Những điều cần biết về giãn động mạch vành

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến giãn động mạch vành, phương pháp điều trị sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gốc rễ của tình trạng cũng như các yếu tố liên quan.
Bài viết này sẽ cung cấp thông tin chi tiết về bệnh giãn động mạch vành, bao gồm nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị.
Giãn động mạch vành là gì?
Giãn động mạch vành xảy ra khi một đoạn động mạch vành bị giãn rộng hơn bình thường từ 1,5 lần trở lên so với các đoạn động mạch lân cận có kích thước bình thường.
Đây là một tình trạng hiếm gặp, trong đó động mạch vành phải thường bị ảnh hưởng nhiều hơn, chiếm khoảng 40–70% trường hợp.
Nguyên nhân gây giãn động mạch vành
Giãn động mạch vành được phân loại thành ba nhóm chính:
- Do xơ vữa động mạch
- Do viêm
- Không do viêm
Ở trẻ em, nguyên nhân chính gây giãn động mạch vành là bệnh Kawasaki, một bệnh viêm có thể ảnh hưởng đến động mạch vành nếu không được điều trị.
Bệnh Kawasaki là gì?
Bệnh Kawasaki là một bệnh lý ở trẻ em gây viêm mô trong cơ thể. Nếu không được điều trị, bệnh có thể gây viêm động mạch vành và tim.
Bệnh thường làm suy yếu thành động mạch vành, khiến áp lực dòng máu làm cho động mạch phình ra, tạo thành một túi phình giống như bóng nước.
Nếu hình thành cục máu đông trong túi phình, nó có thể gây tắc nghẽn động mạch và dẫn đến nhồi máu cơ tim. Trong một số trường hợp hiếm gặp, túi phình có thể bị vỡ. Ở người lớn, có nhiều nguyên nhân khác gây giãn động mạch vành.
Giống như ở trẻ em, bệnh Kawasaki cũng là một nguyên nhân hàng đầu gây giãn động mạch vành ở người lớn. Bệnh gây viêm mạch máu (viêm mạch), đòi hỏi người bệnh phải được theo dõi tim mạch suốt đời.
Tuy nhiên, nguyên nhân phổ biến nhất vẫn là xơ vữa động mạch, do các yếu tố như:
- Tăng huyết áp
- Cholesterol cao
- Hút thuốc lá
- Tăng triglyceride máu
- Tiểu đường
- Béo phì
Ngoài ra, yếu tố di truyền cũng có thể góp phần gây giãn động mạch vành ở những người có bệnh động mạch vành.
Một số trường hợp giãn động mạch vành cũng liên quan đến can thiệp mạch vành qua da (PCI), đặc biệt là đặt stent. Điều này có thể do ảnh hưởng của thuốc đến động mạch, do kỹ thuật can thiệp hoặc cả hai.
Các bệnh mô liên kết như hội chứng Marfan, hội chứng Ehlers-Danlos và u sợi thần kinh (neurofibromatosis) cũng có thể làm tăng nguy cơ giãn động mạch vành.
Ngoài ra, các nguyên nhân khác gây giãn động mạch vành bao gồm:
- Nhiễm trùng (vi khuẩn, nấm, giang mai, Lyme, HIV)
- Lạm dụng một số chất hoặc thuốc như cocaine, amphetamine hay thuốc ức chế protease
- Nguyên nhân bẩm sinh
- Loạn sản sợi cơ (fibromuscular dysplasia) – một bệnh lý mạch máu không do xơ vữa và không do viêm.
Những trường hợp giãn động mạch vành không do viêm thường liên quan đến nguyên nhân bẩm sinh hoặc bệnh mô liên kết.
Sự khác biệt giữa giãn động mạch vành ở người lớn và trẻ em
Ở người lớn, hơn 90% trường hợp giãn động mạch vành là do xơ vữa động mạch. Trong khi đó, ở trẻ em, bệnh Kawasaki là nguyên nhân chính.
Giãn động mạch vành có thể xuất hiện ở nhiều vị trí trong hệ mạch vành.
Các trường hợp phình động mạch do viêm thường gặp ở người trẻ tuổi, trong khi phình động mạch do xơ vữa phổ biến hơn ở người cao tuổi, thường đi kèm với tăng huyết áp, tăng lipid máu và hút thuốc lá. Những bệnh nhân này thường bị kèm theo bệnh động mạch vành.
Dấu hiệu và triệu chứng
Hầu hết các trường hợp giãn động mạch vành đều không có triệu chứng. Nếu có, triệu chứng có thể khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân gốc rễ gây ra tình trạng. Các triệu chứng thường gặp tương tự như bệnh động mạch vành, bao gồm:
- Đau thắt ngực ổn định (angina pectoris)
- Khó thở
- Phình động mạch chủ bụng
- Tăng huyết áp
Về lâm sàng, các triệu chứng có thể bao gồm:
- Thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim hoặc cả hai
- Đột tử
Điều trị giãn động mạch vành
Việc điều trị và quản lý giãn động mạch vành vẫn gặp nhiều thách thức do nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa được hiểu rõ hoàn toàn.
Hiện không có phương pháp “tối ưu” để điều trị giãn động mạch vành. Bác sĩ sẽ cân nhắc từng trường hợp cụ thể dựa trên vị trí túi phình, triệu chứng lâm sàng và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân.
Các phương pháp điều trị phổ biến bao gồm:
- Điều trị nội khoa
- Phẫu thuật cắt bỏ túi phình
- Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành (CABG)
- Can thiệp động mạch vành qua da (nong mạch và đặt stent)
Điều trị nội khoa
Do xơ vữa động mạch là nguyên nhân phổ biến gây giãn động mạch vành ở người lớn tuổi nên việc kiểm soát các yếu tố nguy cơ là rất quan trọng.
Hiện nay việc sử dụng thuốc chống kết tập tiểu cầu hoặc thuốc chống đông máu trong điều trị giãn động mạch vành vẫn gây tranh cãi vì chưa có bằng chứng rõ ràng về hiệu quả của các loại thuốc này.
Bác sĩ sẽ xem xét hồ sơ bệnh án và các lựa chọn điều trị nội khoa phù hợp đối với từng bệnh nhân.
Phẫu thuật
Phương pháp phẫu thuật phổ biến nhất là mở túi phình, khâu lại mạch máu và bắc cầu động mạch vành nếu cần thiết. Tuy nhiên, do số lượng ca phẫu thuật này ít nên chưa có nhiều nghiên cứu đánh giá về hiệu quả lâu dài của phương pháp này.
Phẫu thuật thường chỉ được thực hiện khi:
- Không thể can thiệp bằng phương pháp ít xâm lấn
- Bệnh nhân bị bệnh động mạch vành tắc nghẽn
- Túi phình quá lớn có nguy cơ vỡ
Can thiệp động mạch vành qua da
Can thiệp động mạch vành qua da (PCI) là phương pháp ít xâm lấn giúp đóng túi phình bằng stent có màng bọc (covered stent).
Stent được đưa vào trong lòng động mạch, giúp máu chảy qua nó thay vì vào túi phình. Nhờ đó, túi phình dần dần co lại và không tiếp tục phát triển hoặc vỡ.
Hiện vẫn cần thêm nghiên cứu về hiệu quả lâu dài của phương pháp này.
Người bị giãn động mạch vành có thể sống bình thường không?
Sau khi điều trị, bệnh nhân vẫn có thể bị giãn động mạch vành trở lại. Có thể dựa vào kích thước túi phình tại thời điểm chẩn đoán để dự báo khả năng hồi phục:
- Túi phình nhỏ có tỷ lệ hồi phục cao
- Túi phình lớn có khả năng hồi phục thấp hơn
Nhìn chung, tiên lượng của người mắc giãn động mạch vành nhỏ khá khả quan với nguy cơ xảy ra biến chứng thấp.
Tuy nhiên, nếu túi phình lớn (đường kính ≥ 8mm), nguy cơ tử vong sẽ cao hơn. Khoảng 50% số trường hợp có thể tiến triển thành tắc nghẽn động mạch, gây nhồi máu cơ tim hoặc tử vong. Giãn động mạch vành thường đi kèm với các yếu tố nguy cơ tim mạch khác, như xơ vữa động mạch, làm tình trạng bệnh trầm trọng thêm.
Trẻ từng bị giãn động mạch vành do bệnh Kawasaki sẽ có nguy cơ gặp phải biến chứng tim mạch suốt đời. Do đó, các em cần được theo dõi tim mạch định kỳ với bác sĩ chuyên khoa để đánh giá nguy cơ bị bệnh tim mạch khi trưởng thành.
Sau khi được chẩn đoán giãn động mạch vành, bệnh nhân có thể cần:
- Hạn chế một số hoạt động thể chất
- Điều chỉnh chế độ ăn uống và duy trì lối sống lành mạnh
- Thường xuyên kiểm tra sức khỏe
Kết luận
Giãn động mạch vành (CAA) là một bệnh lý hiếm gặp nhưng nghiêm trọng, có thể xảy ra ở cả trẻ em và người lớn.
Bệnh thường không có triệu chứng và chỉ được phát hiện qua chẩn đoán hình ảnh tim mạch hoặc khám nghiệm tử thi. Có nhiều phương pháp khác nhau để điều trị giãn động mạch vành. Bác sĩ sẽ xem xét tình trạng cụ thể của bệnh nhân để lựa chọn phương pháp phù hợp nhất.

Phình động mạch chủ bụng có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào bên dưới cơ hoành nhưng vùng bên dưới thận là khu vực có nguy cơ cao nhất. Tình trạng phình động mạch chủ ở khu vực này được gọi là phình động mạch chủ bụng dưới thận.

Phẫu thuật kẹp túi phình động mạch não được thực hiện nhằm ngăn ngừa hoặc điều trị tình trạng túi phình bị vỡ - một tình trạng cấp cứu đe dọa tính mạng.

Co thắt động mạch vành là tình trạng các cơ trong thành động mạch vành đột ngột bị thắt chặt lại, khiến động mạch bị thu hẹp và cản trở dòng máu đến tim. Nhiều trường hợp co thắt động mạch vành không được chẩn đoán vì không gây ra triệu chứng rõ ràng. Điều này có thể nguy hiểm vì tình trạng co thắt kéo dài có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim.

Bệnh mạch máu ảnh hưởng đến động mạch, tĩnh mạch và mao mạch trong toàn bộ cơ thể. Chúng có thể làm gián đoạn lưu thông máu đến các cơ quan và mô, dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng.

Bạn biết gì về hệ thống động mạch trong cơ thể?