Hẹp eo động mạch chủ: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị
Hẹp eo động mạch chủ thường xảy ra ngay từ khi còn trong bào thai nên đây là một dạng dị tật bẩm sinh. Mặc dù tình trạng này có thể xảy ra ở bất kỳ phần nào của động mạch chủ nhưng vị trí bị hẹp thường ở gần ống động mạch (cấu trúc nối động mạch chủ với động mạch phổi trong thời kỳ bào thai). Hẹp eo động mạch chủ có nhiều triệu chứng từ nhẹ đến nặng khác nhau. Tình trạng này có thể được phát hiện ngay khi còn nhỏ hoặc sau khi trưởng thành, tùy thuộc vào mức độ hẹp eo động mạch chủ.
Hẹp eo động mạch chủ thường đi kèm với các dạng dị tật tim khác. Mặc dù hầu hết những người bị hẹp eo động mạch chủ đều được điều trị thành công nhưng sau đó vẫn phải theo dõi cẩn thận suốt đời.
Triệu chứng hẹp eo động mạch chủ
Các triệu chứng hẹp eo động mạch chủ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng. Phần lớn các trường hợp hẹp eo động mạch chủ đều không có triệu chứng và nhiều người bị hẹp eo động mạch chủ nhẹ đến khi đã trưởng thành mới biết mình bị vấn đề này.
Trẻ sơ sinh bị hẹp eo động mạch chủ nghiêm trọng thường bắt đầu biểu hiện triệu chứng ngay sau khi sinh. Các triệu chứng gồm có:
- Da nhợt nhạt
- Hay quấy khóc
- Đổ mồ hôi nhiều
- Khó thở
- Bú kém
Nhiều người bị hẹp eo động mạch chủ còn có triệu chứng của các dạng dị tật tim khác.
Các dấu hiệu và triệu chứng của hẹp eo động mạch chủ ở trẻ lớn và người trưởng thành:
- Cao huyết áp
- Nhức đầu
- Yếu cơ
- Chuột rút chân
- Bàn chân lạnh
- Chảy máu cam
- Đau ngực
Khi nào cần đi khám?
Đi khám khi nhận thấy bản thân hoặc trẻ có các dấu hiệu sau đây:
- Đau ngực dữ dội
- Ngất xỉu
- Khó thở đột ngột
- Huyết áp tăng cao không rõ nguyên nhân
Mặc dù những dấu hiệu này không phải lúc nào cũng có chỉ ra vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nhưng tốt nhất nên nhanh chóng đi khám. Phát hiện và điều trị bệnh từ sớm sẽ giúp giảm thiếu tối đa tổn hại đến cơ thể.
Nguyên nhân gây hẹp eo động mạch chủ
Các chuyên gia vẫn chưa rõ nguyên nhân nào gây hẹp eo động mạch chủ. Tình trạng này thường xảy ra ngay từ khi còn trong bào thai (bẩm sinh). Dị tật tim bẩm sinh là dạng dị tật bẩm sinh phổ biến nhất.
Tuy nhiên đôi khi, hẹp eo động mạch chủ xảy ra sau khi sinh. Một số nguyên nhân có thể gây hẹp eo động mạch chủ gồm có:
- Chấn thương
- Xơ vữa động mạch
- Viêm động mạch Takayasu
Hẹp eo động mạch chủ thường xảy ra ở sau các mạch máu phân nhánh đến phần trên cơ thể và trước các mạch máu vận chuyển máu cho phần dưới cơ thể. Tình trạng hẹp eo động mạch chủ thường gây chênh lệch huyết áp ở tay và chân (huyết áp cao ở cánh tay trong khi huyết áp ở cẳng chân và mắt cá chân lại thấp).
Do một phần động mạch chủ bị hẹp nên buồng phía dưới bên trái của tim (tâm thất trái) phải làm việc nhiều hơn để bơm máu qua động mạch chủ và huyết áp tăng lên trong tâm thất trái. Điều này khiến cho thành tâm thất trái dần dần dày lên (phì đại thất trái).
Các yếu tố làm tăng nguy cơ hẹp eo động mạch chủ
Hẹp eo động mạch chủ thường đi kèm với các dạng dị tật tim bẩm sinh khác, chẳng hạn như:
- Van động mạch chủ hai lá: Van động mạch chủ là một trong bốn van tim, ngăn cách tâm thất trái với động mạch chủ để giữ cho máu lưu thông đúng hướng. Van động mạch chủ hai lá là một dạng dị tật tim bẩm sinh, trong đó van động mạch chủ chỉ có 2 lá van thay vì 3 lá van như bình thường. Nhiều người bị hẹp eo động mạch chủ còn bị van động mạch chủ hai lá.
- Hẹp dưới van động mạch chủ: Hẹp dưới van động mạch chủ là tình trạng khu vực bên dưới van động mạch chủ bị hẹp, gây cản trở sự lưu thông máu từ tâm thất trái đến động mạch chủ. Ở dạng dị tật tim bẩm sinh này, động mạch chủ thường bị thu hẹp do màng xơ.
- Còn ống động mạch: Ống động mạch là một mạch máu nối động mạch phổi trái của thai nhi với động mạch chủ, giúp vận chuyển máu qua phổi. Một thời gian ngắn sau khi sinh, ống động mạch sẽ đóng lại và nếu vẫn mở thì tình trạng này được gọi là còn ống động mạch.
- Thông liên nhĩ và thông liên thất: Ở một số trẻ, vách ngăn giữa hai buồng trên của tim (tâm nhĩ) hoặc hai buồng dưới (tâm thất) có lỗ hở. Lỗ hở ở vách ngăn giữa hai tâm nhĩ được gọi là thông liên nhĩ và lỗ hở ở vách ngăn giữa hai tâm thất gọi là thông liên thất. Những dạng dị tật tim này làm cho máu giàu oxy từ buồng bên trái của tim trộn lẫn với máu nghèo oxy ở buồng bên phải.
- Hẹp van hai lá bẩm sinh: Van hai lá nằm giữa tâm nhĩ trái và tâm thất trái, có chức năng giữ cho máu chảy theo một chiều từ tâm nhĩ xuống tâm thất, ngăn máu chảy theo hướng ngược lại. Hẹp van hai lá là tình trạng các lá van của van hai lá không thể mở rộng. Kết quả là sự lưu thông máu từ tâm nhĩ xuống tâm thất bị cản trở, dẫn đến tăng áp lực trong tâm nhĩ trái. Máu giàu oxy từ phổi trở về tim qua các tĩnh mạch nối với tâm nhĩ trái. Tăng áp lực trong tâm nhĩ trái có thể dẫn đến tắc nghẽn phổi. Các triệu chứng của chứng hẹp van hai lá bẩm sinh gồm có thở gấp, hụt hơi khi vận động và khó thở khi nằm thẳng.
Hẹp eo động mạch chủ xảy ra phổ biến ở nam giới hơn là nữ giới. Ngoài ra, những người mắc một số bệnh di truyền, chẳng hạn như hội chứng Turner, có nguy cơ bị hẹp eo động mạch chủ cao hơn bình thường.
Biến chứng của hẹp eo động mạch chủ
Nếu không được điều trị, hẹp eo động mạch chủ có thể dẫn đến các biến chứng. Ở trẻ sơ sinh, dạng dị tật bẩm sinh có thể dẫn đến suy tim và tử vong.
Cao huyết áp là biến chứng về lâu dài phổ biến nhất của chứng hẹp eo động mạch chủ. Huyết áp thường giảm sau khi tình trạng được điều trị nhưng có thể sẽ vẫn cao hơn bình thường.
Các biến chứng khác của hẹp eo động mạch chủ còn có:
- Động mạch não bị suy yếu hoặc phình lên (phình động mạch não) hoặc chảy máu trong não (xuất huyết não)
- Vỡ hoặc rách động mạch chủ (lóc tách động mạch chủ)
- Phình động mạch
- Suy tim
- Bệnh mạch vành sớm – tình trạng các mạch máu mang máu đến tim bị thu hẹp
- Đột quỵ
Hẹp eo động mạch chủ nghiêm trọng khiến tim không thể bơm đủ máu đến các cơ quan khác. Điều này gây tổn thương tim và có thể dẫn đến suy thận hoặc suy giảm chức năng của các cơ quan khác.
Các biến chứng cũng có thể xảy ra sau khi điều trị hẹp eo động mạch chủ, chẳng hạn như:
- Tái hẹp eo động mạch chủ (có thể xảy ra sau khi điều trị nhiều năm)
- Cao huyết áp
- Phình hoặc vỡ động mạch chủ
Sau khi điều trị, những người bị hẹp eo động mạch chủ sẽ phải tái khám định kỳ suốt đời để theo dõi tình trạng động mạch chủ và nếu động mạch chủ lại bị hẹp thì sẽ phải tiếp tục điều trị.
Phòng ngừa hẹp eo động mạch chủ
Không có cách nào phòng ngừa được hẹp eo động mạch chủ vì đây là một dạng dị tật bẩm sinh. Tuy nhiên, nếu bố mẹ hoặc bản thân trẻ mắc một bệnh lý làm tăng nguy cơ hẹp eo động mạch chủ, chẳng hạn như hội chứng Turner, van động mạch chủ hai lá hoặc một dạng dị tật tim khác hoặc có tiền sử gia đình mắc bệnh tim bẩm sinh thì nên đi khám để phát hiện sớm hẹp eo động mạch chủ.
Chẩn đoán hẹp eo động mạch chủ
Thời điểm mà chứng hẹp eo động mạch chủ được phát hiện phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng. Hẹp eo động mạch chủ nghiêm trọng thường được phát hiện ngay sau khi sinh hoặc thậm chí là phát hiện trong thai kỳ khi siêu âm thai.
Hẹp eo động mạch chủ nhẹ thường được phát hiện sau khi sinh vài năm hoặc khi đã trưởng thành. Nhiều trẻ lớn và người trưởng thành bị hẹp eo động mạch chủ không có triệu chứng và vấn đề được phát hiện khi khám sức khỏe định kỳ hoặc khám một bệnh lý khác. Những dấu hiệu bất thường chỉ ra chứng hẹp eo động mạch chủ gồm có:
- Huyết áp cao ở cánh tay
- Chênh lệch huyết áp giữa cánh tay và chân (huyết áp cao ở cánh tay và huyết áp thấp ở chân)
- Mạch yếu hoặc chậm ở chân
- Tiếng thổi ở tim (tiếng rít bất thường do máu chảy nhanh hơn qua đọan mạch máu bị thu hẹp)
Bác sĩ sẽ thực hiện các phương pháp dưới đây để xác nhận chẩn đoán hẹp eo động mạch chủ:
- Siêu âm tim: Sử dụng sóng âm để tạo ra hình ảnh động của tim. Hình ảnh hiển thị trên màn hình cho bác sĩ biết về vị trí và mức độ nghiêm trọng của tình trạng hẹp eo động mạch chủ. Hình ảnh siêu âm tim còn giúp phát hiện các dị tật tim khác, chẳng hạn như van động mạch chủ hai lá. Bác sĩ thường thực hiện siêu âm tim để chẩn đoán chứng hẹp eo động mạch chủ và xác định phương pháp điều trị.
- Điện tâm đồ hay đo điện tim (ECG): Một kỹ thuật không xâm lấn ghi lại các tín hiệu điện trong tim. Trong quá trình đo điện tim, các điện cực được đặt trên ngực, tay và chân của bệnh nhân. Các điện cực này được nối với màn hình và ghi lại các tín hiệu điện làm cho tim co bóp. Máy tính ghi lại thông tin thu được và hiển thị dưới dạng sóng trên màn hình hoặc trên giấy. Điện tâm đồ có thể giúp phát hiện phì đại thất trái trong những trường hợp hẹp eo động mạch chủ nghiêm trọng.
- Chụp X-quang lồng ngực: Chụp X-quang lồng ngực tạo ra hình ảnh của tim và phổi. Hình ảnh X-quang giúp phát hiện hẹp eo động mạch chủ và phình động mạch chủ.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): Sử dụng từ trường mạnh và sóng vô tuyến để tạo ra hình ảnh chi tiết của tim và mạch máu. Phương pháp chẩn đoán hình ảnh này cho biết vị trí và mức độ nghiêm trọng của tình trạng hẹp eo động mạch chủ, các tổn thương mạch máu và các dị tật tim khác. Bác sĩ sử dụng kết quả MRI để xác định kế hoạch điều trị.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT): Sử dụng tia X để tạo ra hình ảnh mặt cắt ngang chi tiết của các cấu trúc trong cơ thể.
- Chụp CT mạch máu: Chụp CT mạch máu là một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh sử dụng thuốc cản quang và tia X đặc biệt để cho thấy tình trạng bên trong động mạch vành. Chụp CT mạch máu giúp bác sĩ đánh giá sự lưu thông máu trong tĩnh mạch và động mạch, ngoài ra còn cho biết vị trí và mức độ nghiêm trọng của tình trạng hẹp eo động mạch chủ và kiểm tra xem các mạch máu khác trong cơ thể có bị ảnh hưởng hay không. Chụp CT mạch máu cũng được sử dụng để phát hiện các dạng dị tật tim khác và xác định phương án điều trị.
- Thông tim: Đây là một thủ thuật xâm lấn, trong đó bác sĩ đưa ống thông vào động mạch hoặc tĩnh mạch ở bẹn, cánh tay hoặc cổ của người bệnh và luồn ống thông đến tim dưới hướng dẫn của hình ảnh X-quang. Nếu cần thiết, thuốc cản quang được tiêm qua ống thông để làm cho các mạch máu hiển thị rõ ràng hơn trên hình ảnh X-quang. Thủ thuật thông tim giúp xác định mức độ nghiêm trọng của tình trạng hẹp eo động mạch chủ. Bác sĩ dựa trên kết quả kiểm tra để lên kế hoạch phẫu thuật hoặc các phương pháp điều trị khác. Thủ thuật thông tim cũng được thực hiện để điều trị chứng hẹp eo động mạch chủ.
Điều trị hẹp eo động mạch chủ
Việc điều trị hẹp eo động mạch chủ phụ thuộc vào độ tuổi của bệnh nhân tại thời điểm chẩn đoán và mức độ nghiêm trọng của tình trạng hẹp eo động mạch chủ. Nếu còn có các dị tật tim khác, bác sĩ sẽ tiến hành điều trị đồng thời.
Dùng thuốc
Không có loại thuốc nào có thể điều trị chứng hẹp eo động mạch chủ nhưng bác sĩ sẽ kê một số loại thuốc để kiểm soát huyết áp trước và sau khi đặt stent hoặc làm phẫu thuật. Mặc dù huyết áp thường sẽ tự cải thiện sau khi chứng hẹp eo động mạch chủ được điều trị thành công nhưng nhiều người vẫn phải dùng thuốc hạ huyết áp.
Trẻ sơ sinh bị hẹp eo động mạch chủ nghiêm trọng thường được cho dùng các loại thuốc có tác dụng giữ ống động mạch mở rộng để máu có thể lưu thông bình thường quanh đoạn động mạch bị hẹp cho đến khi tình trạng được khắc phục.
Phẫu thuật
Một số phương pháp phẫu thuật để sửa hẹp eo động mạch chủ gồm có:
- Cắt bỏ và nối động mạch tận – tận: Cắt đi đoạn động mạch chủ bị hẹp và sau đó nối hai đầu động mạch chủ lại với nhau.
- Mở rộng động mạch chủ bằng động mạch dưới đòn: Một đoạn mạch máu dẫn máu đến cánh tay trái (động mạch dưới đòn trái) được sử dụng để mở rộng đoạn động mạch chủ bị thu hẹp.
- Bắc cầu động mạch chủ: Sử dụng một đoạn mạch máu ghép vào gần đoạn động mạch chủ bị hẹp để tạo thành đường dẫn mới cho máu chảy qua.
- Mở rộng động mạch chủ bằng vật liệu tổng hợp: Cắt ngang đoạn động mạch chủ bị hẹp và sau đó sử dụng vật liệu tổng hợp để mở rộng mạch máu. Phương pháp điều trị này phù hợp cho những trường hợp mà động mạch chủ bị hẹp cả một đoạn dài.
Nong mạch bằng bóng và đặt stent
Thủ thuật này có thể được sử dụng làm phương pháp điều trị bước đầu cho chứng hẹp eo động mạch chủ thay vì phẫu thuật hoặc cũng có thể được thực hiện để điều trị tái hẹp sau phẫu thuật.
Trong quá trình nong mạch bằng bóng, bác sĩ đưa ống thông mềm có gắn một quả bóng bơm hơi vào động mạch ở bẹn và luồn ống thông qua các mạch máu đến tim dưới hướng dẫn của hình ảnh X-quang. Khi ống thông đến vị trí động mạch chủ bị hẹp, quả bóng được bơm phồng để mở rộng động mạch chủ và giúp cho máu chảy qua dễ dàng hơn. Sau đó, một ống lưới rỗng (stent) được đặt vào động mạch chủ để giữ cho động mạch chủ không bị tái hẹp.
Thay đổi lối sống
Sau khi điều trị hẹp eo động mạch chủ, người bệnh cần phải tái khám định kỳ để theo dõi tình trạng và phát hiện biến chứng. Khi tái khám, bác sĩ sẽ đo huyết áp và chỉ định điều trị nếu cần thiết.
Dưới đây là một số cách để giảm nguy cơ tái hẹp eo động mạch chủ và biến chứng:
- Tập thể dục thường xuyên: Tập thể dục giúp giảm và ổn định huyết áp. Tuy nhiên, nên trao đổi với bác sĩ về chế độ tập luyện an toàn vì một số bài tập, chẳng hạn như tập tạ, có thể tạm thời làm tăng huyết áp.
- Cân nhắc kỹ trước khi mang thai: Cho dù đã điều trị thành công, những phụ nữ bị hẹp eo động mạch chủ vẫn có nguy cơ bị vỡ động mạch chủ, lóc tách động mạch chủ hoặc các biến chứng khác trong khi mang thai và sinh nở. Nếu có ý định mang thai thì phải nói chuyện với bác sĩ để được tư vấn các biện pháp phòng ngừa biến chứng. Kiểm soát tốt huyết áp trong suốt thai kỳ là điều rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe của mẹ và thai nhi.
- Phòng ngừa viêm nội tâm mạc: Viêm nội tâm mạc là tình trạng viêm xảy ra ở lớp màng bên trong tim hoặc các cấu trúc của tim do nhiễm vi khuẩn. Những người đã từng bị viêm nội tâm mạc hoặc đã phẫu thuật thay van tim nên dùng thuốc kháng sinh trước các thủ thuật nha khoa để ngăn ngừa viêm nội tâm mạc. Tuy nhiên, không được tự ý dùng kháng sinh mà phải dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
Viêm tĩnh mạch huyết khối là tình trạng viêm xảy ra ở tĩnh mạch, thường là tĩnh mạch ở chân do cục máu đông hình thành và làm tắc nghẽn mạch máu. Viêm tĩnh mạch huyết khối có thể xảy ra ở tĩnh mạch gần bề mặt da (viêm tĩnh mạch huyết khối nông) hoặc tĩnh mạch sâu trong cơ (huyết khối tĩnh mạch sâu).
Viêm màng ngoài tim là tình trạng viêm xảy ra ở lớp mô mỏng, có dạng giống như một chiếc túi rỗng bao xung quanh tim. Viêm màng ngoài tim thường gây ra cơn đau nhói ở ngực. Triệu chứng này xảy ra do các lớp màng ngoài tim bị kích thích cọ xát vào nhau.
Bệnh tim mạch ở nam giới có những triệu chứng và dấu hiệu gì khác so với nữ giới?
Viêm động mạch Takayasu (Takayasu's arteritis) là một loại viêm mạch máu hiếm gặp, xảy ra ở động mạch chủ (động mạch lớn mang máu từ tim đến phần còn lại của cơ thể) và các nhánh chính của động mạch chủ.
Thông liên thất là một dạng dị tật tim bẩm sinh phổ biến, trong đó vách ngăn giữa các buồng dưới của tim (tâm thất) có lỗ thông bất thường, khiến cho máu chảy từ tâm thất trái sang tâm thất phải. Sau đó, máu giàu oxy sẽ được bơm trở lại phổi thay vì được vận chyển đi khắp cơ thể, điều này khiến tim phải làm việc nhiều hơn.