Co thắt động mạch vành: Triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Co thắt động mạch vành là gì?
Co thắt động mạch vành là tình trạng các cơ trong thành động mạch vành đột ngột bị thắt chặt lại, khiến động mạch bị thu hẹp và cản trở dòng máu đến tim.
Các cơn co thắt này thường diễn ra trong thời gian ngắn và tạm thời. Tuy nhiên, chúng có thể dẫn đến các biến chứng tim mạch nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như nhồi máu cơ tim. Nguy cơ bị co thắt động mạch vành sẽ cao hơn nếu bạn có các bệnh lý ảnh hưởng đến tim mạch, như tăng huyết áp hoặc lượng cholesterol cao.
Co thắt động mạch vành còn được gọi là co thắt mạch vành.
Triệu chứng của co thắt động mạch vành
Nhiều trường hợp co thắt động mạch vành không được chẩn đoán vì không gây ra triệu chứng rõ ràng. Điều này có thể nguy hiểm vì tình trạng co thắt kéo dài có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim.
Một số người có thể cảm thấy đau nhẹ ở ngực hoặc xuất hiện các triệu chứng sau:
- Đau ngực (đau thắt ngực)
- Đau ở phía bên trái ngực
- Cảm giác vùng ngực bị thắt chặt
- Đau lan từ ngực sang cánh tay, cổ hoặc hàm
Co thắt động mạch vành thường có gây ra những cơn đau ngực:
- Xảy ra khi nghỉ ngơi
- Kéo dài từ 5 đến 30 phút
- Xuất hiện chủ yếu vào ban đêm hoặc sáng sớm
Nguyên nhân gây co thắt động mạch vành
Hiện chưa xác định được chính xác nguyên nhân gây co thắt động mạch vành, nhưng có một số yếu tố sau góp phần gây nên tình trạng này:
- Hệ thần kinh tự chủ: Hệ thống này kiểm soát các yếu tố vô thức như nhịp tim và huyết áp. Co thắt động mạch vành thường xảy ra vào ban đêm và có liên quan đến các chất dẫn truyền thần kinh như acetylcholine và catecholamine. Tuy nhiên, cơ chế hoạt động của chúng vẫn chưa được hiểu rõ hoàn toàn.
- Tế bào nội mạc mạch máu: Ở một số người, các tế bào nội mạc không sản xuất đủ nitric oxide – một chất giúp giãn mạch, từ đó dẫn đến tình trạng co thắt.
- Stress oxy hóa: Gây viêm, tổn thương tế bào nội mạc và làm thu hẹp thành mạch máu. Hút thuốc lá là một trong những nguyên nhân gây stress oxy hóa.
- Hoạt động của cơ trơn: Tim chứa mô cơ trơn, những khác biệt trong cơ chế hoạt động của cơ này có thể góp phần gây co thắt động mạch vành.
- Di truyền: Hiện chưa có xét nghiệm di truyền chuyên biệt để chẩn đoán co thắt động mạch vành, nhưng một số người có đột biến gen ảnh hưởng đến khả năng sản xuất nitric oxide của tế bào nội mạc, từ đó làm tăng nguy cơ co thắt mạch.
- Tình trạng viêm và kháng insulin: Dù không phải nguyên nhân trực tiếp nhưng mức protein phản ứng C (CRP) cao và kháng insulin có thể làm tăng nguy cơ co thắt mạch vành.
Yếu tố nguy cơ gây co thắt động mạch vành
Nguy cơ co thắt động mạch vành sẽ tăng lên nếu bạn có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch. Tăng huyết áp và lượng cholesterol cao có thể trực tiếp làm tăng nguy cơ co thắt động mạch vành. Ngoài ra, một số yếu tố khác cũng làm tăng nguy cơ này, bao gồm:
- Hút thuốc lá
- Lạm dụng chất kích thích (cocain, amphetamine)
- Căng thẳng quá mức
- Tiếp xúc với nhiệt độ quá lạnh
- Cai rượu
Nếu có tiền sử co thắt động mạch vành, bạn nên hạn chế các yếu tố nguy cơ này để giảm nguy cơ tái phát.
Chẩn đoán co thắt động mạch vành
Co thắt động mạch vành có thể là dấu hiệu cho thấy tim gặp vấn đề. Vì vậy, bác sĩ có thể chỉ định các xét nghiệm hình ảnh để đánh giá tình trạng tim và đưa ra kế hoạch điều trị phù hợp. Các phương pháp chẩn đoán thường được sử dụng bao gồm:
- Điện tâm đồ (EKG): Đo hoạt động điện của tim để phát hiện bất thường.
- Siêu âm tim (echocardiogram): Sử dụng sóng âm để tạo hình ảnh tim, giúp đánh giá chức năng tim.
- Chụp động mạch vành (coronary angiography): Một ống thông nhỏ (catheter) được đưa vào động mạch (ở tay hoặc bẹn) và luồn đến tim. Sau đó, bác sĩ tiêm thuốc cản quang và chụp X-quang để quan sát mạch máu tim.
Do có nhiều bệnh tim mạch khác nhau nên các xét nghiệm này sẽ giúp bác sĩ xác định chính xác tình trạng của tim và đề xuất phương án điều trị phù hợp.
Điều trị co thắt động mạch vành
Điều trị co thắt động mạch vành chủ yếu là để làm giảm đau ngực và ngăn ngừa cơn co thắt tái phát. Các thuốc thường được sử dụng gồm có:
- Nitrat: Giúp giãn mạch và giãn thành động mạch. Nitrat có thể được dùng lâu dài hoặc dưới dạng thuốc cấp cứu khi cơn co thắt xảy ra.
- Thuốc chẹn kênh canxi: Làm giảm co thắt động mạch bằng cách làm giãn cơ trơn trong thành mạch. Loại thuốc này thường được sử dụng dài hạn.
- Thuốc hạ cholesterol hoặc hạ huyết áp: Nếu bạn bị tăng huyết áp hoặc lượng cholesterol cao, bác sĩ có thể chỉ định thêm các loại thuốc để kiểm soát những tình trạng này nhằm ngăn ngừa cơn co thắt động mạch vành hoặc nhồi máu cơ tim.
Ngoài việc dùng thuốc, bạn cũng cần thực hiện các thay đổi lối sống như:
- Ăn uống lành mạnh: Hạn chế chất béo và muối trong chế độ ăn.
- Bỏ thuốc lá: Nếu hút thuốc, bạn cần cai thuốc để giảm nguy cơ co thắt động mạch.
Biến chứng của co thắt động mạch vành
Mặc dù các cơn co thắt thường chỉ diễn ra trong thời gian ngắn nhưng nếu không được điều trị, chúng có thể xảy ra thường xuyên hơn và dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như:
- Rối loạn nhịp tim: Tim có thể đập không đều, quá nhanh hoặc quá chậm.
- Nhồi máu cơ tim: Tắc nghẽn hoàn toàn dòng máu đến tim có thể gây tổn thương cơ tim vĩnh viễn.
- Ngừng tim: Tim đột ngột ngừng đập do mất nguồn cung cấp máu cho não.
- Tử vong: Nếu không được can thiệp kịp thời, ngừng tim có thể dẫn đến tử vong.
Tiên lượng của người bị co thắt động mạch vành
Co thắt động mạch vành thường là tình trạng mạn tính, nghĩa là bệnh có thể kéo dài và không tự khỏi. Tuy nhiên, nếu tuân thủ điều trị và tránh các yếu tố kích thích, tiên lượng của người bị co thắt động mạch vành thường khá tốt.
Phòng ngừa co thắt động mạch vành
Bạn có thể giảm nguy cơ co thắt động mạch vành bằng cách ngăn ngừa xơ vữa động mạch. Các biện pháp quan trọng cần lưu ý là:
- Ăn uống lành mạnh: Giảm chất béo bão hòa trong chế độ ăn.
- Tập thể dục thường xuyên: Giúp cải thiện sức khỏe tim mạch.
- Kiểm soát huyết áp: Duy trì huyết áp ở mức ổn định.
- Bỏ thuốc lá: Tránh hút thuốc và tiếp xúc với khói thuốc.
- Giảm căng thẳng: Hạn chế các tình huống căng thẳng có thể kích hoạt co thắt mạch vành.
Ngoài ra, bạn nên tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ để giảm nguy cơ xảy ra biến chứng và bảo vệ sức khỏe tim mạch.

Phình động mạch xảy ra khi thành động mạch bị yếu đi do một số tác nhân, chẳng hạn như bị tổn thương do tích tụ mảng xơ vữa, dẫn đến hình thành một túi phình bất thường.

Thông liên thất (VSD) là dị tật tim làm xuất hiện một lỗ hở trên vách ngăn giữa hai tâm thất (buồng tim dưới). Những lỗ nhỏ có thể tự đóng lại mà không cần điều trị và không gây ảnh hưởng lâu dài. Nếu lỗ không tự đóng, bác sĩ thường chỉ định phẫu thuật để sửa chữa dị tật.

Đau thắt ngực là một dạng đau ngực, được phân loại thành đau thắt ngực ổn định và đau thắt ngực không ổn định. Đau thắt ngực ổn định có thể dự đoán được, chẳng hạn như thường xuất hiện sau khi tập thể dục gắng sức và sẽ biến mất sau một thời gian ngắn.

Bệnh mạch máu nhỏ, hay bệnh mạch vành nhỏ, là tình trạng thành của các động mạch nhỏ trong tim – những nhánh nhỏ của động mạch vành lớn – bị tổn thương và không thể giãn nở đúng cách.

Động mạch chủ là động mạch lớn nhất trong cơ thể, có nhiệm vụ vận chuyển máu giàu oxy từ tim đến phần còn lại của cơ thể. Hẹp eo động mạch chủ là tình trạng một đoạn động mạch chủ bị hẹp hơn bình thường. Điều này buộc tim phải co bóp mạnh hơn để đẩy máu qua động mạch chủ.