Triệu chứng và phương pháp điều trị viêm mạch hoại tử

Mạch máu bị viêm sẽ làm gián đoạn sự lưu thông máu. Khi không được cung cấp đủ máu, mô da và cơ sẽ bị tổn thương và chết, tình trạng này được gọi là hoại tử. Tình trạng viêm còn làm cho thành mạch máu dày lên và hình thành sẹo, đôi khi cũng bị chết.
Tình trạng viêm mạch máu có thể xảy ra ở bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể. Triệu chứng của viêm mạch hoại tử phụ thuộc vào vị trí bị viêm mạch máu và mức độ thiệt hại mà tình trạng viêm mạch máu gây ra.
Nguyên nhân gây viêm mạch hoại tử
Viêm mạch hoại tử là một căn bệnh hiếm gặp, hiện vẫn chưa xác định được nguyên nhân. Tuy nhiên, viêm mạch hoại tử được cho là có liên quan đến bệnh tự miễn. Bệnh tự miễn là những bệnh xảy ra khi hệ miễn dịch tạo ra kháng thể tấn công mô khỏe mạnh của chính cơ thể.
Những người đang mắc bệnh tự miễn, chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp hay lupus ban đỏ hệ thống, có nguy cơ bị viêm mạch hoại tử cao hơn.
Viêm mạch hoại tử cũng có thể là do các bệnh lý khác gây ra như:
- Viêm gan B
- Viêm nút quanh động mạch
- Bệnh Kawasaki hay hội chứng hạch bạch huyết niêm mạc
- Bệnh xơ cứng bì
- Bệnh u hạt kèm viêm đa mạch
Nhiều bệnh lý trong số này ảnh hưởng đến động mạch cũng như các mạch máu khác.
Viêm mạch hoại tử ở trẻ em
Mặc dù rất hiếm nhưng viêm mạch hoại tử có thể xảy ra ở trẻ em. Theo một nghiên cứu năm 2016, những trẻ mắc bệnh Kawasaki có nguy cơ bị viêm mạch hoại tử cao hơn. Tại một số quốc gia, bệnh Kawasaki là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tim mạch ở trẻ em.
Triệu chứng của viêm mạch hoại tử
Vì là tình trạng viêm mạch máu nên các triệu chứng của viêm mạch hoại tử có thể xuất hiện ở nhiều bộ phận khác nhau của cơ thể. Viêm mạch hoại tử không có triệu chứng đặc hiệu.
Các triệu chứng ban đầu của viêm mạch hoại tử mà người bệnh có thể tự nhận thấy gồm:
- Ớn lạnh
- Mệt mỏi
- Sốt
- Sụt cân
Các triệu chứng chỉ có thể phát hiện khi làm xét nghiệm máu gồm số lượng bạch cầu (WBC) cao và số lượng hồng cầu (RBC) thấp.
Khi bệnh viêm mạch hoại tử tiến triển, các triệu chứng sẽ trở nên nghiêm trọng hơn và có thêm nhiều triệu chứng mới. Các triệu chứng mà mỗi người gặp phải là khác nhau vì còn phụ thuộc vào vị trí bị ảnh hưởng trên cơ thể nhưng một số triệu chứng thường gặp là:
- Đau
- Thay đổi màu màu da
- Loét trên da, bộ phận sinh dục hoặc trong miệng
Trong một số trường hợp, các triệu chứng chỉ xuất hiện trên da. Trong những trường hợp nặng, viêm mạch hoại tử gây tổn thương thận hoặc chảy máu ở phổi. Viêm mạch hoại tử ảnh hưởng đến não sẽ gây ra các triệu chứng như khó nuốt, khó nói hoặc đi lại khó khăn.
Phương pháp chẩn đoán viêm mạch hoại tử
Trước tiên, người bệnh sẽ phải làm xét nghiệm máu để tìm kháng thể kháng bào chất bạch cầu trung tính (ANCA). Sự hiện diện của kháng thể này trong máu là dấu hiệu chỉ ra bệnh viêm mạch hoại tử.
Tuy nhiên vẫn cần thực hiện thêm các xét nghiệm khác để xác nhận chẩn đoán, gồm có sinh thiết, chụp X-quang, xét nghiệm viêm gan và xét nghiệm nước tiểu. Chụp X-quang ngực giúp phát hiện các vấn đề về lưu thông máu.
Phương pháp điều trị viêm mạch hoại tử
Mục tiêu điều trị đầu tiên là làm giảm tình trạng viêm mạch máu. Khi tình trạng viêm mạch máu đã được kiểm soát (thuyên giảm), người bệnh sẽ chuyển sang điều trị duy trì.
Phương pháp điều trị đầu tay thường là corticoid, ví dụ như prednisolone và methylprednisolone. Loại thuốc này giúp giảm viêm. Ban đầu, người bệnh sẽ phải dùng corticoid liều cao. Khi tình trạng bệnh giảm nhẹ, bác sĩ sẽ giảm dần liều dùng corticoid.
Nếu có các triệu chứng nghiêm trọng hoặc triệu chứng không cải thiện khi dùng corticoid, người bệnh có thể sẽ phải sử dụng cyclophosphamide. Đây là một loại thuốc hóa trị được dùng để điều trị bệnh ung thư. Cyclophosphamide đã được chứng minh là có hiệu quả điều trị một số loại viêm mạch.
Người bệnh cần tiếp tục dùng những loại thuốc này ngay cả khi các triệu chứng đã biến mất. Người bệnh sẽ phải dùng thuốc trong ít nhất một năm sau khi không còn triệu chứng.
Nếu các phương pháp điều trị thông thường không hiệu quả, bác sĩ sẽ kê thuốc sinh học. Những loại thuốc này nhắm đến các phần cụ thể của hệ miễn dịch. Một ví dụ về thuốc sinh học là rituximab (Rituxan).
Khi bệnh đã thuyên giảm, bác sĩ sẽ giảm dần liều dùng corticoid và cho người bệnh chuyển sang dùng thuốc điều trị duy trì, ví dụ như azathioprine và methotrexate. Cả hai đều là thuốc ức chế miễn dịch.
Những bộ phận cơ thể cần được theo dõi chặt chẽ trong quá trình điều trị viêm mạch hoại tử là hệ thần kinh, tim, phổi và thận.
Nếu có bất kỳ vấn đề nào xảy ra với những cơ quan này thì sẽ cần thêm các phương pháp điều trị khác.
Phòng ngừa viêm mạch hoại tử
Vì đây là một bệnh tự miễn chưa rõ nguyên nhân nên không có cách nào có thể phòng ngừa viêm mạch hoại tử.
Tiên lượng của những người bị viêm mạch hoại tử
Viêm mạch hoại tử là bệnh có thể điều trị được. Tuy nhiên, tất cả những tổn hại do viêm mạch hoại tử gây ra trên cơ thể đều không thể phục hồi.
Tiên lượng của mỗi người mắc bệnh viêm mạch hoại tử là khác nhau vì phụ thuộc vào mức độ tổn thương mô trước khi bệnh được điều trị.
Các biến chứng có thể xảy ra gồm có nhiễm trùng do thuốc điều trị viêm mạch hoại tử làm giảm hoạt động của hệ miễn dịch và nhiễm trùng thứ phát ở mô hoại tử.
Một nghiên cứu chỉ ra rằng những người mắc viêm mạch hoại tử có nguy cơ bị ung thư cao hơn so với người không mắc bệnh này.

Động mạch chủ là mạch máu lớn nhất trong cơ thể con người. Động mạch này mang máu từ tim lên đầu, sau đó đến cánh tay và xuống bụng, chân và vùng chậu. Thành động mạch chủ có thể trở nên suy yếu và phình lên giống như quả bóng. Tình trạng này được gọi là phình động mạch chủ và nếu xảy ra ở phần động mạch chủ vùng bụng thì được gọi là phình động mạch chủ bụng (abdominal aortic aneurysm).

Viêm tĩnh mạch huyết khối là tình trạng viêm xảy ra ở tĩnh mạch, thường là tĩnh mạch ở chân do cục máu đông hình thành và làm tắc nghẽn mạch máu. Viêm tĩnh mạch huyết khối có thể xảy ra ở tĩnh mạch gần bề mặt da (viêm tĩnh mạch huyết khối nông) hoặc tĩnh mạch sâu trong cơ (huyết khối tĩnh mạch sâu).

Bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ (IC) là tình trạng cơ tim bị suy yếu do cơn đau tim hoặc bệnh động mạch vành. Bệnh có thể được điều trị bằng các phương pháp như thay đổi lối sống, dùng thuốc, phẫu thuật hoặc các thủ thuật khác.

Thông liên nhĩ là một dị tật tim bẩm sinh. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), tình trạng này xảy ra ở khoảng 1/1.859 trẻ sơ sinh tại Hoa Kỳ.

Viêm mạch máu là một biến chứng thường gặp của bệnh lupus. Tình trạng này gây ra nhiều triệu chứng khác nhau, từ vấn đề về da cho đến đau đầu, tùy thuộc vào vị trí bị viêm mạch máu. Viêm mạch máu do lupus có thể dẫn đến các vấn đề nguy hiểm như co giật và đột quỵ.