Những điều cần biết về phẫu thuật kẹp túi phình động mạch não

Túi phình động mạch não là vùng thành mạch máu bị phình ra trong não. Khi túi phình vỡ, nó có thể gây đột quỵ. Khi thực hiện phẫu thuật kẹp túi phình, bác sĩ sẽ sử dụng một chiếc kẹp kim loại để cô lập túi phình khỏi tuần hoàn não, giúp ngăn ngừa hoặc xử lý tình trạng vỡ túi phình.
Đây là một phẫu thuật can thiệp khá phức tạp nhưng có thể giúp cứu sống được người bệnh. Túi phình bị vỡ có nguy cơ cao dẫn đến tử vong hoặc tàn tật vĩnh viễn.
Dưới đây là thông tin thêm về trường hợp cần thực hiện phẫu thuật kẹp túi phình động mạch não, những rủi ro tiềm ẩn cũng như hiệu quả của phương pháp này.
Mục đích của phẫu thuật kẹp túi phình động mạch não
Phẫu thuật này giúp phòng ngừa hoặc điều trị túi phình bị vỡ. Khi bị vỡ, túi phình có thể gây đột quỵ xuất huyết não do máu rò rỉ tạo áp lực lên tế bào não và gây tổn thương não.
Ước tính có khoảng 3,2% dân số có túi phình động mạch não nhưng phần lớn không có triệu chứng và chỉ một tỷ lệ nhỏ bị vỡ. Theo phân tích năm 2023, tỷ lệ vỡ túi phình hàng năm dao động từ 2% đến 10%.
Túi phình vỡ có thể gây tử vong trong khoảng 20% trường hợp và 30 – 40% số bệnh nhân sống sót có biến chứng nghiêm trọng.
Tác dụng phụ và rủi ro của phẫu thuật kẹp túi phình
Theo một đánh giá nghiên cứu năm 2019 trên 114 nghiên cứu, nguy cơ biến chứng khi điều trị túi phình chưa vỡ là 8,34% còn tỷ lệ tử vong là 0,1%.
Các tác dụng phụ và rủi ro tiềm ẩn bao gồm:
- Nhiễm trùng
- Xuất huyết nghiêm trọng
- Hình thành cục máu đông
- Viêm phổi
- Co giật
- Yếu cơ
- Phù não
- Rò rỉ dịch não tủy
- Phản ứng với thuốc gây mê toàn thân
- Đột quỵ
- Co thắt mạch máu
- Kẹp không đúng vị trí
- Não úng thủy
- Liệt
- Tụ máu dưới màng cứng
Tỷ lệ thành công của phẫu thuật kẹp túi phình
Phẫu thuật kẹp túi phình có thể cứu sống bệnh nhân khi được thực hiện đúng chỉ định.
Một đánh giá nghiên cứu năm 2024 so sánh hiệu quả của phẫu thuật kẹp túi phình và can thiệp nội mạch cho thấy sau trung bình 6,1 năm theo dõi, tỷ lệ túi phình bị vỡ lại là 0,5% đối với nhóm kẹp túi phình và 1,5% đối với nhóm can thiệp nội mạch.
Một số nghiên cứu khác đã ghi nhận tỷ lệ thành công của phương pháp kẹp túi phình là trên 95%.
Quy trình phẫu thuật kẹp túi phình động mạch não
Trước phẫu thuật
- Bệnh nhân nhập viện tại khoa ngoại thần kinh.
- Thay quần áo bệnh viện và ký giấy đồng ý phẫu thuật.
- Bác sĩ sẽ giải thích quy trình và giải đáp các thắc mắc của bệnh nhân.
Trong khi phẫu thuật
- Bệnh nhân được gây mê toàn thân qua đường truyền tĩnh mạch, thường là tĩnh mạch ở cổ tay hoặc cánh tay.
- Nếu cần, một phần tóc có thể được cạo để tiếp cận vùng phẫu thuật.
- Bác sĩ rạch da đầu, mở hộp sọ bằng cách tạo các lỗ nhỏ và loại bỏ một mảnh xương (mảnh xương này sẽ được đặt lại sau khi kết thúc phẫu thuật).
- Sau khi mở màng cứng bảo vệ não, bác sĩ dùng kính hiển vi để xác định vị trí túi phình.
- Kẹp kim loại nhỏ sẽ được đặt lên cổ túi phình để chặn dòng máu đi vào.
- Sau khi kẹp xong, mảnh xương hộp sọ được đặt lại và cố định bằng đinh hoặc tấm kim loại, sau đó vết mổ được khâu và băng lại.
Thời gian phẫu thuật
Phẫu thuật kẹp túi phình là một can thiệp phức tạp, thường kéo dài khoảng 5 giờ.
Sau phẫu thuật
Bệnh nhân sẽ được theo dõi các dấu hiệu sinh tồn và hỗ trợ thở bằng máy, đồng thời cũng có thể được duy trì tình trạng an thần ít nhất trong 1 ngày sau phẫu thuật.
Khi tỉnh lại, bệnh nhân sẽ được truyền dịch qua đường tĩnh mạch, đặt ống thông tiểu và có dẫn lưu vết mổ nếu cần.
Chuẩn bị trước khi phẫu thuật kẹp túi phình
Phẫu thuật được thực hiện sau khi gây mê toàn thân, bệnh nhân sẽ ngủ suốt quá trình diễn ra phẫu thuật. Nếu ca phẫu thuật diễn ra vào buổi sáng, bệnh nhân cần nhịn ăn từ đêm hôm trước và không uống nước trong vài giờ trước phẫu thuật.
Bác sĩ thường khuyến cáo bệnh nhân cần bỏ thuốc lá trước phẫu thuật để giảm nguy cơ biến chứng.
Phục hồi sau phẫu thuật kẹp túi phình động mạch não
Sau phẫu thuật kẹp túi phình, việc nghỉ ngơi đầy đủ là rất quan trọng. Người bệnh cần tránh làm ướt vết mổ trong ít nhất 72 giờ và hạn chế hoạt động gắng sức trong khoảng 4 tuần.
Thời gian phục hồi sau phẫu thuật kẹp túi phình
Thời gian hồi phục có thể khác nhau tùy từng trường hợp:
- Nếu phẫu thuật theo kế hoạch, bệnh nhân thường nằm viện từ 2 đến 5 ngày.
- Nếu phẫu thuật do túi phình vỡ, thời gian nằm viện có thể kéo dài 7 đến 14 ngày.
Quá trình hồi phục kéo dài bao lâu?
Thời gian hồi phục hoàn toàn thường từ 6 đến 8 tuần. Nếu phẫu thuật được thực hiện sau khi túi phình đã vỡ, bệnh nhân có thể cảm thấy mệt mỏi kéo dài đến 6 tháng.
Biến chứng sau phẫu thuật kẹp túi phình
Sau phẫu thuật, một số bệnh nhân có thể bị tổn thương não vĩnh viễn, gây ra các vấn đề:
- Khó vận động
- Co giật
- Gặp vấn đề về cảm giác, ví dụ như mất cảm giác
- Suy giảm khả năng tư duy
Nhức đầu và mệt mỏi là các triệu chứng thường gặp sau phẫu thuật kẹp túi phình. Tuy nhiên, bệnh nhân cần được cấp cứu ngay nếu xuất hiện các dấu hiệu:
- Nôn mửa
- Ngất xỉu
- Đau đầu dữ dội
So sánh giữa phẫu thuật kẹp túi phình và can thiệp nội mạch
Can thiệp nội mạch (đặt coil) là một phương pháp ít xâm lấn hơn so với kẹp túi phình.
Trong phương pháp này, bác sĩ đưa một ống thông mỏng vào mạch máu và dẫn đến túi phình. Một giá đỡ (stent) sẽ được đặt để dòng máu đi qua mà không gây vỡ túi phình.
Câu hỏi thường gặp về phẫu thuật kẹp túi phình
Tỷ lệ sống sót sau phẫu thuật kẹp túi phình chưa vỡ là bao nhiêu?
Nguy cơ tử vong khi phẫu thuật kẹp túi phình chưa vỡ rất thấp, chỉ khoảng 1 trên 1.000 trường hợp.
Tuổi thọ sau phẫu thuật kẹp túi phình là bao nhiêu?
Nếu phẫu thuật thành công, tuổi thọ của bệnh nhân có thể tương đương với người không mắc túi phình động mạch não.
Lưu ý gì sau phẫu thuật kẹp túi phình?
Sau khi hồi phục hoàn toàn, hầu hết bệnh nhân có thể trở lại cuộc sống bình thường với ít hoặc không có biến chứng lâu dài. Nếu có thói quen hút thuốc, bệnh nhân nên bỏ thuốc lá, vì đây là một yếu tố nguy cơ gây hình thành túi phình mới.
Kết luận
Túi phình động mạch não bị vỡ có nguy cơ cao gây tử vong hoặc tàn tật vĩnh viễn.
Tuy nhiên, không phải tất cả trường hợp có túi phình đều cần điều trị. Bác sĩ sẽ giúp bệnh nhân quyết định xem có nên phẫu thuật kẹp túi phình hay lựa chọn phương pháp ít xâm lấn hơn như can thiệp nội mạch (đặt coil).

Trong một số trường hợp, phình động mạch chủ có thể được điều trị bằng các phương pháp không phẫu thuật, chẳng hạn như dùng thuốc và thay đổi lối sống. Mục tiêu điều trị là giảm nguy cơ túi phình động mạch phát triển hoặc vỡ.

Sửa chữa van động mạch chủ không nhất thiết cần phải phẫu thuật. Trong một số trường hợp, có thể sử dụng thủ thuật không phẫu thuật với ống thông và chỉ rạch đường nhỏ.

Các vấn đề về van hai lá có thể được kiểm soát bằng cách dùng thuốc hoặc phẫu thuật sửa chữa van. Đây là những phương pháp ít xâm lấn hơn. Tuy nhiên, nếu tình trạng trở nên nghiêm trọng, van sẽ cần được thay thế hoàn toàn bằng phẫu thuật thay van hai lá.

Huyết khối động mạch vành là một nguyên nhân phổ biến gây đột tử do tim, chiếm khoảng 1/3 số ca đột tử do tim ở Hoa Kỳ, tương đương khoảng 200.000 ca tử vong mỗi năm.

Giãn động mạch vành (coronary artery aneurysm – CAA) là một tình trạng hiếm gặp nhưng nghiêm trọng, có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm và thậm chí tử vong nếu không được điều trị.