Vai trò của vitamin B1 (thiamine) đối với cơ thể
Vitamin B1 là gì?
Vitamin B1 hay thiamin là một chất dinh dưỡng thiết yếu thuộc nhóm vitamin B mà tất cả các mô trong cơ thể đều cần để duy trì hoạt động bình thường. Sở dĩ được đặt tên là vitamin B1 vì đây là vitamin nhóm B đầu tiên được các nhà khoa học phát hiện ra. Giống như các loại vitamin B khác, vitamin B1 là vitamin tan trong nước và cũng giúp cơ thể chuyển hóa thức ăn thành năng lượng. Có thể cung cấp vitamin này cho cơ thể từ thực phẩm, viên uống bổ sung vitamin B1 hoặc vitamin tổng hợp.
Cơ thể cần vitamin B1 để tạo ra adenosine triphosphate (ATP) - phân tử mang năng lượng bên trong tế bào.
Chức năng của vitamin B1
Vitamin B1 đóng một vai trò quan trọng trong việc điều trị nhiều bệnh khác nhau và cả các biến chứng đi kèm, ví dụ như bệnh về não, hệ thần kinh, cơ, tim mạch và dạ dày.
Vitamin B1 được sử dụng để ngăn ngừa và điều trị triệu chứng của các vấn đề do thiếu hụt vitamin B1 như bệnh beriberi, pellagra và bệnh thần kinh ngoại biên.
Một số nghiên cứu cho thấy rằng vitamin B1 giúp làm giảm một số triệu chứng của bệnh tiểu đường, các vấn đề về tim mạch, nghiện rượu, đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp, say tàu xe, hội chứng thất điều tiểu não (một dạng tổn thương não), viêm loét miệng, bệnh thận, hội chứng tiền kinh nguyệt và nhiễm HIV/AIDS.
Vitamin B1 cũng là chất dinh dưỡng cần thiết để tăng cường hệ miễn dịch, cải thiện hiệu suất thể thao và sức mạnh các cơ, ngăn ngừa biến chứng bệnh thận ở bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 và ung thư cổ tử cung.
Vitamin B1 đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát một số rối loạn thần kinh như suy giảm trí nhớ, bệnh Alzheimer, bệnh đa xơ cứng, bệnh liệt mặt (liệt dây thần kinh số 7) và bệnh não Wernicke. Vitamin nhóm B này giúp cải thiện trí nhớ và khả năng tập trung.
Vitamin B1 có tác dụng giảm căng thẳng và tăng cường khả năng chống lại căng thẳng mức độ cao của cơ thể. Loại vitamin này cũng giúp ích cho khả năng học hỏi và hiệu suất làm việc.
Vitamin B1 là chất dinh dưỡng cần thiết cho các chức năng của hệ tim mạch và sự thiếu hụt vitamin này có thể dẫn đến suy tim sung huyết. Các nghiên cứu cho thấy rằng việc ăn đủ thực phẩm giàu vitamin B1 hoặc uống bổ sung vitamin B1 giúp cải thiện đáng kể chức năng tim mạch, đưa huyết áp về mức bình thường và thậm chí ngăn ngừa các bệnh như nhồi máu máu cơ tim và đột quỵ.
Vitamin B1 còn được chứng minh là giúp cải thiện hệ tiêu hóa và điều trị các vấn đề như tiêu chảy, bệnh Crohn và viêm loét đại tràng. Loại vitamin này còn giúp dạ dày tiết axit clohydric –chất hỗ trợ tiêu hóa và tăng cảm giác thèm ăn.
Vitamin B1 có đặc tính chống oxy hóa tự nhiên và do đó có thể bảo vệ cơ thể khỏi tác hại của các gốc tự do. Vitamin B1 mang lại lợi ích làm trẻ hóa làn da và ngăn ngừa các dấu hiệu lão hóa như nếp nhăn, rãnh nhăn, đốm đồi mồi, quầng thâm,...
Cần bao nhiêu vitamin B1 mỗi ngày?
Theo khuyến nghị, nam giới trên 18 tuổi cần 1,2 mg vitamin B1 và nữ giới cần 1,1 mg mỗi ngày. Phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú nên tiêu thụ 1,4 mg vitamin B1 mỗi ngày. (1)
Thực phẩm giàu vitamin B1
Bổ sung đủ vitamin B1 là điều vô cùng cần thiết để cơ thể có thể hoạt động bình thường. Không giống như vitamin A, D, E và K, cơ thể không tự tạo ra vitamin B1 mà phải lấy từ các loại thực phẩm. Có rất nhiều loại thực phẩm tự nhiên giàu vitamin B1 có thể đáp ứng đủ nhu cầu hàng ngày của cơ thể.
Dưới đây là một số loại thực phẩm có chứa vitamin B1:
- Các loại thực phẩm có nguồn gốc từ động vật như thịt lợn, thịt bò, thịt gia cầm, gan và nội tạng, trứng, cá, động vật có vỏ…
- Các loại rau củ như bí, khoai tây, khoai lang, súp lơ, măng tây, cải, nấm, cà chua, xà lách, cà tím…
- Các sản phẩm từ sữa như sữa chua, phô mai cheddar
- Gạo và các loại ngũ cốc khác
- Các loại đậu như đậu cô ve, đậu đen, đậu xanh…
- Các loại hạt như hạt hướng dương, hạt bí, hạt lanh…
- Các loại quả hạch như hạnh nhân, óc chó, hạt dẻ cười, hồ đào, hạt điều,…
Trong quá trình nấu nướng, nhiệt độ cao sẽ làm giảm hàm lượng vitamin B1 trong thực phẩm. Do đó, không nên nấu quá kỹ để giữ lại lượng vitamin tối đa trong món ăn.
Ngoài ra, một số loại thực phẩm và thói quen ăn uống có thể ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ, sử dụng vitamin B1 của cơ thể, ví dụ như:
- Uống nhiều cà phê hoặc trà, bao gồm cả những loại đã khử caffeine
- Nhai trầu
- Thường xuyên ăn cá và các loài động vật có vỏ sống
Điều gì xảy ra khi bị thiếu vitamin B1?
Sự thiếu hụt vitamin B1 có thể ảnh hưởng đến nhiều chức năng khác nhau của cơ thể, gồm có hệ thần kinh, tim mạch và não bộ.
Tuy nhiên, tình trạng thiếu vitamin B1 rất hiếm khi xảy ra ở người khỏe mạnh mà đa phần xảy ra ở những người đang có vấn đề về sức khỏe, ví dụ như nghiện rượu, bệnh Crohn hay chứng chán ăn.
Những người đang phải chạy thận nhân tạo hoặc dùng thuốc lợi tiểu quai cũng có nguy cơ bị thiếu vitamin B1. Thuốc lợi tiểu quai được sử dụng cho những người bị suy tim sung huyết. Loại thuốc này đào thải vitamin B1 ra khỏi cơ thể và gây cản trở các lợi ích mà vitamin nhóm B này mang lại cho cơ thể. Tim cần có vitamin B1 để hoạt động bình thường. Những người dùng digoxin và phenytoin cũng thường dễ bị thiếu vitamin B1.
Thiếu hụt vitamin B1 có thể dẫn đến hai vấn đề sức khỏe lớn là bệnh beriberi và hội chứng Wernicke-Korsakoff. Bệnh beriberi ảnh hưởng đến hô hấp, chuyển động của mắt, chức năng tim và làm giảm sự tỉnh táo. Nguyên nhân là do sự tích tụ axit pyruvic trong máu, điều này xảy ra khi cơ thể không thể chuyển hóa thức ăn thành năng lượng.
Hội chứng Wernicke-Korsakoff thực chất gồm có hai bệnh riêng biệt. Bệnh não Wernicke xảy ra ở hệ thần kinh và gây suy giảm thị lực, thiếu phối hợp giữa các cơ và ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần. Nếu không được điều trị, bệnh Wernicke có thể dẫn đến hội chứng Korsakoff. Hội chứng này làm suy giảm vĩnh viễn chức năng ghi nhớ trong não bộ.
Có thể điều trị cả hai bệnh bằng cách tiêm hoặc uống bổ sung vitamin B1. Điều này có thể giúp cải thiện thị lực và các vấn đề ảnh hưởng đến cơ. Tuy nhiên, vitamin B1 không thể phục hồi được vấn đề về trí nhớ do hội chứng Korsakoff.
Dấu hiệu thiếu vitamin B1
Mặc dù hiếm khi xảy ra nhưng tình trạng thiếu vitamin B1 sẽ gây ra các triệu chứng liên quan đến hệ thần kinh, tim mạch, cơ và hệ tiêu hóa. Sự thiếu hụt chủ yếu xảy ra do mức độ bài tiết vitamin B1 từ cơ thể quá cao hoặc do khả năng hấp thụ vitamin B1 từ thực phẩm kém.
Một số dấu hiệu ban đầu của sự thiếu hụt gồm có sụt cân, lú lẫn, chán ăn, mệt mỏi, chóng mặt, khó ngủ, các vấn đề về tim mạch, yếu cơ, trí nhớ ngắn hạn kém, lo âu, bồn chồn, cảm xúc bất ổn, dễ cáu gắt, đau nhức cơ, buồn nôn, nôn và táo bón,…
Khi tình trạng thiếu vitamin B1 không được khắc phục thì sẽ có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng hơn như bệnh beriberi và một số bất thường liên quan đến não và hệ thần kinh.
Ai có nguy cơ bị thiếu vitamin B1?
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ thiếu vitamin B1:
- Đang dùng các loại thuốc như furosemide, famotidine, fluoroquinolone và metformin
- Chạy thận nhân tạo
- Bị ung thư
- Từng phẫu thuật nối tắt dạ dày hoặc cắt hỗng tràng
- Nghiện rượu
- Uống quá nhiều cà phê hoặc trà hàng ngày
- Chế độ ăn không cân bằng
- Béo phì
- Sử dụng thuốc kháng axit để điều trị chứng ợ nóng hay trào ngược dạ dày
Lợi ích của việc bổ sung vitamin B1
Những người uống nhiều rượu có nguy cơ thiếu hụt vitamin B1 rất cao. Do đó, trong những trường hợp này, việc bổ sung vitamn B1 là điều cần thiết.
Ngoài ra, các nhà khoa học còn nghiên cứu vitamin B1 làm phương pháp ngăn ngừa hoặc điều trị cho các bệnh như:
Bệnh Alzheimer: một số nghiên cứu cho thấy bổ sung vitamin B1 có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer. (2)
Đục thủy tinh thể: theo một nghiên cứu, việc bổ sung vitamin B1 cùng với các loại vitamin khác có thể làm giảm nguy cơ đục thủy tinh thể. (3)
Bệnh thận đái tháo đường: vitamin B1 có thể giúp làm giảm nguy cơ xảy ra biến chứng bệnh thận ở những người mắc bệnh tiểu đường. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Warwick ở Anh quốc đã công bố phát hiện này trên tạp chí Diabetologia. (4)
Khi bị thiếu hụt vitamin B1 thì có thể dùng viên uống bổ sung nhưng nên đi khám trước để xác định chính xác vấn đề và được tư vấn cách bổ sung hiệu quả nhất. Để giữ cho lượng vitamin B trong cơ thể ở mức cân bằng thì nên dùng viên uống vitamin B tổng hợp thay vì bổ sung từng loại vitamin B riêng lẻ.
Tóm tắt bài viết
Tất cả các mô trong cơ thể đều cần vitamin B1 để hoạt động bình thường. Ở hầu hết mọi người, chế độ ăn hàng ngày cung cấp đủ lượng vitamin B1 cần thiết. Một số bệnh lý và chế độ ăn ảnh hưởng đến khả năng sử dụng vitamin B1 của cơ thể. Điều này có thể dẫn đến thiếu hụt. Những trường hợp như vậy thường sẽ cần phải bổ sung để tăng lượng vitamin B1. Nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ sản phẩm bổ sung nào.
Các nghiên cứu đã phát hiện ra tình trạng thiếu hụt vitamin D ở nhiều người bị hội chứng ruột kích thích và việc bổ sung vitamin này có thể làm giảm các triệu chứng bệnh.
Các nghiên cứu đã phát hiện ra mối liên hệ giữa nồng độ vitamin D và mức insulin.
Chúng ta đều biết rằng bôi kem chống nắng là điều cần thiết, đặc biệt là vào mùa hè để bảo vệ da khỏi tác hại của tia UV và ngăn ngừa các vấn đề như cháy nắng, sạm nám và ung thư da. Tuy nhiên, vì cơ thể tổng hợp vitamin D khi da tiếp xúc với nắng nên nếu bôi kem chống nắng thì liệu có bị thiếu hụt vitamin D hay không?
Theo các chuyên gia, vitamin D có thể làm giảm các triệu chứng của bệnh phổi ở những người bị thiếu hụt loại vitamin này.
Một nghiên cứu đã cho thấy rằng nồng độ vitamin D trong máu cao có thể làm giảm nguy cơ ung thư vú.