Uống nhiều rượu có thể gây loãng xương
Loãng xương là tình trạng mật độ xương giảm, khiến xương không còn cứng cáp mà trở nên suy yếu, xốp và dễ gãy. Ước tính có hơn 200 triệu người trên toàn thế giới mắc bệnh loãng xương.
Nghiên cứu cho thấy uống rượu có ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe xương và làm tăng nguy cơ hoặc mức độ nghiêm trọng của bệnh loãng xương.
Sự chắc khỏe của xương được đánh giá qua mật độ khoáng xương. Mật độ khoáng xương sẽ giảm một cách tự nhiên khi có tuổi. Khi cơ thể phân hủy tế bào xương quá nhanh hoặc tạo ra tế bào xương mới quá chậm, mật độ xương sẽ giảm. Khi mật độ xương giảm xuống mức quá thấp thì được coi là loãng xương.
Để tạo ra các tế bào xương khỏe mạnh, cơ thể cần một số chất dinh dưỡng nhất định từ chế độ ăn uống. Các yếu tố về lối sống, bao gồm uống quá nhiều rượu, có thể ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng đó của cơ thể. Đây là lý do tại sao uống nhiều rượu có thể làm tăng nguy cơ mắc chứng loãng xương.
Ảnh hưởng của rượu đến bệnh loãng xương
Những người uống nhiều rượu có nguy cơ bị loãng xương cao hơn.
Vào năm 2022, một phân tích tổng hợp lớn đã tổng hợp 19 nghiên cứu về mối liên hệ giữa uống rượu và bệnh loãng xương với tổng số người tham gia là 287.787 người. Đây là một trong những nghiên cứu có quy mô lớn nhất về chủ đề này. (1)
Phân tích tổng hợp này đã đưa ra một số lý do tại sao uống nhiều rượu lại có liên quan đến sự gia tăng nguy cơ loãng xương như sau:
- Uống quá nhiều rượu gây cản trở sự hấp thụ canxi và vitamin D: Để tạo ra các tế bào xương mới, cơ thể cần canxi. Vitamin D giúp cơ thể hấp thụ canxi. Rượu gây cản trở khả năng xử lý các chất dinh dưỡng này của cơ thể và điều này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe xương.
- Uống nhiều rượu gây thiếu hụt hormone: Cả testosterone và estrogen đều đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe xương. Uống rượu quá nhiều có thể khiến cơ thể giảm sản xuất cả hai loại hormone này và dẫn đến giảm mật độ xương.
Ngoài ra, say rượu sẽ làm tăng nguy cơ té ngã. Loãng xương khiến xương suy yếu và dễ gãy. Chỉ một cú ngã nhẹ cũng có thể gây gãy xương. Điều này đặc biệt có hại đối với người lớn tuổi vì người lớn tuổi vốn đã đi lại không vững và có nguy cơ ngã cao.
Điều đáng ngạc nhiên là, phân tích tổng hợp chỉ ra rằng uống rượu ở mức độ vừa phải có thể cải thiện mật độ xương. Uống nhiều rượu được định nghĩa uống từ 14 đơn vị cồn trở lên mỗi tuần (01 đơn vị cồn tương đương 10 gram cồn nguyên chất).
Lợi ích của uống rượu vừa phải đối với xương
Mặc dù nghiên cứu được đề cập ở trên cho thấy những người uống nhiều rượu có nguy cơ bị loãng xương và gãy xương do loãng xương cao hơn nhưng chính nghiên cứu này cũng lưu ý rằng những người uống rượu ở mức độ vừa phải có mật độ khoáng xương cao hơn so với những người không uống rượu.
Những người uống từ 3 đơn vị cồn trở lên mỗi ngày có nguy cơ bị gãy xương hông cao hơn. Nhưng những người uống từ 2 đơn vị cồn trở xuống mỗi ngày lại có mật độ khoáng xương ở cột sống thắt lưng, xương đùi và cổ cao hơn so với những người hoàn toàn không uống rượu.
Tuy nhiên, các tác giả chưa xác định được lý do dẫn đến điều này và vẫn chưa rõ liệu uống rượu vừa phải có thực sự giúp cải thiện mật độ xương không hay chỉ là do sự trùng hợp. Ví dụ, có thể là do những người mắc các bệnh lý làm tăng nguy cơ loãng xương hạn chế hoặc tránh uống rượu. Trong những trường hợp này, mật độ xương giảm là do bệnh lý chứ không liên quan đến việc không uống rượu.
Một nghiên cứu vào năm 2018 về các yếu tố làm tăng nguy cơ loãng xương cũng đưa ra kết luận tương tự. Trong khi những người uống rượu vừa phải có nguy cơ gãy xương hông thấp hơn thì những người uống nhiều rượu lại có nguy cơ gãy xương hông cao hơn. (2)
Như vậy, bạn không cần phải kiêng rượu hoàn toàn nhưng chỉ nên uống ở mức độ vừa phải, không uống quá nhiều.
Nhưng uống bao nhiêu rượu thì được coi là "quá nhiều"?
Trên thực tế, rất khó định nghĩa thế nào là uống rượu quá nhiều và thế nào là uống vừa phải. Theo phân tích tổng hợp vào năm 2022 nêu trên, nguy cơ gãy xương do loãng xương tăng lên ở những người uống từ 3 đơn vị cồn trở lên mỗi ngày.
Nhìn chung, các hướng dẫn về tiêu thụ rượu đều đưa ra mức giới hạn một đơn vị cồn mỗi ngày đối với phụ nữ và hai đơn vị cồn mỗi ngày đối với nam giới để phòng ngừa bệnh ung thư và bệnh tim mạch. Một đơn vị cồn tương đương 10 gram cồn nguyên chất. Lượng cồn này có trong khoảng 350ml bia, 45ml rượu mạnh hoặc khoảng 150ml rượu vang.
Loãng xương do rượu có thể phục hồi được không?
Một số thay đổi lối sống và thuốc có thể giúp tăng mật độ xương và ngăn ngừa mất xương thêm thêm. Khi đo mật độ xương, nếu kết quả (T-score) trên -2,5 thì có nghĩa là bạn không còn bị loãng xương nữa.
Khi nguyên nhân gây loãng xương là do uống nhiều rượu, cai rượu có thể làm tăng mật độ xương.
Một nghiên cứu vào năm 2012 đã theo dõi mật độ khoáng xương của 53 nam giới trong quá trình cai rượu. Những người này phải làm xét nghiệm máu trước khi bắt đầu cai rượu và xét nghiệm lại một lần nữa sau 8 tuần cai rượu.
Uống nhiều rượu có thể dẫn đến sự mất cân bằng giữa quá trình hình thành và tái hấp thu xương hay nói cách khác, tốc độ mất xương nhanh hơn tốc độ thay mới. Nghiên cứu trên cho thấy việc ngừng uống rượu giúp làm tăng tốc độ hình thành xương, nhờ đó cải thiện sự cân bằng giữa quá trình tái tạo và tái hấp thu xương.
Nếu bạn đang uống nhiều rượu thì hãy cố gắng bỏ hoặc cắt giảm bớt lượng rượu tiêu thụ. Điều này không chỉ tốt cho sức khỏe xương mà còn có lợi cho nhiều cơ quan khác trong cơ thể.
Ngoài giảm uống rượu, các cách khác để kiểm soát bệnh loãng xương còn có:
- Tập thể dục thường xuyên, đặc biệt là các bài tập chịu sức nặng cũng như tập luyện kháng lực và tăng cường sức mạnh để cải thiện mật độ xương và ngăn ngừa mất xương thêm
- Ăn uống đủ chất, nhất là canxi và vitamin D
- Sử dụng thuốc điều trị loãng xương theo chỉ định của bác sĩ
- Bỏ thuốc lá nếu hút, hút thuốc cũng làm giảm mật độ xương
- Thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời (vào khung giờ thích hợp trong ngày) để tăng lượng vitamin D
Khi bị loãng xương, bạn nên thực hiện các biện pháp phòng tránh té ngã dưới đây để giảm nguy cơ gãy xương:
- Tập thể dục để cải thiện khả năng vận động, giữ thăng bằng và sức mạnh
- Sử dụng thiết bị hỗ trợ khi di chuyển như gậy chống, khung tập đi nếu cần
- Đi giày dép có độ bám tốt
- Lắp thanh vịn trong nhà
- Đảm bảo nhà có đủ ánh sang
- Loại bỏ các đồ vật có thể gây té ngã
- Tránh các bài tập hay môn thể thao có nguy cơ té ngã, va đập
- Tránh đi lại trên các bề mặt trơn
Những loại đồ uống có cồn ít gây hại cho xương
Lượng cồn trong mỗi loại đồ uống có cồn là khác nhau nhưng chưa rõ tác động của mỗi loại đến xương có sự khác biệt ra sao.
Một tổng quan vào năm 2015 đã tổng hợp các nghiên cứu về tác động của rượu vang đến sức khỏe xương. Rượu vang có chứa các hợp chất phenolic, phytoestrogen và chất chống oxy hóa, những hợp chất này có thể tốt cho sức khỏe xương. Mặc dù một số nghiên cứu phát hiện ra rằng uống rượu vang ở mức độ ít đến vừa có thể làm giảm tình trạng giảm khối lượng xương nhưng tổng quan lại kết luận rằng chưa có đủ nghiên cứu thực tế về chủ đề này. Cần có thêm các nghiên cứu trên người để xác định lợi ích hoặc tác hại của rượu vang đối với sức khỏe xương.
Bia chứa hàm lượng silicon cao. Theo nghiên cứu được công bố vào năm 2004, những người tiêu thụ nhiều silicon có mật độ khoáng ở xương hông cao hơn.
Nghiên cứu từ năm 2009 cho thấy uống một lượng rượu vang và bia vừa phải có thể làm tăng mật độ khoáng xương.
Tuy nhiên, không có nghiên cứu nào trong số này đưa ra kết luận chính xác. Vì vậy nên chưa rõ liệu uống bia và rượu vang có thực sự tốt cho sức khỏe xương hay không.
Tóm tắt bài viết
Uống nhiều rượu làm giảm khả năng hấp thụ canxi, vitamin D, đồng thời giảm sự sản xuất một số hormone trong cơ thể và những điều này làm tăng nguy cơ loãng xương. Say rượu còn làm tăng nguy cơ té ngã và có thể dẫn đến gãy xương.
Một số nghiên cứu cho thấy uống rượu mức độ vừa phải có thể giúp cải thiện sức khỏe xương nhưng điều này là chưa chắc chắn.
Bên cạnh hạn chế uống rượu, các cách khác để giảm nguy cơ và kiểm soát loãng xương còn có ăn uống đủ chất, tập thể dục thường xuyên và không hút thuốc.
Khi bị gãy xương do loãng xương, giải pháp điều trị thường là phẫu thuật. Vật lý trị liệu, tập thể dục và bổ sung canxi cũng là những điều cần thiết để khôi phục khả năng vận động và giảm nguy cơ gãy xương trong tương lai.
Tập yoga là một cách hiệu quả để kiểm soát các triệu chứng loãng xương. Duy trì thói quen tập yoga đều đặn có thể giúp tăng cường sức mạnh của cơ và xương, giảm nguy cơ té ngã và chấn thương.
Bên cạnh thuốc đường uống, một giải pháp khác để điều trị loãng xương là truyền thuốc qua đường tĩnh mạch. Thuốc thường được truyền mỗi 3 hoặc 12 tháng một lần. Tác dụng phụ thường nhẹ và đa phần chỉ xảy ra sau lần truyền thuốc đầu tiên.
Các bài tập tĩnh là một phần rất cần thiết trong thói quen tập luyện để kiểm soát bệnh loãng xương. Những bài tập này nhắm vào các nhóm cơ cụ thể, tạo ra các cơn co cơ tĩnh mà không làm thay đổi chiều dài của cơ.
Những người có nguy cơ mắc bệnh loãng xương được khuyến nghị đo mật độ xương 2 năm một lần. Phương pháp đo mật độ xương phổ biến nhất là DEXA nhưng ngoài ra còn một lựa chọn khác là QCT.