Huyết khối động mạch: Triệu chứng và phương pháp điều trị

Cục máu đông có thể hình thành ở bất cứ đâu trong cơ thể, bao gồm cả các động mạch. Huyết khối động mạch thường không biểu hiện triệu chứng cho đến khi dòng máu đến một cơ quan nào đó bị gián đoạn.
Khi huyết khối động mạch làm gián đoạn dòng máu đến một cơ quan quan trọng, tình trạng này có thể gây tử vong.
Huyết khối động mạch là gì?
Huyết khối động mạch có nghĩa là cục máu đông hình thành trong động mạch.
Động mạch là những mạch máu có chức năng đưa máu giàu oxy từ tim đến các bộ phận khác của cơ thể (tĩnh mạch là những mạch máu đưa máu trở về tim). Cục máu đông có thể hình thành ở bất kỳ động mạch và tĩnh mạch nào ở khắp cơ thể.
Huyết khối động mạch là một tình trạng nghiêm trọng, có thể gây tử vong nếu sự lưu thông máu đến các cơ quan như tim, phổi hoặc não bị gián đoạn.
Sự khác biệt giữa huyết khối động mạch và các loại huyết khối khác
Huyết khối (thrombosis) được phân loại dựa trên vị trí mà cục máu đông hình thành, ví dụ như:
- Thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch: cục máu đông nằm trong tĩnh mạch.
- Huyết khối tĩnh mạch sâu: cục máu đông hình thành trong các tĩnh mạch ở sâu trong cơ thể, thường là ở chân.
- Huyết khối xoang hang: cục máu đông nằm trong tĩnh mạch phía sau hốc mắt. Đây là một dạng huyết khối rất hiếm gặp nhưng nghiêm trọng.
- Huyết khối tĩnh mạch thận: cục máu đông nằm trong tĩnh mạch thận chính hoặc các nhánh của tĩnh mạch này.
Một thuật ngữ khác cũng có liên quan đến cục máu đông là thuyên tắc (embolism). Đây là tình trạng cục máu đông hình thành ở một vị trí trong cơ thể, sau đó di chuyển đến một vị trí khác rồi gây tắc nghẽn mạch máu. Ví dụ, thuyên tắc phổi là khi cục máu đông di chuyển đến phổi và làm tắc mạch máu trong phổi.
Triệu chứng của huyết khối động mạch
Huyết khối động mạch thường không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào cho đến khi cục máu đông chặn dòng máu đến một phần của cơ thể.
Điều này gây ra thiếu máu cục bộ và dẫn đến các vấn đề như:
- Nhồi máu cơ tim
- Đột quỵ
- Thiếu máu chi trầm trọng
- Thiếu máu cục bộ đường ruột
Các triệu chứng xảy ra sẽ tùy thuộc vào khu vực bị thiếu máu do cục máu đông nhưng một số triệu chứng thường gặp là:
- Tê ở một phần cơ thể
- Đau đầu
- Đau ngực
- Khó thở
- Khó cử động một chi
- Chóng mặt
- Đau bụng
Nguyên nhân gây huyết khối động mạch
Những người bị huyết khối động mạch thường bị xơ vữa động mạch – tình trạng chất béo tích tụ trên thành động mạch, khiến cho mạch máu bị thu hẹp hoặc tắc nghẽn. Xơ vữa động mạch còn khiến cho thành động mạch cứng lại và những điều này làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh xơ vữa động mạch và huyết khối động mạch gồm:
- Hút thuốc
- Uống quá nhiều rượu
- Béo phì
- Lối sống ít vận động
- Nằm hoặc ngồi một chỗ trong thời gian dài
Tiền sử gia đình bị xơ vữa động mạch và tiền sử cá nhân mắc bệnh tiểu đường, tăng huyết áp hoặc cholesterol trong máu cao cũng làm tăng nguy cơ huyết khối động mạch.
Biến chứng của huyết khối động mạch
Huyết khối động mạch có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như:
Nhồi máu cơ tim, các triệu chứng gồm:
- Đau ngực
- Đau hàm, lưng hoặc cổ
- Khó thở
- Choáng váng
Đột quỵ, các triệu chứng gồm:
- Đau đầu dữ dội
- Tê
- Đi lại khó khăn
- Mất thị lực một phần hoặc toàn bộ ở một mắt
- Nói khó
- Lú lẫn
- Xệ nửa mặt
Phương pháp chẩn đoán huyết khối động mạch
Công cụ chính để chẩn đoán huyết khối động mạch là các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, điện tâm đồ và chụp mạch máu. Những phương pháp này giúp đánh giá sự lưu thông máu qua động mạch và phát hiện sự tắc nghẽn.
Nếu người bệnh có dấu hiệu nhồi máu cơ tim thì sẽ phải làm xét nghiệm máu để tìm troponin – một nhóm protein có trong cơ tim. Khi cơ tim bị tổn thương, troponin được giải phóng vào máu.
Khi người bệnh có dấu hiệu đột quỵ thì cần chụp cộng hưởng từ (MRI) não hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT) não.
Phương pháp điều trị huyết khối động mạch
Các phương pháp điều trị huyết khối động mạch gồm có dùng thuốc và phẫu thuật.
Thông thường, bác sĩ sẽ kê thuốc làm loãng máu để làm tan cục máu đông. Ở giai đoạn điều trị đầu tiên, người bệnh có thể được kê thuốc tiêu sợi huyết. Đây là một nhóm thuốc làm loãng máu mạnh có tác dụng làm tan cục máu đông nhanh chóng nhưng lại có thể gây chảy máu nguy hiểm. Không phải ai cũng dùng được thuốc tiêu sợi huyết, ví dụ những người sắp sinh con và sắp phẫu thuật không nên dùng những loại thuốc này.
Người bệnh có thể cần tiếp tục dùng thuốc sau khi cục máu đông đã tan để ngăn hình thành cục máu đông mới.
Các thủ thuật điều trị huyết khối gồm có:
- Lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học
- Nong động mạch
- Đặt stent
- Bắc cầu động mạch
Trong những trường hợp huyết khối động mạch là do xơ vữa động mạch hoặc huyết khối động mạch gây đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim thì sẽ phải điều trị những tình trạng này.
Điều quan trọng là phải giải quyết nguyên nhân gốc rễ gây cục máu đông, ví dụ như rung nhĩ để ngăn ngừa tình trạng huyết khối động mạch tái phát.
Tiên lượng của người bị huyết khối động mạch
Huyết khối động mạch và huyết khối tĩnh mạch cấp tính là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu.
Tiên lượng khi bị huyết khối động mạch phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng và vị trí của cục máu đông. Huyết khối là một tình trạng nguy hiểm có thể dẫn đến các biến chứng đe dọa tính mạng nhưng phát hiện và điều trị kịp thời có thể cải thiện tiên lượng.
Phòng ngừa huyết khối động mạch
Các cách giảm nguy cơ bị huyết khối động mạch:
- Bỏ thuốc lá
- Ăn uống lành mạnh với các loại thực phẩm tốt cho tim mạch như trái cây, rau củ, ngũ cốc nguyên hạt và protein nạc
- Tập thể dục đều đặn
- Uống rượu bia vừa phải
- Kiểm soát các vấn đề sức khỏe có thể gây huyết khối động mạch, chẳng hạn như bệnh tiểu đường, rung nhĩ, tăng huyết áp và cholesterol cao
Tóm tắt bài viết
Huyết khối động mạch có nghĩa là có cục máu đông hình thành ở một trong các động mạch. Tình trạng này có thể gây tử vong nếu cục máu đông chặn dòng máu đến các cơ quan quan trọng như tim hoặc não. Huyết khối động mạch thường không biểu hiện triệu chứng cho đến khi sự lưu thông máu đến một bộ phận của cơ thể bị gián đoạn. Các phương pháp điều trị huyết khối động mạch là dùng thuốc làm loãng máu và phẫu thuật. Duy trì thói quen tập thể dục đều đặn, ăn uống lành mạnh, không hút thuốc và hạn chế rượu bia là những cách để giảm nguy cơ huyết khối động mạch.

Động mạch chủ là mạch máu lớn nhất trong cơ thể con người. Động mạch này mang máu từ tim lên đầu, sau đó đến cánh tay và xuống bụng, chân và vùng chậu. Thành động mạch chủ có thể trở nên suy yếu và phình lên giống như quả bóng. Tình trạng này được gọi là phình động mạch chủ và nếu xảy ra ở phần động mạch chủ vùng bụng thì được gọi là phình động mạch chủ bụng (abdominal aortic aneurysm).

Viêm tĩnh mạch huyết khối là tình trạng viêm xảy ra ở tĩnh mạch, thường là tĩnh mạch ở chân do cục máu đông hình thành và làm tắc nghẽn mạch máu. Viêm tĩnh mạch huyết khối có thể xảy ra ở tĩnh mạch gần bề mặt da (viêm tĩnh mạch huyết khối nông) hoặc tĩnh mạch sâu trong cơ (huyết khối tĩnh mạch sâu).

Viêm mạch hoại tử (necrotizing vasculitis), tên đầy đủ viêm mạch hoại tử toàn thân (systemic necrotizing vasculitis), là tình trạng thành mạch máu bị viêm. Tình trạng này thường xảy ra ở các mạch máu nhỏ và vừa.

Huyết khối tĩnh mạch cảnh là cục máu đông hình thành ở một trong các tĩnh mạch cảnh trong. Đây là một vấn đề rất hiếm gặp nhưng có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị.

Động mạch chủ là động mạch lớn nhất trong cơ thể, có nhiệm vụ vận chuyển máu giàu oxy từ tim đến phần còn lại của cơ thể. Hẹp eo động mạch chủ là tình trạng một đoạn động mạch chủ bị hẹp hơn bình thường. Điều này buộc tim phải co bóp mạnh hơn để đẩy máu qua động mạch chủ.