Những điều cần biết về phình động mạch chủ bụng dưới thận

Động mạch chủ là động mạch lớn nhất trong cơ thể, chạy dọc theo ngực và bụng, có chức năng mang máu từ tim và phổi đến những nơi khác. Mặc dù động mạch chủ có đường kính lớn và thành dày hơn so với các động mạch khác nhưng vẫn có thể bị suy yếu sau một thời gian dài thực hiện nhiệm vụ vận chuyển máu.
Máu được đẩy qua phần chính của động mạch chủ với lực rất lớn và theo thời gian, thành động mạch chủ có thể bị giãn ra, phình lên hoặc rách. Các chỗ phình do áp lực tăng theo thời gian này được gọi là phình động mạch. Tình trạng mà động mạch chủ có một vùng bị giãn ra và phồng lên được gọi là phình động mạch chủ. Nếu xảy ra ở phía trên cơ hoành thì tình trạng này được gọi là phình động mạch chủ ngực còn nếu xảy ra ở phía dưới cơ hoành thì được gọi là phình động mạch chủ bụng.
Túi phình động mạch chủ có thể hình thành ở bất kỳ vị trí nào ở vùng bụng nhưng thường là ở quanh dạ dày mà đa phần là ngay bên dưới thận. Túi phình động mạch chủ hình thành ở vị trí này được gọi là phình động mạch chủ bụng dưới thận.
Phình động mạch chủ bụng dưới thận có phổ biến không?
Phình động mạch chủ bụng dưới thận là một loại phình động mạch chủ bụng. Trên thực tế, đây là loại phình động mạch chủ bụng phổ biến nhất. Khoảng 60% tổng số ca phình động mạch chủ bụng là phình động mạch chủ bụng dưới thận. Phình động mạch bụng phổ biến hơn phình động mạch chủ ngực (phình động mạch chủ phía trên cơ hoành).
Triệu chứng của phình động mạch chủ bụng dưới thận
Khác với phình động mạch chủ ngực thường gây ra các triệu chứng như đau ngực và khó thở, phình động mạch chủ bụng đa phần không có triệu chứng. Tuy nhiên, khi có thì các triệu chứng thường là:
- Đau ở vùng bên dưới thận
- Đau ở mông, bẹn hoặc chân
Kích thước của túi phình động mạch chủ bụng
Túi phình động mạch chủ bụng có nhiều kích thước. Túi phình có đường kính từ 3 đến 4cm được coi là nhỏ và đường kính trên 5cm được coi là túi phình lớn và cần điều trị.
Bất kể là ở vị trí nào, túi phình động mạch quá lớn có thể bị vỡ. Túi phình có thể làm vỡ hoặc lóc tách động mạch chủ (thành động mạch bị tách thành nhiều lớp). Vỡ túi phình động mạch chủ gây chảy máu trong nghiêm trọng và dẫn đến tử vong, do đó tình trạng này cần được cấp cứu kịp thời.
Nguyên nhân gây phình động mạch chủ bụng dưới thận
Có một số yếu tố làm tăng nguy cơ phình động mạch chủ, nhất là những yếu tố làm tăng áp lực máu chảy qua động mạch.
Tăng huyết áp, cholesterol máu cao, bệnh tim mạch, một số bệnh về mô liên kết, chấn thương và nhiễm trùng đều có thể dẫn đến phình động mạch.
Một nguyên nhân phổ biến gây phình động mạch chủ bụng là xơ vữa động mạch (tích tụ chất béo trong động mạch). Tình trạng này chủ yếu xảy ra ở người lớn tuổi.
Phương pháp điều trị phình động mạch chủ bụng dưới thận
Những trường hợp có túi phình nhỏ (đường kính từ 3cm trở xuống) thường chưa cần điều trị mà chỉ cần tái khám định kỳ vài năm một lần để theo dõi.
Túi phình đường kính từ 4 đến 5cm cần tái khám thường xuyên hơn, thường là hàng năm.
Túi phình động mạch chủ đường kính trên 5cm cần tái khám 6 tháng một lần để kiểm tra sự phát triển của túi phình và các biến chứng. Người bệnh cần dùng thuốc để kiểm soát các bệnh lý góp phần gây phình động mạch, chẳng hạn như tăng huyết áp hay cholesterol trong máu cao.
Túi phình động mạch chủ bụng đường kính từ 5,5cm trở lên thường phải điều trị bằng phẫu thuật. Có hai loại phẫu thuật để điều trị phình động mạch chủ bụng:
- Phẫu thuật mở: Bác sĩ rạch một đường dọc ở giữa bụng của người bệnh để tiếp cận động mạch chủ và động mạch chậu, sau đó kẹp các động mạch này lại và đặt stent graft để củng cố phần động mạch bị yếu.
- Phẫu thuật nội mạch: Sử dụng ống thông để tạo đường dẫn máu mới trong quá trình đặt stent graft, nhờ đó không cần phải kẹp động mạch chủ. Việc giữ nguyên động mạch chủ trong quá trình phẫu thuật giúp làm giảm nguy cơ xảy ra biến chứng như cục máu đông.
Tiên lượng
Phẫu thuật điều trị phình động mạch chủ tiềm ẩn một số rủi ro như nhiễm trùng, chảy máu và hình thành cục máu đông. Tuy nhiên, nếu không điều trị, túi phình động mạch lớn có thể bị vỡ và gây tử vong.
Hầu hết các ca phẫu thuật điều trị phình động mạch đều thành công nhưng đôi khi xảy ra các biến chứng như:
- Stent graft dịch chuyển khỏi vị trí ban đầu
- Rò rỉ xung quanh vị trí đặt stent graft
- Nhiễm trùng
Nếu phẫu thuật mở, người bệnh sẽ ít phải phẫu thuật lại hơn nhưng phẫu thuật nội mạch có ưu điểm là vết mổ mau lành hơn và nguy cơ xảy ra biến chứng sau phẫu thuật thấp hơn.
Tóm tắt bài viết
Phình động mạch chủ là tình trạng thành động mạch chủ suy yếu và phồng lên. Phình động mạch chủ bụng dưới thận là khi túi phình hình thành ở vùng bụng bên dưới thận. Túi phình động mạch chủ bụng có nhiều kích thước khác nhau. Túi phình nhỏ thường chỉ cần theo dõi nhưng túi phình lớn cần điều trị bằng phẫu thuật để ngăn túi phình bị vỡ. Vỡ túi phình động mạch chủ gây chảy máu ồ ạt và có thể dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Giãn động mạch vành (coronary artery aneurysm – CAA) là một tình trạng hiếm gặp nhưng nghiêm trọng, có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm và thậm chí tử vong nếu không được điều trị.

Động mạch chủ là mạch máu lớn nhất trong cơ thể con người. Động mạch này mang máu từ tim lên đầu, sau đó đến cánh tay và xuống bụng, chân và vùng chậu. Thành động mạch chủ có thể trở nên suy yếu và phình lên giống như quả bóng. Tình trạng này được gọi là phình động mạch chủ và nếu xảy ra ở phần động mạch chủ vùng bụng thì được gọi là phình động mạch chủ bụng (abdominal aortic aneurysm).

Các thủ thuật tái thông mạch vành giúp điều trị tình trạng hẹp động mạch, cải thiện lưu lượng máu đến tim. Có hai phương pháp phổ biến là can thiệp động mạch vành qua da và phẫu thuật bắc cầu động mạch vành.

Bệnh mạch máu ảnh hưởng đến động mạch, tĩnh mạch và mao mạch trong toàn bộ cơ thể. Chúng có thể làm gián đoạn lưu thông máu đến các cơ quan và mô, dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng.

Phẫu thuật điều trị phình động mạch chủ nói chung là an toàn nhưng đôi khi có thể xảy ra các biến chứng như cục máu đông, thiếu máu cục bộ và chảy máu. Bác sĩ sẽ trao đổi cụ thể về nguy cơ biến chứng trước khi phẫu thuật.