Triệu chứng phình động mạch chủ ở phụ nữ

Phình động mạch chủ là khi có một vị trí bị phình to lên ở động mạch chủ, mạch máu lớn nhất trong cơ thể. Động mạch chủ kéo dài từ tim xuống đến vùng chậu. Máu được bơm từ tim vào động mạch chủ, sau đó chảy vào các động mạch nhỏ hơn và đến các cơ quan, cơ và mô khắp cơ thể.
Mặc dù nam giới có nguy cơ bị phình động mạch chủ cao hơn phụ nữ nhưng phình động mạch chủ ở phụ nữ lại gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và dẫn đến những có biến chứng nghiêm trọng hơn.
Các triệu chứng mà mỗi người gặp phải khi bị phình động mạch chủ là khác nhau, tùy thuộc vào kích thước và vị trí của túi phình ở động mạch chủ cũng như túi phình có ổn định hoặc bị vỡ hay không.
Vỡ túi phình động mạch chủ là trường hợp cần cấp cứu. Những người bị phình động mạch chủ cần tuân thủ điều trị, tái khám thường xuyên để theo dõi và nắm được các dấu hiệu vỡ túi phình.
Triệu chứng phình động mạch chủ ở phụ nữ
Triệu chứng của phình động mạch chủ tùy thuộc vào vị trí túi phình hình thành trên động mạch chủ. Tuy nhiên, nhiều trường hợp phình động mạch chủ không có bất cứ triệu chứng nào.
Túi phình hình thành ở phần trên của động mạch chủ được gọi là phình động mạch chủ ngực và túi phình hình thành ở phần dưới của động mạch chủ được gọi là phình động mạch chủ bụng.
Phình động mạch chủ bụng có thể gây ra các triệu chứng sau đây:
- Đau bụng dai dẳng
- Đau lưng dai dẳng
- Cảm thấy có mạch đập trong bụng khi ấn nhẹ lên bụng
Nói chung, chỉ khi túi phình có kích thước lớn thì mới xuất hiện triệu chứng. Tuy nhiên, một báo cáo năm 2020 cho thấy phụ nữ có nguy cơ bị vỡ túi phình động mạch chủ bụng cao hơn nam giới ngay cả khi túi phình có kích thước nhỏ.
Vỡ túi phình động mạch chủ bụng thường gây đau đột ngột, dữ dội ở vùng giữa bụng hoặc một bên bụng.
Phình động mạch chủ ngực có thể gây đau ngực hoặc đau lưng. Khi túi phình đè lên thực quản, người bệnh sẽ bị khó nuốt.
Túi phình đè lên khí quản hoặc phổi sẽ gây khó thở. Phình động mạch chủ ngực đôi khi có thể gây khàn giọng.
Vỡ túi phình động mạch chủ ngực gây đau ngực đột ngột và dữ dội, kèm theo tụt huyết áp đột ngột.
Vì phình động mạch chủ thường không có triệu chứng rõ ràng nên tình trạng này hiếm khi được chẩn đoán do người bệnh có triệu chứng mà thường được phát hiện khi khám sức khỏe định kỳ, khám một bệnh lý khác hoặc khi túi phình đã vỡ.
Hãy đi khám ngay nếu bị đau bất thường ở ngực, bụng hoặc lưng.
Các loại phình động mạch chủ
Phình động mạch chủ được phân loại dựa trên vị trí của túi phình trên động mạch chủ.
- Phình động mạch chủ ngực: tình trạng phình xảy ra ở phần động mạch chủ trong ngực. Túi phình có thể hình thành ở gốc động mạch chủ, động mạch chủ lên, quai động mạch chủ và động mạch chủ xuống.
- Phình động mạch chủ bụng: xảy ra ở phần động mạch chủ từ ngực đến vùng chậu. Phình động mạch chủ bụng phổ biến hơn phình động mạch chủ ngực.
- Phình động mạch chủ ngực - bụng: túi phình kéo dài từ động mạch chủ ngực đến động mạch chủ bụng. Loại phình động mạch chủ này rất khó điều trị vì các động mạch phân nhánh từ phần này của động mạch chủ cấp máu nuôi hầu hết các cơ quan nội tạng.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây phình động mạch chủ ở phụ nữ
Hút thuốc là nguyên nhân hàng đầu gây phình động mạch chủ. Theo một nghiên cứu vào năm 2018, hút thuốc làm tăng nguy cơ phình động mạch chủ ở phụ nữ nhiều hơn so với nam giới.
Các nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây phình động mạch chủ khác gồm có:
- Bệnh động mạch vành
- Tiền sử gia đình mắc các bệnh liên quan đến phình động mạch chủ, chẳng hạn như hội chứng Marfan
- Tăng huyết áp
- Bệnh thận
- Béo phì
- Bệnh động mạch ngoại biên
- Chấn thương, chẳng hạn như ngã từ trên cao hoặc tai nạn giao thông gây va đập mạnh ở bụng hoặc ngực
Phình động mạch chủ hình thành như thế nào?
Phình động mạch chủ có thể hình thành từ từ do xơ vữa động mạch (sự tích tụ chất béo trong động mạch khiến động mạch trở nên cứng và hẹp lại) hoặc huyết áp cao. Túi phình cũng có thể hình thành đột ngột. Ví dụ, va đập mạnh ở vùng ngực có thể gây phình động mạch chủ ngực.
Nhiễm trùng máu cũng có thể gây ra các vấn đề ở động mạch, bao gồm cả phình động mạch chủ.
Triệu chứng phình động mạch chủ ở nam giới
Đa số các triệu chứng phình động mạch chủ ở phụ nữ cũng xảy ra ở nam giới nhưng có một số điểm khác biệt.
Ví dụ, vỡ túi phình động mạch chủ bụng có thể gây đau giống như có vật nhọn đâm ở bụng giữa hoặc một bên bụng ở cả nam và nữ. Nhưng ở nam giới, cơn đau có thể lan xuống bìu.
Những bệnh lý có triệu chứng giống với phình động mạch chủ
Phình động mạch chủ đôi khi có triệu chứng nhưng các triệu chứng lại giống với nhiều bệnh lý khác, chẳng hạn như:
- Bệnh động mạch vành
- Trào ngược dạ dày - thực quản
- Suy tim
- Loét dạ dày tá tràng
Một nghiên cứu trường hợp vào năm 2017 cho thấy rằng trên hình ảnh siêu âm tim, phần phình của thoát vị hoành do dạ dày nhô lên đẩy vào cơ hoành cũng có thể bị nhầm với phình động mạch chủ xuống.
Phương pháp chẩn đoán phình động mạch chủ
Các công cụ chẩn đoán chính là khám lâm sàng và các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh.
Bác sĩ sẽ nghe tim. Một số dấu hiệu của phình động mạch chủ là tiếng thổi ở tim, nhịp tim yếu hơn bình thường hoặc các thay đổi bất thường khác về nhịp tim.
Mạch đập bất thường ở tay và chân cũng có thể là dấu hiệu chỉ ra các vấn đề về tuần hoàn, chẳng hạn như phình động mạch chủ. Bác sĩ sẽ ấn nhẹ dọc theo bụng người bệnh để xem có vùng bị phình lên hay không.
Phương pháp chẩn đoán hình ảnh cần thực hiện sẽ tùy thuộc vào loại phình động mạch chủ mà bác sĩ nghi ngờ. Siêu âm có thể phát hiện phình động mạch chủ bụng. Chụp cắt lớp vi tính (CT) và cộng hưởng từ (MRI) giúp xác định vị trí và hình dạng của túi phình.
Siêu âm tim có thể giúp phát hiện phình động mạch chủ ngực, đặc biệt là khi túi phình nằm ở gần tim. Nếu phát hiện túi phình khi siêu âm, người bệnh sẽ phải chụp CT hoặc MRI.
Động mạch chủ bụng có đường kính lớn hơn 3cm (1,18 inch) là dấu hiệu của phình động mạch chủ. Đường kính động mạch chủ để xác định phình động mạch chủ ngực phụ thuộc vào các yếu tố gồm có giới tính, tuổi tác và phần cụ thể của động mạch chủ ngực.
Tóm tắt bài viết
Phình động mạch chủ có thể gây tử vong nếu túi phình bị vỡ.
Mặc dù phụ nữ có nguy cơ bị phình động mạch chủ thấp hơn nam giới và kích thước túi phình thường nhỏ hơn nhưng túi phình lại dễ vỡ hơn và tiên lượng kém hơn. Vì những lý do này nên điều quan trọng là phải kiểm soát các yếu tố nguy cơ, chẳng hạn như hút thuốc và tăng huyết áp, đồng thời theo dõi tình trạng một cách chặt chẽ và hành động nhanh chóng khi xuất hiện các triệu chứng bất thường.

Phình động mạch xảy ra khi thành động mạch bị yếu đi do một số tác nhân, chẳng hạn như bị tổn thương do tích tụ mảng xơ vữa, dẫn đến hình thành một túi phình bất thường.

Động mạch chủ là động mạch lớn nhất trong cơ thể, có nhiệm vụ vận chuyển máu giàu oxy từ tim đến phần còn lại của cơ thể. Hẹp eo động mạch chủ là tình trạng một đoạn động mạch chủ bị hẹp hơn bình thường. Điều này buộc tim phải co bóp mạnh hơn để đẩy máu qua động mạch chủ.

Teo van động mạch phổi là một dạng dị tật bẩm sinh, trong đó van động mạch phổi (van tim nằm giữa tâm thất phải và động mạch phổi) không hình thành mà thay vào đó tim được ngăn cách với động mạch phổi bởi một lớp mô rắn. Teo van động mạch phổi thường được phát hiện ngay sau khi sinh.

Ống động mạch là một phần trong hệ tuần hoàn của thai nhi, có chức năng nối hai mạch máu chính dẫn máu từ tim là động mạch chủ và động mạch phổi trong thời kỳ bào thai và đóng lại trong vòng vài ngày sau khi sinh. Nếu cấu trúc này vẫn mở sau khi sinh thì được gọi là còn ống động mạch.

Bệnh động mạch ngoại biên là một bệnh lý phổ biến trong đó động mạch bị hẹp làm giảm lưu lượng máu đến cánh tay hoặc chân.