Phân biệt lóc tách động mạch chủ và phình động mạch chủ

Lóc tách động mạch chủ và phình động mạch chủ có nhiều triệu chứng giống nhau, gồm đau ngực hoặc đau lưng trên đột ngột và lan rộng, khó thở và mạch yếu.
Tuy nhiên, đây là hai tình trạng khác nhau.
Dưới đây là những điểm khác biệt chính giữa phình động mạch chủ và lóc tách động mạch chủ, gồm có nguyên nhân, yếu tố nguy cơ và triệu chứng.
Sự khác biệt giữa lóc tách động mạch chủ và phình động mạch chủ
Động mạch chủ là động mạch lớn nhất trong cơ thể. Động mạch này mang máu giàu oxy từ tim đi khắp cơ thể.
Động mạch chủ bắt đầu từ tâm thất trái (buồng dưới bên trái của tim), đi lên một đoạn ngắn sau đó uốn cong, đi xuống ngực và bụng. Động mạch chủ phân nhánh thành các động mạch nhỏ hơn cấp máu cho các cơ quan. Khi tim co bóp, máu được đẩy từ tâm thất trái qua van động mạch chủ vào trong động mạch chủ.
Có hai vấn đề chính có thể xảy ra ở động mạch chủ:
- Phình động mạch chủ: là khi một vùng ở thành động mạch chủ bị suy yếu và phình lên. Thành động mạch ở vị trí này mỏng hơn nên dễ vỡ. Túi phình có thể hình thành ở bất kỳ vị trí nào dọc theo động mạch chủ.
- Lóc tách động mạch chủ: là khi có vết rách ở lớp trong cùng của thành động mạch chủ. Máu chảy vào giữa hai lớp, khiến các lớp tách ra. Mặc dù tình trạng này khá hiếm gặp nhưng lại có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Phình động mạch chủ
Tình trạng phình động mạch có thể xảy ra ở bất kỳ động mạch nào trong cơ thể, bao gồm cả động mạch chủ. Phình động mạch chủ là khi một vị trí trên động mạch chủ bị giãn ra và phình lên giống như một quả bóng.
Phình động mạch chủ đa phần không có triệu chứng. Triệu chứng chỉ xuất hiện khi túi phình bị vỡ.
Khi túi phình hình thành ở phần động mạch chủ đi qua ngực thì được gọi là phình động mạch chủ ngực. Đôi khi, phình động mạch chủ ngực chưa vỡ gây ra các triệu chứng như:
- Đau ngực hoặc lưng trên
- Ho, khàn giọng, khó nuốt
- Hụt hơi
Khi túi phình hình thành ở phần động mạch chủ vùng bụng thì được gọi là phình động mạch chủ bụng. Tuy rằng phình động mạch bụng chưa vỡ thường không có triệu chứng nhưng một số người gặp phải các triệu chứng sau đây:
- Đau ngực
- Đau ở phần dưới cơ thể, gồm có bụng, lưng dưới, bẹn hoặc chân
- Cảm giác mạch đập mạnh ở bụng
Người lớn tuổi, nhất là nam giới, có nguy cơ bị phình động mạch chủ cao hơn. Các yếu tố nguy cơ khác gồm có:
- Tăng huyết áp
- Cholesterol trong máu cao
- Hút thuốc
- Chấn thương nghiêm trọng
- Nhiễm trùng mạch máu
- Một số rối loạn di truyền, chẳng hạn như hội chứng Marfan
Lóc tách động mạch chủ
Lóc tách động mạch chủ xảy ra khi lớp trong cùng của thành động mạch (nội mạc) bị rách. Máu chảy qua vết rách khiến cho lớp trong tách khỏi lớp giữa.
Tình trạng lóc tách có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào dọc theo động mạch chủ nhưng nguy cơ cao nhất là ở phần động mạch chủ đi qua ngực.
Lóc tách động mạch chủ làm giảm lưu lượng máu đến các cơ quan chính và gây ra các triệu chứng nghiêm trọng. Lóc tách động mạch chủ là tình trạng rất nguy hiểm cần điều trị khẩn cấp.
Cơn đau do lóc tách động mạch chủ thường đến đột ngột và dữ dội. Người bệnh có thể cảm thấy như có một thứ gì đó bị rách, cảm giác này lan về phía cổ hoặc lưng. Các triệu chứng khác của lóc tách động mạch chủ còn có:
- Đau bụng
- Khó thở
- Mất ý thức
- Tim đập chậm
- Đau ở một chân
- Các triệu chứng giống như đột quỵ, gồm:
- Lú lẫn
- Nói khó
- Vấn đề về thị lực
- Yếu cơ hoặc liệt một bên người
- Đi lại khó khăn
Giống như phình động mạch chủ, lóc tách động mạch chủ cũng có thể xảy ra do thành động mạch chủ bị suy yếu. Do đó, hai tình trạng có các yếu tố nguy cơ giống nhau.
Phình động mạch chủ có làm tăng nguy cơ lóc tách động mạch chủ không?
Phình động mạch chủ làm tăng nguy cơ lóc tách động mạch chủ.
Khi xảy ra phình động mạch chủ thì có nghĩa là thành động mạch chủ đã bị yếu và giãn ra. Thành động mạch chủ sẽ dễ bị rách hơn và dẫn đến lóc tách động mạch chủ.
Trong nhiều trường hợp, tình trạng phình động mạch chủ được phát hiện khi động mạch chủ đã bị lóc tách.
Phòng ngừa phình động mạch chủ và lóc tách động mạch chủ
Không có cách nào có thể phòng ngừa phình động mạch chủ và lóc tách động mạch chủ một cách tuyệt đối nhưng có thể giảm thiểu nguy cơ bằng cách:
- Khám định kỳ: Những người có các yếu tố nguy cơ phình động mạch chủ nên khám định kỳ để có thể phát hiện sớm vấn đề. Nếu phát hiện phình động mạch chủ thì cần khám thường xuyên hơn để theo dõi hoặc phẫu thuật để ngăn ngừa vỡ túi phình.
- Đi khám khi có triệu chứng: Hãy đi khám ngay khi gặp các triệu chứng như đau ngực hoặc khàn giọng, ngay cả khi chỉ có các triệu chứng nhẹ.
- Bỏ thuốc lá: Hút thuốc lá là một trong những yếu tố chính làm tăng nguy cơ phình động mạch chủ và lóc tách động mạch chủ.
- Kiểm soát huyết áp: Tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ chính gây phình động mạch. Nếu bị tăng huyết áp, hãy đo huyết áp thường xuyên và dùng thuốc điều trị đều đặn để kiểm soát huyết áp ổn định.
- Ăn uống lành mạnh: Giảm lượng muối, chất béo xấu trong chế độ ăn và ăn thực phẩm tốt cho tim mạch như ngũ cốc nguyên cám và rau củ quả có thể làm giảm nguy cơ cholesterol máu cao – một yếu tố nguy cơ gây phình động mạch.
- Tập thể dục thường xuyên: Hoạt động thể chất cũng giúp kiểm soát huyết áp và mức cholesterol.
Tóm tắt bài viết
Phình động mạch chủ và lóc tách động mạch chủ là hai tình trạng khác nhau nhưng có liên quan đến nhau. Phình động mạch chủ là khi thành động mạch chủ bị yếu và phình lên. Lóc tách động mạch chủ xảy ra khi lớp trong cùng của thành động mạch bị rách, khiến máu chảy vào giữa lớp trong và lớp giữa, làm cho các lớp tách ra.
Phình động mạch chủ thường không có triệu chứng nhưng sẽ làm tăng nguy cơ lóc tách động mạch chủ. Lóc tách động mạch chủ là tình trạng rất nguy hiểm, có thể gây tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Phình động mạch não hình túi (berry aneurysm) là dạng phình động mạch não phổ biến nhất, có hình dáng giống như một túi nhỏ hoặc quả mọng nhô ra từ thành động mạch. Phình động mạch bị vỡ sẽ có thể gây xuất huyết não - tình trạng cần được cấp cứu ngay lập tức.

Bạn biết gì về hệ thống động mạch trong cơ thể?

Huyết khối động mạch vành là một nguyên nhân phổ biến gây đột tử do tim, chiếm khoảng 1/3 số ca đột tử do tim ở Hoa Kỳ, tương đương khoảng 200.000 ca tử vong mỗi năm.

Giãn động mạch vành (coronary artery aneurysm – CAA) là một tình trạng hiếm gặp nhưng nghiêm trọng, có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm và thậm chí tử vong nếu không được điều trị.

Bóc tách động mạch vành là một bệnh tim mạch nghiêm trọng cần được cấp cứu khẩn cấp. Tình trạng này xảy ra khi một trong các động mạch trong tim xuất hiện vết rách ở lớp trong (nội mạc)—một trong ba lớp của thành động mạch.