Phình động mạch chủ lên có tiên lượng ra sao?

Phần động mạch chủ nằm ở vùng ngực được gọi là động mạch chủ ngực (thoracic aorta). Phần nằm ở vùng bụng là động mạch chủ bụng (abdominal aorta).
Phình động mạch là tình trạng thành động mạch bị giãn ra và phồng lên. Điều này xảy ra khi thành động mạch bị suy yếu. Dù xảy ra ở vị trí nào trong cơ thể thì phình động mạch cũng đều nguy hiểm vì túi phình có thể vỡ và gây chảy máu trong ồ ạt nhưng phình động mạch chủ lên đặc biệt nghiêm trọng. Vỡ túi phình động mạch chủ ở vị trí này có thể đe dọa đến tính mạng.
Triệu chứng của phình động mạch chủ lên
Khi chưa vỡ, phình động mạch chủ lên thường không có triệu chứng. Tình trạng này đa phần được tình cờ phát hiện khi chụp X-quang ngực vì lý do khác.
Khi có, các triệu chứng thường là:
- Đau âm ỉ ở ngực hoặc đau khi chạm lên ngực
- Ho hoặc khàn giọng
- Hụt hơi
- Đau ở lưng, hàm hoặc cổ
Khi túi phình động mạch bị vỡ, người bệnh sẽ cảm thấy đau nhói đột ngột ở ngực lan ra sau lưng, giữa hai bả vai.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây phình động mạch chủ lên
Nguyên nhân gây phình động mạch chủ vẫn chưa được xác định nhưng có một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ:
Bệnh tim mạch: Nguyên nhân phổ biến nhất gây phình động mạch chủ là xơ vữa động mạch – tình trạng tích tụ cholesterol và các chất khác trong động mạch. Vấn đề ở van động mạch chủ cũng làm tăng nguy cơ phình động mạch chủ lên. Van động mạch chủ nằm giữa tâm thất trái và động mạch chủ, có nhiệm vụ mở ra để máu chảy từ tâm thất trái vào động mạch chủ trong thì tâm thu và đóng lại để ngăn máu chảy ngược từ động mạch chủ vào tâm thất trái trong thì tâm trương. Hầu hết mọi người đều có van động mạch chủ với ba lá van, các lá van mở và đóng theo mỗi nhịp tim. Những người có van động mạch chủ hai lá có nguy cơ cao bị phình động mạch chủ lên.
Tuổi cao: Phình động mạch chủ lên thường xảy ra ở người trong độ tuổi 60 và 70.
Tiền sử gia đình: Khoảng 20% người bị phình động mạch chủ ngực có tiền sử gia đình bị phình động mạch chủ ngực. Đa số những người này là người trẻ tuổi.
Di truyền: Một số bệnh di truyền có liên quan đến sự gia tăng nguy cơ phình động mạch chủ lên, chẳng hạn như:
- Hội chứng Marfan
- Hội chứng Loeys-Dietz
- Hội chứng Turner
- Hội chứng Ehlers-Danlos
Những hội chứng này được gọi là rối loạn mô liên kết và có thể dẫn đến nhiều biến chứng khác ngoài phình động mạch chủ.
Nhiễm trùng: Một số bệnh nhiễm trùng có thể làm suy yếu thành động mạch, nhất là những bệnh nhiễm trùng xảy ra ở cung động mạch chủ. Ví dụ là bệnh giang mai và nhiễm khuẩn salmonella.
Phương pháp chẩn đoán phình động mạch chủ lên
Phình động mạch chủ lên thường được phát hiện trong quá trình khám sức khỏe định kỳ hoặc khi khám một bệnh lý khác. Ví dụ, chụp X-quang ngực có thể phát hiện túi phình ở động mạch chủ ngực. Các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh khác có thể phát hiện phình động mạch chủ còn có:
- Siêu âm tim: sử dụng sóng âm để tạo ra hình ảnh của tim. Siêu âm tìm còn cho thấy những thay đổi ở động mạch chủ.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT): tạo ra hình ảnh của tim hoặc các cơ quan nội tạng khác theo lát cắt ngang. Đôi khi, thuốc cản quang được tiêm vào mạch máu trước khi chụp CT để kiểm tra các vấn đề về lưu thông máu.
- Chụp mạch cộng hưởng từ (MRA): là một loại chụp cộng hưởng từ (MRI), sử dụng từ trường mạnh và sóng vô tuyến để tạo ra hình ảnh của mạch máu. Thuốc cản quang được tiêm vào mạch máu để làm cho các mạch máu hiển thị rõ hơn trên ảnh chụp.
Khi phát hiện phình động mạch, việc điều trị sẽ phụ thuộc vào kích thước và tốc độ phát triển của túi phình. Người bệnh sẽ phải phẫu thuật nếu túi phình có đường kính 5cm trở lên.
Phương pháp điều trị phình động mạch chủ lên
Nếu túi phình động mạch có kích thước nhỏ dưới 5cm thì có thể chỉ cần theo dõi mà không cần phẫu thuật. Tuy nhiên, nếu túi phình tăng kích thước trên 0,5cm mỗi năm thì sẽ phải phẫu thuật. Nếu túi phình có kích thước nhỏ nhưng lại gây ra triệu chứng thì cũng cần điều trị.
Ở những người mắc hội chứng Marfan và người sắp phẫu thuật van động mạch chủ, phình động mạch chủ lên cần điều trị khi đạt đến kích thước 4,5cm.
Các phương pháp điều trị phình động mạch chủ lên gồm có:
Giám sát tích cực
Những trường hợp túi phình động mạch chủ có kích thước nhỏ có thể chỉ cần theo dõi. Người bệnh sẽ được kê thuốc điều trị tăng huyết áp và hạ cholesterol.
Các nhóm thuốc điều trị tăng huyết áp gồm có thuốc chẹn beta (còn làm giảm nhịp tim) và thuốc ức chế thụ thể angiotensin (ARB). Những người mắc hội chứng Marfan cũng cần dùng ARB, bất kể có bị tăng huyết áp hay không.
Statin là nhóm thuốc chính được dùng để giảm nồng độ LDL cholesterol (cholesterol xấu).
Phẫu thuật mở
Bác sĩ mở ngực của người bệnh và thay phần bị phình của động mạch chủ bằng một ống tổng hợp gọi là stent graft (giá đỡ nội mạch). Nếu cần thiết, van động mạch chủ cũng được thay bằng van tổng hợp.
Phẫu thuật nội mạch
Phần động mạch chủ bị phình vẫn được giữ nguyên. Bác sĩ đưa một ống thông nhỏ, mềm dẻo vào động mạch ở chân người bệnh và luồn ống thông lên động mạch chủ, sau đó đặt stent graft quanh phần bị phình để củng cố khu vực này.
Phẫu thuật khẩn cấp
Phẫu thuật khẩn cấp được thực hiện trong trường hợp túi phình động mạch chủ bị vỡ. Nếu không cấp cứu kịp thời, người bệnh sẽ tử vong do mất máu. Ngay cả khi đã phẫu thuật thì vẫn có nguy cơ cao xảy ra biến chứng sau khi túi phình động mạch chủ bị vỡ.
Thời gian hồi phục sau phẫu thuật mở để điều trị phình động mạch có thể mất khoảng một tháng hoặc lâu hơn. Tốc độ hồi phục phụ thuộc vào tuổi tác và tình trạng sức khỏe tổng thể của người bệnh. Phẫu thuật nội mạch ít xâm lấn hơn phẫu thuật mở, do đó thời gian hồi phục sẽ nhanh hơn. Người bệnh sẽ phải tái khám sau phẫu thuật để kiểm tra các biến chứng như rò rỉ ở vị trí đặt stent graft.
Tiên lượng
Người bị phình động mạch cần tuân thủ điều trị và tái khám đầy đủ. Túi phình động mạch có thể tăng kích thước mà không biểu hiện triệu chứng, do đó không được chủ quan. Những trường hợp vỡ túi phình động mạch đa phần đều không có dấu hiệu cảnh báo trước. Nếu không được cấp cứu kịp thời, vỡ túi phình động mạch có thể gây tử vong.
Nếu bác sĩ khuyên phẫu thuật thì đừng nên trì hoãn. Nói chung, người bị phình động mạch chủ lên đa phần có tiên lượng tốt nếu được điều trị trước khi túi phình bị vỡ. Phẫu thuật điều trị phình động mạch có tỷ lệ tử vong thấp (5%).

Bệnh mạch vành ba nhánh là một dạng bệnh mạch vành nghiêm trọng, làm tăng nguy cơ xảy ra biến chứng như nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Phương pháp điều trị bao gồm phẫu thuật, dùng thuốc và thay đổi lối sống.

Động mạch chủ là mạch máu lớn nhất trong cơ thể con người. Động mạch này mang máu từ tim lên đầu, sau đó đến cánh tay và xuống bụng, chân và vùng chậu. Thành động mạch chủ có thể trở nên suy yếu và phình lên giống như quả bóng. Tình trạng này được gọi là phình động mạch chủ và nếu xảy ra ở phần động mạch chủ vùng bụng thì được gọi là phình động mạch chủ bụng (abdominal aortic aneurysm).

Phẫu thuật điều trị phình động mạch chủ nói chung là an toàn nhưng đôi khi có thể xảy ra các biến chứng như cục máu đông, thiếu máu cục bộ và chảy máu. Bác sĩ sẽ trao đổi cụ thể về nguy cơ biến chứng trước khi phẫu thuật.

Phình động mạch chủ bụng có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào bên dưới cơ hoành nhưng vùng bên dưới thận là khu vực có nguy cơ cao nhất. Tình trạng phình động mạch chủ ở khu vực này được gọi là phình động mạch chủ bụng dưới thận.

Trong một số trường hợp, phình động mạch chủ có thể được điều trị bằng các phương pháp không phẫu thuật, chẳng hạn như dùng thuốc và thay đổi lối sống. Mục tiêu điều trị là giảm nguy cơ túi phình động mạch phát triển hoặc vỡ.