong động mạch. Tuy nhiên, hiện chưa có đủ bằng chứng để khẳng định điều này cũng xảy ra với con người.
Bổ sung canxi có gây vôi hoá mạch vành không?
Cơ thể luôn duy trì mức canxi thích hợp để đảm bảo sức khỏe xương và răng. Tuy nhiên, bổ sung quá nhiều canxi có thể khiến cơ thể khó điều chỉnh lượng canxi dư thừa, dẫn đến nguy cơ lắng đọng trong mạch máu.
Một nghiên cứu lớn cho thấy việc dùng thuốc bổ sung canxi có thể làm gia tăng nguy cơ vôi hóa mạch vành. Tuy nhiên, nếu bổ sung canxi đúng cách, bạn vẫn có thể giảm nguy cơ xơ vữa động mạch, đồng thời giúp bảo vệ sức khỏe tim mạch về lâu dài.
Có thể loại bỏ được tình trạng vôi hoá mạch vành không?
Vôi hóa mạch vành khó có thể loại bỏ được hoàn toàn nếu không được can thiệp phẫu thuật. Tuy nhiên, bạn có thể ngăn chặn quá trình vôi hóa tiến triển nặng hơn bằng cách thực hiện những thay đổi lối sống tích cực.
Có thể đặt stent trong động mạch bị vôi hóa không?
Động mạch vành bị vôi hóa có thể khiến quá trình đặt stent trở nên khó khăn hơn do canxi làm cản trở việc luồn stent vào mạch máu.
Trong trường hợp này, bác sĩ có thể sử dụng các loại stent đặc biệt, bóng nong chuyên dụng hoặc tia laser để phá vỡ mảng vôi hóa.
Thuốc statin có giúp ngăn ngừa vôi hóa mạch vành không?
Statin là nhóm thuốc hạ cholesterol, có tác dụng giảm nguy cơ hình thành mảng xơ vữa trong động mạch. Một số loại thuốc statin phổ biến là atorvastatin, rosuvastatin và simvastatin.
Tuy nhiên, các nghiên cứu vẫn chưa thống nhất về tác động của statin đối với vôi hoá mạch vành. Dù vậy, statin vẫn giúp giảm nguy cơ xảy ra các biến cố tim mạch, chẳng hạn như đau tim.
Kết luận
Vôi hoá mạch vành là dấu hiệu cảnh báo bạn đang mắc phải tình trạng xơ vữa động mạch và bệnh tim mạch. Bác sĩ có thể đánh giá mức độ vôi hóa bằng phương pháp chụp CT và đưa ra phương án điều trị phù hợp.
Nếu được chẩn đoán vôi hoá mạch vành, bạn nên thực hiện các biện pháp để ngăn chặn tình trạng tiến triển, bao gồm thay đổi lối sống và kiểm soát các bệnh lý có liên quan.

Phình động mạch xảy ra khi thành động mạch bị yếu đi do một số tác nhân, chẳng hạn như bị tổn thương do tích tụ mảng xơ vữa, dẫn đến hình thành một túi phình bất thường.

Thông liên thất (VSD) là dị tật tim làm xuất hiện một lỗ hở trên vách ngăn giữa hai tâm thất (buồng tim dưới). Những lỗ nhỏ có thể tự đóng lại mà không cần điều trị và không gây ảnh hưởng lâu dài. Nếu lỗ không tự đóng, bác sĩ thường chỉ định phẫu thuật để sửa chữa dị tật.

Tứ chứng Fallot là một dị tật tim bẩm sinh liên quan đến bốn dị tật tim là thông liên thất (VSD), hẹp tại van hoặc ngay dưới van động mạch phổi, dày thất phải và động mạch chủ cưỡi ngựa trên vách liên thất. Dị tật này có thể gây tử vong nếu bệnh nhân không được điều trị.

Co thắt động mạch vành là tình trạng các cơ trong thành động mạch vành đột ngột bị thắt chặt lại, khiến động mạch bị thu hẹp và cản trở dòng máu đến tim. Nhiều trường hợp co thắt động mạch vành không được chẩn đoán vì không gây ra triệu chứng rõ ràng. Điều này có thể nguy hiểm vì tình trạng co thắt kéo dài có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim.

Đau thắt ngực là một dạng đau ngực, được phân loại thành đau thắt ngực ổn định và đau thắt ngực không ổn định. Đau thắt ngực ổn định có thể dự đoán được, chẳng hạn như thường xuất hiện sau khi tập thể dục gắng sức và sẽ biến mất sau một thời gian ngắn.