Phình động mạch chủ bụng: Triệu chứng và phương pháp điều trị

Phình động mạch chủ bụng không phải lúc nào cũng có triệu chứng nhưng túi phình bị vỡ có thể đe dọa tính mạng. Do đó, tình trạng phình động mạch cần được theo dõi chặt chẽ, ngay cả khi không cần điều trị.
Triệu chứng của phình động mạch chủ bụng
Phình động mạch đa phần không có triệu chứng trừ khi túi phình bị vỡ. Khi túi phình động mạch chủ bụng vỡ, người bệnh sẽ gặp phải các triệu chứng sau đây:
- Đau đột ngột ở bụng hoặc lưng
- Cơn đau lan từ bụng hoặc lưng đến vùng chậu, chân hoặc mông
- Đổ mồ hôi
- Tim đập nhanh
- Sốc hoặc mất ý thức
Hãy gọi cấp cứu hoặc đến ngay bệnh viện khi gặp bất kỳ triệu chứng nào trong số này. Vỡ túi phình động mạch có thể gây tử vong.
Các loại phình động mạch chủ bụng
Phình động mạch chủ bụng được phân loại theo kích thước và tốc độ phát triển của túi phình. Dựa trên hai yếu tố này, bác sĩ có thể dự đoán ảnh hưởng của tình trạng phình động mạch đến sức khỏe của người bệnh.
Túi phình nhỏ (dưới 5,5cm) hoặc túi phình phát triển chậm: nguy cơ vỡ thấp hơn nhiều so với túi phình lớn và túi phình phát triển nhanh. Trong những trường hợp này, theo dõi bằng siêu âm ổ bụng định kỳ sẽ an toàn hơn là điều trị.
Túi phình lớn (trên 5,5cm) hoặc túi phình phát triển nhanh: có nguy cơ vỡ cao hơn so với túi phình nhỏ và túi phình phát triển chậm. Túi phình vỡ có thể dẫn đến chảy máu trong và các biến chứng nghiêm trọng khác. Túi phình càng lớn thì khả năng cần phải điều trị bằng phẫu thuật càng cao. Túi phình lớn và phát triển nhanh cần điều trị nếu có triệu chứng hoặc rò rỉ máu.
Nguyên nhân gây phình động mạch chủ bụng
Nguyên nhân gây phình động mạch chủ bụng hiện vẫn chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, có một số yếu tố đã được chứng minh là làm tăng nguy cơ phình động mạch chủ bụng, đó là:
Hút thuốc
Hút thuốc trực tiếp làm hỏng thành động mạch, khiến cho thành động mạch dễ bị phình lên. Hút thuốc còn làm tăng nguy cơ cao huyết áp.
Tăng huyết áp
Huyết áp là áp lực máu tác động lên thành mạch máu. Theo thời gian, huyết áp cao sẽ làm suy yếu thành động mạch chủ. Điều này làm tăng nguy cơ phình động mạch.
Viêm mạch máu
Tình trạng viêm nghiêm trọng trong động mạch chủ và các động mạch khác đôi khi có thể gây phình động mạch chủ bụng nhưng điều này rất hiếm khi xảy ra.
Phình động mạch có thể xảy ra ở bất kỳ động mạch nào trong cơ thể nhưng phình động mạch chủ bụng đặc biệt nghiêm trọng vì động mạch chủ có kích thước lớn.
Ai có nguy cơ bị phình động mạch chủ bụng?
Các yếu tố làm tăng nguy cơ phình động mạch chủ bụng gồm có:
- Là nam giới
- Bị thừa cân hoặc béo phì
- Trên 60 tuổi
- Có tiền sử gia đình mắc bệnh tim và phình động mạch
- Bị tăng huyết áp, đặc biệt là những người ở độ tuổi từ 35 đến 60
- Cholesterol trong máu cao hoặc bị xơ vữa động mạch
- Lối sống ít vận động
- Từng bị va đập mạnh hoặc các dạng chấn thương khác ở vùng bụng
- Hút thuốc lá
Phương pháp chẩn đoán phình động mạch chủ bụng
Phình động mạch chủ bụng chưa vỡ thường được phát hiện khi siêu âm hoặc kiểm tra ổ bụng vì lý do khác.
Nếu nghi ngờ phình động mạch chủ bụng, bác sĩ sẽ sờ bụng người bệnh để xem có bị cứng hoặc vị trí nghi ngờ có mạch đập hay không. Bác sĩ cũng sẽ kiểm tra lưu thông máu ở chân và/hoặc thực hiện các phương pháp chẩn đoán hình ảnh sau:
- Chụp CT ổ bụng
- Siêu âm ổ bụng
- Chụp X-quang ngực
- Chụp MRI ổ bụng
Phương pháp điều trị phình động mạch chủ bụng
Việc điều trị phình động mạch chủ bụng tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe tổng thể của người bệnh, kích thước, vị trí chính xác, tốc độ phát triển của túi phình và loại phình động mạch.
Các phương pháp điều trị gồm có:
- Phẫu thuật mở: loại bỏ phần động mạch chủ bị phình. Phương pháp phẫu thuật này xâm lấn hơn và có thời gian hồi phục lâu hơn nhưng đây là giải pháp cần thiết trong những trường hợp mà túi phình có kích thước quá lớn hoặc đã bị vỡ.
- Phẫu thuật nội mạch: đây là phương pháp phẫu thuật ít xâm lấn hơn so với phẫu thuật mở. Trong ca phẫu thuật, bác sĩ sẽ đặt stent graft (giá đỡ nội mạch) để hỗ trợ cho thành động mạch chủ bị yếu.
Đối với những trường hợp mà túi phình động mạch chủ bụng có kích thước dưới 5,5cm, bác sĩ có thể đề nghị người bệnh tái khám thường xuyên để theo dõi thay vì phẫu thuật.
Tiên lượng lâu dài
Nếu phải phẫu thuật mở thì có thể sẽ mất tới 6 tuần để hồi phục. Thời gian hồi phục sau phẫu thuật nội mạch chỉ mất khoảng 2 tuần.
Tỷ lệ thành công của ca phẫu thuật và quá trình phục hồi sau phẫu thuật phụ thuộc rất nhiều vào trạng thái của túi phình động mạch tại thời điểm điều trị (túi phình có bị vỡ hay không). Tiên lượng thường khả quan nếu tình trạng phình động mạch chủ bụng được phát hiện và điều trị khi chưa vỡ.
Biến chứng của phình động mạch chủ bụng
Phình động mạch chủ bụng có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng và thậm chí đe dọa tính mạng.
Các biến chứng của phình động mạch chủ bụng gồm có:
- Lóc tách động mạch chủ: rách lớp bên trong của động mạch chủ
- Cục máu đông: cục máu đông có thể hình ảnh trong động mạch chủ, sau đó vỡ ra và gây cản trở dòng máu đến các bộ phận khác của cơ thể
- Vỡ túi phình: có thể dẫn đến chảy máu trong
Hãy gọi cấp cứu hoặc đến bệnh viện ngay lập tức khi có các triệu chứng như tụt huyết áp, khó thở, tim đập nhanh, đột ngột đau dữ dội ở lưng hoặc bụng.
Phòng ngừa phình động mạch chủ bụng
Thực hiện các biện pháp tăng cường sức khỏe tim mạch có thể giảm thiểu nguy cơ phình động mạch chủ bụng, chẳng hạn như ăn uống lành mạnh, tập thể dục đều đặn và tránh các yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch như hút thuốc. Khi bị tăng huyết áp, cholesterol máu cao hoặc bệnh tiểu đường thì cần phải kiểm soát những bệnh lý này.
Những người từ 65 tuổi trở lên có nguy cơ cao bị phình động mạch chủ bụng, ví dụ như người hút thuốc, có thể cần khám sàng lọc. Bác sĩ sẽ tiến hành siêu âm ổ bụng để xem động mạch chủ có bị phình hay không. Siêu âm ổ bụng là một công cụ sàng lọc hoàn toàn không xâm lấn và thời gian thực hiện nhanh chóng.

Trong một số trường hợp, phình động mạch chủ có thể được điều trị bằng các phương pháp không phẫu thuật, chẳng hạn như dùng thuốc và thay đổi lối sống. Mục tiêu điều trị là giảm nguy cơ túi phình động mạch phát triển hoặc vỡ.

Phình động mạch não là tình trạng động mạch trong não bị biến dạng, khiến một vùng trên thành động mạch phồng lên và chứa đầy máu. Tình trạng này còn được gọi là phình động mạch nội sọ hoặc phình động mạch não.

Phình động mạch xảy ra khi thành động mạch bị yếu đi do một số tác nhân, chẳng hạn như bị tổn thương do tích tụ mảng xơ vữa, dẫn đến hình thành một túi phình bất thường.

Động mạch chủ là động mạch lớn nhất trong cơ thể, có nhiệm vụ vận chuyển máu giàu oxy từ tim đến phần còn lại của cơ thể. Hẹp eo động mạch chủ là tình trạng một đoạn động mạch chủ bị hẹp hơn bình thường. Điều này buộc tim phải co bóp mạnh hơn để đẩy máu qua động mạch chủ.

Teo van động mạch phổi là một dạng dị tật bẩm sinh, trong đó van động mạch phổi (van tim nằm giữa tâm thất phải và động mạch phổi) không hình thành mà thay vào đó tim được ngăn cách với động mạch phổi bởi một lớp mô rắn. Teo van động mạch phổi thường được phát hiện ngay sau khi sinh.